Bùi Tín
Với tôi cuốn sách giúp nhớ lại biết bao cảnh cũ người xưa. Do hoàn cảnh lịch sử tôi đã có một số cuộc gặp Hồ Chí Minh, khá nhiều lần gặp làm việc với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch, Tố Hữu…, cũng rất nhiều lần làm việc với các tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Nguyễn Hữu An, Vũ Lăng…
Tôi cũng từng ở trong tòa soạn báo Nhân Dân 2 lần,
lần đầu trong cả năm 1972, lần sau trong hơn 8 năm (tháng 2/1982 – 8/1990),
cùng một cơ quan với nhà báo Trần Đĩnh, khi Trần Đĩnh đã bị kỷ luật khai trừ khỏi
đảng rồi đi lao động cải tạo ở nhà in báo Nhân Dân, hàng ngày khuân các cuốn giấy
in từ ngoài đường lên tầng 3 nhà in và đúc lại các chữ chì cho máy in. Trong 8
năm sau, tôi tham gia đảng ủy Ban biên tập, dự họp các buổi giao ban hằng tuần,
họp Biên ủy hàng tháng, hằng năm, bàn bạc đủ chuyện - xem xét khen thưởng, kỷ
luật, đảng viên tiên tiến, lên cấp, lên lương, xét đi học nước ngoài, đi họp quốc
tế, cấp nhà mới, tuyển phóng viên…Tôi thận trọng, ngồi nghe, suy ngẫm, vì vẫn
còn xa lạ, nhưng vẫn hiểu ra sự thật.
Tôi có thể chứng thực những điều Trần Đĩnh viết
ra là chân thực, 2 tuyến nhân vật, một bên là bầy nịnh thần, bầy đàn «ngu
trung» của chế độ độc đảng sùng bái Mao, sùng bái bạo lực, một bên là những người
có tư duy độc lập, có tư duy đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng một kiểu
chủ nghĩa xã hội có bộ mặt Người, chủ trương tranh đua hòa bình giữa các chế độ
xã hội khác nhau. Số này bị lên án, bị vu cáo tay sai đế quốc, sợ gian khổ, sợ
hy sinh. Phần lớn bị khai trừ ra khỏi đảng, bị tù không có án, bị đưa đi cải tạo
lao động, chăn dê, chăn bò, đi lao động ở nhà in, mỏ than, con cái bị phân biệt
đối xử.
Có một vài người lúc đầu hăng hái theo Xét lại,
chống sùng bái cá nhân, ca ngợi con đường đấu tranh không bạo động, cổ vũ biện
pháp đấu tranh của Mahatma Gandhi, của Nelson Mandela, nhưng về sau chuyển hẳn
sang thành đồ đệ trung thành của Mao-ít. Nổi bật nhất là 2 anh em nhà báo, anh
ruột là Thép Mới nhà báo cột trụ của báo Sự Thật và báo Nhân Dân. Trong loạt
bài “Thời thắng Mỹ”, Thép Mới từng ca ngợi hết mức ông Lê Duẩn, rằng “anh Ba đã
sáng láng hơn cả bác Hồ, bản lĩnh hơn bác Hồ”. Ông em Hồng Hà còn hơn ông anh nữa,
xoay lập trường 180 độ, được lọt vào mắt nâu của cả 2 ông họ Lê, còn kế thừa
ông Hoàng Tùng làm tổng biên tập báo Nhân Dân, từ đó lên chức Trưởng Ban đối
ngoại trung ương. Hồng Hà là nhân vật trung tâm cùng tướng Lê Đức Anh mẫn cán
thu xếp cuộc gặp lịch sử ở Thành Đô tháng 9/1990, “đánh dấu thời kỳ Bắc thuộc mới
cực kỳ nguy hiểm”, như ông Nguyễn Cơ Thạch cảnh báo ngay lúc ấy.
Khuôn mặt thứ 3 đáng nhớ là nhà báo Hữu Thọ, một
nhân vật thâm hiểm của phái “Mao-nhều” (theo cách gọi của Trần Đĩnh) ở báo Nhân
Dân. Trần Đĩnh đã nhiều lần dùng ngòi bút trào lộng khắc họa lại nhân cách đáng
thương của ông này, một tay cơ hội lắm mẹo vặt, leo lên đến chức tổng biên tập
báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban tư tưởng và văn hóa - để dạy bảo đạo đức bác Hồ
cho toàn đảng vào dịp “45 năm học Bác” tháng 9 /2014 mới đây, khi ông đã về hưu
hơn 10 năm nay.
Bên cạnh vài ba nhân vật “Mao-nhều” khá lý thú
có thể nhận rõ mặt trên đây có một nhân vật đứng giữa, không theo Mao mà cũng
không chống Mao, nhưng nổi bật, được tác giả Trần Đĩnh nói đến rất nhiều trong
Đèn Cù với lòng quý mến đặc biệt. Tôi muốn nói riêng về ông trong bài báo này.
Đó là ông Nguyễn Trung Thành (NTT), một thời là cánh tay phải của Lê Đức Thọ, nắm
chức vụ then chốt về nhân sự - Vụ trưởng Vụ bảo vệ chính trị trong Ban Tổ chức
trung ương do ông Thọ làm trưởng ban. Ông NTT là nhân vật nắm trọn hồ sơ của 36
người dính vào vụ án “Xét lại chống đảng” mà danh sách có khá đầy đủ trong Đèn
Cù, cùng với tất cả các vụ án chính trị khác. Sau khi đã về hưu vào năm 1990,
ông NTT đọc lại toàn bộ hồ sơ của các vụ án, xem kỹ các lời phản cung, kêu oan,
đặc biệt là các lời trần tình của các ông Hoàng Minh Chính, Hoàng Thế Dũng, Vũ
Đình Huỳnh, Lê Liêm (khi 2 ông này còn sống), gặp và lắng nghe ông Lê Hồng Hà,
từng là Chánh văn phòng bộ Công an, cũng bị bắt giam trong vụ án «Xét lại chống
đảng làm gián điệp cho nước ngoài» .
