03 août 2017

Bà Phạm Chi Lan kể chuyện bị đe dọa khi tham gia tư vấn cho thủ tướng



Chuyên gia Phạm Chi Lan

  "Hồi xưa khi chúng tôi làm cũng bị nhắn tin đe dọa, tạo sức ép vì có chỗ họ không đồng tình. Sức ép nhiều lắm đấy chứ, có chỗ họ không đồng tình, dùng mình để "lobby" cho một cái chính sách nào đó, chiến lược phát triển ngành nào đó có lợi cho họ", bà Phạm Chi Lan kể lại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996-2006 đã có cuộc trò chuyện với VTC News về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ. 

Bà có đánh giá thế nào về bộ máy của Tổ tư vấn kinh tế vừa được thành lập?

Tôi thấy cơ cấu tổ tư vấn cũng được, số lượng các chuyên gia vừa phải, thành phần đa dạng, có 4 chuyên gia đang làm việc ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore. Có người giảng dạy ở đại học, như ban nghiên cứu trước đây, thành phần chuyên gia công tác trong lĩnh vực giảng dạy rất ít. Sự thay đổi này là tốt, nó thể hiện các trường đại học ngày nay đã gắn với nghiên cứu đang phát triển tốt.
Các chuyên gia khác cũng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, có nhiều năm làm tư vấn như ông Trần Du Lịch, đã làm qua mấy đời Thủ tướng, có nhiều thành viên cũng từng nằm trong ban cố vấn của các đời Thủ tướng trước.
Riêng ông Bùi Quang Vinh dù đã về hưu nhưng tôi đánh giá là người hết sức xuất sắc, kinh nghiệm của ông sẽ đóng góp rất tốt vào việc hoạch định các chính sách… Nhìn chung, thành phần tổ tư vấn như vậy có tính đa dạng, mọi người có thể bổ sung cho nhau. 

Các thành viên tư vấn cần lưu ý điều gì để có thể làm tốt trách nhiệm?
 
Trước hết, những chuyên gia phải ý thức được là mình đang đóng góp vào công việc chung nên phải hết sức công tâm, tự mình thoát ly ra khỏi các lợi ích nhóm.
Khi cá nhân thành viên tổ tư vấn còn đang đương chức, phụ trách chỗ này chỗ kia thì cũng cần thoát ra khỏi lợi ích của đơn vị mình. Hoặc là để công việc của đơn vị mình không tác động vào ý kiến tư vấn cho Thủ tướng. Hai là hết sức tránh không để tác động của lợi ích nhóm tác động vào. 

Trong thời gian bà làm trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng có gặp những khó khăn gì?
 
Nói thật, hồi xưa khi chúng tôi làm cũng bị nhắn tin đe dọa, tạo sức ép vì có chỗ họ không đồng tình. Sức ép nhiều lắm đấy chứ, có chỗ họ không đồng tình, dùng mình để "lobby" cho một cái chính sách nào đó, chiến lược phát triển ngành nào đó có lợi cho họ.
Họ nói đến gặp để nói về chiến lược, về ngành nhưng thực chất là với mục đích "lobby" cho chiến lược có lợi cho họ, chấp nhận cho một đống tiền ngân sách ưu tiên cho họ hoặc chính sách có lợi cho ngành của họ. Những cái đó, chúng tôi phải rất công tâm, rất khách quan.
Nhiều lần chúng tôi phản đối vì chính sách không phù hợp, chính sách cho ngành đó vượt lên cao quá so với lợi ích chung nên chúng tôi không chấp nhận.
Nhưng cũng có trường hợp chúng tôi thua vì họ chạy cửa này không được lại chạy cửa khác, lên cấp cao hơn có thể quyết định. Dù thế nào, chúng tôi vẫn phải giữ lập trường riêng của mình, không để cho lợi ích riêng của chỗ này đó ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Thời đó, có ý tưởng đưa ra tập đoàn kinh tế nhà nước, tôi và một số người khác phản ứng rất mạnh mẽ. Chúng tôi cho rằng không nên cho phép tập đoàn nhà nước kinh doanh đa ngành. 

Tôi là người đầu tiên đưa ra phân tích tại sao không nên rất thẳng thắn. Nhiều người cho rằng luật doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được kinh doanh nhiều lĩnh vực, tại sao tập đoàn nhà nước không được?
 
Nhưng vấn đề ở đây là nó khác về bản chất, tập đoàn tư nhân có thể kinh doanh đa ngành nhưng nhà nước thì không được. Vì nhiệm vụ của tập đoàn nhà nước là tập trung vào các ngành, vấn đề thiết yếu của nền kinh tế đất nước. Làm điện, làm dầu… thì phải tập trung vào đi sao lại đi đầu tư những thứ khác, phân tán nguồn lực.
Nguồn lực đó bản chất là sở hữu toàn dân từ tiền thuế của dân, tài sản của đất nước giao cho họ làm. Họ phải tập trung làm công việc cốt lõi, sao lại làm tràn lan? Song những ý kiến đó của ban nghiên cứu không được chấp nhận. Sau đó, vẫn thành lập tập đoàn và hệ quả chúng ta đã nhìn thấy.
Để rồi chính phủ phải chỉ đạo tập đoàn phải rút khỏi đầu tư ngoài ngành vì thua lỗ. Cho đến bây giờ, quá trình rút khỏi ngoài ngành vẫn chưa xong, cả một quá trình rất vất vả và nó làm cho gánh nợ từ các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn lên kinh khủng. Các nhóm lợi ích cũng bành trướng ra quá rộng rãi và nó ăn sâu bén rễ vào chỗ này chỗ khác và nó biến thân kể cả vào khu vực tư nhân. Bây giờ chống lại cực kỳ khó.
Những người tham gia tổ tư vấn phải tự mình bứt ra khỏi các nhóm lợi ích và phải có sự can đảm, bản lĩnh của mình. 

