Việc dấn sâu vào “canh bạc” Ukraine, nhất là sau thảm họa
máy bay MH17 đã đẩy ông Putin vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Hãy
chờ xem người đứng đầu nước Nga sẽ xử trí thế nào. Báo Giao thông giới
thiệu bài viết của Giáo sư Daniel Treisman – chuyên ngành Chính trị học
tại Đại học California về tương lai của Tổng thống Nga Putin sau vụ MH17.
Nội các của Tổng thống Putin dành phút tưởng niệm nạn nhân máy bay MH17 trong cuộc họp ngày 17/7
Canh bạc rủi ro
Trong khi chờ đợi cuộc điều tra tìm kiếm thủ phạm thực sự đã bắn rơi
chiếc MH17, Ukraine tuyên bố họ có đầy đủ bằng chứng để cho thấy Nga
không chỉ cung cấp tên lửa cho lực lượng phiến quân mà còn cử chuyên gia
sang triển khai huấn luyện. Vậy là những rủi ro tiềm ẩn trong “canh
bạc” của ông Putin bất ngờ lộ rõ. Quân ly khai là một tập thể gồm cả côn
đồ địa phương và ông Putin đã tự biến mình thành con tin của những kẻ
đó. Vào thứ 7 tuần trước, một vài tay súng chiến đấu tại miền Đông
Ukraine thậm chí còn say xỉn, xâm phạm các thi thể nạn nhân, đồng thời
ngăn cản quan sát viên của OSCE làm việc tại hiện trường vụ tai nạn.
Một cuộc điều tra sẽ được tiến hành để tìm ra sự thật. Nếu kết luận
cho thấy lực lượng ly khai đã dùng tên lửa do Nga cung cấp để bắn rơi
máy bay hoặc tệ hơn nữa là chính người Nga gây ra, áp lực đè lên vai ông
Putin sẽ càng nặng nề hơn. Phương Tây chắc chắn sẽ yêu cầu ông ngừng
mọi hoạt động hỗ trợ phiến quân và đóng cửa biên giới.
Nếu ông Putin không làm thế, những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ
hơn sẽ được áp dụng. Ngày 17/7, Chính phủ Mỹ chính thức công bố lệnh
trừng phạt khiến các nhà quan sát quốc tế phải sửng sốt bởi mức độ
nghiêm trọng của nó. Mục tiêu trừng phạt nhắm thẳng vào hai ngân hàng
lớn thứ ba và thứ tư của Nga VEB và Gazprombank, hai Công ty năng lượng
Novatek, Rosneft của Igor Sechin và Gennady – hai tay chân thân cận của
ông Putin.
Lựa chọn nào cũng cay đắng
Tình hình hiện nay cho thấy ông Putin chỉ có hai lựa chọn nhưng cả
hai đều nguy hiểm: Thứ nhất, phản đối những kết luận của cuộc điều tra
và tiếp tục đứng về phe ly khai. Điều này sẽ khiến kinh tế Nga bị thiệt
hại nặng nề do nhiều lệnh trừng phạt nhắm vào khu vực tài chính – ngân
hàng và năng lượng. Kinh tế Nga (được dự đoán chỉ tăng trưởng 0,2% năm
nay) sẽ chìm vào khủng hoảng đau đớn. Cùng lúc, Nga sẽ bị cô lập nhiều
hơn nữa trên trường quốc tế. Không chỉ Anh, Mỹ, nhiều quốc gia khác vốn
từng thân thiết với Nga hay trung lập chắc chắn sẽ đối xử với cá nhân
ông Putin khác trước. Không những thế, ông Putin còn phải lo lắng về
chuyện tay chân thân tín ở bên kia biên giới có thể sẽ phạm thêm những
tội ác mới và khiến thế giới áp dụng nhiều biện pháp đối phó mạnh mẽ
hơn.
Thứ hai, thừa nhận kết quả điều tra, ngừng hậu thuẫn cho quân ly khai
nhưng điều đó sẽ khiến ông Putin phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng
trong nước. Với những người Nga đang bị dẫn dắt bởi truyền thông quốc
gia, việc tiếp nhận một kết luận trái ngược với những điều được nghe sẽ
khiến họ bối rối. Nếu ông Putin chịu cúi đầu trước áp lực quốc tế và từ
bỏ những việc đang thực hiện thì đó là biểu hiện của sự hèn nhát. Theo
cuộc điều tra mới nhất của Trung tâm Levada, ông Putin giành được sự ủng
hộ của 86% người Nga, đây có thể coi là chiến thắng tạm thời của ông.
Clausewitz – một tướng Đức kiêm nhà nghiên cứu quân sự đã từng nói:
“Chiến tranh mang lại cơ hội”. Thế nhưng sự nguy hiểm xảy ra khi mất
quyền kiểm soát đối với hoạt động quân sự. Trong 14 năm qua, Putin luôn
giữ sự thận trọng đặc biệt trong các vấn đề quốc tế. Ông thường cân nhắc
được – rất kỹ càng trước khi quyết định hành động. Chính vì vậy, nhiều
nhà phân tích quốc tế đã vô cùng ngạc nhiên khi ông Putin quyết định lấy
Crimea bất chấp rủi ro, trái ngược hoàn toàn với tính cách cẩn trọng
trước đây. Với họ, ván bài này có thể nhìn thấy ngay mất mát tiềm ẩn rất
lớn trong khi lợi ích lại ngắn ngủi.
Và giờ đây, nếu không xảy ra sự kiện nào bất ngờ có thể xoay chuyển
tình thế, ông Putin sẽ phải đối mặt với tình huống “tiến thoái lưỡng
nan”. Dù chọn cách này hay cách khác thì rủi ro với ông đều quá lớn.
“Canh bạc” Putin chơi đang đẩy ông vào rắc rối.