Nguyễn Vĩnh
Ảo tưởng chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ tắt
Sau khi Liên Xô sụp đổ, với những thảm họa khủng khiếp như Chernobyl và những tội ác trong các trại tập trung Gulag bị phơi bày, thế giới đều tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản đã trở thành một học thuyết thất bại, là thứ đi kèm với bạo lực, lừa dối, chiến tranh, đói kém và độc tài. Vấn đề là ở chỗ: Vì sao gần 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, vẫn còn nhiều người đến thế cam tâm tình nguyện theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, phát tán lừa dối, thậm chí trở thành công cụ thuần phục của nó?
Tóm tắt bài viết:
• Cuộc hành hương chính trị để lại vết thương sâu đậm trong ý thức hệ
• Khi xã hội tự do yêu thích chủ nghĩa xã hội
• Đằng sau mộng tưởng của người trí thức say mê chủ nghĩa cộng sản
• Những hình thái ý thức mới
• Nhắc lại 10 điểm trong Tuyên ngôn cộng sản
• Lời kết
Cuộc hành hương chính trị để lại vết thương sâu đậm trong ý thức hệ
Cuốn “Cuộc Hành hương Chính trị” (Political Pilgrims) của nhà xã hội học Paul Hollander kể câu chuyện những trí thức trẻ say mê chủ nghĩa cộng sản ào ạt hành hương chính trị sang Liên Xô thời Stalin, Trung Quốc thời Mao, và Cuba thời Fidel Castro. Mặc dù bấy giờ bạo lực phát sinh khắp nơi khiến người ta phải kinh hãi nhưng những thanh niên hành hương chính trị này không hề hay biết. Sau khi quay về, họ nhiệt tình soạn sách ca ngợi chế độ xã hội chủ nghĩa. [1]
Tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản là hình thái ý thức bị cả thế giới ruồng bỏ. Ấy thế mà vẫn còn nhiều người đến thế cam tâm tình nguyện giúp nó phát tán lừa dối, thậm chí trở thành công cụ thuần phục của nó. Vì sao?
Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, người bị chủ nghĩa cộng sản hấp dẫn trong các thời kỳ khác nhau có các động cơ khác nhau. Thời đầu, rất nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ là dân nhập cư, địa vị kinh tế thấp, khó hòa nhập vào cộng đồng, chịu ảnh hưởng của mẫu quốc (đa số là Nga và các nước Đông Âu) mà gia nhập Đảng Cộng sản Hoa Kỳ.
Sau cuộc Đại Suy thoái Kinh tế vào những năm 1930, ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx ở phương Tây tăng lên một bước lớn, giới tư tưởng của phương Tây chuyển hướng tả một cách đột ngột. Rất nhiều trí thức sang Liên Xô tham quan, rồi về nhà viết sách lý luận, tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả một số nhà tư tưởng, tác gia, nghệ thuật gia, nhà báo có sức ảnh hưởng lớn, v.v..
Thế hệ những người thời kỳ bùng nổ dân số vào đại học trong những năm 1960, họ lớn lên trong hoàn cảnh sung túc sau chiến tranh, nhưng lại bị hình thái ý thức của chủ nghĩa cộng sản dẫn lạc sang hướng phản đối văn hóa dưới hình thức các cuộc vận động phản chiến, nữ quyền, v.v..
Sau khi cái gọi là “cách mạng đường phố” thập niên 1960 của những người Hoa Kỳ trẻ tuổi bị thất bại, họ vào đại học, vào viện nghiên cứu, hoàn thành học vị thạc sỹ, tiến sỹ, sau đó bước vào giới chủ lưu Hoa Kỳ (Xem kỳ 3: Những cuộc vận động cộng sản xuyên thấu xã hội phương Tây). Từ đó, họ đưa thế giới quan và giá trị quan của chủ nghĩa Marx vào giáo dục, truyền thông, chính trị, kinh tế. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng cộng sản âm thầm phi bạo lực quét qua xã hội Hoa Kỳ.
Thế hệ học trò của họ, tiếp thu nội dung giảng dạy mang tính tả khuynh, bởi vì các giáo viên chính là những “người cấp tiến có vị trí giảng dạy suốt đời” (tenured radicals). Như vậy, những cuộc vận động xuyên thấu xã hội phương Tây của chủ nghĩa cộng sản đã khai hoa kết quả, bắt đầu trường thịnh bất suy, tự sinh sôi nảy nở. Có thể tưởng tượng như thế này, chủ nghĩa cộng sản như tế bào ung thư, bám vào Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác mà leo lên, xuyên thấu thể chế của họ.
