Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis
Dombrovskis -
Ảnh minh họa
Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP ngày 05/05/2021. YVES HERMAN POOL/AFP/File
Quan hệ có dấu hiệu trắc trở giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc là một trong những đề tài nổi bật trên báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 06/05/2021, đặc biệt được nhật báo kinh tế Les Echos đưa lên thành tựa lớn trang nhất.
Bên cạnh đó, chủ đề Covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới, kéo theo nỗ lực tiêm chủng để phòng ngừa cũng tiếp tục được theo dõi, cụ thể là hồ sơ lớn trên Le Monde về độc quyền sản xuất vac-xin hiện do các viện bào chế lớn nắm giữ.
Và dĩ nhiên các đề tài liên quan đến Pháp vẫn rất được quan tâm, từ vấn đề hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa trên Le Figaro, cuộc chiến giữa các thế hệ trên La Croix cho đến vụ một nhà báo Pháp bị quân thánh chiến Hồi Giáo bắt làm con tin ở Mali (châu Phi) trên Libération.
Les Echos: Châu Âu lên giọng với Trung Quốc
Về quan hệ Liên Âu-Trung Quốc, Les Echos nêu bật trong hàng tựa chính trang nhất: “Châu Âu lên giọng với Trung Quốc”, giải thích rằng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư được ký kết giữa hai bên vào cuối tháng 12/2020 đang bị hoãn. Tờ báo đặc biệt ghi nhận sự kiện Bruxelles đang củng cố kho “vũ khí” luật lệ và quy định của mình để ngăn chặn không cho các tập đoàn Trung Quốc mua lại các công ty châu Âu.
Trong bài phân tích mang tựa đề: “Gió đã xoay chiều trong quan hệ châu Âu -Trung Quốc”, Les Echos nhấn mạnh đến thái độ cứng rắn rõ nét của Liên Hiệp Châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc, căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai bên đang khiến Bruxelles ngày càng đề cao cảnh giác với Bắc Kinh.
Thỏa thuận đầu tư bị hoãn phê chuẩn
Tờ báo ghi nhận rằng bầu không khí lạnh giá hiện nay đã hoàn toàn đổi khác so với cách nay không đầy 5 tháng, khi hai bên ký kết thỏa thuận song phương về bảo hộ đầu tư, một thỏa thuận mà thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra sức thúc đẩy.
Thỏa thuận này cần phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn mới có hiệu lực, thế nhưng tối thứ Ba 04/05 vừa qua, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis, người Latvia, đã chính thức thừa nhận rằng tiến trình phê chuẩn bị đình hoãn với lý do: “Môi trường không thuận lợi”. Đây là một thay đổi thái độ rõ nét đối với một người cho đến gần đây, vẫn kêu gọi mọi người là cần phải thực dụng trước một văn bản mở ra triển vọng tích cực cho các công ty châu Âu.
Ngoài việc đình hoãn tiến trình phê chuẩn thỏa thuận đầu tư UE-Trung Quốc, Les Echos còn ghi nhận một dấu hiệu khác thể hiện thái độ cứng rắn hẳn lên của Bruxelles đối với Bắc Kinh. Vào hôm qua, 05/05, Ủy Ban Châu Âu đã loan báo các quyết định tăng cường khả năng tự vệ của châu Âu chống lại các công ty Trung Quốc được Bắc Kinh trợ cấp hậu hĩnh.
Chính Trung Quốc đã tự "bắn vào chân mình"
Theo ghi nhận của Les Echos, khi loan báo việc thỏa thuận đầu tư bị hoãn phê chuẩn, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu chỉ lớn tiếng nói ra những gì đã được xì xào ở các thủ đô châu Âu, vì ai cũng thấy rằng văn kiện này khó có thể được phê chuẩn trong bối cảnh Trung Quốc bị vướng vào vấn đề đàn áp tại Hồng Kông và Tân Cương, trong lúc vẫn duy trì thái độ mập mờ trên việc tôn trọng luật lao động.
Đối với Les Echos, chính thái độ ngạo mạn của Trung Quốc đối với châu Âu đã khiến cho quan hệ song phương xấu đi đột ngột, đặc biệt là từ tháng Ba vừa qua trên vấn đề Tân Cương.
Được trang bị một công cụ mới để chống lại việc lạm dụng nhân quyền, Liên Hiệp Châu Âu đã trừng phạt nhiều công dân trên thế giới, trong đó có 4 quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về vụ đàn áp ở Tân Cương. Phản ứng của Bắc Kinh rất quyết liệt và tức thời, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nghị sĩ, các nhà nghiên cứu và một trung tâm nghiên cứu.
