27 juin 2021

Nhân ngày nhà báo Việt Nam: Báo chí và mạng xã hội, sống chung hay đối đầu?

Nguyễn Ngọc Chu: "Bạn không thể sống ở thế kỷ 21 theo cách nghĩ của thế kỷ 19."

Nhân ngày báo chí 21/6, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS toán học Nguyễn Ngọc Chu, người mà bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân hiếm khi dưới 1.000 like.


Thưa Tiến sĩ, bí quyết để ông “câu viu (view)”, “câu like” trên Facebook là gì vậy?

Tôi không có mục đích câu like hay câu view. Nhưng tôi mong muốn bài viết của mình đến được với nhiều bạn đọc, có ích cho cộng đồng và nhà nước.

Like (thích), comment (bình luận) và share (chia sẻ) phản ánh mức độ quan tâm của người đọc - nên trong một chừng mực nhất định cũng phản ánh giá trị của bài viết. Trong 3 nhân tố vừa nêu thì share là ảnh hưởng nhất. Tiếp đến là comment. Còn like cũng có lúc đơn thuần chỉ để biểu hiện là đã nhận thấy bài viết (noted).

TS Nguyễn Ngọc Chu: Báo chí đang gặp được một vận hội mới hiếm có

Nhưng cả 3 nhân tố trên không phải là thước đo tuyệt đối chính xác về giá trị của bài viết. Có những bài viết rất giá trị, nhưng không được nhiều người chia sẻ, vì nó đòi hỏi bạn đọc.

Ngược lại, có bài viết được like hay share nhiều vì những vấn đề đơn thuần mang tính thị hiếu. Có những bài viết tốt, nhiều người đọc, nhưng người đọc không để lại like, comment hay share  bài. Cũng không ít bài viết vì mục đích thu hút sự quan tâm của người đọc mà phải vận dụng đến các chiêu thức không được hoan nghênh, như đầu đề giật gân, hình ảnh khêu gợi, nội dung bạo lực…

Tuy nhiên cả 3 nhân tố trên tạo thành một bộ đo giá trị và sức mạnh của mạng xã hội (MXH). Nó biểu thị quan điểm của cá nhân và cộng đồng qua thích, bình luận, chia sẻ. Nó biểu thị sức mạnh lan toả ghê gớm của MXH qua khả năng chia sẻ thông tin. Đây chính là vị trí cái thế của MXH.

Như vậy lâu nay TS đã tham gia đều đặn vào MXH. Được biết TS cũng tham gia viết báo, vậy có khi nào TS để mắt đến những lượng view và like khá khiêm tốn thậm chí èo uột trên báo chí chính thống (hẵng tạm gọi thế)?

Tôi không mấy chú ý đến điều đó. Nhưng đó là một thực tế. Và thực tế này buộc lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo cùng phải suy nghĩ.

Nhiều đề tài, vấn đề mà báo chí chính thống đề cập cũng trùng hợp trên Facebook nhưng sự nhiệt thành lan tỏa của bạn đọc hơi bị khiêm tốn là sao?

Nếu có trường hợp như vậy xuất hiện trong thực tế, thì một trong những nguyên nhân có thể là do cách tiếp cận vấn đề khác nhau.

Một nguyên nhân khác nữa, có thể là, chưa đi đến tận cùng bản chất sự việc và chưa đề xuất giải pháp căn cơ.

Thưa TS, như vậy trong kỷ nguyên MXH, hoạt động và kinh doanh báo chí chính thống là có vấn đề? Vấn đề ở đây là gì vậy?

Không riêng báo chí, mà tất cả chúng ta - cá nhân lẫn nhà nước, đều phải thích nghi với sự biến đổi không ngừng của xã hội và vũ trụ. Bạn không thể sống ở thế kỷ 21 theo cách nghĩ của thế kỷ 19.

Tiến bộ xã hội đòi hỏi báo chí chính thống là phải theo kịp thời đại về mặt công nghệ, thời gian, và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Nhìn thẳng vào sự thật thì báo chí chính thống có nhiều vấn đề cần vượt qua.

Mạnh và yếu của báo chí

Với góc nhìn thẳng và gọi sự vật bằng cái tên của nó, xin TS chẩn bệnh cụ thể?

Tôi xin tạm nêu 6 hạn chế.