Sau thập niên 1980, hầu hết các phương tiện truyền thông, các trường đại học, cao đẳng, và Hollywood đã trở thành đại bản doanh của những người bị ảnh hưởng bởi phong trào cộng sản.
Trong cuốn sách nhằm vạch trần chủ nghĩa cộng sản có tựa đề “Bậc thầy lừa đảo” (Masters of Deceit), Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang FBI, ông J. Edgar Hoover, với thâm niên 37 năm, đã tổng kết ra năm loại người cộng sản: đảng viên cộng sản công khai, đảng viên cộng sản ngầm, người đồng hành của chủ nghĩa cộng sản, những người cơ hội, và những người bị lừa. [2] Kỳ thực, ngoại trừ một số cực ít những người cộng sản ngoan cố ra, tuyệt đại bộ phận đảng viên đảng cộng sản chẳng phải đều là những người “lừa mình dối người” hay sao?
Cuốn sách “Mười ngày chấn động thế giới” (Ten Days that Shook the World) của Nhà báo Hoa Kỳ John Silas Reed và “Ngôi sao đỏ trên bầu trời Trung Quốc” (The Red Star over China) của Edgar Snow, đã có tác dụng rất lớn đối với việc truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới. Reed là một trong ba người Hoa Kỳ được mai táng ở Nghĩa trang Cách mạng Kremlin, nghĩa là bản thân ông chính là một nhà hoạt động cộng sản. Báo cáo tường thuật Cách mạng Tháng 10 của ông ta không thuật lại sự kiện một cách khách quan, mà là tài liệu tuyên truyền chính trị công phu.
Edgar Snow là một người đồng hành của chủ nghĩa cộng sản. Năm 1936, trong kịch bản phỏng vấn mà Snow đặt ra cho một đảng viên ĐCSTQ có cả chục phương diện, gồm ngoại giao, chống ngoại xâm, quan điểm đối với các điều ước bất bình đẳng, đầu tư nước ngoài, cho đến quan điểm về Phát-xít (nói đúng hơn phát-xít là người theo trường phái chủ nghĩa xã hội dân tộc – Xem kỳ 4: 3 điều ít biết về bản chất vận động quần chúng của trào lưu cộng sản), v.v..
Sau này, Mao Trạch Đông gặp Edgar Snow tại hầm trú ẩn ở Thiểm Bắc, trả lời những câu hỏi đó theo hướng tạo ấn tượng có lợi cho ĐCSTQ: “Đây là kết tinh của trí tuệ tập thể trung ương ĐCSTQ, tiếp đó cho thế giới thấy một hình tượng ĐCSTQ công khai rõ ràng, thẳng thắn bộc trực, tiến cùng thời gian.” Edgar Snow trẻ tuổi đã bị ĐCSTQ sử dụng như một công cụ, đem những lời lừa dối trá bịa đặt tỉ mỉ mà truyền bá ra toàn thế giới.
Yuri Bezmenov, cựu điệp viên KGB, nhớ lại những lần tiếp đãi những “người bạn” nước ngoài tới thăm. Hành trình của họ đều do Cục Tình báo Liên Xô sắp xếp. Những giáo đường, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà máy, v.v. mà họ đến thăm đều đã được thu xếp từ trước. Tất cả những người tiếp đón đều là đảng viên đảng cộng sản hoặc là những người có thể tin tưởng được “về chính trị”, hơn nữa trước đó đã được bồi dưỡng, để đảm bảo mọi việc được tiến hành thống nhất.
Bezmenov đưa ra một ví dụ về Look, một tạp chí lớn của Hoa Kỳ những năm 1960, đã phái phóng viên sang Liên Xô phỏng vấn. Toàn bộ tài liệu đem về, gồm cả ảnh và tài liệu in, đều do lực lượng an ninh Liên Xô chuẩn bị. Phóng viên không hề kiểm tra lại mà cứ thế phân phát ở Hoa Kỳ, vì thế mà tuyên truyền của Liên Xô đã đến được với dân chúng Hoa Kỳ dưới tên một tạp chí Hoa Kỳ, khiến người Hoa Kỳ bị đánh lạc hướng. Bezmenov nói, rất nhiều phóng viên, diễn viên, ngôi sao thể thao sang Liên Xô tham quan đều bị che mắt và lừa dối; điều này còn có thể hiểu được. Điều không thể tha thứ là rất nhiều chính khách của phương Tây, vì danh tiếng, lợi ích cá nhân mà chủ động hợp tác với Đảng Cộng sản Liên Xô, thêu dệt và truyền bá những lời lừa dối [3].