Les Echos đã trích dẫn một nguồn tin hàng đầu tại châu Âu, phê phán tính chất thái quá của Bắc Kinh trong cách đáp trả khi tấn công vào chính nền tảng của quyền tự do ngôn luận của châu Âu, theo logic thuần túy đối đầu và “quá tự tin”. Đối với nguồn tin trên, suy nghĩ chung ở châu Âu là chính Trung Quốc “đã tự bắn vào chân mình”, tức là tự hại mình.
Một nguồn tin khác đánh giá: “Hoặc là họ không thèm quan tâm đến quan hệ của họ với chúng ta, hoặc họ không hiểu cách hoạt động của chúng ta, cũng như không lường trước được mức độ phản ứng của chúng ta”.
Quan hệ khó khăn sẽ còn kéo dài
Đối với Trung Quốc, theo Les Echos, triển vọng quan hệ với châu Âu còn có khả năng xấu đi thêm vì thái độ cảnh giác với Bắc Kinh giờ đây còn xuất hiện ở các quốc gia hay các thành phần lâu nay vẫn hoan nghênh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một ví dụ cụ thể là những khó khăn mà khối “17 + 1” đang gặp phải. Nhóm 17 quốc gia châu Âu này - vốn đã liên kết với Trung Quốc - đang đứng trước nguy cơ bị hụt hơi, với việc các nước Baltic đang càng lúc càng rời xa khỏi khối.
Ngay cả nước Đức, từ lâu nay vẫn tập trung vào lợi ích của các nhà xuất khẩu trong nước với Trung Quốc là một thị trường nặng ký, hiện cũng đã thay đổi thái độ - Thủ tướng Angela Merkel, sắp rời chức vụ, có dấu hiệu bị tương đối cô lập khi bà liên tục bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh.
Giới chủ nhân châu Âu cũng đã thay đổi cách tiếp cận của họ. Markus Beyrer, giám đốc điều hành của Business Europe, tóm tắt: “Theo truyền thống, Trung Quốc được coi là một thị trường có tốc độ tăng trưởng vượt trội”. Nhưng giờ đây, ông giải thích, vấn đề đặt ra trước tiên là các công ty châu Âu phải được đối xử “ngang hàng” với các công ty Trung Quốc.
Le Monde: Thỏa thuận EU-Trung Quốc "kể như đã chết"
Nhật báo Le Monde cũng phân tích về quan hệ Bruxelles-Bắc Kinh trong bài “Liên Hiệp Châu Âu “đình chỉ” thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc”, và trích dẫn một số nhà quan sát cho rằng văn kiện này “kể như đã chết”.
Đối với Le Monde, rõ ràng là khi được ký kết cách đây 4 tháng, ai cũng thấy rằng việc phê chuẩn thỏa thuận sẽ không đơn giản. Các chính phủ muốn phê chuẩn nhưng sẽ phải đối mặt với những luồng dư luận đôi khi chống đối, nhất là khi các nước như Hà Lan, Áo, Ý và Hungary, đã tỏ dè dặt về tác dụng thực thụ của thỏa thuận, trong khi một số nước khác lại sợ gửi đi một tín hiệu sai lạc tới chính quyền Biden, trong bối cảnh Bruxelles đang tha thiết khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Còn về phía Nghị Viện Châu Âu, ngoài nhóm nghị sĩ Đức và phe Bảo Thủ thuộc Nhóm Các Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), hiệp ước này đã khơi dậy các phản ứng tiêu cực, từ thái độ thù địch thẳng thừng của các nhóm bảo vệ môi trường hoặc đại diện của cánh tả cấp tiến, cho đến thái độ hoài nghi không giấu diếm kể cả nơi các nghị sĩ vốn có truyền thống ủng hộ loại thỏa thuận này.
Việc Bắc Kinh trừng phạt các nghị sĩ châu Âu dám chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào lửa. Nghị sĩ châu Âu người Pháp Raphael Glucksmann, một trong những người bị Bắc Kinh trừng phạt, tối 04/05 đã tuyên bố: “Trong vòng hai tuần lễ tới đây, Nghị Viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về việc đóng băng thỏa thuận. Chúng tôi cảm thấy sẽ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu". Theo ông, sở dĩ Ủy Ban Châu Âu phải hoãn thỏa thuận, đó là vì "họ đã biết trước điều đó”.
Riêng ông Philippe Lamberts, chủ tịch nhóm nghị sĩ thuộc đảng xanh Les Verts tại Nghị Viện, một người cũng chống thỏa thuận với Trung Quốc ngay từ đầu, thì nhận xét thẳng thắn: “Thỏa thuận này đã khởi sự một cách tệ hại, ngay từ trước khi có những biện pháp trừng phạt (giữa Liên Âu và Trung Quốc). Giờ đây, có lẽ nó đã chết hẳn”.
RFI. 06/05/2021