19 octobre 2014

Có nên “bài cộng sản”? (Thư gửi Đoan Trang - P.2)



Lê Trân Ký


Từ ngôi sao 5 cánh đến những người cộng sản

Một căn bệnh đang tồn tại trong cộng đồng dân chủ hiện nay là căn bệnh đào thải cộng sản triệt để. Tất cả những gì liên quan đến cộng sản đều phải được bài trừ. Từ ngôi sao năm cánh cho đến những bài viết có hơi hướng nhìn nhận các thành tựu của cộng sản, cho đến những người cộng sản đã, đang tham gia đấu tranh dân chủ.


Đoan Trang mến, tôi có cảm giác rằng dân chủ ở Việt Nam vẫn là sự nhạy cảm. Như một con nhím sẵn sàng xù lông để chống lại những yếu tố cộng sản, để rồi từ đó, hầu hết đi theo con đường bài bác cộng sản.

Ở hải ngoại thì, trong ngày 2/9 vừa qua, khi Tòa đô chánh Ottawa treo cờ Việt Nam, thì gặp ngay sự phản đối của cộng đồng người Việt vì lý do… cộng sản. Trong khi, ông Đô trưởng Ottawa Jim Watson cho biết, việc treo cờ đỏ sao vàng đơn thuần vì nó nằm trong lá cờ đại diện quốc gia của 120 nước mà Bộ ngoại giao Canada thừa nhận từ năm 2006.

Một nhà hàng ở Dallas, Texas buộc phải thay đổi biểu tượng logo - ngôi sao màu đỏ, lý do, những người Việt tị nạn ở đây thấy nó giống “biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản”. Thay vì chú ý đến mục đích của nhà hàng là mở tiệm bán bánh mì thịt heo kiểu Việt Nam đầu tiên ở Mỹ. Trong khi trước đó, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở tại Strassbourg), tuyên bố biểu tượng đó là của phong trào công nhân, cánh tả chứ không phải nền độc tài. [1]

Ở trong nước, tư duy ám thị “cộng sản” thu nhỏ lại, nhưng bản chất không đổi thông qua thái độ, hành vi khiêu khích, bôi bác, nhục mạ cờ đỏ sao vàng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trạng thái quay lưng ấy, lấn sân sang cả những người cộng sản và từng phục vụ trong chính quyền. Hầu hết đều bị nghi ngờ, châm biếm, đả kích, đều bị cho là “tay sai, nằm vùng, mật thám, an ninh cộng sản”…

Trước là Trịnh Công Sơn, Đơn Dương, sau này là Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Huệ Chi, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Quang A, Lê Hiền Đức, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Anh Hùng, Phạm Chí Dũng…

Sự ám ảnh về “ván bài lật ngửa” khiến cho phong trào đấu tố trong giới dân chủ diễn ra thường xuyên. Dù rằng, nhìn tổng thể của phong trào dân chủ hiện nay, từ những kiến nghị, thư ngỏ cho đến các tổ chức dân sự, thì những người từng là cộng sản, từng phục vụ trong chính quyền vẫn đang đi đầu/ dẫn đầu trong công cuộc đấu tranh. Bởi những ai càng hiểu về Đảng cộng sản và chế độ thì họ càng có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh dân chủ đi từng bước vững chắc, thành công hơn. Về lâu dài, chính những người đó sẽ diễn biến Đảng, là lực lượng cốt yếu nhất giúp xoay chuyển chế độ. Chính vì lý do đó mà, hệ thống Đảng vẫn luôn đặt cao mục tiêu chống tự diễn biến trong Đảng.

Rõ ràng, tâm thế dân chủ kiểu “nhìn đâu cũng thấy vi trùng” ở người cộng sản, sự dị ứng đến mức cực đoan lá cờ màu đỏ đã không cho thấy lợi ích nào cho sự phát triển dân chủ, mà ngược lại, nó đang cản trở một cách gay gắt. Nếu khiến cho phong trào dân chủ không thể mạnh mẽ lôi cuốn được những người “không có cảm tình với chính quyền” vào hàng ngũ, trong khi đó, lại đẩy những người cộng sản đang tham gia phong trào đấu tranh (thực sự) hiện nay rơi vào tình trạng đứng giữa hai luồng đạn.

