25 octobre 2014

Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”


 Nguồn: Theo GDVN

XUÂN DƯƠNG

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”.  Có thể thấy hàm ý mà Chủ tịch nước nêu ra: “Dân hỏi, Đảng hỏi” vậy thì câu trả lời chắc chắn không nằm nơi Dân, nơi Đảng.  Câu trả lời phải ở phía Quốc hội,  Chính phủ, Tòa án, Kiểm sát, tức là phía lập pháp, hành pháp và tư pháp. 
 

Chuẩn bị Đại hội đảng XII: Lãnh đạo bắt đầu đánh nhau?


Dân Quyền


(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được
 
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” là câu nói được lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước thường xuyên nhắc tới, câu này cũng là điều mà đa số người dân muốn hỏi những người có trách nhiệm. Về vấn đề này Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”. [1]
Có thể thấy hàm ý mà Chủ tịch nước nêu ra: “Dân hỏi, Đảng hỏi” vậy thì câu trả lời chắc chắn không nằm nơi Dân, nơi Đảng.  Câu trả lời phải ở phía Quốc hội,  Chính phủ, Tòa án, Kiểm sát, tức là phía lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Câu hỏi của Đảng, của Dân thực ra  đã được TƯ trả lời trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị…”.
Theo tinh thần nghị quyết TƯ, phạm vi tìm kiếm như vậy không phải là quá rộng, cái “bộ phận không nhỏ ấy” nằm trong một “bộ phận nhỏ” là “cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”.
Rõ ràng cái “bộ phận nhỏ” bao trùm “cái bộ phận không nhỏ” ấy không phải là những nông dân, những công nhân đang làm thuê cho các ông chủ chủ tư bản, những thầy cô giáo hàng tháng lĩnh đồng lương ba, bốn triệu… Cái “bộ phận nhỏ” ấy chính xác chỉ là các “cán bộ, đảng viên” như nghị quyết TƯ4 đã chỉ ra.
Trong khoa học, để tìm nghiệm bài toán người ta có thể sử dụng phương pháp loại suy (The deduction method), tức là phương pháp suy diễn để loại bỏ các nghiệm không phù hợp, thu hẹp phạm vi tìm kiếm để nhận được kết quả nhanh nhất.
Áp dụng phương pháp loại suy, có thể thấy tổng số cán bộ công chức, viên chức cả nước là vào khoảng 2.5 triệu người, đội ngũ giáo viên các cấp (chiếm tới 80% viên chức cả nước) có số người thoái hóa biến chất, tham nhũng không đáng kể có thể loại ra, viên chức ngành Y tế thì có một số nhân viên, y bác sĩ thoái hóa, chủ yếu là tham nhũng vặt đối với bệnh nhân nên tạm thời cũng có thể loại ra (trừ các công chức hai ngành này).
Như vậy sau khi đã (tạm thời) loại trừ, có thể thấy loại tham nhũng lớn, đặc biệt là tham nhũng chính sách chủ yếu thuộc về đội ngũ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, số này theo nghị quyết của Chính phủ chỉ là 281.714 người. [2]
Đến đây thì phạm vi tìm kiếm  được thu hẹp đáng kể , dù  281.714 công chức nêu trên phân bổ rải rác từ xã, phường lên trung ương, từ các bộ, ban ngành tới các đoàn thể quần chúng nhưng  Bộ Nội vụ nắm rõ họ tên, trình độ, chức vụ từng người.
Vấn đề cuối cùng là chỉ đích danh ai nằm trong nhóm “thoái hóa, biến chất, tham nhũng”,  đây chính là điều khó khăn nhất ngay cả khi đã biết mười mươi, là điều mà Chủ tịch nước cho rằng “Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng”.
Thế giới ngày nay, trong từng quốc gia ngoài ba quyền lực phổ biến là lập pháp, hành pháp và tư pháp còn quyền lực thứ tư là truyền thông. Trong thời đại kỹ thuật số, với sự phổ biến của Internet thì sức mạnh của truyền thông là điều đã được cả thế giới khẳng định.