Khi xã hội tự do yêu thích chủ nghĩa xã hội
Ở châu Âu, sự phổ biến rộng khắp của trào lưu tư tưởng và chính sách chủ nghĩa xã hội đã là sự thực không phải bàn. Hoa Kỳ là một quốc gia đặc thù, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi vận động chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu vô cùng cuồng nhiệt, thì sự phát triển của nó ở Hoa Kỳ lại rất hữu hạn. Năm 1906, học giả nước Đức là Werner Sombart đã từng viết cuốn sách có tiêu đề “Vì sao Hoa Kỳ không có chủ nghĩa xã hội” đã tìm hiểu nguyên nhân ấy. [4] Nhưng tình thế từ đó đến nay đã thay đổi rất nhiều.
Năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, một ứng viên của một chính đảng cánh tả lớn đã công khai quảng bá chủ nghĩa xã hội. Trong ngôn ngữ của chủ nghĩa cộng sản thì chủ nghĩa xã hội chẳng qua chỉ là “giai đoạn sơ khai” của chủ nghĩa cộng sản, và từng bị hầu hết người Hoa Kỳ coi rẻ. Bản thân vị ứng cử viên đó cũng thừa nhận rằng: “Tôi biết có rất nhiều người, hễ nghe đến từ ‘chủ nghĩa xã hội’ thì vô cùng căng thẳng”. Vậy mà ông ta không tránh né mà giới thiệu tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Điều không ngờ là, trong cuộc tranh cử, người đó đã trở thành một trong hai ứng viên dẫn đầu của chính đảng đó.
Cuộc thăm dò dư luận cuối kỳ bầu cử năm 2016 cho thấy, ở một trong những chính đảng cánh tả lớn, 56% số người tự nhận là có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội. Xu thế nghiêng về chủ nghĩa xã hội này sớm đã được chỉ ra trong cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2011. [5] Cuộc thăm dò này cho thấy, 49% công dân Hoa Kỳ từ 30 tuổi trở xuống có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội, nhưng chỉ có 47% đánh giá tích cực về chủ nghĩa tư bản [6]. Điều này cho thấy sự chuyển dịch về phía cánh tả của toàn bộ hình thái ý thức xã hội là có quan hệ mật thiết với việc cánh tả cổ xúy chủ nghĩa xã hội và một thế hệ người trẻ tuổi không hiểu về chủ nghĩa cộng sản.
Thực ra, ảo tưởng của người phương Tây hiện nay về chủ nghĩa xã hội cũng hết sức tương tự như ảo tưởng của vô số thanh niên nhẹ dạ ấp ủ chủ nghĩa cộng sản trong 100 năm qua ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác. Thế hệ trẻ thiếu mất khả năng lý giải thấu đáo lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc mình, không có sức đề kháng trước chủ nghĩa xã hội có vẻ ngoài ôn hòa, nhân văn. Màn diễn lừa bịp của thế kỷ 20 đang tái hiện ở thế kỷ 21.
Tư tưởng trung tâm “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của Marx có tính lừa phỉnh rất lớn đối với những người trẻ. Họ ảo tưởng về “cuộc sống ở các quốc gia Bắc Âu” với phúc lợi cao kiểu chủ nghĩa xã hội. Kỳ thực đây là một nhầm lẫn cơ bản về kiến thức và lịch sử.
Lấy Thụy Điển làm ví dụ [7]. Năm 1960, cứ 100 người Thụy Điển sống nhờ lao động trong nền kinh tế thì có 38 người Thụy Điển khác sống nhờ tiền thuế, tức là viên chức chính quyền. Đến 1990, cứ 100 người Thụy Điển sống nhờ lao động trong nền kinh tế thì có 151 người Thụy Điển khác sống nhờ tiền thuế.
