20/03/2020 Thanh Niên
Thông tin hai thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập khẩu hàng dệt may từ
Việt Nam trong 3 - 4 tuần khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng.
Việc thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt
may từ Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp khó tiếp tục chồng khó
Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: Hồng Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng |
Thông tin từ Hiệp hội Thêu đan TP.HCM, thị trường
xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ vừa có thông báo ngưng nhập
hàng may mặc từ Việt Nam trong 3 tuần tới. Trước đó, các nhà nhập khẩu từ EU
cũng thông báo ngưng nhập hàng dệt may trong vòng 1 tháng.
Khó chồng khó
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH
Việt Thắng Jean (VITAJEAN), xác nhận doanh nghiệp (DN) của ông đã nhận thông
báo ngưng xuất hàng sang các nước EU từ ngày 13.3 và ngưng xuất sang Mỹ từ ngày
18.3.
Thách thức lớn nhất của DN may xuất khẩu lúc
này là đã nhập được nguyên phụ liệu nhưng không sản xuất được. Thứ hai là
nguyên liệu vải nhập để làm các đơn hàng OEM/FOB đã trả số tiền rất lớn, vốn
“chôn” vào đó không biết khi nào mới lấy ra được
Ông Phạm Xuân Hồng,
Chủ tịch Hiệp hội Thêu đan TP.HCM
“Thông báo họ nói vậy nhưng tôi dự đoán phải
ngưng ít nhất 2 tháng. Vì bây giờ chưa là đỉnh điểm của dịch Covid-19. Tại châu Âu bệnh lại
lan truyền quá nhanh khiến nhiều ngành, trong đó có thương mại dịch vụ tê liệt,
không ai mua bán, ngoài việc tranh nhau trữ hàng thực phẩm. Chờ đến khi châu Âu kiểm soát được dịch
này, mọi cái tạm ổn, ngành bán lẻ khởi động lại, lúc đó mới mở lại kho nhập
hàng hóa vào”.
Hiện hàng thời trang của VITAJEAN xuất khẩu đi
Mỹ chiếm 30 - 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty, thị trường EU chiếm
20%, Nhật và Hàn Quốc
chiếm 40%...
Trong đó, Hàn Quốc, Mỹ và EU đến nay đã đóng cửa,
riêng thị trường Nhật vẫn còn nhập lai rai nhưng lượng đơn hàng bị bỏ chiếm
50%.
“Hàn Quốc không ra thông báo công khai đóng cửa
thị trường, nhưng cả 3 tuần nay họ ngưng nhập hàng, chỉ nói có gì mới sẽ thông
tin lại. Hàng chúng tôi làm là hàng thời trang bán theo mùa. Vải nhập luôn chuẩn
bị trước 6 tháng, các đối tác ngưng nhập hàng đồng nghĩa toàn bộ kho vải chuẩn
bị may bán cho mùa hè năm nay phải chuyển sang năm sau. Khi đó đã lỗi thời hết
rồi, 40% số vải phải bỏ hoặc bán cân ký”, ông Phạm Văn Việt cho biết và thông
tin thêm, cửa hàng của công ty đã đóng cửa tại Hàn Quốc hơn 3 tuần trước, đóng
cửa tại Tây Ban Nha, Ý và Đức hơn 1 tuần nay.
Tương tự, bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập
đoàn Dacotex, cho biết nhiều DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì gần 2 tháng nay,
các đơn hàng đã ký hợp đồng bị đối tác EU bỏ nhiều quá.
“Họ nói giữ hàng đó để xuất cho năm sau do dịch
bệnh khó khăn. Thông tin này gây hụt hẫng vô cùng. Chúng tôi chỉ mới “mon men”
khởi động lại do nguyên liệu vải vừa về…”, bà Cecile Phạm chia sẻ.
