Thời điểm Đại Hội 12 đầu năm 2016 sắp tới đòi hỏi chúng ta phải nói thẳng, nói thật, nói hết với quảng đại quần chúng, với toàn thể đảng viên, với niềm hy vọng áp lực lên Đảng cầm quyền toàn trị để mong thoát khỏi sự tụt hậu ngày càng trầm trọng về mọi mặt của đất nước, đồng thời xây dựng một nước VN hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.
Các bài góp ý đã đăng :
- ông Lê Công Giàu : Thư đảng viên, không phải “Thế lực thù địch”!
- ông Võ văn Thôn : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
Chúng tôi giới thiệu bài góp ý của ông Tống Văn Công, bài này thực ra là góp ý cho văn kiện Đại hội 11, nhưng đảng bỏ ngoài tai nên không cần phải viết lại vì những gì ông Tống Văn Công nói vẫn còn giá trị 100% cho Đại hội 12. Với sự đồng ý của Tác giả, chúng tôi xin giới thiệu lại với bạn đọc.
Tống Văn Công: "Ngày nay trên đất nước ta không phải chỉ có mảnh đất sản xuất cá thể mà đang có "những nhà hữu sản mới thoát thai từ tham nhũng, đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh hơn". Việc tìm cách đưa họ vào con đường phát triển tư bản văn minh, ngăn chặn họ hình thành những nhóm lợi ích đã là vô cùng nan giải rồi, huống hồ lại toan đưa họ vào định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ bằng các "nguyên tắc và bản chất” vô hình!
Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà là làm thế nào khắc phục thứ chủ nghĩa tư bản thân hữu và tránh vết xe của chủ nghĩa tư bản hoang dã."
Điều mới nhất trong dự thảo văn kiện Đại hội 11 của Đảng
CSVN là: "Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh
nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng".
Mới nhất và cũng đúng nhất. Bởi vì khi Đại hội 10 cho phép
đảng viên kinh doanh tư nhân, được thuê số công nhân không hạn chế thì trong
Đảng đã có khá đông chủ tư nhân, vậy thì tại sao lại không cho tiếp tục kết
nạp những chủ tư nhân kinh doanh giỏi và chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh
đang ở ngoài Đảng?
Nhưng nếu việc mới nhất và đúng nhất này được thực hiện
thì đây lại là điều thiếu minh bạch nhất, tối nhất, bởi vì cho đến nay vẫn
chưa có lý luận mới về xây dựng Đảng soi sáng! Từ chỗ tối nhất này nhìn ra sẽ
thấy nhiều chỗ tối khác rất đáng lo!
I – GIAI CẤP TƯ SẢN RA ĐỜI SAU ĐỔI MỚI KHÁC GIAI CẤP TƯ
SẢN ĐÃ BỊ CẢI TẠO?
1 – Tranh cãi giữa hai ông Ủy viên Trung ương khóa 6
Cách đây hơn 20 năm, tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa 6,
tôi được chứng kiến hai ông Ủy viên Trung ương nhận định trái nhau về giai
cấp tư sản sẽ ra đời sau Đổi mới.
Ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương phát
biểu đại ý: Giai cấp tư sản ra đời trong chế độ xã hội chủ nghĩa có những
điểm tích cực mà giai cấp tư sản trước kia không có, đó là: họ chấp hành
đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam – chủ trương phát triển nền kinh
tế nhiều thành phần, họ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, họ
đóng thuế xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt các chính sách nhà nước
chăm lo cho người lao động…
Ngay lập tức, ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc Học viện
Chính trị Hồ Chí Minh –lên tiếng. Ông nói, không thể vì sách lược cho phép
kinh doanh tư bản mà mơ hồ về bản chất không bao giờ thay đổi của giai cấp tư
sản là bóc lột giá trị thặng dư. Ông dẫn ra nhiều ý kiến của Marx, của Lenin
để khẳng định phải luôn luôn nhớ rằng giai cấp tư sản là đối tượng của cách
mạng xã hội chủ nghĩa, không thể đi cùng đường lâu dài với giai cấp công
nhân.
Ông Trần Trọng Tân không tranh luận.
Các ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đều im
lặng.
Cuối phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kết luận
nghiêng về ý kiến ông Nguyễn Đức Bình.
Năm 1991, tại Đại hội Đảng lần thứ 7, ông Nguyễn Đức Bình
được bầu vào Bộ Chính trị, phụ trách cả khối Tuyên – Văn – Giáo. Ông Trần
Trọng Tân được bầu lại Ủy viên Trung ương và xin thôi chức Trưởng ban Tuyên
huấn Trung ương, về thành phố Hồ Chí Minh, và được bầu làm Phó Bí thư Thành
ủy.
Khoảng 15 năm sau, trước thềm Đại hội Đảng 10, ông Nguyễn
Đức Bình có bài viết trên báo Nhân dân với danh nghĩa nguyên
Ủy viên Bộ Chính trị, học hàm Giáo sư, nhắc nhở không được xa rời những
nguyên lý của chủ nghĩa Marx – Lenin. Ông cảnh báo những hiện tượng chệch
hướng xã hội chủ nghĩa. Bài này được nhiều báo của các Đảng bộ địa phương
đăng lại.
Ngay sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có bài phản biện, đại
ý: Lý thuyết Marx đã giúp cho kẻ thù của ông – chủ nghĩa tư bản – tự điều
chỉnh và phát triển nhanh hơn, theo hướng nhân đạo hơn; trong khi đó, các môn
đồ trung thành của Marx thì càng ngày càng nghèo khổ, cơ cực.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề nghị báo Nhân dân và
Giáo sư Nguyễn Đức Bình tổ chức tranh luận công khai trên báo Đảng. Rất tiếc,
Giáo sư Nguyễn Đức Bình và Ban Biên tập báo Nhân dân không
hưởng ứng lời đề nghị hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ lý luận về vấn đề cực kỳ quan
trọng có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát
triển của đất nước theo hướng tự do dân chủ.
2 – Hai khuôn mặt tư sản và hữu sản
Tôi nghĩ, sở dĩ sự nghiệp đổi mới của chúng ta nhiều phen
ngập ngừng, có lúc toan quay ngược là do trong Đảng có quá nhiều Nguyễn Đức
Bình (xin lỗi anh Nguyễn Đức Bình, từ khi có dịp quen biết anh, tôi vẫn luôn
quý trọng nhân cách của anh!).
Một tầng lớp tư sản mới đã xuất hiện, nhưng phải gọi tránh
là những "hữu sản mới", "doanh nhân", các "nhà kinh
doanh tư nhân", hoặc nói như Giáo sư Đặng Phong: “Chúng ta đánh đổ giai
cấp tư sản cũ, nhưng phải xây dựng được tầng lớp hữu sản mới".
Giai cấp hữu sản mới ra đời từ những nguồn nào?
Đó là những người trước đổi mới có điều kiện giữ được ít
vốn liếng, tư trang nay có cơ hội bán đi gây vốn; những cán bộ thường đi công
tác ở nước ngoài có tích lũy ít vốn; những người có thân nhân là Việt kiều
gửi tiền về; số đông nhất là những công chức nắm được thông tin đất dự án quy
hoạch để đầu cơ… Giáo sư Đặng Phong cho rằng "tham nhũng cũng là một
cách ra đời tầng lớp hữu sản, cho nên đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh
hơn".
Giáo sư Đặng Phong so sánh những người tư sản cũ và tư sản
mới hiện nay như sau:
“Trước đây những nhà kinh doanh tư nhân phần lớn là những
người có truyền thống từ nhiều đời để lại. Họ có kinh nghiệm, có văn hóa, có
bạn hàng, có thị trường, có những quy tắc nghiêm ngặt trong kinh doanh. Kinh
doanh tư nhân hiện nay là một tầng lớp mới lên, đa số chưa có nhiều kinh
nghiệm, không có truyền thống, mang nặng tính chất chụp giật, tạm bợ, số phận
của họ cũng không ổn định”.
Ngay sau khi nhà nước cho phép kinh doanh tư nhân đã có
những Đảng viên Cộng sản như Lê Kiên Thành (con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn) xin
ra Đảng để được làm "nhà hữu sản mới". Đó là những người thức thời
và sòng phẳng. Nhưng chỉ vài ba năm sau, xã hội phát hiện có không ít người
vẫn đang sinh hoạt Đảng, thậm chí còn đương chức mà đã là nhà hữu sản lớn
bằng thủ đoạn đứng phía sau vợ con.
Vậy mà phải mất đến hơn 20 năm, Đại hội 10 của Đảng mới
chính thức cho phép Đảng viên kinh doanh tư nhân và được thuê công nhân không
hạn chế số lượng. Thực ra quyết định ấy chỉ là hợp thức hóa cho sự đã rồi,
chứ không có ý nghĩa lãnh đạo.
Nhìn chung, những nhà hữu sản mới này cũng có không ít
những người chịu khó học tập từ thực tế hoạt động kinh doanh, xây dựng được
thương hiệu quốc gia như Gạch Đồng Tâm, Cà phê Trung Nguyên, Gốm sứ Minh
Long, Công ty Hoàng Hạc… Tuy nhiên còn quá đông những vị sinh ra từ tham
nhũng, chụp giật câu kết với những người thoái hóa trong hệ thống chính trị
hình thành những "nhóm lợi ích", "chủ nghĩa tư bản thân hữu”
tác động tiêu cực lên nền kinh tế rất đáng lo ngại.
3 – Đảng Cộng sản Việt Nam đã là Đảng của dân tộc?
Việc cho phép Đảng viên kinh doanh tư nhân là một sự kiện
vô cùng quan trọng, có tính bước ngoặt trong đường lối xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, về lý luận chưa có sáng tạo gì mới đủ sức soi
sáng cho việc quay ngoắt 180 độ ấy! Việc cho phép Đảng viên kinh doanh tư
nhân, việc kết nạp những chủ tư nhân vào Đảng hoàn toàn trái với nguyên lý
chủ nghĩa Lenin, trái với lời răn của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Giáo sư
Nguyễn Đức Bình, mà cho đến nay các văn kiện của Đảng vẫn chưa bao giờ nói
khác, nhưng lại được chính thức cho phép làm khác!
Hay có thể giải thích rằng, ngày nay tính chất của Đảng đã
thay đổi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân,
đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc“ (Dự thảo
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung,
phát triển năm 2011)? Như vậy, Đảng đã là của toàn dân rồi?
Không đúng! Bởi những lẽ sau đây:
(1) Sự
liệt kê như vậy thể hiện có sự khinh, trọng, cũng giống như ngày xưa thứ bậc
được xếp đặt là: sĩ, nông, công, thương, thì ai lại chẳng hiểu “sĩ“ đứng đầu
xã hội, cho nên nông dân mới có câu phản ứng: "nhất sĩ nhì nông, hết gạo
chạy rông, nhất nông nhì sĩ".
(2) “Xây
dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là
giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt
Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội"
(Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội, bổ sung, phát triển năm 2011). Như vậy là tính giai cấp công nhân của
Đảng vẫn không hề thay đổi!
Đúng ra ở Hội nghị Trung ương khóa 6 nói trên, vấn đề cần
đặt ra không phải là tìm hiểu xem “giai cấp tư sản mới khác với giai cấp tư
sản cũ như thế nào”, mà là xét xem một Đảng Cộng sản làm cái việc đại kiêng
kỵ đối với chủ nghĩa Marx – Lenin là nuôi dưỡng giai cấp tư sản, thì Đảng ấy
thực chất có còn là cộng sản hay không?
Giở lại Nghị quyết Đại hội 4 của Đảng và Hiến pháp 1980 có
những câu khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà
nước chuyên chính vô sản", “sứ mệnh lịch sử của nhà nước đó là xóa bỏ
chế độ người bóc lột người, [...] thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội
chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân có hai
thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần
kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể”. Nội dung đó chưa hề bị kết luận là
không đúng, thì làm sao chỉ với hai từ "đổi mới” đã có thể làm trái lại
nguyên lý xây dựng Đảng, đưa kẻ thù "kinh điển“ vào đội tiên phong của
giai cấp công nhân?
Chính vì không có một lý thuyết soi sáng dẫn dắt, cho nên
việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ trương không sáng.
Cũng chính vì không có lý thuyết soi sáng mà chúng ta cho ra đời một giai cấp
tư sản có nhiều yếu tố hoang dã, cấu kết thành "những nhóm lợi
ích", làm suy yếu nhà nước và tác động tiêu cực rất nguy hiểm cho Đảng!
II – NHÂN LOẠI ĐANG Ở ĐÂU?
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 10-10-2009, đã phát biểu ở
Hội nghị Trung ương 11: “Công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ đặc biệt quan
trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định với toàn bộ sự nghiệp cách mạng và
có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta".