Tại Mỹ, ngày 17/6/1972 cục điều tra liên bang (FBI) bắt được 5 kẻ đột nhập văn phòng của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate.  Chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập nhắm thu thập thông tin về Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, với quyền lực trong tay Nixon đã khiến FBI phải im lặng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post phanh phui sự kiện trước công luận. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố từ chức.
Truyền thông, cũng như một số quyền lực khác, không phải luôn luôn vô tư, không phải lúc nào cũng bênh vực công lý, đó chính là con dao hai lưỡi mà người sử dụng phải cảnh giác. Tuy vậy không sử dụng truyền thông, không xem đó là vũ khí lợi hại trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng thì thật là đáng tiếc.
Có một câu nói rất chí lý: “Khi ngôn từ không đủ để ca ngợi tình yêu thì âm nhạc lên tiếng”. Nếu Chủ tịch nước đã phải nhận định “Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng” thì nên chăng hãy tạo điều kiện thuận lợi để truyền thông lên tiếng?
Nhà nước có đầy đủ công cụ luật pháp trong tay, những thông tin sai lệch, đi ngược lại lợi ích quốc gia, trái với truyền thống văn hóa dân tộc của một vài đơn vị truyền thông hoàn toàn có thể bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật hiện hành, điều này đã được chứng minh qua vụ đình bản ba tháng và phạt báo điện tử Trí thức trẻ 207 triệu vì đã cho đăng bài báo “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”.
Một hai tờ báo, một số lượng không nhiều phóng viên thoái hóa, biến chất, chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, tin bài nặng về “cướp-hiếp-giết” không phải là nét đặc trưng của truyền thông Việt Nam. Hầu hết nhà báo, báo chí và các phương tiện phát thanh, truyền hình đều có trách nhiệm khi đưa tin, bài về các sự kiện. Điều trăn trở nhất là ít báo, đài mạnh dạn cho đăng các bài, các phóng sự liên quan đến những vấn đề nhạy cảm.
Người viết đã từng nhận được một tin nhắn, xin sao chép nguyên văn như sau: “Chị ơi, em quên mất chưa trả lời chị về bài viết này. Chủ đề lao động nhập cư, ta chỉ đưa rón rén thôi. Do đó, bài bình luận này không đăng được chị ạ, huhuhu.
Nhờ chị trả lại bài cho tác giả và giải thích dùm cái... khó của bên mình nhé ”.
Điều 9, điều 86 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rất rõ vai trò của báo chí trong việc tham gia đấu tranh, phát hiện tham nhũng và biểu dương người có thành tích chống tham nhũng. Tuy vậy từ luật đến thực tế vẫn là một khoảng cách xa vời ai cũng biết nhưng không thể khắc phục.
Sự “rón rén” của truyền thông về các vấn đề xã hội, chính trị nhạy cảm khiến cho các tin bài giật gân kiểu “cướp hiếp, loạn luân,  hở hang” có đất sinh sôi, chính những bài báo này đang góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội nhưng họ lại không phải “huhuhu” vì cái “khó của bên mình”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi truyền thông đã thu thập, công bố các vụ việc với đầy đủ bằng chứng thì kết quả vẫn có thể chỉ là sự im lặng.
Có thể nêu dẫn chứng:  Thượng tá Đỗ Văn Cai, Phó phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa (nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.Thanh Hóa) gửi đơn tố cáo, khiếu nại Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Thanh Hóa cùng các cán bộ khác thuộc đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, mắc sai phạm khi chỉ đạo, điều tra, xử lý một số vụ án… Vụ việc đã kéo dài 10 tháng nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phúc đáp gì về đơn khiếu nại, tố cáo của cán bộ này. [3]