1. Chậm trễ. Biết thông tin mà không đưa được ngay thông tin đến khách hàng vì chờ chỉ đạo và chờ kiểm duyệt. Do vậy nên bị chậm trễ.

2. Vùng tối và vùng xám. Dù có biết, nhưng không được đưa tin, do nhạy cảm, hạn chế, hay hoàn toàn bị cấm.

3. Không bao quát đa chiều. Một sự kiện hay đối tượng, có nhiều thông tin, có nhiều góc nhìn. Nhưng báo chí chính thống chỉ đưa tin theo chỉ đạo thống nhất từ một số góc nhìn. Nên không phản ánh hết đối tượng. Dẫn đến nghi ngờ về tính toàn diện của thông tin. Không phản ánh hết đối tượng là hạn chế trầm trọng nhất của báo chí chính thống, tác động đến sự tin cậy của người tiêu dùng.

4. Phạm vi hạn chế. Hoạt động báo chí chính thống cơ bản là phục vụ cho chính sách của nhà nước. Nhà nước là một tập con của xã hội. Thông tin về nhà nước chỉ là một phần thông tin của xã hội. Không bao giờ so sánh được với lượng thông tin của toàn xã hội.

5. Chậm ứng dụng công nghệ và chậm thích nghi. So với báo chí tư nhân thì báo chí chính thống chậm ứng dụng công nghệ, chậm thay đổi hình thức, chậm đáp ứng thị hiếu, chậm đa dạng sản phẩm, chậm thích nghi với thay đổi.

6. Ràng buộc về nhân sự. Nhân sự là nhân tố quan trọng số 1 cho sự phát triển của báo chí. Nhưng cơ chế tuyển chọn nhân sự, quản lý, đãi ngộ nhân sự… của báo chí chính thống có nhiều khiếm khuyết. Tổng thể lại - chưa giải phóng được năng lực đích thực của mỗi cá nhân và của cả tập thể. 

Thế còn ưu thế của báo thì sao?

Báo chí chính thống đang có những lợi thế đầy uy lực mà lãnh đạo các cơ quan báo chí phải biết mà tận dụng. Xin nêu ra 4 ưu thế vượt trội của báo chí chính thống.

1. Độc quyền một số nguồn tin quý hiếm. Có được nguồn tin sớm là mục tiêu số 1 của mọi tờ báo. Nếu lại là tin quý hiếm thì càng có lợi thế. Báo chí chính thống có được ưu thế vượt trội khi gần như độc quyền trong một số nguồn tin thuộc dạng rất quý hiếm.

2. Mạng lưới thông tin trù mật hầu khắp hành tinh và toàn quốc. Đây cũng là một ưu thế vượt trội của báo chí nhà nước. Mạng lưới này đảm bảo tính thời sự và tính bao quát không chỉ tin trong nước mà rất quan trọng nữa là tin tức quốc tế.

3. Phương tiện kỹ thuật và cơ sở vật chất hạ tầng đầy đủ. Đây là ưu thế vượt trội không chối cãi. Nó giúp cho thông tin được chuyển đi ở trạng thái nhanh nhất và tốt nhất.

Mạng xã hội hay báo chính thống về bản chất và mục đích đều giống nhau

4/ Đội ngũ cán bộ đông đảo được đào tạo với nhiều tài năng và có điều kiện thực hành. Nhân sự là quyết định. Nếu biết sử dụng hết công suất của đội ngũ nhân sự báo chí nhà nước thì hiệu quả sẽ là một cấp số nhân.

Tiếc thay trong thực tiễn, do hạn chế thứ 6 như đã nói trên, mà ưu thế thứ 4 của báo chí nhà nước bị hạn chế, câu thúc. Đó là nghịch lý của bài toán nhân sự trong toàn bộ hệ thống vận hành hiện thời.

Cùng thắng

Như vậy đang đặt ra một thách thức giữa báo chí và truyền thông xã hội. Sẽ thắng hoặc thua hay là cùng thắng?

MXH hay báo chính thống về bản chất và mục đích đều giống nhau. Không có thắng thua ở đây. Không có đối đầu ở đây. Mà như anh đã đề cập: phải cùng thắng.

Phải cùng thắng! Đạt được mục đích ấy phải có những phương cách nào song hành? Và không gây những xáo trộn không đáng có?

