Thế Giới Mới -
Dưới đây là buổi phỏng vấn đặc biệt KHG Dương Nguyệt Ánh do anh Nguyễn Thành
Công, đài SBTN ở W.DC thực hiện nhân dịp 40 năm Quốc Hận 30-4.
1. 40 năm trước, tâm
trạng & ký ức của chị, lúc đó là một thiếu nữ mới 15 tuổi, vào những ngày
hấp hối của một miền Nam Tự Do như thế nào?
Dù ngày đó tôi chưa đủ
lớn để hiểu thấu hết cái thảm họa to lớn đang sắp sửa đổ lên đầu người dân miền
Nam nói riêng và cho cả tổ quốc VN nói chung, nhưng tôi cũng đã đủ lớn để biết
rằng chúng tôi không có chọn lựa nào khác hơn là phải bỏ nước ra đi tìm tự do,
cho dù có yêu quê hương bao nhiêu đi nữa. Nhất là vì cha mẹ tôi đã từng có kinh
nghiệm bản thân về CS rồi và đã từng phải đứt ruột bỏ miền Bắc để di cư vào Nam
năm 1954.
Tôi còn nhớ cái tình
trạng hoảng loạn của Sài Gòn khi ấy. Như một ai đó đã diễn tả rất đúng rằng
ngay cả những cái cột đèn nếu chúng biết đi thì chúng cũng đã tìm cách ra đi.
Trong khi ngồi trên phi cơ chở chúng tôi bay ra tàu HQ VNCH ngoài biển Đông,
tôi đã ứa nước mắt nghĩ đến những người còn ở lại, những người đang cố thoát mà
không thoát được, và thương nhất là những thương binh VNCH đang nằm trong các
quân y viện. Tôi đã tự hỏi số phận của họ rồi ra sao, ai lo cho họ, và cho vợ
con họ. Nhưng có lẽ cái cảm giác đau đớn nhất lần đầu tiên trong đời là khi
phải chứng kiến cảnh tầu HQ của mình hạ là cờ của VNCH xuống và thay thế bằng
cờ Hoa Kỳ để được phép cập bến Phi Luật Tân. Chưa bao giờ tôi có cái cảm giác
mất mát toàn diện đến như thế.
2. Hành trình tị nạn
cũng như những gì chị và gia đình đã trải qua để tái lập đời sống mới trên vùng
đất Tự Do đã có những tác động gì đối với con đường xây dựng sự nghiệp và thành
công vượt bực của chị?
Cám ơn anh quá khen
nhưng tôi không dám nhận những thành quả của mình là vượt bực gì cả. Ngoài vòm
trời này còn có vòm trời khác, tôi không bao giờ dám tự phụ đâu thưa anh. Có
rất nhiều người Việt thành đạt vượt bực ở hải ngoại nhưng không được
nhắc đến đấy thôi.
Còn nếu hỏi rằng cái
căn cước tị nạn của tôi đã có những tác động gì trên nỗ lực học hỏi và làm việc
của tôi thì xin thưa là rất nhiều. Ngày đó tôi mang trong lòng một cái tự ái
dân tộc rất to. Tôi không muốn người dân Hoa Kỳ nhìn người tị nạn VN là những
kẻ ăn bám, tôi không muốn ai khinh thường chúng ta. Nên tôi đã cố gắng học ngày
học đêm, cố gắng làm việc chăm chỉ để vươn lên. Khi còn đi học thì tôi muốn
mình ít ra cũng phải ngang nếu không hơn được những bạn đồng lớp. Khi ra đời
thì tôi quyết chí sẽ phải thành công trong nghề nghiệp và phải lên được hàng
lãnh đạo. Cho đến hôm nay, dù đã là công dân Hoa Kỳ và đã sống ở đây quá nửa
đời, mà tôi vẫn còn nguyên cái tự ái đó thưa anh. Nhất là những dịp tôi lãnh
giải thưởng, huy chương hay được vinh danh, hay mỗi khi tôi đại điện Hoa Kỳ ở
những phiên họp quốc tế và được các nước bạn chào đón trọng vọng, thì tôi hay
tìm cách khéo léo cho người ta biết cái gốc VN của tôi. Vì tôi không muốn người
ta tưởng tôi là người Mỹ gốc Nhật, gốc Đại Hàn hay Tàu. Tôi muốn người ta phải
biết tôi là VN kia.
3. Năm 1975, khi làn
sóng tị nạn đầu tiên đặt chân đến Hoa-Kỳ, người bản xứ và cả giới truyền thông
Hoa-Kỳ, trong đó có tuần báo Newsweek đã có những hoài nghi trình độ của người
Việt trong việc thích ứng với cách sống văn minh của người Mỹ, và e ngại người
Việt Tị Nạn sẽ là một gánh nặng cho Xã Hội Mỹ. Cũng trên tuần báo Newsweek, 32
năm sau (2007), nhà bỉnh bút nổi tiếng George Will đã viết một bài báo về những
cống hiến vượt bực về tài năng khoa-học & Kỹ Thuật của chị trong lãnh vực
quốc phòng, chống khủng bố. Ông đã kết luận bài viết của ông với lời cám ơn chị
và nhấn mạnh là chị đã trả hết món nợ của chính phủ và dân tộc Mỹ, cả vốn lẫn
lời, bằng sự đóng góp rất lớn của chị cho tự do và an ninh của nước Mỹ. Lời cám
ơn và khen tặng này mang ý nghĩa gì đối với chị?
Thưa anh, được một
bình luận gia lỗi lạc như ông George Will khen tặng là một điều rất hân hạnh
cho tôi. Thật ra có rất nhiều người Việt đã và đang chứng minh là bà Shana
Alexander và tuần báo Newsweek sai 40 năm trước. Riêng phần tôi, được cơ hội
góp một phần rất khiêm tốn, và tôi xin nhấn mạnh chữ khiêm tốn, vào việc thay
đổi dư luận HK về người tị nạn là một điều may mắn và rất vui cho tôi. Nhất là
lại được góp phần trong việc mà tôi xem là nghĩa vụ của bất cứ người dân nào
đối với chiến sĩ đang bảo vệ tự do và an ninh cho mình. Bên cạnh niềm vui đó
tôi vẫn mang một nỗi ngậm ngùi. Ông George Will cho rằng tôi đã trả xong nợ, cả
vốn lẫn lời cho đất nước HK, nhưng còn chiến sĩ VNCH thì sao. Tôi sẽ không bao
giờ có cơ hội để đền ơn xương máu của họ và món nợ đó tôi sẽ mang mãi suốt đời.
4. Nếu chị vẫn còn ở
lại Việt Nam, không thoát ra khỏi chế độ CS, chị có cơ hội để thành đạt và đóng
góp quê mẹ VN như chị đã & đang phục vụ cho đất nước Tự Do Hoa-Kỳ không?
Câu trả lời chắc chắn
là không rồi thưa anh. Đảng CSVN chỉ lo bán nước, đàn áp nhân dân, vơ vét đầy
túi và bảo vệ quyền lợi cho họ và gia đình thì làm gì có chỗ cho những người
dân thường như tôi. Hon nua, ho luôn luôn chủ trương Hồng Hơn Chuyên nen một
người đầu óc đầy những tư tưởng chống cộng như tôi, nghĩa là một người không
“Hồng” chút nào thì làm sao có cơ hội để học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, và chắc
chắn sẽ không được đào tạo thành khoa học gia hay chuyện gia gì cả, thì làm gì
có cơ hội mà đóng góp hay phục vụ như tôi đang được làm ở đây. Mà ngay cả khi
có người nào đó may mắn được đào tạo, nhưng sống trong một đất nước lạc hậu
duoi su quan ly cua cai dang CS bat tai va doc doan nhu VN thì tài năng của họ
cũng chỉ uổng phí thôi, thưa anh.
5. Chị mang lý tưởng
và hoài bảo gì trong nỗ lực cống hiến kiến thức & tài năng của chị trong
lãnh vực Quốc Phòng cũng như vai trò bảo vệ Nội An cho đất nươ’c Hoa-Kỳ của
chị?
Biển cố 30/4 nói riêng
và tất cả những gì xảy ra cho Việt Nam nói chung đã có một ảnh hưởng vô cùng
sâu xa với tôi. Tôi đã cay đắng nhận ra rằng một dân tộc chỉ có thể giữ được
quyền tự quyết và một quốc gia chỉ có thể giữ được chủ quyền khi dân tộc ấy,
khi quốc gia ấy mạnh mà thôi. Một VNCH nhỏ bé đã không thể trông mong suông
vào công lý và lương tâm thế giới để đứng vững. Tôi không bao giờ quên hoàn
cảnh nghiệt ngã của người lính VNCH ở vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, thừa
lòng dũng cảm và ý chí bảo vệ miền Nam nhưng hết súng hết đạn, hết tất cả mọi
phương tiện để chiến đấu. Tôi không bao giờ muốn rơi vào cái hoàn cảnh cay đắng
của một dân tộc mất quyền tự quyết, phải bỏ quê hương ra đi một lần nữa, và tôi
không bao giờ muốn chiến sĩ HK ngày nay của tôi rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã
của chiến sĩ VNCH ngày trước. Nên tôi chọn làm việc cho quốc phòng HK để đóng
góp tích cực vào việc bảo vệ nên dân chủ tự do ở quốc gia thứ hai này cho chúng
ta. Và tôi chọn làm việc khoa học kỹ thuật hầu mong giúp chiến sĩ của chúng ta
có những phương tiện tối tân nhất, hữu hiệu nhất để thắng trận và trở về nguyên
vẹn với gia đình họ.
Từ 7 năm nay, tôi sang
làm việc cho bộ Nội An HK vì nhận định rằng chiến tranh ngày nay không chỉ xảy
ra ngoài chiến địa xa xôi mà cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra hàng ngày
trong lòng hậu phương HK. Nói tóm lại là tôi luôn luôn muốn làm hết cái sức nhỏ
nhoi của mình để giúp chiến sĩ và những người đang bảo vệ cho sự tự do và bình
an của chúng ta nơi đây.
6. Một trong những yếu
tố quan trọng góp phần vào sự sụp đổ của Miền Nam Tự Do để toàn cõi đất nước
rơi vào tay CS là thành phần phản chiến, trong đó còn có giới văn nghệ sĩ , báo
chí, truyền thông của Hoa-Kỳ như tài tử Jane Fonda, nhà viết sử Stanley Karnow,
cựu chiến binh, giờ là chính khách, Tổng Trưởng Ngoại Giao John Kerry. Trong
khi đó, chị là một người tị nạn CS, đã cống hiến sự nghiệp của chị trong việc
chế tạo vũ khí để bảo vệ lý tưởng tư do và an ninh cho chính người dân Hoa-Kỳ.
Nếu chị có cơ hội trao đổi với những người phản chiến về con đường bảo vệ Tự Do
& Hoa-Bình trên thế giới, chị sẽ nói với họ những gì?
Nếu những ai phản
chiến vì tin rằng mục đích tối hậu của con người là hòa bình thì tôi xin phép
không đồng ý. Tôi cho rằng mục đích tối hậu của con người là tự do và nhân
quyền, kể cả quyền mưu tìm hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Hòa bình là môi
trường, là điều kiện tốt nhất để giúp con người đạt được mục đích tối hậu này,
nhưng hòa bình tự nó không phải là mục đích tối hậu. Nói cách khác, không cần
phải có hòa bình thì mới có tự do và nhân quyền. Thí dụ điển hình là VNCH ngày
trước, hay Do Thái ngày nay. Ngược lại, có rất nhiều trường hợp mà hòa bình
không đem lại tự do và nhân quyền cho đại đa số người dân, mà chỉ cho một thiểu
số cầm quyền. Thí dụ hiển nhiên là Bắc Hàn, là Việt Nam, Trung Cộng, Nga, Cuba
ngày nay.
Nhiều khi chiến tranh
là con đường duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài, như trong trường hợp một
quốc gia bị xâm lăng và phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền. Đó chính là trường
hợp của VNCH, chiến đấu vì muốn được yên để theo đuổi tự do dân chủ. Nếu ngày
trước, các vị tiền bối HK cũng khư khư phản chiến, thà làm thuộc địa Anh và
chịu mất tự do, thì làm gì có quốc gia HK ngày nay với một nền hòa bình và một
thể chế tự do dân chủ vào bậc nhất trên thế giới cho tất cả chúng ta được cùng
thụ hưởng.
Riêng trong trường hợp
của cuộc chiến tranh VN, nếu quý vị phản chiến muốn nó chấm dứt càng sớm càng
tốt thì đáng lẽ quý vị phải đứng về phía VNCH mới đúng. Vì phía gây chiến là
CSBV kia mà. VNCH là một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Chúng tôi không hề
muốn xâm lăng miền Bắc mà chỉ muốn được yên để theo đuổi tự do dân chủ. Ngược
lại, CSBV đã tiến hành chiến tranh vì muốn nhuộm đỏ miền Nam. Những ai yêu
chuộng hòa bình thiết tưởng phải lớn tiếng chống đối kẻ gây chiến chứ sao lại
đâm sau lưng người đang cố gắng tự vệ.
Tệ nhất là hành động
đâm sau lưng chính những người lính HK của mình trong cuộc chiến đó, nhất là
những tù binh HK bị CSBV giam cầm, như Jane Fonda đã làm. Muốn phản đối chính
phủ HK gửi quân sang VN tham chiến thì cứ phản đối, nhưng tại sao lại chĩa mũi
dùi vào những người lính HK. Chọn lựa tham chiến hay không là quyết định của
TT, của Quốc Hội HK, chứ người lính HK thì chỉ biết thi hành nhiệm vụ được giao
phó thôi.
7. Theo quan điểm
riêng của chị, yếu tố tiên quyết nào để có thể bảo vệ sự độc lập, quyền tự chủ,
toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự do, hạnh phúc đích thực cho đồng bào và đất Mẹ
VN?”
Theo thiển ý, 3 yếu tố
tiên quyết để thắng trong bất cứ cuộc chiến nào là: 1) ý chí chiến đấu, 2)
chiến lược, chiến thuật và 3) phương tiện chiến đấu. Nếu hèn nhát hay không
muốn chiến đấu vì không có chính nghĩa thì dẫu có thừa phương tiện cũng vô ích.
Ngược lại, với lòng ái quốc cao độ và sách lược khôn ngoan, một quân đội thua
người và kém phương tiện cũng vẫn có thể thắng. Bao nhiêu lần một VN nhỏ bé mà
vẫn oanh liệt đánh bại đoàn quân xâm lăng bách chiến bách thắng Mông Cổ và
quân Tàu là chính vì lòng dân Việt cương quyết, vua Việt anh minh và tướng
Việt thao lược hơn người, giỏi cả chiến lược lẫn chiến thuật.
Nếu muốn áp dụng bài
học lịch sử này để một lần nữa đập tan mưu đồ xâm lăng của Trung Cộng thì chính
quyền và toàn dân VN phải cương quyết, lòng ái quốc và tinh thần dân tộc cần
phải khuếch trương lên cực độ. Hiện nay, đảng CS và giới lãnh đạo VN vì tham vì
hèn nên sẵn sàng phản quốc mà cam tâm bán nước. Như thế là giặc đang ở ngay bên
trong ta. Và chừng nào giặc ở bên trong còn thì khó chống được giặc ở bên
ngoài.
Còn về khía cạnh
tự do và hạnh phúc đích thực cho toàn dân, thì con đường duy nhất là
dân chủ hóa, tạo điều kiện để toàn thể nhân dân có cơ hội tham gia phát triển
đất nước và được hưởng những thành quả đó.