Là cựu phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an, hẳn trình độ nghiệp vụ của ông Cai không phải tầm thường, vậy tại sao công an tỉnh và bộ lại cho rằng: “nhiều nội dung tố cáo của Thượng tá Đỗ Văn Cai là không có cơ sở”!
Tại sao hệ thống chính trị cả một tỉnh, từ Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, Ban thi đua - khen thưởng trung ương đều đã thẩm định hồ sơ nhưng trong 17 thành tích của ông Hồ Xuân Mãn báo cáo, chỉ có 2 thành tích là đúng, 7 thành tích chưa chính xác và 8 thành tích là khai man không đúng sự thật.
Nếu không có đơn thư tố cáo của bốn cựu chiến binh thì “anh hùng lực lượng vũ trang” Hồ Xuân Mãn sẽ hạ cánh an toàn, con cháu trong họ sẽ đời đời tự hào về một vị “anh hùng” góp công chống giặc bảo vệ tổ quốc.  
Đi tìm “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất, từ Trung ương tới cơ sở, từ người đứng đầu quốc gia tới người dân, từ truyền thông tới công an đều cảm thấy khó khăn, vì sao?
Vì những người có trách nhiệm đi tìm lại chỉ nhìn xa, nhìn đâu đó bên ngoài chứ không nhìn gần, nhìn ngay dưới chân mình. Còn người dân và truyền thông, mặc dù có thể tìm thấy nhưng buộc phải “rụt rè, rón rén”, kết cục tất yếu là “hòa cả làng”, nói như một bài báo đăng trên Laodong.com.vn ngày 24/1/2013 “Nếu cơ quan chống tham nhũng lại chỉ gồm những người có khả năng tham nhũng thì làm sao có thể phát hiện ra, nói chi đến trừng trị những kẻ tham nhũng”. [4]
Người ta “đãi cát tìm vàng” vì vàng là quý hiếm, tuy vậy giá trị của vàng lại không nằm ở sự quý hiếm mà là giá trị sử dụng thực sự của vàng trong khoa học, công nghệ và đời sống. Tìm ra những người thoái hóa, biến chất trong cái bộ phận nhỏ là “cán bộ, đảng viên” chẳng khác gì bảo “đãi vàng tìm cát”, cát nào có quý hiếm, mất công đãi để làm gì?
Chủ trương của Đảng, Nhà nước là sáng suốt, nhưng tại sao thực hiện mãi mà vẫn không  như mong muốn?  Phải chăng là do chiến lược, chiến thuật tìm kiếm có vấn đề?
Có một câu chuyện trẻ chăn trâu đều biết, ấy là chuyện bắt giun bắt dế. Đứng thẳng lưng trên cánh đồng có mà tìm cả năm cũng không được con nào, chịu khó lật các tảng đá, viên gạch hay đống rác thể nào cũng thấy giun dế, thậm chí còn cả rắn rết.
Ngày nay cái “bộ phận không nhỏ”  ấy đều được che bởi các ô, dù cao cấp, chỉ khi nào lật bỏ hết ô dù cho ánh sáng chiếu vào mới có hy vọng nhìn thấy “giun dế” bên dưới.
Thay vì đi tìm “một bộ phận không nhỏ” chiến thuật bây giờ là tìm một “bộ phận rất nhỏ”. Bộ phận rất nhỏ này, nghị quyết TƯ4 đã chỉ ra rồi,  đó là “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Vừa qua không ít “ô to” đã bị bóc tách như Nguyễn Trường Tô, Hồ Xuân Mãn, Phan Thanh Bình, Trần Xuân Giá… Vẫn còn hàng loạt tên tuổi đã bị báo chỉ đích danh như ở Bình Dương, bên Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây Dựng, bên Tòa án, Viện Kiểm sát… Nếu người ta trong sạch thì chính quyền phải thanh minh, không để ai bị oan ức, ngược lại thì cũng nên nói rõ, tránh để người dân hồ nghi rằng “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”.
Tìm được “một bộ phận rất nhỏ” sẽ giống như dân gian nói “rung cây dọa khỉ”, cây mà đã bị rung thì khỉ chạy tán loạn, lưới đã giăng sẵn chắc sẽ dễ bắt hơn là khi chúng ở tít trên cành cao, lại bị lá cây che khuất.
Nói thì dễ, làm mới khó, ngày xưa các cụ bảo: “một người lo bằng kho người làm” chẳng biết ngày nay có đúng thế không hay phải là ngược lại “một người làm bằng cả đám người lo”, nhưng mà ai làm?
Tài liệu tham khảo: