Vũ Dương Ninh
1.
Ba mươi sáu năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh ở biên giới phía
Bắc nước ta (17/2/1979 – 17/2/2015). Và cũng là kỷ niệm 36 năm cuộc chiến đấu
kiên cường của quân dân ta nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc.
Từ
bấy đến nay, nhất là vào mỗi dịp kỷ niệm năm chẵn sự kiện này (1989, 1999,
2009), báo chí Trung Quốc và thế giới đều lên tiếng nhìn nhận, đánh giá. Nhưng
các phương tiện truyền thông Việt Nam thì im lặng một cách khó hiểu. Tháng
5/2014 vừa qua, nhân phản ứng mạnh mẽ trong cả nước về việc Trung Quốc hạ đặt
trái phép dàn khoan HD 981 trong vùng thềm lục địa Việt Nam, người ta chợt nhận
ra rằng chỉ có mươi dòng trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12
nhắc đến sự kiện này[1].
Cùng với nhiều câu hỏi thắc mắc, bức xúc. Thực ra, trong cái thường được gọi là
“tế nhị” (?!), việc đưa được mươi dòng vào sách giáo khoa cũng đã là một cố
gắng của các tác giả, tất nhiên là chưa đủ.
Trong
khi đó, cuốn Lịch sử ngoại giao
Trung Quốc đương đại (1949 – 2001) dành nhiều
trang cho sự kiện này với nhiều điều xuyên tạc. Họ viết: “ Xuất phát từ yêu cầu
phản kích quân Việt Nam xâm lược, yêu cầu bảo vệ an ninh và hòa bình ở vùng
biên cương, xuất phát từ tư duy chiến lược hạn chế bá quyền khu vực Việt Nam,
từ đó phản kích chủ nghĩa bá quyền Liên Xô tại Đông Nam Á, bộ đội biên phòng
Trung Quốc đã tiến hành phản kích tự vệ vào ngày 17 tháng 2 năm 1979”[2].
Như vậy, “phản kích tự vệ” là luận điệu chính của Bắc Kinh để che dấu động cơ
thực sự của cuộc chiến tranh này, đổ lỗi cho Việt Nam, thậm chí còn lên giọng
kẻ cả “dạy cho Việt Nam một bài học”. Vậy sự thực nằm ở đâu?
2.
Tên gọi một cuộc chiến tranh phản ánh nội dung và bản chất của cuộc chiến tranh
đó. Nhưng nhìn nhận về bản chất lại phụ thuộc vào chỗ đứng của mỗi bên, vào lập
trường quan điểm của mỗi phía.
Nhiều
học giả phương Tây gọi các sự kiện 1975 - 1979 là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba để
phân biệt với lần thứ nhất (1945-1954) và lần thứ hai (1954 – 1975). Cũng có
người đi vào bản chất hơn, gọi đó là cuộc Chiến tranh giữa những người anh em Đỏ
(Red Brotherhood at War) nghĩa là cuộc chiến giữa ba nước do ba đảng Cộng sản
lãnh đạo.
Còn
cái gọi là “cuộc phản kích tự vệ” của Trung Quốc nhằm mục đích gì? Có thể gói
gọn trong mấy ý sau đây: a) “đỡ đòn” cho sự thất bại của bè lũ Khmer Đỏ được
Bắc Kinh nuôi dưỡng bấy lâu, nay bị dánh bật khỏi Phnom Penh, hàng ngũ tan rã,
b) mở đường đi xuống Đông Nam Á giành lấy “khoảng trống quyền lực” ở khu vực do
Mỹ để lại sau năm 1975, c) lấy cuộc chiến bên ngoài làm dịu mối mâu thuẫn trong
nước còn dai dẳng sau thời kỳ “đại cách mạng văn hóa vô sản”, d) cuối cùng là
“món quà” tặng Mỹ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và Đặng Tiểu
Bình lần đầu tiên sang thăm Mỹ, nhằm tranh thủ dư luận Mỹ và khoa học công nghệ
Mỹ phục vụ công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, đồng thời lôi kéo Mỹ trong cuộc
đấu tranh chống Liên Xô. Dưới chiêu bài “phản kích tự vệ”, họ đưa ra luận điệu
đề phòng sự bao vây của Liên Xô ở phía Bắc và của Việt Nam ở phía Nam. Nhưng dù
bất cứ lý do gì thì trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược vào
lãnh thổ Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Phùng Quang Thanh |
Nhìn
rộng ra, trong giai đoạn này đã diễn ra ba sự kiện phản ánh cùng một nội hàm.