Ý kiến ấy rất đúng, nhưng xây dựng Đảng theo triết lý nào,
phương pháp luận nào? Làm thế nào để không giáo điều? Làm thế nào để đáp ứng
đúng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tế đất nước qua 25 năm đổi
mới và phù hợp với xu thế của thời đại?
Xin thử gợi ra một số vấn đề:
1 – Từ chủ nghĩa tư bản hoang dã đến chủ nghĩa tư bản nhân
dân
Từ giữa thế kỷ 19 đến nay, giai cấp tư sản đã trải qua ít
ra là ba cuộc cách mạng công nghiệp:
– Năm 1840, ở nước Anh, James Watt phát minh ra máy hơi
nước, năm 1876 động cơ hơi nước được áp dụng trước hết cho máy dệt, đầu máy
xe lửa, tạo ra năng suất, hiệu quả cao vượt bậc.
– Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu từ phát minh
của Edison về điện ở Hoa Kỳ. Năm 1881, nhà máy điện đầu tiên khánh thành mở
ra điều kiện vận hành những thiết bị công nghiệp lớn và tổ chức lao động theo
dây chuyền.
– Từ nửa sau thế kỷ 20, bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ ba trong lĩnh vực điện tử, đưa tới công nghệ tin học, mạng lưới
internet và robot.
Mỗi lần xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp đều đưa
đến những thay đổi rất lớn, làm đảo lộn tổ chức sản xuất, giao thương tiêu
thụ hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng; thay đổi cơ cấu, trình độ kiến thức của
người làm thuê; có thể nói có tác động mạnh mẽ tới đời sống vật chất và văn
hóa của toàn nhân loại.
Chủ nghĩa tư bản khởi đầu từ các nước Tây Âu lan ra toàn
Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Từ xí nghiệp của một nhà tư bản biến thành công ty
của nhiều nhà tư bản. Từ những doanh nghiệp hoạt động trong nước chuyển thành
những tập đoàn siêu quốc gia. Từ xâm chiếm thuộc địa đến từ bỏ chủ nghĩa thực
dân cũ, chuyển sang chủ nghĩa thực dân mới, đưa kinh doanh sản xuất ra nước
ngoài. Từ công ty cổ phần của nhiều nhà tư bản đến công ty cổ phần gồm cả
công nhân trong công ty, biến chủ nghĩa tư bản tiền công thành chủ nghĩa tư
bản tài sản, còn gọi là chủ nghĩa tư bản nhân dân.
Chống lại sức ép của tuyên ngôn xóa bóc lột, thực hiện xã
hội bình đẳng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản biến đổi thành "chủ
nghĩa tư bản xã hội", xây dựng "nhà nước phúc lợi".
Thụy Điển dưới sự lãnh đạo của Đảng Xã hội Dân chủ đã xây
dựng thành công mô hình nền kinh tế thị trường năng động và một nhà nước phúc
lợi phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu xô viết cho rằng Thụy Điển “có nhiều chủ
nghĩa xã hội hơn các nước Liên Xô, Đông Âu".
Tuy nhiên, từ năm 1970, bắt đầu có dấu hiệu những quốc gia
đặt sự bình đẳng và phúc lợi xã hội quá cao thì kinh tế phát triển chậm lại.
Thụy Điển sụt hạng từ giàu có nhất xuống thứ 3, thứ 15, rồi thứ 17. Mô hình
Thụy Điển cáo chung là một thất bại của cánh tả.
Trong nền kinh tế tư bản, sự đấu tranh giữa phát triển và
bình đẳng, giữa quản lý và tự do đã không ngừng đưa tới những điều chỉnh hợp
lý hơn.
Chủ nghĩa tư bản trải qua nhiều lần khủng hoảng, nhưng sau
đó là cuộc điều chỉnh lớn, đưa tới sức phát triển mạnh mẽ gấp bội. Cuộc khủng
hoảng kinh tế mới đây được coi là sự thất bại của chủ nghĩa tân tự do. Nhiều
học giả cho rằng kinh tế học hiện đại phải được viết lại, nền kinh tế thế
giới sẽ phải thay đổi cấu trúc, cách vận hành, hệ thống tài chính phải được
cải tổ… Tuy nhiên đó không phải là dịp sống lại các nguyên lý kinh tế xã hội
chủ nghĩa như một số nhà lý luận mác–xít đã nghĩ.
