03 juin 2021

VN: Chính phủ cần làm gì để đạt mục tiêu kép 'chống dịch và phát triển'?

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị một liều vắc xin AstraZeneca chống COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 08/3/2021 tại Hà Nội - Nguồn hình ảnh, Getty Images/Linh Pham

Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, lan tới các khu công nghiệp đông lao động ở trong nước, mặc dù những nỗ lực đối phó tích cực, đã tới lúc tân Chính phủ của Việt Nam cần có thêm đối sách mang tính chiến lược đi kèm những hành động chính sách cụ thể hơn, theo Kinh tế gia Bùi Kiến Thành.


Mở đầu cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 28/5/2021 từ Hội An, chuyên gia về kinh tế, tài chính và hội nhập này đưa ra cái nhìn khái lược về kinh tế Việt Nam trong hơn một năm qua.

"Suốt trong năm vừa qua, theo tôi Việt Nam quản lý ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tương đối tốt. Tính đến ngày 27/5/2021, tổng số người mắc nhiễm là 6.336 và tổng số tử vong là 45 người . Sở dĩ kết quả này đạt được, tôi nghĩ là nhờ nhiều yếu tố tổng hợp:

"Một hệ thống sức khỏe cộng đồng tốt, lãnh đạo nhà nước quyết liệt, hợp tác chặc chẽ của toàn hệ thống chính trị, quân sự, xã hội dân sự, nhân dân, một chính sách cách ly chặc chẽ, một chương trình xét nghiệm, truy quét các người có tiếp xúc cấp F1, F2 với bệnh nhân, và một hệ thống bệnh viện chữa trị tận tình, hiệu quả.

"Tuy rằng hệ lụy đối với nền kinh tế là đáng kể, nhưng nhìn chung GDP của Việt Nam vẫn phát triển tương đối tốt, đạt mức 2,91% trong năm 2020, và được xếp hạng là mức cao nhất trong khu vực (the highest in Asia-Pacific Region,) và dự kiến sẽ đạt mức 6,9% trong năm 2021.

"Các dự kiến trên đây theo tôi có thể bị ảnh hưởng bởi bùng phát trở lại tại một số địa phương có các khu công nghiệp, trong đó có tỉnh Bắc Giang và một số địa phương khác, và đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp, Long An... 

Việt Nam cần cảnh giác với các nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng, trong đó có các khu công nghiệp có mật độ tập trung người lao động, theo giới chuyên gia

"Có nhiều nguồn nhiễm dịch: từ việc nhập cư với các chuyên gia nước ngoài bị nhiễm dịch đến làm việc tại các khu công nghiệp, việc quản lý lơ là tại các trung tâm cách ly, các khu công nghiệp, đến nhâp cư bất hợp pháp dọc theo biên giới phía Bắc cũng như biên giới Tây Nam. Lần này việc quản lý nhà nước theo tôi cần phải chặt chẽ hơn, và chiến dịch kêu gọi sự hợp tác của mọi thành phần xã hội cần được pháy huy mạnh mẽ hơn.

"Bởi vì nếu việc chống dịch trong giai đoạn mới không được hiệu quả thì ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ khó lường, dù chưa có cơ sở để phỏng đoán hết hậu quả."

Làm gì để đạt mục tiêu kép 'chống dịch - phát triển KTXH'?

Khi được hỏi có gì cần lưu ý hay chia sẻ như một lời khuyên đối với nội các chính phủ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay để xử lý tốt hơn vấn đề Covid-19, cùng lúc tái ổn định và tạo đà phát triển đi lên, hiệu quả hơn về kinh tế - xã hội như một mục tiêu kép, ông Bùi Kiến Thành đáp:

"Theo tôi, nhiệm vụ của nhà nước là phải làm tất cả để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân, chứ không phải lựa chọn ngành nào hay ai được bảo vệ. 


Thủ tướng VN Phạm Minh Chính trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, khi ông tới Indonesia dự một Hội nghị Cấp cao ASEAN về khủng hoảng Myanmar hôm 24/4/2021

"Tuy nhiên nếu nói về chính sách thì cần đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng nhất đồi với sức khỏe cộng đồng và đối với hoat động kinh tế."

"Nếu nói về chiến lược ổn định kinh tế, thì tôi cho rằng phải tập trung nguồn lực vào các khu công nghiệp, các địa phương, lĩnh vực có nhiều lao động tập trung, để ngăn chặn dịch lây lan từ các trung tâm lao động này ra công đồng.

"Từ nay tới cuối năm còn chừng trên dưới 6 tháng, về những giải pháp và hành động chính sách cần ưu tiên đối với tân Chính phủ Việt Nam, tôi cho rằng chủ trương "chống dịch như chống giặc" cần phải được duy trì và triệt để thực hiện.

"Ngoài ra cần phải thực hiện chính sách "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển.

"Chính phủ cần phải nghiên cứu lấy ý kiến của mọi thành phần trí thức, nông dân, doanh nghiệp để xây dựng các chương trình hành động ưu tiên, không chỉ nghe theo ý kiến của một số "chuyên gia" nào đó, rồi họp bàn ở "chi bộ", lẩn quẩn trong các phòng lạnh… rồi ra quyết định chính sách," kinh tế gia nói với BBC từ Hội An.

29 tháng 5 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57283225