Đó là vụ quân Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và cuộc chiến đấu
của quân đội Việt Nam Cộng hòa chống xâm lược bảo vệ biển đảo nhưng không
thành công. Đó là những vụ xâm lược của lực lượng Khmer Đỏ với sự trợ giúp của
Trung Quốc trên dọc biên giới Tây Nam nước ta trong những năm 1977-1978 và cuộc
tiến công giáng trả của Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng lực lượng cứu nước
Campuchia nhằm quét sạch chế độ diệt chủng tàn bạo Polpot và bảo vệ biên giới
Tây Nam nước nhà. Đó là vụ tấn công xâm lược biên giới phía Bắc như vừa nói ở
trên. Do vậy, tên gọi chung của các sự kiện này nên gọi là Cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc (bao
hàm cả biên giới đất liền và biển đảo Việt Nam).
4.
Hằng năm, nước ta tổ chức nhiều ngày kỷ niệm lịch sử, mức độ, quy mô lớn nhỏ
khác nhau nhưng đều có ý nghĩa tưởng nhớ những trang sử hào hùng của dân tộc,
tri ân những tấm gương hy sinh của các liệt sĩ. Điều đó đi vào lòng dân được
nhân dân hưởng ứng. và đi vào tâm hồn thế hệ trẻ, khắc ghi một quá khứ gian
truân nhưng rất đỗi hào hùng của các bậc tiền bối.
Lịch
sử dân tộc ta từ ngàn xưa đã ghi nhận công lao của biết bao vị anh hùng, liệt sĩ
đã hy sinh thân mình vì nền độc lập của đất nước. Các chiến sĩ đã ngã xuống
trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hằng năm đều được
tưởng niệm bằng nhiều hình thức của Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân, của
các tổ chức tôn giáo. Những hoạt động đó nói lên lòng biết ơn của toàn dân và
những tấm gương hy sinh vì nước luôn là bài học lịch sử cho các thế hệ hôm nay
và mai sau.
Ba
mươi sáu năm đã trôi qua từ sự kiện năm 1979. Các đia phương xảy ra chiến trận
đã có sự quan tâm nhất định đến nơi an nghỉ của các liệt sĩ, song trên phạm vi
cả nước vẫn còn một khoảng trống nào đó trong chủ trương, chính sách của Nhà
nước, và do vậy đã tạo nên một khoảng trống nào đó trong lòng dân.
Cho
nên, việc tổ chức kỷ niệm trọng thể các sự kiện năm 1979, việc tri ân những
liệt sĩ đã đổ máu vì mảnh đất thiêng liêng ở biên giới đất liền và hải đảo của
Tổ Quốc là điều không thể chậm trễ hơn. Về xu hướng chính trị, mỗi người đều có
thể tự xác định cho riêng mình, song là con dân đất Việt, tất cả chỉ có một Tổ
Quốc, đó là Tổ quốc Việt Nam. Và những ai đã từng ngã xuống trong cuộc chiến
đấu chống quân xâm lược để bảo vệ non sông thì đều xứng đáng và đều cần được
tôn vinh bởi vì họ là người Việt Nam và đã hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam. Đó
chính là nền tảng bền vững của sự hòa hợp dân tộc trong thời đại ngày nay.
5.