Chúng ta biết rằng lý thuyết cộng sản có bao gồm một phần lý thuyết kinh tế chính trị quan trọng của Karl Marx, trong đó đặc biệt là đánh thuế, và lấy tiền thuế để duy trì các hoạt động xã hội. Từ đây có thể thấy vào đầu những năm 1990, Thụy Điển từng bước một bước chân chuyển sang mô hình chủ nghĩa xã hội, chính quyền mở rộng bao cấp cho người dân thông qua tiền thuế.
Tuy nhiên người Thụy Điển phát hiện ra vấn đề trong nền kinh tế của họ ngay lập tức. Hàng loạt công ty rời khỏi Thụy Điển. Nhà sáng lập công ty nội thất IKEA nổi tiếng, Ingvar Kamprad, đã rời khỏi Thụy Điển, chuyển đến Đan Mạch vào năm 1974, sau đó lại tiếp tục chuyển tới Thụy Sĩ. Tình trạng kinh tế của Thụy Điển suy sụp nhanh chóng, với các luật lao động khắc nghiệt, và sự “phình to” của chính quyền.
May mắn là cũng trong những năm 1990, một cuộc vận động theo hướng ngược lại, thoát khỏi các giá trị chủ nghĩa xã hội đã diễn ra. Ví dụ, một cuộc cắt giảm thuế doanh nghiệp diễn ra vào năm 1990 và 1991, từ 57% xuống 30%. Thu nhập từ cổ phần được miễn thuế, lãi về vốn chỉ bị đánh thuế 12,5%.
Quá trình cải tổ tránh xa khỏi chủ nghĩa xã hội tiếp tục vào những năm sau đó. Năm 2004, thuế bất động sản từng lên tới 30% đã bị bãi bỏ. Thuế tài sản bị bãi bỏ năm 2007. Thuế doanh nghiệp tiếp tục giảm từ 30% xuống 26,3% năm 2009 và 22% năm 2013.
Từ năm 1993 tới 2000, lượng tiền chi tiêu cho các vấn đề xã hội giảm từ 22,2% của GDP xuống còn 16,9%. Nghĩa là sự trợ giúp của chính phủ cho xã hội có xu hướng giảm xuống chứ không phải tăng lên.
Như vậy, các nước Bắc Âu, với cuộc sống “mơ tưởng” mà giới trẻ Hoa Kỳ hướng tới và các chính trị gia dân chủ rao giảng, không phải là đang tiến đến chủ nghĩa xã hội, mà là suýt nữa bị sụp đổ vì chủ nghĩa xã hội, và phải chủ động rời xa nó.
Kỳ thực tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu khác, khi chế độ phúc lợi cao đem đến vấn đề lớn đối với quốc gia, và có người muốn thay đổi chế độ phúc lợi đó từ bản chất thì dân chúng vốn quen hưởng phúc lợi cao lại nhất loạt chống cự, khiến cho người đó thất cử. Lúc này, ai có thể thắng cử chính là những nhân vật chính trị chủ trương tiếp tục tăng thu thuế, tăng cường sự can dự của chính phủ, dùng biện pháp lấn sang cả tương lai để giải quyết khó khăn trước mắt. Đây chính là vì người dân chưa tự mình trải qua chủ nghĩa xã hội mà thôi.
Như nhà kinh tế học Milton Friedman đề xuất: “Một xã hội đặt bình đẳng [vật chất] cao hơn tự do sẽ chẳng có được mặt nào. Một xã hội đặt tự do cao hơn bình đẳng thì khả năng cao là sẽ có được cả hai.” [8]
Chủ nghĩa xã hội phúc lợi cao tạo điều kiện cho chính phủ không ngừng mở rộng, khiến người ta dùng phiếu bầu để rời bỏ tự do. Đó chính là nước cờ đầu tiên để chiếm đoạt chính quyền. Một khi quốc gia biến thành quốc gia chủ nghĩa xã hội theo “mô hình Bắc Âu” của những năm 1990 thì các lãnh đạo chính trị sẽ muốn thúc đẩy quá độ sang chủ nghĩa cộng sản. May mắn là các quốc gia Bắc Âu còn kịp quay đầu 30 năm về trước.
Có một nguyên tắc cơ bản trong điều hành quốc gia, là giá trị lập quốc của Hoa Kỳ mà ít người biết: Chính phủ nhỏ, thì người dân lớn; Chính phủ lớn, thì người dân nhỏ. Tiền thuế là công cụ trong tay chính phủ, thuế càng lớn thì cán cân về phía chính phủ càng trầm xuống. Chính phủ càng lớn, thì nó sẽ càng dễ bị chính trị gia lợi dụng, biến nó trở thành chính phủ độc tài. Các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ luôn mong muốn một chính phủ nhỏ.
