Nguyễn Thị Hậu
(TBKTSG) - “Miệng nhà quan có gang có thép” là câu nói của dân từ
xưa. Có gang có thép là lời nói ném ra ghê lắm, đe dọa chặt chém sắc bén
lạnh lùng trấn áp gớm lắm... làm người nghe thấy phận mình như con sâu cái
kiến, phải rùng mình sợ hãi mà len lét tránh xa rồi ngậm ngùi tự trách “sao
mình lại gây chuyện với nhà quan làm gì cho khổ!”.
Tưởng sự đe dọa nỗi sợ hãi ấy chỉ có trong “văn chương hiện thực phê
phán” trước 1945 với thân phận của những anh Pha, chị Dậu, lão Hạc, giáo
Thứ... Vậy mà ngày nay nhiều vị quan miệng “có gang có thép” như đã bước ra
từ trang sách và có mặt không chỉ ở công đường mà cả ngoài đường phố nơi
quán xá. Nhưng vào thời đại Internet thì trong chốc lát lời nói hành vi
“gang thép” của “quan phụ mẫu” đã tràn ngập trên truyền thông, nó không còn
làm cho người ta sợ hãi mà trái lại gây ra sự bất bình và những phản ứng.
Vì sao nhiều quan chức lại tự cho mình cái quyền có thể vi phạm quy tắc
chung, vi phạm luật pháp, coi thường dân và trấn áp, đe dọa bằng lời nói và
hành vi khi có người phản ứng điều sai trái của mình? Đó là vì những quan
chức này không ý thức được họ đang sống trong thời đại nào, họ vẫn tư duy
và hành xử như “quan phụ mẫu” ngày xưa, tuyệt đối hóa chức vị nên họ lạm
dụng quyền thế trong mọi trường hợp, không thấy mình sai trái và nếu biết
thì cũng dùng uy quyền để lấp liếm.
Dư luận qua báo chí và mạng xã hội những ngày gần đây đã có thái độ
phản ứng sự lạm dụng chức quyền của một vài vị có chức sắc (đương chức hoặc
đã về hưu) không phải chỉ vì các vị vi phạm luật (có thể là vô tình và thật
ra lỗi không lớn) mà chính là vì cách hành xử khi được chỉ ra sai phạm.
Quát nạt chửi bới đe dọa, lấp liếm cái sai, chụp mũ cho phản ứng của người
khác. Ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng thái độ nhận biết và sửa sai mới
quyết định nhân cách của một con người.
Chức tước trước hết là trách nhiệm và đạo đức của quan chức, của cơ
quan công quyền. Tiếc rằng nhiều quan chức, công chức chỉ coi đó là quyền
lợi: lợi về vật chất (thu vén, vơ vét tài sản công biến thành tư) và lợi về
tinh thần (có quyền đứng trên dân, trên pháp luật). Sự bất bình đẳng trong
tiến trình phát triển một xã hội thoát ra từ kinh tế bao cấp ngày càng phổ
biến và sâu sắc chính là từ tình trạng tham nhũng của quan chức, nhất là sự
“tham nhũng quyền lực”. Khi quyền lực được coi là “tài sản” thì xã hội bất
ổn, tha hóa và nảy sinh nhiều nguy cơ.
Sự bất ổn dẫn đến tha hóa trong xã hội từ hiện tượng nhiều người có
hành vi xấu, và cũng như quan chức họ cậy mình là đại gia, có thân có thế,
có tiếng có tăm nên sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ hay ăn hiếp
người yếu thế. Rồi có người vi phạm luật pháp nhưng liều mạng kiểu Chí Phèo
gây nguy hiểm cho chính mình và cho người khác mà không ai dám can thiệp.
Một quan chức không phải là chính quyền nhưng người dân nhìn và đánh giá
chính quyền qua lời nói hành vi của từng quan chức.
Xây dựng một “chính phủ kiến tạo” không thể không bắt đầu từ đạo đức
công chức thể hiện qua mỗi lời nói hành vi, từ việc chính quyền tạo ra,
điều hành và thực thi công bằng xã hội bằng sự công minh.
|