BBC
Cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay và dùi cui để trấn áp người biểu tình đòi dân chủ trong các vụ đụng độ mới nhất.
Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quận Mong Kok và tái chiếm một số tụ điểm bị cảnh sát giải tán hôm 17/10.
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 26 người vì nhiều tội danh, trong đó có tấn công người thi hành công vụ.
Video ghi lại cảnh nhiều cảnh sát đánh đập một người biểu tình đã gây phẫn nộ trong dư luận tại Hong Kong trong những ngày gần đây.
Chính quyền Hong Kong và đại diện từ phía sinh viên đã đồng ý sẽ đối thoại vào ngày 21/10, theo truyền thông địa phương.
Người biểu tình đã xuống đường để phản đối việc Bắc Kinh can thiệp vào quy trình bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong năm 2017.
Cảnh sát rút lui
Cảnh sát chống bạo động đã dẹp nhiều lều và rào chắn trên một con đường tại Mong Kok sáng 17/10 với lý do là để giảm ách tắc giao thông.
Hàng nghìn người biểu tình đã chiếm đóng khu vực này trước đó, nhưng các nguồn tin nói chỉ có khoảng vài chục người hiện diện tại đây khi cảnh sát tiến vào.
Tuy nhiên, đoàn biểu tình đã gia tăng về số lượng vào tối thứ Sáu và một số nhà hoạt động đã tìm cách vượt qua đội hình của cảnh sát để tái chiếm con đường.
Các vụ đụng độ bạo lực đã xảy ra sau đó và những người biểu tình đã dùng ô dù để che chắn trước hơi cay của cảnh sát.
Cuối cùng, lực lượng cảnh sát bị buộc phải rút lui khỏi một số con đường, trong lúc có tin cho hay người biểu tình đã bắt đầu xây dựng rào chắn trên những khu vực vừa chiếm được.
Cảnh sát cho biết khoảng 9.000 biểu tình đã tụ tập về địa điểm này vào sáng 18/10.
15 cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ, lực lượng cho biết thêm.
Hãng thông tấn AP cho biết nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát khống chế trong các vụ đụng độ.
Nhóm biểu tình Chiếm Trung tâm đã ra một thông cáo bằng Hoa ngữ, trong đó cáo buộc chiến dịch của cảnh sát đã "châm ngòi cho các đợt chiếm đóng mới và làm quan hệ giữa cảnh sát với người dân xấu đi".
Trại biểu tình ở Mong Kok, Cửu Long, là một nhánh của tụ điểm biểu tình chính tại khu Admiralty trên Đảo Hong Kong.
Người biểu tình và cảnh sát cũng đang đối đầu ở khu Admiralty, dù chưa có tin nào cho biết đã xảy ra đụng độ tại đây.
Cũng trong ngày 17/10, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài đã ra thông cáo lên án vụ bắt giữ nhiếp ảnh gia của Getty, bà Paula Bronstein, người đã đứng trên một chiếc xe để ghi lại cảnh biểu tình.
"Cảnh sát Hong Kong cũng đã đe dọa nhiều nhà báo khác tại hiện trường. Một người nói anh ta sẽ bị đánh bằng dùi cui nếu tìm cách sang phía bên kia đường".
"Những chiến thuật này đang vi phạm nghiêm trọng quyền của báo chí" thông cáo nói thêm.
Căng thẳng gia tăng
Trước đó, hôm thứ Sáu, ông Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), Tổng Thư ký Hiệp hội sinh viên Hong Kong, nói nhóm của ông và chính quyền đã đồng ý đối thoại và ngày 21/10. Cuộc đối thoại sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh nói hôm 16/10 rằng chính quyền đã sẵn sàng để đối thoại, nhưng cũng cho biết Bắc Kinh sẽ không từ bỏ quyền phê chuẩn ứng viên cho cuộc bầu cử năm 2017.
Chính quyền Hong Kong trước đó đã hủy đàm phán với lý do các cuộc biểu tình chiếm đóng đường phố vẫn tiếp diễn.
Lượng người biểu tình đã bắt đầu giảm từ hồi đầu tháng 10, nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang hồi tuần này.
Một đoạn video ghi lại cảnh nhiều cảnh sát mặc thường phục đánh đập một người biểu tình cũng đã gây phẫn nộ trong dư luận.
Cảnh sát cho biết 7 nhân viên của họ đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Nguồn : BBC