Đằng sau mộng tưởng của người trí thức say mê chủ nghĩa cộng sản
Một điều đặc biệt cần chú ý là, chủ nghĩa cộng sản không chỉ lôi cuốn công nhân hay nông dân. Có rất nhiều người được coi là trí thức, triết học gia, lịch sử gia nổi tiếng, cũng say mê chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều chính trị gia phương Tây cho rằng những người cộng sản ngày nay không còn tin vào chủ nghĩa cộng sản nữa. Nhiều quốc gia cộng sản ngày nay có vẻ như là thực thi chủ nghĩa tư bản, đề cao phát triển kinh tế, v.v.. Nhưng không phải vậy. Trong cuốn sách “Bạn có thể tin rằng những người cộng sản… vẫn là những người cộng sản” (You Can Still Trust the Communists… to Be Communists), tác giả Fred Schwartz đã chỉ ra rằng những người theo đuổi chủ nghĩa cộng sản vẫn thực sự đang say mê nó.
Chẳng hạn, Fred Schwarz phân tích vì sao một số người trí thức lại ngưỡng mộ chủ nghĩa cộng sản. Đây là vấn đề xuất hiện vào lứa tuổi thanh niên của họ, khi họ còn đang định hình tư tưởng và cách nhìn nhận cuộc sống, trước khi thực sự bước vào xã hội chủ lưu. Ông đã liệt kê bốn nguyên do: thất vọng với chế độ tư bản chủ nghĩa; tin vào triết học chủ nghĩa duy vật; sự ngạo mạn về tri thức; nhu cầu tôn giáo không được thỏa mãn [9].
“Ngạo mạn về tri thức” ở đây là chỉ những người trẻ tuổi 18, 20 hiểu biết về lịch sử còn nông cạn, dưới sự thúc đẩy của tâm lý chống đối, muốn nổi dậy chống lại tất cả những gì liên quan đến thuyết giáo truyền thống, chính quyền, văn hóa dân tộc. Họ là những người dễ trở thành nạn nhân tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản nhất.
“Nhu cầu tôn giáo không được thỏa mãn” là nói mỗi người đều có lòng mộ đạo, muốn nỗ lực vì mục tiêu lớn hơn, siêu việt bản thân, nhưng lại bị trường học rót vào vô thần luận và thuyết tiến hóa, khiến họ không cách nào cảm thấy thỏa mãn với tôn giáo truyền thống. Những từ ngữ đẹp đẽ “giải phóng toàn nhân loại” của chủ nghĩa cộng sản đã lợi dụng khe hở này, vừa khớp là có tác dụng như tôn giáo.
Phần tử trí thức dễ bị lừa bởi hình thái ý thức cấp tiến, hiện tượng này thu hút được sự chú ý của nhiều học giả. Trong cuốn sách “Thuốc phiện của người trí thức” (The Opium of the Intellectuals), tác giả Raymond Aron đã chỉ ra một cách sâu sắc rằng, người trí thức của thế kỷ 20 một mặt cực lực phê bình chế độ chính trị truyền thống, mặt khác lại khoan nhượng cao độ cho việc thảm sát và bạo chính của các quốc gia có Đảng Cộng sản, nhìn mà như không thấy. Ông cho rằng, những người trí thức cánh tả này hành động độc đoán và có sự cuồng nhiệt không lý tính, họ nâng hình thái ý thức của phái tả lên đến mức cao ngang bằng với tôn giáo trong thế tục.
Nhà sử học người Anh Paul Johnson trong tác phẩm “Người trí thức: Từ Marx và Tolstoy đến Sartre và Chomsky” (Intellectuals: From Marx and Tolstoy to Sartre and Chomsky), đã phân tích mối quan hệ giữa quan điểm chính trị cấp tiến và cuộc đời của Jean-Jacques Rousseau cho đến mười mấy trí thức về sau. Johnson đã phát hiện được điểm yếu chí mạng của họ là sự ngạo mạn, lấy bản thân làm trung tâm. [10]
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ là Thomas Sowell đã lấy rất nhiều ví dụ trong cuốn sách “Người trí thức và xã hội” (Intellectuals and Society), chỉ ra sự cuồng vọng có lý trí của những người trí thức.