Dù vậy, chủ nghĩa tư bản vẫn đang mang những mâu thuẫn
chưa giải quyết được: khủng hoảng; sự cách biệt giàu nghèo giữa các quốc gia
và trong từng quốc gia; sự phá hoại môi sinh. Cho nên về lâu về dài, nhân
loại chưa coi nó là đích đến cuối cùng.
2 – Giai cấp vô sản trở thành hữu sản
Năm 1848, khi viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và
Engels chưa được nhìn thấy những xưởng máy dùng động cơ máy hơi nước, những
dây chuyền sản xuất vận hành bằng động cơ điện. Hai ông nhận định hai giai
cấp đối địch nhau là tư sản và vô sản. Giai cấp tư sản là người nắm tư liệu
sản xuất thuê người vô sản lao động sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư của
họ. Từ đó các ông đặt ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là đào mồ chôn
chủ nghĩa tư bản.
Sau hai cuộc cách mạng công nghệ, giai cấp vô sản từ người
làm thuê trở thành người tiêu dùng, từ người bán sức lao động cơ bắp lãnh
tiền công trở thành những người hữu sản nhỏ, góp cổ phần vào công ty, được
hưởng tiền lời nhiều hơn tiền công. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đưa
các nước tư bản phát triển tới nền kinh tế tri thức, người lao động làm thuê
trong nền kinh tế tri thức có đặc điểm mới là:
(1) Các
ông chủ tư bản dần dần bị lệ thuộc vào tri thức của nhà quản lý và nhà quản
lý dần dần bị lệ thuộc tri thức của người trực tiếp lao động sản xuất. Vì khoa
học kỹ thuật càng ngày càng phức tạp, người trực tiếp lao động sản xuất phải
học tập nhiều thời gian mới có thể vận hành thiết bị. Nếu cho rằng những
người làm công bây giờ phải có tri thức bác học kể cũng không ngoa. Cách đây
hằng chục năm, ông chủ của hãng General Motors đã ngạo nghễ tuyên bố rằng:
”Người trực tiếp sản xuất của công ty chúng tôi có thể tự mình chọn thiết bị
trên màn ảnh, biết rõ tình hình kinh doanh của công ty, giá cả của mỗi thứ
vật dụng và họ còn biết rõ phản ứng của người tiêu dùng đối với sản phẩm của
mình làm ra để góp ý cải tiến”.
(2) Toàn
cầu hóa các ngành công nghiệp đưa toàn cầu hóa đến tận mỗi cá nhân người lao
động. Trong thế giới phẳng, những người lao động đang ở các nước châu Á vẫn
có thể giành việc làm của người lao động ở tận Hoa Kỳ. “Bởi trong thế giới
phẳng không có khái niệm công việc của người Mỹ. Chỉ có khái niệm công việc
mà thôi, thường thì những công việc này sẽ thuộc về người nào giỏi giang
nhất, thông minh nhất, có năng suất cao nhất và chấp nhận đồng lương thấp
nhất cho dù họ ở bất cứ nơi đâu” (Thế giới phẳng, T. L. Friedman;
trang 409). Có rất nhiều người lao động đang ở Ấn Độ được ký hợp đồng làm
công cho các công ty hoạt động ở bên Mỹ.
Ngày nay các nước tư bản phát triển đưa những công việc
tốn nhiều lao động cơ bắp (dệt, may, giày dép, lắp ráp máy…) sang đầu tư sản
xuất ở các nước đang phát triển để tận dụng giá nhân công rẻ. Hai mươi năm
qua chúng ta đã hứng phần lớn công nghệ lạc hậu này của họ. Ở các nước tư bản
tiên tiến, số công nhân cổ xanh lao động chân tay mà Marx, Engels quan sát
cách đây hơn 100 năm, hiện nay còn rất ít, có tài liệu cho biết chỉ khoảng 5
đến 10 %.
3 – Liên Xô, Đông Âu sụp đổ!
Một sự kiện long trời lở đất đã xảy ra trong thập kỷ 90
của thế kỷ 20: Liên Xô, thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới và tất cả các
nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ!
Ban đầu các nhà lý luận mác-xít ở nước ta cho rằng nguyên
nhân là do có sự phá hoại của các thế lực thù địch phương Tây. Nhưng bình
tĩnh lại thì thấy rằng lập luận đó không thể đứng vững, bởi vì một chế độ nếu
được nhân dân yêu quý bảo vệ thì không có thế lực bên ngoài nào lật đổ được.
