17 octobre 2014

Con ốc vít, bao bì và tấm hộ chiếu

Nguồn: Theo Lao Động

Lê thanh Phong


Trong số 67 doanh nghiệp đang cung cấp nguyên vật liệu cho Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, có 4 doanh nghiệp của Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp này chỉ cung cấp bao bì, không phải là những linh kiện, phụ kiện liên quan đến sản phẩm. Vì sao Samsung đặt nhà máy tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp trong nước không bán nổi một con ốc vít cho họ. Đau đầu quá!

Cũng về vấn đề này, trong chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” diễn ra tối 5.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói chắc chắn rằng, Việt Nam đã sản xuất được ốc vít đảm bảo chất lượng. Nhưng việc đưa được sản phẩm đó vào trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn Samsung không chỉ riêng ở Việt Nam, mà trên phạm vi toàn cầu là câu chuyện khác.

Chuyện khác là chuyện gì vậy? Đó là, cũng sản xuất con ốc vít, nhưng doanh nghiệp Việt Nam có năng suất thấp và giá thành cao. Nói như vậy thì đúng là hòa cả làng.

Doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được bao bì cho Samsung cũng tự hào lắm rồi. Nhưng nghĩ lại thấy giật thót cả mình. Hàn Quốc sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh sát sạt với những gã khổng lồ của Nhật Bản, Mỹ. Chỉ riêng chiếc điện thoại thông minh cũng cho thấy Samsung song đấu quyết liệt với Apple. Họ đã đạt tới những đỉnh cao của sáng tạo các sản phẩm công nghệ. Và chắc chắn, họ tiếp tục “phá hủy sáng tạo” để đạt đến các đỉnh cao hơn.

Trong khi họ chinh phục đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, thì chúng ta càng tụt quá xa, xa đến nỗi chỉ mong sản xuất được bao bì để bán cho họ, xa đến nỗi tự an ủi rằng đã “chế tạo” được chiếc ốc vít. Cay đắng quá. Và cũng vì khoảng cách của sáng tạo này mới tạo ra một khoảng cách xót lòng khác, như phát biểu của Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng: “Cách đây 40-50 năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”.

Người Hàn Quốc có thể kể tên những thương hiệu nổi tiếng thế giới của quốc gia họ như Samsung, Hyundai, LG. Người Nhật kể không hết thương hiệu nổi tiếng vì quá nhiều, như Toyota, Honda, Mazda, Suzuki, Sony… Cho nên, những công dân cầm tấm hộ chiếu Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ không bị kỳ thị, coi thường. Vậy mà khi có người phân tích điều này để đánh thức lòng tự tôn của người Việt Nam thì bị chụp mũ là coi thường đất nước, xúc phạm dân tộc.

Không nên huyền thoại mình và càng không nên sợ xấu hổ. Chỉ có như vậy mới vượt khỏi chính mình