Kỳ thực, các quốc gia cộng sản không hề lãng mạn như người ta tưởng tượng. Nếu như họ thực sự đến các quốc gia chủ nghĩa xã hội, thực sự sinh sống định cư, chứ không phải là tham quan du lịch kiểu cưỡi ngựa xem hoa, thì bản thân họ sẽ sâu sắc phát hiện ra điểm này.
Những hình thái ý thức mới
Trào lưu cộng sản ở phương Tây qua một thời gian dài thẩm thấu đã biến hóa rất lớn. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy những điều như chủ nghĩa tự do (liberalism) và chủ nghĩa tiến bộ (progressivism). Chúng còn được sử dụng như tiêu chuẩn của “phải đạo chính trị” (Về “phải đạo chính trị”, xem phần cuối kỳ 3).
Thật ra, nếu xem xét lý tưởng cuối cùng của chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa tiến bộ, cùng cách thức nó vận động, người tỉnh táo sẽ thấy rằng các loại chủ nghĩa này vừa cổ xúy cho cái gọi là “tự do” và “tiến bộ” của nhân loại, vừa biến nó thành một loại hình thái ý thức thần thánh hóa, bất kể khái niệm nào khác với nó đều sẽ bị phê phán, đả kích. Đây chính là cách làm của chủ nghĩa cộng sản, kêu gọi “tiến bộ”, nhưng tiêu diệt tất cả các tư tưởng khác biệt.
Cơ sở đạo đức của những chủ nghĩa mới này cũng tương tự như của chủ nghĩa cộng sản: vô thần luận, tiến hóa luận, lại giương mác “khoa học”. Mục tiêu mà các chủ nghĩa mới này bài xích cũng tương tự như của chủ nghĩa cộng sản, đem các vấn đề xã hội đổ lỗi cho sự bất công hoặc khiếm khuyết của chế độ hiện hành cũng như các quan niệm truyền thống.
Cách vận động quần chúng của nó cũng tương tự như thủ đoạn của chủ nghĩa cộng sản, cho rằng mục đích của mình là “cao cả” như vậy nên có sử dụng bất kể thủ đoạn nào cũng đều hợp lý. Bởi vậy, bạo lực trong các phong trào như Black Lives Matter mới phát sinh.
Ngay từ thế kỷ 19, chính trị gia người Pháp Jules-Antoine Castagnary đã để lộ ra tâm thái cuồng vọng của chủ nghĩa tiến bộ: “Khi ta bị đẩy ra rìa khu vườn địa đàng kia, ta sẽ kiến lập một khu vườn Eden mới… Ta sẽ dựng lập ‘Tiến bộ’ ở ngay lối vào của nó… và ta sẽ trao vào tay ông ta trường kiếm rực lửa, và ông ta sẽ nói với Thượng Đế rằng: ‘Không cho Ngài vào đây’. Thế là con người bắt đầu kiến lập nên xã hội nhân loại”. [11]
Sự ngạo mạn này so với mộng tưởng kiến lập “thiên đường nhân gian” của chủ nghĩa cộng sản thì không khác gì nhau. Chính là vô thần luận và cuồng vọng đó đã gây nên những màn gió tanh mưa máu hết lần này đến lần khác trong lịch sử nhân loại.
Cần phải nói thêm rằng, chủ nghĩa tự do hiện đại và chủ nghĩa tiến bộ hiện đại về bản chất là khác biệt với trường phái cổ điển.
Chủ nghĩa tự do cổ điển xuất phát từ quyền lợi tự nhiên của cá nhân, yêu cầu lập hiến để hạn chế quyền lực của vương quyền và chính phủ, mục đích là để bảo đảm tự do cá nhân. Bởi vì quyền lợi cá nhân là do Chúa ban, chính phủ chỉ là do công dân lập khế ước mà tạo nên, chức trách của nó chỉ giới hạn ở việc bảo hộ công dân. Việc phân tách chính trị và tôn giáo có mục đích là để chính phủ không có quyền can thiệp vào tư tưởng và tín ngưỡng của công dân.
Chủ nghĩa tự do đương đại thực tế là chủ nghĩa cộng sản mượn danh nghĩa “tự do” để thâm nhập và đi ngược lại chủ nghĩa tự do cổ điển. Một mặt là nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân cực đoan, không còn giữ bất kể đạo đức hay ước thúc nào; mặt khác nhấn mạnh vào sự bình đẳng về vật chất mà không phải sự thượng tôn luật pháp.