Chưa kể sự “bày trừ cộng sản bằng mọi cách” khiến cho một số cá nhân, tổ chức đấu tranh dân chủ Việt Nam dễ rơi vào tình trạng nôn nóng, vội vàng sử dụng các thông tin (chưa xác cứ, nặc danh); viết những bài có tình tiết hư cấu, bịa đặt, thậm chí mạo danh, mạo tin (không dẫn chứng)… nhằm vào một cá nhân hoặc chính tổ chức cộng sản trong trận tuyến truyền thông. Khiến cho các thông tin đầy lỗi sơ hở đó, được chính quyền (thông qua các cây bút trên báo nhà nước) sử dụng lại để tấn công vào phong trào dân chủ. Làm người dân (đặc biệt là thanh niên) quan tâm đến vấn đề dân chủ, tự do ở Việt Nam chỉ biết ngán ngẩm khi nhìn vào.

Trong khi đó, người được lợi là ai?

Chính quyền! Vì họ đã gieo mối nghi ngờ, và khiến cho những cá nhân dân chủ đối đầu nhau. Vì họ lợi dụng sự nôn nóng, vội vàng nhưng thiếu suy nghĩ trong việc chống lại Đảng cộng sản.

Cụ Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo cũng đã chỉ ra rằng: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.

Lẽ nào, xã hội dân chủ mà chúng ta hướng tới là là như vậy sao?

Tôi hoài nghi về điều đó, Đoan Trang ạ. Và tôi cố gắng xoa dịu sự trăn trở đó bằng ý niệm, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của nền dân chủ.

Có lẽ, giới đấu tranh dân chủ cần phải xác định rõ ràng, rạch ròi giữa những người cộng sản và những người mang danh cộng sản; cờ đỏ sao vàng với thể chế hiện tại.

Đồng thời, chúng ta học cách tôn trọng đối phương ngay cả trong cách hành xử với các sự kiện, nhân vật trong lịch sử. Phải có lập luận, quan điểm, lập trường, dẫn chứng, tuyệt đối tránh sự công kích, bôi nhọ bằng mọi cách. Làm như vậy, vô tình dẫn đến sự phản cảm, khiến cho những ai khi nhìn vào chỉ thấy mỗi sự cực đoan.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới chấm dứt được cái thực trạng, ai chửi rủa chính quyền nhiều nhất, bài trừ cờ đỏ sao vàng kịch liệt nhất, bài trừ những người cộng sản hoặc từng phục vụ trong chính quyền gay gắt nhất, chính là những “nhà dân chủ nhất”.

Nếu cực lực bài bác kiểu như vậy, thì phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam không khác lắm so với phong trào đập phá nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương… chỉ vì thấy bảng hiệu là chữ tượng hình.

Vậy nên, hãy tạo ra lợi ích số đông, trước khi bàn về màu cờ, người cộng sản. Và thay vì bày trừ thì nên học hỏi, học hỏi không chỉ dừng ở các kiến thức về bất tuân dân sự, từ kinh nghiệm của phong trào đấu tranh dân chủ ở các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới; mà học cả trong lịch sử Đảng cộng sản với quá trình hình thành và phát triển; học ở cả cách thức họ tuyên truyền và vận động cuộc cách mạng…


Học hỏi người cộng sản

Phong trào đòi tự do, dân chủ hiện nay đi theo hướng bất tuân dân sự, thông qua việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự.

Việc học hỏi về phương pháp đấu tranh nêu trên, cách thức vận hành xã hội dân sự, lẫn tìm hiểu kinh nghiệm các phong trào đấu tranh khác đã hoặc đang xảy ra trên thế giới là điều cần thiết.

Ngoài việc, thâu nộp những người cộng sản “chia tay ý thức hệ” thì học hỏi người cộng sản trong việc xây dựng và phát triển lực lượng cũng là cách giúp cho phong trào dân chủ tại Việt Nam phát triển mạnh trên cơ sở hiểu hơn về “đối phương”.

Đấu tranh dân chủ, tự do trong thể chế hiện nay, càng hiểu nhiều về Đảng cộng sản bao nhiêu thì càng có lợi bấy nhiêu. Từ tính cách, nhận định, quan điểm của những người cộng sản qua hồi ký, bài viết, phỏng vấn cho đến tìm hiểu về quá trình thành lập, hoạt động của Đảng cộng sản qua những bộ lịch sử Đảng toàn tập; lịch sử đảng bộ; tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều người hoạt động trong phong trào dân chủ hay chỉ trích những người cộng sản là bậc thầy tuyên truyền, là những kẻ tẩy não. Nhưng tôi nghĩ lại, nếu những người hoạt động phong trào dân chủ mà học được cách tuyên truyền của người cộng sản thì tình hình lại tốt hơn. Tất nhiên, sự tuyên truyền đó đảm bảo bằng một nền tảng dân chủ, sẵn sàng thực hiện các lời tuyên truyền đó ở hệ thống chính trị - xã hội tương lai.

