28 mars 2020

Kiên Giang, Long An kiến nghị xem xét lại việc tạm dừng xuất khẩu gạo


TTO - Nếu tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, giá thấp người dân sẽ không xuống giống vụ thu đông nữa. Các tỉnh kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét lại vấn đề này.
Lúa ở ĐBSCL đang thu hoạch rộ cần đầu ra để tiêu thụ hết sản lượng cho bà con nông dân - Ảnh: TRẦN MẠNH

Ông Mai Anh Nhịn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - nói như vậy tại hội nghị trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về sơ kết vụ đông xuân, triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông 2020 tại các tỉnh Nam Bộ ngày 27-3.


Ông Nhịn cho biết dù vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó, nông dân đã có một vụ đông xuân được mùa được giá.

Hiện tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch được 93% diện tích, năng suất bình quân 7,24 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 1,924 triệu tấn, tăng 0,3 tấn/ha về năng suất và 104.712 tấn về sản lượng so với vụ đông xuân 2018 - 2019.

Kế hoạch vụ hè thu, tỉnh Kiên Giang dự kiến xuống giống 284.000 ha, hiện đã gieo được 58.000 ha, vụ thu đông dự kiến xuống giống 72.000 ha.

Theo ông Nhịn, sau khi Thủ tướng có quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo, tỉnh đã trao đổi với doanh nghiệp, hiện giá lúa trong dân đã giảm hơn trước 300 - 500 đồng/kg, nếu tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, giá thấp người dân sẽ không xuống giống vụ thu đông nữa.

Để khuyến khích nông dân tiếp tục xuống giống lúa trong các vụ tiếp theo, Kiên Giang kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét lại vấn đề tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết dù hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vụ đông xuân 2015 - 2016 nhưng vụ đông xuân của tỉnh Long An vẫn đạt được nhiều thắng lợi, năng suất lúa khá cao, 60,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ đông xuân 2018 - 2019. Đặc biệt, giá lúa ổn định, giúp nông dân có lãi trên 30%.

Vụ hè thu, tỉnh Long An dự kiến xuống giống 217.640 ha, hiện đã xuống giống 34.000 ha vùng Đồng Tháp Mười.

Theo ông Truyền, một vấn đề đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng là chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo của Chính phủ. Qua làm việc với các doanh nghiệp, Sở được biết tồn kho của các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 300.000 tấn, có 24 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.

Do đó, ông Truyền kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu, xin ý kiến Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại với những hợp đồng ký trước 24-3, bởi các doanh nghiệp của Long An chủ yếu xuất khẩu nếp sang Trung Quốc, nếu dừng lại sẽ thiệt hại lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị trực tuyến về sơ kết vụ đông xuân, triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông 2020 tại các tỉnh Nam Bộ ngày 27-3 - Ảnh: Bộ NN&PTNT
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, vụ đông xuân năm 2020 đến thời điểm này tại các tỉnh ĐBSCL đã cơ bản giành thắng lợi quan trọng, vượt qua ảnh hưởng của tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp cực đoan. 

Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ đông xuân 2019 - 2020 đạt hơn 1,6 triệu ha; năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn. 

Trước dự báo diễn biến hạn mặn tại các tỉnh ĐBSCL sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới và có nguy cơ ảnh hưởng bất lợi tới vụ hè thu, Bộ NN&PTNT chủ trương trong vụ hè thu 2020, cần phải điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa một cách linh hoạt nhằm đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng, đảm bảo mục tiêu về tổng sản lượng lương thực cho cả năm, đồng thời tranh thủ được cơ hội xuất khẩu khi có điều kiện thuận lợi. Nhất là cần đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.
27/03/2020 17:43 GMT+7

CHÍ TUỆ