Mục đích của MXH và báo chí chính thống đều là phục vụ nhân dân, phục vụ con người - thì làm sao có thể “đối đầu” nhau được?

Không phải MXH hay báo chí chính thống, mà tác giả các bài viết có lúc đã tự biến mình thành “đối thủ” của nhau.

Trong thực tế, có một số người có cách nhìn chưa phù hợp về MXH. Họ đặt MXH đối đầu với báo chí nhà nước. Thậm chí còn nhìn MXH như là “kẻ thù”. Đó là cách nhìn không khoa học, có hại cho nhà nước, bất lợi cho nhân dân.

Ngày trước để biết tiếng nói của dân, nhà vua phải vi hành. Cụ Hồ cũng thường xuyên vi hành để nghe tiếng nói của dân, để biết thực trạng của xã hội, để không bị những lời ngợi ca xung quanh che khuất sự thật. 

Ngày nay, nhờ MXH mà ngồi nhà cũng nghe được tiếng nói của người dân tận nơi hang cùng ngõ hẻm, không chỉ một vài người mà là hàng triệu người, thậm chí cả toàn dân.

Bởi thế, không thể cấm đoán MXH, không đặt MXH thành đối thủ, càng không toan tính thắng MXH. Ngược lại, phải sử dụng MXH, biến MXH thành phương tiện giao tiếp thông tin hai chiều giữa chính quyền với xã hội. Biến MXH thành cánh tay nối dài của truyền thông nhà nước. Đó là trường hợp cùng thắng.

Nhưng làm thế nào để cùng thắng?

Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo báo chí nhà nước.

Như ở trong giữa khu rừng, muốn tìm lối thoát ra thì phải bay cao lên để nhìn được toàn thể. Muốn sử dụng MXH như là một bộ phận của báo chí nhà nước, thì lãnh đạo báo chí nhà nước phải hiểu thấu đáo MXH. Hiểu thấu đáo để không đi trái với quy luật vận hành của MXH. Để tránh những trường hợp như “kéo đám mây điện toán” về “thái ấp của mình”.

Điều thứ 2 là phải khắc phục các hạn chế để tiến kịp và đi đầu trong cung ứng thông tin. Nghĩa là khắc phục hạn chế thứ nhất là chậm trễ.

Tôi cho rằng báo chí các bạn đang gặp được một vận hội mới hiếm có. Đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đưa ra một giải pháp cho báo chí: Phân cấp phân quyền.

Phân cấp phân quyền đến tận thành tố cuối cùng trong hệ thống chính là liều thuốc hiệu nghiệm hoá giải hạn chế chậm trễ trong cung ứng thông tin. Phân cấp phân quyền cũng hoá giải hạn chế thứ 2 là vùng tối và vùng xám.

Hạn chế thứ 3 “Không bao quát đa chiều” cũng được tân Thủ tướng đưa ra lời giải. Đó là nói thật. Ngày 3/6, phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đi thẳng vào vấn đề theo tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”. Được nói thật thì không đưa thông tin một chiều, mà là đa chiều.

Hạn chế quan trọng nữa là hạn chế thứ 6 “ràng buộc về nhân sự” cũng được tân Thủ tướng chỉ ra giải pháp. Đó là “trao quyền cho người làm tốt hơn”. Làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 13/5, Thủ tướng đề cập: “Điều gì địa phương làm tốt hơn thì Chính phủ và các bộ để cho địa phương làm. Điều gì người dân, xã hội làm tốt thì giao cho người dân và xã hội làm”. Có nghĩa là “trao quyền cho người làm tốt hơn”.

Như vậy, nếu trong vấn đề nhân sự của báo chí chính thống, người nào làm tốt hơn thì được làm, có nghĩa là không có người ngồi nhầm chỗ. Lúc đó nội lực của báo chí được hầu như toàn phần giải phóng.

Như vậy, nếu lãnh đạo báo chí thấm nhuần chỉ đạo của Thủ tướng là nói thật, trao quyền cho người làm tốt hơn, phân cấp phân quyền, thì các hạn chế chính của báo chí nhà nước về cơ bản được khắc phục, và cùng thắng sẽ được nhân đôi hiệu quả. 

21/06/2021  

Xuân Ba

Nguồn:  vietnamnet.vn