Học cách đưa tuyên truyền qua mạng lưới truyền thông trở thành tiêu chí cao nhất trong thực hành dân chủ, phải đảm bảo nó mang tính triệt để, hệ thống nhằm làm cho nguồn thông tin len lỏi đến mọi ngõ ngách của xã hội.

Học hỏi cách thức vận hành một tổ chức, tính kỷ luật của tổ chức, cách tập hợp lực lượng người từ con số 0 của Đảng cộng sản, cho đến bài học về tuyên truyền (báo chí, văn thơ…); tiếp xúc tầng lớp; về vấn đề triển khai các phương thức và mục tiêu cách mạng trong từng thời kỳ là những bài học đáng giá về thu hút lực lượng. Ví như: thời điểm năm 1936 – 1939, Đảng cộng sản đã quyết định chuyển nội dung đấu tranh chung chung của giai đoạn trước đó (1930 – 1931) là chống phát xít, bảo vệ hòa bình, đòi tự do dân chủ sang chống pháp xít, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình… Sự chuyển hướng về mục tiêu, phương pháp đấu tranh đó đã cho thấy người cộng sản khôn khéo đến thế nào khi bám sát sườn vấn đề dân sinh nhằm thu hút sự chú ý và bổ sung lực lượng cảm tình.

Hay như cái cách mà tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đồng chí đã làm nhằm gia tăng lực lượng hội viên là thông qua việc xác định giai cấp đấu tranh chính là công nhân, năm 1928, qua đó tiến hành chương trình “Vô sản hóa”, đưa người vào sinh hoạt cùng công nhân. Dẫn đến số hội viên từ 300 người (1928) tăng lên 1.700 người (1929).

Học ở cả tính kỷ luật về mặt tổ chức, thống nhất về mặt tư tưởng đấu tranh ở người cộng sản.

Vì chúng ta đang thiếu và yếu. Cụ thể, chúng ta xác định tầng lớp nào là chủ chốt của cuộc đấu tranh? Mục tiêu đấu tranh trước mắt, lâu dài của chúng ta là gì? Đảng cộng sản có phải là đối tượng đấu tranh hay những kẻ tư bản đỏ mới chính là đối tượng? Phương pháp hoạt động của các hội đoàn là gì? Có bao nhiêu tổ chức chú ý về vấn đề kỷ luật và đào tạo nhân sự ban đầu và các hoạt động đề ra trong thời điểm từ đây đến ĐH Đảng Cộng sản XII (2016) nhằm quy kết lực lượng, cảm tình viên?...

Tổ chức ra đời trong thời gian vừa qua là điều tốt, vì nó khắc chế được tình trạng manh múng, đấu tranh theo dạng cá nhân hoặc phụ thuộc bởi các tổ chức ở bên ngoài. Tuy nhiên, tổ chức đó phải đúng là một tổ chức về mặt tính chất, trong đó bao gồm cả chương trình hoạt động, kỷ luật, tài chính, lực lượng để biết rằng nó đang “sống” trong thực tiễn xã hội chứ không phải đang “tồn tại”. Lấy ví dụ tổ chức Lao Động Việt chẳng hạn, tổ chức này có thể tiến hành cho người vào làm công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung, khu công nghiệp Sóng Thần, Việt-Sing; Biên Hòa... Vừa làm việc, vừa sống, vừa tuyên truyền thì lượng công nhân hiểu biết quyền lợi và đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của Công đoàn sẽ khởi phát. Đặc biệt là sự hiểu biết về quyền tự do, dân chủ, khi mà lượng công nhân có trình độ CĐ-ĐH bắt đầu tăng lên (hệ quả của nền giáo dục cung hơn cầu), nhưng đời sống về tinh thần, vật chất không ổn định.

Đây là điều mà các hội đoàn dân sự hiện nay cần lưu tâm và học hỏi (không định kiến). Cũng là giúp cho phương pháp đấu tranh bất tuân dân sự ở Việt Nam không rơi vào thế thụ động
Nguồn : VNTB.