Cũng như vậy, chủ nghĩa tiến bộ hiện đại là sự vận dụng trực tiếp của thuyết vô thần duy vật vào lĩnh vực xã hội, khiến đạo đức truyền thống không ngừng lệch lạc dưới danh nghĩa “tiến bộ”.
Bản chất của chủ nghĩa tiến bộ hiện đại là không thừa nhận trật tự xã hội và giá trị quan truyền thống của con người. Trong cách mạng tiến bộ, những người vô thần coi đạo đức truyền thống là chướng ngại của tiến bộ, mà phải đánh giá lại toàn bộ giá trị quan. Họ phủ nhận chuẩn mực đạo đức triệt để, mà dựa vào hiện trạng xã hội để kiến lập hệ thống đạo đức tương đối, cũng tức là mọi giá trị đạo đức đều biến thành khái niệm tương đối. Chủ nghĩa đạo đức tương đối trong xã hội phương Tây thuận theo cách mạng tiến bộ mà ảnh hướng đến các phương diện như chính trị, giáo dục, văn hoá, v.v.. Nói thẳng ra, nếu đạo đức là tương đối thì nó không thể được coi là tiêu chuẩn. Con người khi không có tiêu chuẩn đạo đức thì chẳng thể làm người.
Chủ nghĩa cộng sản là điển hình của chủ nghĩa đạo đức tương đối, nó cho rằng phù hợp với lợi ích của giai cấp vô sản (thực chất là giai cấp thống trị) là đạo đức, ngược lại là vô đạo đức. Đạo đức không phải dùng để ước thúc “giai cấp vô sản”, mà trở thành vũ khí để đả kích kẻ thù của “chuyên chính giai cấp vô sản”.
Thực tế là, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tiến bộ có tồn tại một số điểm tương đồng, nên việc chủ nghĩa cộng sản chiếm đoạt chủ nghĩa tiến bộ dường như rất “hợp lẽ tự nhiên”, khiến người ta mất cảnh giác. Cho đến nay, chủ nghĩa cộng sản ở phương Tây vẫn lấy danh nghĩa chủ nghĩa tiến bộ mà tiếp tục ngang nhiên lừa phỉnh.
Nhắc lại 10 điểm trong Tuyên ngôn cộng sản
Những người yêu thích chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chưa hẳn là những người đã đọc qua các tài liệu cộng sản. Như đã nói ở trên, đa số trong đó là những người dựa trên “hiểu biết tương đối” của mình mà bị lừa, hoặc vì lợi ích bản thân mà chạy theo chủ nghĩa xã hội.
Dưới đây, xin được nói một chút về “Tuyên ngôn Cộng sản” của Karl Marx. Có 10 điểm quan trọng trong tài liệu này được Karl Marx đề ra để một quốc gia tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Có câu “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì họ làm”, lý thuyết cộng sản mà Karl Marx đưa ra có nhiều điều là dối trá, nhưng 10 điểm này thì là chân thật, bởi nó là hành động:
1. Tước đoạt quyền sở hữu đất đai, thu thuế đất để dùng cho chi tiêu quốc gia.
2. Áp thuế thu nhập nặng và áp thuế lũy tiến.
3. Phế bỏ toàn bộ quyền thừa kế [có thể bắt đầu bằng việc đánh thuế thừa kế].
4. Tịch thu tài sản của tất cả dân di cư và kẻ nổi dậy.
5. Tập trung tín dụng trong tay quốc gia dưới hình thức ngân hàng quốc gia giữ vốn nhà nước và độc quyền lũng đoạn.
6. Tập trung ngành giao thông vận tải trong tay quốc gia.
7. Mở rộng nhà máy và công cụ sản xuất thuộc sở hữu nhà nước; canh tác đất hoang, và cải tạo đất đai nói chung theo một kế hoạch chung.
8. Thực thi chế độ nghĩa vụ lao động ngang bằng cho mọi người lao động [bất kể nam nữ]. Thành lập công nghiệp quốc phòng, đặc biệt đối với nông nghiệp.
9. Kết hợp nông nghiệp với các ngành sản xuất; từng bước xóa bỏ mọi sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn bằng cách phân bố dân số đồng đều hơn trên cả nước.