8. Bên cạnh sự thành
đạt của chị mang lại niềm tự hào cho dân tộc Việt, chị còn là một gương sáng
cho thế hệ trẻ gốc Việt gieo rắc ý thức về giá trị của 2 chử tự do và là niềm phấn
khởi cho các thế hệ theo sau cống hiến tài năng của mình cho cuộc sống an bình
của nhân loai. Nhìn lại chặng đường 40 năm tị nạn, xin chị có điều gì nhắn nhủ
đến thệ hệ trẻ gốc Việt trong cũng như ngoài nước?
Tương lai của một dân
tộc luôn luôn nằm trong tay những người trẻ. Lịch sử luôn cho thấy những cuộc
cách mạng phần nhiều được chủ động bởi những người trẻ. Vì người trẻ nhiều lý
tưởng, nhiều sáng kiến và nhiều năng lực. VN ngày nay đang mất dần vào tay
Trung Cộng. Đất VN, biển VN, tài nguyên VN đang được chính quyền CS cho không
hay thuê nhượng với giá rẻ mạt. Tôi tha thiết mong mỏi những người trẻ trong
nước hãy đoàn kết và can đảm đứng lên huy dộng toàn dân bảo vệ quê hương bằng
mọi cách. Xin các bạn hiểu rằng trung thành với Bác, với Đảng không đồng nghĩa
với trung thành với tổ quốc VN. Khi Dảng đi ngược lại quyền lợi của dân tộc,
cam tâm bán nước để củng cố quyền lợi cá nhân và duy trì quyền lực cho đảng,
thì chính cái đảng đó đang phản quốc. Như vậy, không có lý do nào để trung
thành hay hợp tác với họ cả. Quan trọng nhất là chúng ta phải phát huy tinh
thần dân tộc và lòng ái quốc để giữ lấy cái quê hương bên trong mỗi chúng ta
thì mới mong bảo vệ được quê hương bên ngoài. Nếu quê hương ở bên trong chúng
ta còn nguyên vẹn thì không sợ mất quê hương bên ngoài. Mà có chẳng may bị mất
thì phải tâm niệm là chuyện nhất thời, mình nhất định nuôi chí quật cường và
chờ thời cơ để dành lại, như cha ông ta đã từng làm bao nhiêu lần trong lịch
sử.
Đối với những người
trẻ may mắn sinh ra và lớn lên trong những xã hội tự do dân chủ bên ngoài VN,
bước đầu tiên là các bạn cố gắng tìm hiểu cái căn cước thứ hai của mình, cái
gốc VN của mình. Một khi các bạn khám phá ra lịch sử vô cùng kiêu hùng của
người VN, từ một nền văn minh cổ mấy ngàn năm với văn hóa rất đặc thù, đến ý
chí bất khuất quật cường, luôn luôn dành lại được độc lập dù từng bị Tàu đô hộ
cả ngàn năm, tôi chắc chắn là các bạn sẽ vô cùng hãnh diện về nguồn gốc của
mình. Một khi các bạn hãnh diện thì tôi chắc các bạn sẽ mong muốn góp phần bảo
vệ nó, và các bạn sẽ góp tay với người trẻ trong nước để giúp VN tự do và
trường tồn. Chúng ta hãy noi gương người Do Thái, dù sinh sống ở đâu nhưng vẫn
giữ cái gốc Do Thái của họ và tìm mọi cách giúp đỡ người dân Do Thái đang
sống trong nước được tự do hạnh phúc.
Sau cùng, tôi xin mượn
tựa để một quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng của cố văn sĩ Duyên Anh để nói với
các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ trong nước. Quyển tiểu thuyết này có tên là
“Mơ Thành Người Quảng Trung”, một trong những anh hùng chống Bắc xâm vĩ đại
nhất của lịch sử VN. Vâng, tất cả chúng ta xin hãy mơ thành người Quang Trung,
và xin hãy là người Quang Trung.
10/05/2015
10/05/2015
Nguồn : Thế Giới Mới