Ngày 18.3, lô vải mới nhập khẩu của Dacotex về
Việt Nam, chuẩn bị cắt may xuất đi Đan Mạch cuối tháng này. Tuần trước, công ty
đã xuất khẩu được một đơn hàng áo jacket sang Pháp và dự tính sang tuần sẽ triển
khai mạnh lô hàng mới. “Đến bây giờ, hơn 700 công nhân tại 3 nhà xưởng của tập
đoàn vẫn chưa cho nghỉ một người nào. Tuần này đã có thông báo quay trở lại làm
việc cho các đơn hàng xuất đi EU kế tiếp, nhưng nay chịu rồi”, bà Cecile Phạm
nói.
Một DN sản xuất hàng thời trang tại Q.Gò Vấp,
TP.HCM nói: “Từ sau tết, không nhập được vải để làm đơn hàng xuất đi Đức. Chúng
tôi “bắt mối” với Hội Dệt may Thái Lan, tìm đúng nguồn vải, chuyển mẫu qua đối
tác duyệt, ký hợp đồng số lượng lớn.
Cả tuần nay chúng tôi lên “dây cót” tinh thần
công nhân, làm cật lực để hy vọng đưa hàng lên tàu sớm vì lo ngại trục trặc
hãng tàu mùa dịch. Thế nhưng ngày 17.3, chúng tôi nhận được email báo tạm hoãn
đơn hàng… Tình hình này đã khó càng thêm khó”.
Tìm được nguyên liệu lại mất thị trường
Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn
và quan trọng của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỉ USD, tăng 8,4% so với
năm 2018 và chiếm 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. 2 tháng đầu năm
nay rơi vào dịch Covid-19, nhưng dệt may vẫn là một trong 3 nhóm hàng xuất
khẩu đạt mốc tỉ USD sang Mỹ, đạt gần 2,25 tỉ USD. Với thị trường EU, năm 2019,
khối này nhập khẩu 4,3 tỉ USD hàng dệt may từ Việt Nam, tăng 4% so với năm trước.
Thị trường EU được kỳ vọng sẽ tăng mạnh sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu đan
TP.HCM, xác nhận việc các đối tác từ nước ngoài thông báo tạm ngừng nhập hàng
là có thật do các nước này đang tạm đóng cửa. Không chỉ hàng may mặc mà nội thất
cũng tạm ngưng.
Do phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ và EU nên vấn
đề này khiến DN dệt may lo lắng. “Sáng 19.3, có DN phản ánh với tôi khách hàng ở
nước ngoài gửi email viết: “Nếu hàng chưa cắt thì ngưng, nếu cắt rồi để đó
không may, nếu may rồi xin giữ tại kho vì không thể nhận hàng lúc này được”,
ông Hồng kể và nhận định: “Thách thức lớn nhất của DN may xuất khẩu lúc này là
đã nhập được nguyên phụ liệu nhưng không sản xuất được. Thứ hai là nguyên liệu
vải nhập để làm các đơn hàng OEM/FOB đã trả số tiền rất lớn, vốn “chôn” vào đó
không biết khi nào mới lấy ra được. Trong khi lãi vay ngân hàng và tiền lương
công nhân phải trả. Bộ Công thương, Bộ Tài chính cần rốt ráo
chung tay giúp DN giảm lãi vay, cho vay lãi suất thấp nhất để DN trả lương cho
nhân viên chứ không thể để công nhân may không có việc làm lúc này”. Bà Cecile
Phạm cũng đề nghị Chính phủ cho vay không lãi suất để DN có thể dùng chi trả
lương cho công nhân may mặc ít nhất trong 2 tháng tới.
Sắp tới, với 2 gói “giải cứu” tổng cộng
280.000 tỉ đồng của Chính phủ, nên góp thêm một tay để DN tiếp tục chi trả
lương cho công nhân, để họ không phải nghỉ việc, gây xáo trộn xã hội. Công nhân
đã ký hợp đồng với DN, nhưng không có việc làm. DN trong mùa dịch vẫn phải trả
lương, bảo hiểm đầy đủ. Vậy tiền lương trợ cấp thất nghiệp đó có thể dùng quỹ hỗ
trợ thông qua DN chi trả lương tạm thời cho công nhân...
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT
Công ty TNHH Việt Thắng Jean