12 mai 2015

Trung Quốc biến cảnh sát biển thành hải quân thứ hai hòng "chiếm Biển Đông"

Thoa Phạm

Tình báo Mỹ cho biết Bắc Kinh đã hợp nhất các đơn vị cảnh sát biển và đẩy mạnh trang bị các vũ khí hạng nặng hòng biến cảnh sát biển trở thành lực lượng hải quân thứ hai của mình. Đây là một phần trong chiến dịch “chiếm Biển Đông” của Trung Quốc.

Một tàu của lực lượng cảnh sát biển
Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)


Báo Đài Loan Want China Times hôm nay đưa tin, trang quân sự Strategy Page của Mỹ dẫn nguồn tin tình báo nước này cho biết, bằng cách đưa vào biên chế nhiều tàu vũ trang hạng nặng với kích thước lớn, Trung Quốc đã chuyển đổi thành công lực lượng Cảnh sát biển của nước này thành lực lượng hải quân thứ hai. 

Theo nguồn tin của Strategy Page, chỉ tính riêng trong năm 2014, Bắc Kinh đã biên chế thêm 60 tàu chiến các loại, trong đó có nhiều tàu vũ trang cho cảnh sát biển. Chiều hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong hai năm 2015 và 2016. 

Theo kế hoạch tích lũy hải quân của Trung Quốc, nước này sẽ xây dựng 1 lực lượng hải quân hùng hậu cho PLA với một số tàu sân bay, 26 khu trục hạm, 52 khu trục cỡ nhỏ, 20 tàu hộ vệ, 85 tàu tuần tra trang bị tên lửa, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu dò mìn và gần 500 phương tiện hỗ trợ. Trong số đó, có 10% là tàu đi biển cỡ lớn. 

Tình báo Mỹ nhận định rằng Trung Quốc đã kết hợp khá thành công 4 trong số 5 cơ quan cảnh sát biển của mình thành 1 đơn vị thống nhất đó là Cơ quan cảnh sát biển Trung Quốc. 

Trước đây, do một quy định cũ, Bắc Kinh có nhiều cơ quan tuần tra biển khác nhau nhằm đảm bảo mọi lực lượng đều trung thành với đảng cầm quyền. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng kết hợp chúng thành một lực lượng thống nhất để dễ kiểm soát và tăng hiệu quả hoạt động.

Hoạt động hợp nhất này đã tiêu tốn khá nhiều công sức, thời gian và tiền của. Bắc Kinh đã phải mất nhiều tháng trời để sơn lại hàng trăm con tàu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng trang bị thêm các vũ khí hạng nặng cho các tàu của lực lượng cảnh sát biển.

Việc thiết lập Cơ quan cảnh sát biển chuyên biệt và thống nhất là một phần trong chiến lược quen thuộc của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu như trên toàn bộ Biển Đông, và sử dụng các tàu cảnh sát biển liên tục tuần tra phi pháp tại đây thay vì cử các tàu hải quân để đạt được yêu sách của mình. 

Hiện Trung Quốc đang tiến hành đóng mới hàng chục tàu cho lực lượng cảnh sát biển, trang bị nhiều vũ khí hạng nặng, trong đó có tên lửa. Hơn nữa, nước này còn tiến hành xây dựng hàng loạt các căn cứ cho lực lượng này tại các vùng biển tranh chấp, thông qua các dự án cải tạo đảo phi pháp trên Biển Đông.

Các hành động xây đắp trái phép của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và các nước ASEAN. 

 

Thoa Phạm

Theo Want China Times


Nguồn: Theo Dân Trí