10. Miễn phí giáo dục cho tất cả trẻ em ở trường công. Bãi bỏ lao động trẻ em ở nhà máy dưới hình thức hiện tại. Kết hợp giáo dục với sản xuất công nghiệp.
Nếu để đánh giá, thì một quốc gia tự do như Hoa Kỳ đã có bao nhiêu điểm bị phong trào cộng sản xuyên thấu hoàn toàn hay một phần? Tất cả 10 điểm, chỉ là chưa đến tận cùng mà thôi! Rất nhiều tài liệu nói về vấn đề này (có thể tra cứu với từ khóa “10 planks of the Communist Manifesto”), ở đây xin không đề cập thêm. Nhìn qua những điểm này, có rất nhiều điểm mang tính “lừa dối” rất cao, chính là thông qua điểm “nghe có vẻ có lợi” đó mà xuyên thấu xã hội.
Lời kết
Trong suốt loạt bài này, chúng ta đã phân tích và chỉ ra rất nhiều điểm dối trá của chủ nghĩa cộng sản. Một bộ óc đồ sộ như của Karl Marx, một bộ óc có thể viết ra những điều làm khuynh đảo thế giới này, liệu có thể nhận ra những điểm dối trá ấy không?
Tất nhiên là có! Lý thuyết cộng sản về căn bản là được cố tình thiết kế ra!
Bản chất của lý thuyết cộng sản là gì? Ngay từ phần mở đầu “Tuyên ngôn Cộng sản” của Karl Marx đã viết một câu rất chân thật: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu, bóng ma cộng sản”. Giờ đây, nó không cuộc hạn ở châu Âu, mà đã lan ra toàn thế giới.
Con người theo đuổi sự tốt đẹp và tiến bộ thì không sai, nhưng khi bài xích đạo đức truyền thống và tín ngưỡng, thì họ đã trở thành công cụ cho “bóng ma cộng sản” ở đằng sau thao túng, dẫn dắt con người đi đến sự bại hoại và diệt vong.
Ngày nay, duy vật vô thần được khoác cho những lớp áo mỹ miều như khoa học, tiến bộ. Nhưng trong quá khứ mấy nghìn năm, nhân loại đều có một quan niệm chung: chống lại Thần, Phật, Thiên Chúa… thì chính là ma, quỷ, Satan. Suy nghĩ ra sao về vấn đề này lại tùy thuộc vào từng cá nhân vậy (Mời xem thêm: Chuyện ít biết về tín ngưỡng của Karl Marx).
Theo
Epoch Times
Nguyễn Vĩnh biên tập
Thứ Sáu, 31/07/2020
Tài liệu tham khảo:
[1]
Paul Hollander, Political Pilgrims (New York: Oxford University Press, 1981).
[2] J. Edgar Hoover, Masters of Deceit (New York: Henry Holt and Company,
1958), pp. 81-96.
[3] Tomas Schuman (Yuri Bezmenov), No “Novoste” Is Good News (Los Angeles:
Almanac, 1985), pp. 65–75.
[4] Werner Sombart, P. M. Hocking, Why is There no Socialism in the United
States? Palgrave Macmillan; 1st ed. (1976 edition)
[5] Harold Meyerson,“Why Are There Suddenly Millions of Socialists in America?
”The Guardian, February 19, 2016,
https://www.theguardian.com/commentisfree/2016/feb/29/why-are-there-suddenly-millions-of-socialists-in-america.
[6] Emily Ekins and Joy Pullmann, “Why So Many Millennials Are Socialists,” The
Federalist, February 15, 2016, http://thefederalist.com/2016/02/15/why-so-many-millennials-are-socialists/.
[7] The Myth of Nordic Socialism, Rainer Zitelmann, April 3, 2019
https://www.barrons.com/articles/the-myth-of-nordic-socialism-51554296401
[8] Milton Friedman, Rose D. Friedman, Free to Choose: A Personal Statement,
Mariner Books, reprint edition. (November 26, 1990)
[9] Fred Schwartz and David Noebel, You Can Still Trust the Communists…to Be
Communists (Socialists and Progressives too) (Manitou Springs, Colo.: Christian
Anti-Communism Crusade, 2010), pp. 44–52.
[10] Paul Johnson, Intellectuals: From Marx and Tolstoy to Sartre and Chomsky,
2007 revised edition (Harper Perennial), p. 225
[11] Luo Bingxiang, Western Humanism and Christian Thought, Furen Religious
Research