Thế hệ những người đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều
ghi sâu vào trí nhớ lý luận về bốn mâu thuẫn cơ bản trong thời kỳ quá độ, bao
gồm mâu thuẫn giữa CNXH và CNTB, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa
phong trào giải phóng dân tộc với chế độ thực dân và giữa các nước tư bản với
nhau. Chính mâu thuẫn giữa các nước tư bản đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh thế
giới trong thế kỷ XX. Như vậy phải chăng là không hề có mâu thuẫn giữa các nước
XHCN! Lý thuyết đó, vào một thời kỳ lịch sử đã không sai nhưng cũng không đúng. Cuộc chiến tranh
biên giới Trung - Xô năm 1969, rồi đến chiến tranh biên giới Trung – Viêt năm
1979 đã minh chứng điều không đúng đó.
Những
thế hệ của các thập niên 50, 60, 70 đã thấm nhuần vào máu thịt tư tưởng về “sự
giúp đỡ vô tư, khẳng khái” của các nước anh em XHCN, về tình cảm “trong sáng,
thủy chung”,“như môi với răng” trong quan hệ quốc tế XHCN. Sự giúp đỡ ấy, tinh
thần ấy trên thực tế đã tạo nên một trong những nhân tố quan trọng đưa hai cuộc
kháng chiến đến thắng lợi. Người Việt Nam, trước sau như một, luôn ghi nhớ sự
giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước XHCN.
Với
niềm tin vững chắc như vậy thì cuộc tấn công xâm lược từ phía Bắc vào Việt Nam
năm 1979 thực sự là một cú sốc lớn về tinh thần và tình cảm đối với người dân
Việt. Sự thực phũ phàng đó đã xé toang tấm màn che đậy những lời hay, ý đẹp. Nó
lộ rõ thực chất của thời cuộc là sự đồng nhất về ý thức hệ không còn là lý do
để gắn kết lực lượng trong cuộc đấu tranh chung mà chính lợi ích quốc gia đã
trở thành động lực chi phối thái độ và hành động trong quan hệ quốc tế. Nhất là
khi lợi ích đó là lợi ích dân tộc hẹp hòi, vị kỷ của nước lớn thì những lý
thuyết về ý thức hệ đều trở thành vô nghĩa, thậm chí nguy hại vì nó tạo nên sự
mơ hồ trong nhận thức tình hình, trong cách nhìn nhận đối phương. Chính trong sự “bất ngờ” năm 1979 có yếu tố mơ hồ về bản chất và thái
độ của người đồng chí năm xưa, từ đồng minh trở thành đối thủ.
Ngày
nay, lịch sử đã qua đi nhưng kinh nghiệm lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. Điều
đó nhắc nhở nhiệm vụ của những người nghiên cứu lịch sử là không được để sự
kiện 17/2/1979 rơi vào quên lãng, chìm trong im lặng mà sau này con cháu không
hiểu nổi điều gì đã xảy ra. Đó không chỉ là là sai lầm mà là tội lỗi với các
thế hệ mai sau.
Hà Nội, tháng 2 năm
2015
[1]
Sách giáo khoa viết: “Trung Quốc là nước láng giềng thân thiết của Việt Nam.
Trong đấu tranh cách mạng, nhân dân hai nước đã từng gắn bó mật thiết, đoàn kết
giúp đỡ nhau. Nhưng việc tập đoàn Pon Pốt có hành động thù địch chống Việt Nam,
Trung Quốc lại đồng tình ủng hộ. Trung Quốc còn có những hành động làm tổn hại
đến tình cảm giữa nhân dân hai nước, như cho quân khiêu khích quân sự dọc biên
giới, dùng sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia nhằm gây khó khăn
cho Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, từ sáng 17/2/1979, Trung Quốc cho quân đội với
lực lượng 32 sư đoàn mở cuộc tiến công dọc biên giới phía Bắc nước ta từ Móng
Cái (Quảng Ninh) đén Phong Thổ (Lai Châu) dài hơn nghìn cây số.
Để
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh
biên giới phía Bắc đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc
rút khỏi nước ta”. Bộ Giáo dục và đào tạo. Lịch sử 12. Sách giáo khoa thí điểm. Ban Khoa học xã
hội và nhân văn. Nxb Giáo dục, H.2007, tr. 280 -
281
[2] Tạ
Duy Hiển (chủ biên): Lịch
sử ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949 – 2001).
Bản dịch tiếng Việt (đánh máy) tr. 295