Chia sẻ
Giới tư pháp đang bàn luận sôi nổi về quyền im lặng, nhiều ý kiến tranh cãi xem có nên đưa quy định này vào luật hay không.
Xét kỹ thì thấy quyền im lặng chính là một quyền tự do dân chủ của công dân, nếu được triển khai vào luật thì đó sẽ là một bước tiến của nền dân chủ.
Quyền dân sự và chính trị
Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc ra đời năm 1966 mà Việt Nam ký kết tham gia năm 1982 đã viết rằng: Trong các vụ án hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những đảm bảo tối thiểu sau đây: Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.
Như vậy nếu không phải là chối cãi theo kiểu chày cối quá đáng thì có thể thấy ngay quyền im lặng là quyền công dân và là quyền con người.
Vấn đề là các nội dung điều khoản của Công ước quốc tế có được lĩnh hội và khai triển vào hệ thống pháp luật trong nước hay không. Có được tôn trọng và thực thi triệt để hay là chỉ là áp dụng quanh co nửa vời.
Ví như cũng Công ước trên có nội dung rằng trong các vụ án hình sự, các bị cáo được hưởng đảm bảo tối thiểu là được xét xử mau chóng, không kéo dài quá đáng.
Nhưng nội dung này không được coi trọng khai triển vào luật, bằng nhiều các quy định pháp luật bất hợp lý, các vụ án hình sự ở Việt Nam thường bị giải quyết kéo dài.
Ví như vụ án Vườn Mít ở Bình Phước kéo dài 10 năm, vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang kéo dài 9 năm và nhiều vụ án khác.
Vì sao không triển khai?
Lý giải vì sao chưa thể triển khai quyền im lặng vào luật, ý kiến đưa ra là điều kiện thực tế ở Việt Nam chưa cho phép, tiêu biểu cho lối quan điểm này là phát biểu của ông Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong một bài đối thoại phỏng vấn trên báo VietnamNet ông này đã phát biểu:
“Đối với nước ta, cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, số lượng luật sư còn rất khiêm tốn, năng lực, trách nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, đang trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động nên việc quy định “Quyền im lặng” như thế nào và lộ trình thực hiện ra sao cũng phải được xem xét thận trọng.
Để mỗi quy định của pháp luật khi được ban hành sẽ có sức sống trong xã hội, vừa bảo đảm quyền dân chủ công dân nhưng cũng phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.”
Người ta viện dẫn điều kiện thực tế khó khăn để lý giải việc chưa thể triển khai một chế định pháp lý văn minh tiến bộ.
Điều này cũng giống như việc người ta chối bỏ thực thi các quyền tự do dân chủ của công dân dựa vào lý do trình dộ dân trí chưa thể đáp ứng.
Nhưng thực ra đây chỉ là ngụy biện không chính đáng. Bởi lẽ người ta đã lật ngược nguyên nhân và kết quả.
Vì nếu có thiết chế về quyền im lặng, điều này sẽ buộc các cơ quan tư pháp nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Tránh tình trạng lười biếng trau dồi học hỏi dẫn đến yếu kém năng lực, và tránh việc sử dụng bức cung nhục hình như một phương pháp điều tra giải quyết án.
Nếu có quyền im lặng vai trò của người luật sư được nâng cao, khi bị cáo thấy được tính hữu dụng của người luật sư họ sẽ tìm kiếm nhờ luật sư bào chữa, nghề luật sư theo đó có động lực phát triển và số người hành nghề sẽ tăng lên.
Sự ngụy biện trong quyền im lặng cũng giống như trong vấn đề dân chủ. Người ta cho rằng dân trí thấp nên chưa thể cho thực thi các quyền dân chủ.
Nhưng đúng ra cần phải khai triển các quyền tự do dân chủ như quyền tự do báo chí, quyền tự do xuất bản, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do học thuật… sẽ giúp nâng cao trình độ dân trí và thăng tiến các giá trị con người.
Như thế có thể thấy thiết chế về quyền im lặng cũng như các thiết chế về các quyền tự do dân chủ khác đúng ra nó phải được triển khai để là bệ đỡ nâng cao và khai phóng tiềm năng giá trị con người, thì nay ngược lại người ta cho rằng chưa thể có các thiết chế đó vì điều kiện con người hiện tại chưa đáp ứng.
Vấn đề rộng lớn hơn
Lối ngụy biện tráo trở nguyên nhân và kết quả có nguyên do từ vị thế chỗ đứng mà người ta phán xét. Cái này lại có ngọn nguồn từ một vấn đề rộng lớn hơn mang tính thế giới quan ý thức hệ.