Theo Trần Đĩnh thuật lại trong Đèn Cù, với lòng
ngay thẳng NTT bắt đầu hoài nghi về kết luận vũ đoán của toàn vụ án, nhận ra bản
thân đã mù quáng a dua theo định kiến của cấp trên là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ,
gây nên quá nhiều bất công. Thức tỉnh, hối hận sâu sắc, năm 1993 ông thảo ra
thư gửi cho Tổng bí thư Đỗ Mười và thường trực ban bí thư Phan Diễn, trình bày
rành rọt những sai lầm của vụ án làm hàm oan 36 đảng viên cấp cao của đảng, những
người không hề làm gián điệp cho nước ngoài, họ chỉ sử dụng quyền có ý kiến
khác với lãnh đạo do có tư duy độc lập. Tất cả những lời kết tội đều mang tính
chất định kiến, suy diễn, và khiên cưỡng. Nhưng Đảng vẫn một mực im lặng. Năm
1996, NTT lại đến gặp Tổng bí thư Đỗ Mười, trình bày rõ ý kiến về vụ án do ông
thụ lý và nói rõ chính kiến của mình là minh oan, xóa án cho người ngay là việc
đúng đắn, nên làm, sẽ được lòng đông đảo đảng viên và toàn dân. NTT đề nghị lập
một tiểu ban thẩm tra để đi đến kết luận lại vụ án. Đỗ Mười trừng mắt, lắc đầu
buông ra một câu: «về hưu rồi sắp đi chơi với giun rồi, sao còn viết kiến nghị
gửi vung lên?». Vẫn theo Trần Đĩnh, NTT biết là hỏng rồi, nhưng vẫn cưỡng lại.
Ông nói với Đỗ Mười: “Anh đã 78 tuổi, hơn tôi 6 tuổi còn làm việc mà. Tôi thấy
đồng chí mình bị oan, không thể bỏ mặc được”. Ngay sau đó NTT bị khai trừ, bị
trả thù cay độc, bị đuổi ra khỏi đảng, tước mọi khen thưởng cũ, không còn
lương, phụ cấp ngang cấp thứ trưởng, sống trong cô đơn đạm bạc đến tận nay.
Không rõ nay NTT còn sống hay đã đi xa.
Điều quan trọng là NTT được Trần Đĩnh nói đến
khá nhiều trong Đèn Cù. Thật rất hiếm trong đảng CS có một con người như vậy.
Giữa một hồ đầy bùn vẫn giữ mình trong sạch. Con người có lương tri, không a
dua theo quyền lực, danh vị, có lòng nhân ái sâu đậm, sống ngay thật, biết nhận
ra sai lầm, hối hận và có ý chí sửa chữa sai lầm. Tôi mong rằng với cuốn Đèn
Cù, vụ án “Xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài” sẽ không bị dìm chết
trong quên lãng. Nó sẽ bật dậy sống lại trong dư luận xã hội, trong lương tâm của
đông đảo đảng viên CS bình thường khi Đại hội XII đang đến gần. Không thể để chậm
nữa. Cho dù phần lớn nạn nhân đã chết uất ức oan uổng. Chậm vẫn còn hơn không.
Mong rằng trong đảng CS sẽ vang lên nhiều tiếng
nói yêu cầu đảng CS thực hiện mong muốn cao đẹp của NTT, xem xét lại vụ án «Xét
lại chống đảng» đã tồn tại quá lâu. Tuy thật đáng buồn là có tin NTT đã không
còn nữa, nhưng cũng may là một số nhân vật khác vẫn còn sống - , còn nhân chứng
Lê Hồng Hà, và theo tôi được biết, còn các ông Lê Trọng Nghĩa, Phan Thế Văn,
Phùng Mỹ đang sống ở Hà Nội. Ở nước ngoài còn có các ông Nguyễn Minh Cần,
nguyên phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, sống ở Nga; còn nhà văn Vũ Thư Hiên
sống ở Pháp…Và vẫn còn những người lãnh đạo chịu trách nhiệm kế tiếp về vụ án cực
lớn ấy như: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng…
Họ không thể phủi trách nhiệm. Chính họ đã mù quáng theo đường lối của Mao, dẫn
dắt đất nước vào thảm họa huynh đệ tương tàn, cố tình chà đạp “quyền tự quyết
thiêng liêng của nhân dân miền Nam VN” được ghi rõ trên 2 Hiệp định Genève và
Paris, mà họ đã long trọng ký kết. Để dẫn đến đất nước lạc hậu, tan hoang,
không pháp luật ngày nay.
Vợ con, gia đình, con cháu, chắt, bạn bè của 36
nạn nhân vụ án chắc chắn sẽ cảm thấy vui lòng, được an ủi, xoa dịu niềm đau đã
kéo dài hơn nửa thế kỷ, một khi vụ án được minh oan một cách công khai, theo «một
nền pháp quyền nghiêm minh» mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn từ đầu năm,
nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi. Đây có thể là dịp tốt.
Bùi Tín