Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Người Việt chúng ta đang sống lúng túng, nhiều lúc hoang mang. Đã bao người, bao lần đặt câu hỏi vì sao chúng ta lại thế? Với tôi, vì chúng ta không xác lập được mình là ai trong khi dân tộc Việt Nam được xác lập rõ ràng, mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
>> GS. Ngô Bảo Châu: “Thay việc tự gặm nhấm tự ti bằng làm tốt việc của mình”
>> Không để niềm tự hào dân tộc “ngủ quên”!
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Chúng ta đã từng đi qua một thời mà có người gọi là “thời ngạo mạn”. Cái thời như thế chưa từng có trong lịch sử của dân tộc chúng ta trước đó cho dù ông cha ta đã làm nên những điều kỳ vỹ.
Trong cái "thời ngạo mạn", chúng ta nói: Người Việt ta yêu nước nhất thế giới. Chúng ta nói: Người Việt ta anh hùng nhất thế giới. Chúng ta nói: Người Việt ta thông minh nhất thế giới. Chúng ta nói: Người Việt ta nhân đạo nhất thế giới. Chúng ta nói: Thủ đô ta nhiều cây xanh nhất thế giới….
Nhưng đến một ngày, chúng ta nhận ra sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Mỗi người dân trên thế gian này đều yêu dân tộc của mình nhất, mỗi dân tộc đều anh hùng nhất khi đấu tranh cho độc lập, tự do của họ, mỗi dân tộc đều có lòng nhân đạo của họ…
Sự ngạo mạn ấy chẳng làm cho chúng ta lớn lên mà ngược lại nó làm cho dân tộc ta yếu đi. Sự ngạo mạn ấy làm cho chúng ta chẳng còn biết thế giới này như thế nào nữa. Chúng ta sống trong cái thế giới như câu thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng” của mình một cách thỏa mãn. Và chúng ta được cảnh cáo công khai nhiều lần về nguy cơ sẽ bị thế giới bỏ quên.
Cuối cùng thì người Việt chúng ta cũng rút khỏi cái “thời ngạo mạn” rất… lặng lẽ. Nhưng ngay sau đó, chúng ta lại rơi vào một cái “thời” khác: “Thời tự ti dân tộc”.
Cái thời này cũng tệ hại không kém gì cái thời “ngạo mạn” chúng ta vừa thoát ra được. Bây giờ, cứ hễ nói đến đất nước Việt Nam, nói đến người Việt Nam là không ít người Việt Nam chúng ta tự chê bai mình không tiếc lời. Chúng ta tự vẽ lên chân dung chúng ta xấu xí đến không tưởng. Không ít người nước ngoài trố mắt kinh ngạc khi nghe chính người Việt nói về người Việt.
Một số bạn bè nước ngoài của tôi nói: Người Việt Nam có rất nhiều đức tính đẹp nhưng sao tôi nghe không ít người Việt nói về người Việt cứ như người Việt là những người kém cỏi và xấu xí nhất thế giới này? Chúng ta đã đi từ cái nhất này đến cái nhất khác một cách dễ dàng. Trạng thái này cho thấy sự bất ổn về nhân cách của chúng ta.
Thế giới đang quá nhiều bất ổn. Mỗi quốc gia có những sự bất ổn khác nhau như bất ổn kinh tế, bất ổn chính trị, bất ổn giáo dục, bất ổn tôn giáo hay bất ổn môi trường... Bất ổn nào cũng là vật cản đường cho sự phát triển của một quốc gia.
Nhưng sự bất ổn về nhân cách là sự bất ổn nguy hiểm nhất. Một trong những vấn đề của sự bất ổn về nhân cách là việc không xác lập được mình là ai. Khi không xác lập được mình là ai thì con người đó, quốc gia đó không có cơ hội phát triển và hoàn thiện mình.
Những gì mà dân tộc Việt Nam tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã cho chúng ta một nền tảng đầy đủ để đứng dậy kiêu hãnh và bước đi vững vàng.
Điều còn lại là chúng ta có biết đứng dậy và biết bước đi hay không mà thôi.
Nguồn : Dân Trí