Các ý kiến cho rằng quyền im lặng không phải là quyền con người, hay quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, hay cần dung hòa giữa việc cho phép thực thi các quyền công dân và nhu cầu đấu tranh xử lý tội phạm, tất cả có ngọn nguồn từ việc người ta không coi trọng các quyền công dân.
Bởi vì theo thế giới quan nhận thức của các cán bộ tư pháp hiện nay thì luật hình sự hay luật pháp nói chung, cũng giống như nhà nước chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị.
Theo đó mục tiêu của luật pháp không phải là bảo vệ các quyền công dân.
Cho nên dễ hiểu là quyền công dân có thể phải hy sinh vì một mục đích khác.
Ngược lại nếu nhận thức rằng quyền con người là tối thượng, pháp luật và việc xử lý tội phạm chỉ là công cụ phương tiện để bảo vệ quyền con người thì việc quy định và thực thi pháp luật như thế nào sẽ luôn phải soi xét xem nó có đi ngược lại với mục tiêu bảo vệ quyền con người hay không.
Tức là việc bảo vệ các quyền con người sẽ là kim chỉ nam, bảng biểu để đánh giá chấp nhận hay bác bỏ bất cứ một định chế nào.
Bộ phận quan liêu
Thực tế thì vấn đề thế giới quan ý thức hệ không phải luôn được đưa ra để ngăn trở thực thi các quyền tự do dân chủ.
Trong quá trình phát triển đi lên và hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật phải hiệu chỉnh theo hướng dân chủ tiến bộ, tránh việc Việt Nam trở thành ốc đảo xa lạ như cách mà một số người vẫn nói.
Và đứng ở góc độ Đảng và Nhà nước mà xét thì quyền im lặng không có phương hại mà ngược lại nó khiến cho các cơ quan tư pháp cấp dưới có trách nhiệm hơn trong công việc, cũng tức là có trách nhiệm hơn trước Đảng và Nhà nước.
Lâu nay không quy định về quyền im lặng dẫn tới bức cung nhục hình và oan sai, xâm hại tới quyền tự do dân chủ của công dân. Điều này khiến dân chúng phẫn nộ, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước.
Hiện tại Đảng và Nhà nước cũng đang có chủ trương cải cách tư pháp, thực thất là đưa các giá trị dân chủ tiến bộ vào hệ thống tư pháp lâu nay vốn mang nặng yếu tố công cụ bạo lực của giai cấp.
Và chế định về quyền im lặng có lẽ là một dạng thức thể hiện cho thấy cải cách tư pháp là một chủ trương được thực hiện thực sự.
Nhưng không phải Đảng và Nhà nước cứ muốn là được.
Vấn đề quyền im lặng và chủ trương cải cách tư pháp cũng giống như nhiều chủ trương chính sách khác đều gặp phải lực cản.
Lực cản ở đây là sự ì trệ bảo thủ và vì quyền lợi ngành ích kỷ của bộ máy hành chính quan liêu.
Nhiều chính sách bị thất bại mà nguyên nhân chính là không thúc đẩy được hệ thống bên dưới dịch chuyển. Ví như các chủ trương như kê khai tài sản, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm cán bộ công chức, đều không đi đến đâu.
Bước tiến của giá trị dân chủ
Nếu chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhận được sự ủng hộ của xã hội dân sự, đó sẽ là lực đẩy khiến cho giới hành chính quan liêu phải thay đổi.
Bằng việc giám sát và lên tiếng sẽ khiến cho lợi ích bất chính bị phanh phui, lợi ích chính đáng được sáng tỏ.
Nhưng muốn xã hội dân sự góp phần thúc đẩy các chủ trương chính sách tới thành công, thì Đảng và Nhà nước phải tăng cường các thiết chế tự do dân chủ, bởi đó là bệ đỡ và là phương tiện của xã hội dân sự.
Chính nhờ thực hiện các quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận, mặc dù còn hạn chế, cho nên những lợi ích chính đáng của những nhóm yếu thế mới có cơ hội được lên tiếng.
Cho nên vấn đề quyền im lặng không còn là sự dung hòa giữa việc cho phép thực hiện các quyền công dân với nhu cầu đấu tranh xử lý tội phạm, mà đó là biểu trưng cho sự đấu tranh giữa những suy nghĩ thành kiến, hẹp hòi, độc tài, phi dân chủ và các giá trị tự do dân chủ.
Và sự thành công hay thất bại quanh vấn đề quyền im lặng sẽ cho thấy quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với xã hội dân sự và nhu cầu đòi hỏi dân chủ hóa đời sống đất nước.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Giám đốc Công ty luật Công chính ở Hà Nội.
Nguồn : BBC