Kỷ niệm nào khiến bà nhớ nhất trong quá trình làm chuyên gia tư vấn?
 
Hồi đưa ra luật doanh nghiệp năm 1999, chúng tôi đề xuất bỏ một lô giấy phép con, chúng tôi bị đe dọa nhiều, có người gọi điện thẳng: “Tại sao đi đập nồi cơm của tôi?”.
Tôi bảo, tôi không đập nồi cơm của anh. Tôi chỉ muốn anh có nồi cơm, nhưng anh kiếm nồi cơm bằng công việc một cách chính đáng, cạnh tranh một cách đàng hoàng. Anh đang làm như vậy là đang đập nồi cơm của rất nhiều người khác.
Họ đưa ra những câu đe dọa rất nhiều người khác. Mình cần phải biết mình bảo vệ cho cái đúng như thế nào. Phải có can đảm, có dũng khí để bảo vệ những chính kiến đó. 

Theo bà, vai trò của người lãnh đạo tổ tư vấn cần những gì?
 
Người lãnh đạo phải mạnh mẽ, thẳng thắn, không được nhát trước thủ trưởng của mình. Phải dám đề xuất các ý kiến lên thủ tướng. Người đứng đầu không hề dễ dàng, chịu nhiều sức ép hơn ai hết. Ngày trước, ông Trần Xuân Giá là người đứng đầu của chúng tôi rất mạnh mẽ. Khi người ta đi "lobby" chúng tôi không được, người ta đi nói với ông Giá, nhưng ý kiến chúng tôi đúng, ông Giá vẫn bảo vệ, ủng hộ.
Ít nhất ông Giá không để người ta gây sức ép khiến ông phải bác bỏ những ý kiến đúng của các thành viên trong ban. Cái chính là phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ chính kiến dù thủ tướng chấp nhận hay không. 

Bà đánh giá thế nào về Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng tổ tư vấn lần này?
 
Tôi biết anh Ngoạn lâu rồi, từ ngày anh còn ở Vietcombank, anh làm trong lĩnh vực ngân hàng, mối quan hệ rất rộng, nắm rõ được doanh nghiệp tư nhân thế nào, nhà nước thế nào… có nền tảng hiểu biết rộng.
Sau đó, anh làm quốc hội, rồi ban giám sát tài chính… đó là kinh nghiệm quý. Mong rằng với kinh nghiệm như vậy, anh sẽ phát huy hơn nữa ở tầm vĩ mô, hoạch định chính sách.
Tôi mong chờ một sự mạnh mẽ từ anh Ngoạn, anh là người rất biết lắng nghe và hiểu biết. 

Có ý kiến cho rằng, tổ tư vấn nên có các doanh nhân, bà nhận xét thế nào về ý kiến này?
 
Theo tôi là tuyệt đối không nên. Người có thể thay mặt doanh nhân là người có thời gian nghiên cứu về doanh nhân. Có hình ảnh doanh nhân ở đó sẽ khiến người ta nhìn thấy có lợi ích của doanh nhân. Có nhiều kênh để lấy ý kiến của doanh nhân, chứ không cần có mặt họ trong tổ tư vấn.

Bà có góp ý gì cho hoạt động của tổ tư vấn tới đây?
 
Tôi băn khoăn về bộ máy thường trực cho tổ tư vấn. Trước đây, ban nghiên cứu thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay Phan Văn Khải đều có ban chuyên trách. Ví dụ như tôi, sau khi về hưu, tôi làm trong ban nghiên cứu cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Tôi làm chuyên trách, 5 người chuyên trách lúc đó đều là những người về hưu nên không phải trả lương, chính phủ chỉ phải trả thù lao rất nhỏ, lúc đầu là 500 nghìn đồng/tháng, sau tăng lên thành 1 triệu.
Chúng tôi làm việc với quan niệm là có tiền hưu trí rồi nên nhà nước không cần trả lương. Tôi nghĩ cách tiếp cận đó rất tốt, chúng tôi thoải mái với cách đó, không ăn lương không vướng bận vào lợi ích mà phải giữ mồm giữ miệng hoặc không dám có ý kiến một cách thẳng thắn.
Nhóm thường trực phải mạnh, toàn tâm toàn ý đầu tư toàn bộ thời gian cho việc là cầu nối liên tục thường xuyên giữa thủ tướng và chuyên gia. Khi phát hiện vấn đề gì lên tiếng cảnh báo báo kịp thời với thủ tướng. 

Cảm ơn bà!
 
Đức Thuận/VTCNews
 
Nguồn: Theo MTG