13 juillet 2018

TÔI GÓP Ý VỀ LUẬT ĐẶC KHU



 
Được tin Thủ tướng "cầu thị" về Luật Đặc khu, tôi xin ý kiến. Có thể ý kiến của tôi được đồng tình hay không đồng tình, nhưng quan trọng là được nói lên suy nghĩ của mình.
1. Đặc khu không là kế sách duy nhất cho sự phát triển kinh tế, trừ phi nợ nần chồng chất buộc phải thực hiện cái hạ sách kiệt cùng là nhượng địa như một số quốc gia yếu kém và tham nhũng đã làm. Nếu không vì trả nợ thì phát triển kinh tế bằng mô hình đặc khu là phát triển bằng mọi giá đánh đổi cả chủ quyền, môi trường tự nhiên lẫn văn hóa xã hội. Sự thật là chưa hình thành đặc khu mà doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã điêu đứng vì sự lũng đoạn và đầu độc của doanh nghiệp và con buôn Trung Quốc, huống hồ là sự ra đời đặc khu với những ưu đãi tạo nguy cơ bành trướng không thể kiểm soát của nền kinh tế hoang dã mang nhãn hiệu China.



2. Lập đặc khu là chia cắt đất nước thành từng mảnh với thể chế, pháp luật, văn hóa, đạo đức khác biệt. Điều đó dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền từ từng phần đến toàn thể; sự tương tác không lành mạnh giữa đặc khu và ngoài đặc khu sinh ra cái quái thai về chính trị, pháp luật, hủy hoại văn hóa, đạo đức dân tộc. Đó là chưa nói nguy cơ xung đột ý thức hệ, xung đột sắc tộc, bạo loạn và lật đổ mà các cuộc biểu tình có tính bạo động vừa qua mới chỉ là khởi đầu.
3. Việc lập đặc khu không liên quan đến tình hữu nghị Việt - Trung, trừ phi tình hữu nghị ấy nằm trong âm mưu được cài đặt từ trước với một mật ước đen tối nào đó của một nhóm quyền lực đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích dân tộc. Có nghĩa là nếu không có Luật Đặc khu, tình hữu nghị Việt - Trung vẫn không có gì thay đổi, dân tộc hai nước vẫn có thể chung sống hòa bình hơn là có một luật đặc khu gây tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước.
4. Việc người Trung Quốc được mua nhà mua đất và định cư ở Việt Nam cũng như người Việt Nam được mua nhà mua đất và định cư ở nước ngoài. Đó là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa khi mỗi công dân có quyền trở thành công dân toàn cầu. Tất nhiên, xu hướng toàn cầu hóa phải luôn tính đến điều kiện các dân tộc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Có nghĩa là cái quyền ấy không cần phải là đặc khu với ưu đãi đặc biệt cho người Trung Quốc hay dân tộc khác. Bất cứ sự ưu đãi đặc biệt nào cũng không nằm trong mục tiêu toàn cầu hóa mà là nô dịch hóa, bởi sự ưu đãi đó đã bắc thang cho sự xâm lược, biến dân tộc mình thành kẻ nô lệ cho dân tộc khác ngay trên đất nước mình.
5. Cuối cùng, theo tôi, không cần Luật Đặc khu nào cả. Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Mọi công dân nước ngoài đến ở Việt Nam cũng chỉ có thể sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Điều cần làm cấp bách hiện nay là kiến tạo lại một Hiến pháp và hệ thống pháp luật của dân, do dân và vì dân thật sự chứ không phải là một thứ pháp luật ưu đãi riêng cho nhóm lợi ích và ngoại bang.
Hết ý kiến. Cám ơn Thủ tướng đã cởi mở, cho phép công dân được nói lên suy nghĩ của mình mà không bị chụp mũ phản động hay thù địch.






Nguồn: chumonglong.wordpress.com