Và từ đó đến nay mặc dù Đảng Cộng sản Liên bang Nga vẫn được tự do hoạt động,
nhưng cứ sa sút dần về sự ủng hộ của cử tri ở mỗi kỳ bầu cử và teo tóp dần về
số người vào Đảng. Mới đây, trả lời Tuanvietnam.net, ông Nguyễn
Đình Lộc – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Tư pháp – đã nhận
định rất đúng rằng, nguyên nhân sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là do “nhân
dân vùng dậy để lật đổ".
Hằng chục năm trước khi Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ
nghĩa sụp đổ, đã có hai nước rời bỏ các nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa:
đó là Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa và Việt Nam thực hiện Đổi mới, hội
nhập quốc tế. Thực chất cải cách và đổi mới là thực hiện quyền dân chủ về
kinh tế cho người dân và chấp nhận các định chế thị trường của chủ nghĩa tư
bản thế giới. Nhờ đó mà cả hai nước đã có bước phát triển kinh tế ngoạn mục,
gia nhập WTO.
Từ 1991 trở đi, các Đảng Cộng sản trên thế giới không còn
nói tới đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản, vô sản chuyên chính nữa.
Đảng Cộng sản Pháp thay khái niệm “tiến lên chủ nghĩa xã
hội” bằng "vượt qua chủ nghĩa tư bản".
Hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Cuba kiên trì giữ nguyên mô
hình xã hội chủ nghĩa xô viết, càng ngày càng lâm vào nghèo đói và bế tắc.
Năm 2010 này, Cuba bắt đầu giao đất cho nông dân và các nhà đầu tư. Đầu tháng
9-2010, trả lời nhà báo Mỹ, ông Fidel Castro đã cho rằng đường lối kinh tế
của Đảng Cộng sản Cuba trước đây không còn phù hợp.
Như vậy, thực tế cuộc sống của nhân loại đã không chọn mô
hình chủ nghĩa xã hội với chuyên chính vô sản; với Đảng đứng trên Nhà nước;
với quyền dân chủ chính trị của nhân dân bị triệt tiêu; với nền kinh tế chỉ
có hai thành phần quốc doanh và tập thể, trong đó quốc doanh là chủ đạo,
quyền tự do làm ăn của nhân dân bị tước mất; với nền văn hóa đề cao tính giai
cấp, không chấp nhận tính nhân văn; với nền văn học nghệ thuật hiện thực xã
hội chủ nghĩa minh họa chính trị, phục vụ chính sách, khuyến khích thù hằn,
đấu tranh giai cấp.
Nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng: chủ nghĩa xã hội khoa
học thất bại vì thật ra nó còn không tưởng hơn cả những nhà xã hội chủ nghĩa
không tưởng tiền bối. Nó từ bỏ những giá trị văn minh mà nhân loại trải nghìn
năm mới tìm thấy, rồi chọn cho mình những giá trị chưa hề được thử thách. Nó
có ý định vô cùng tốt đẹp là giải phóng triệt để loài người khỏi nạn bóc lột
nghìn đời, nhưng lại đưa con người vào một tình trạng ngột ngạt mất tự do,
dân chủ, phải đứng lên đòi giải phóng một lần nữa. Nó không có một cơ chế
kiềm hãm quyền lực, khiến Đảng lãnh đạo cách mạng từ chỗ trong sáng đã nhanh
chóng biến chất, trở thành độc tài, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng khi ở vị
trí cầm quyền! Trả lời phỏng vấn Tuanvietnam.net, ông Nguyễn Đình
Lộc băn khoăn, không biết vì sao mà chế độ ta sợ dân chủ đến như vậy!
4– Chế độ tương lai của nhân loại?
Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ 19, sau khi quan sát công
ty cổ phần tư bản, Marx và Engels đã thay đổi quan điểm về đấu tranh giai cấp
và cách mạng vô sản, hai ông chủ trương đấu tranh hòa bình bằng tổ chức công
đoàn và nghị trường, giành quyền lợi cho giai cấp vô sản.
Engels viết lời nói đầu cho quyển Đấu tranh giai
cấp ở Pháp của Marx khi tái bản năm 1895 rằng chủ trương cách mạng
vô sản hồi 1848 cùa hai ông là ảo tưởng.
Năm 1889, tại Paris, nước Pháp, Engels thành lập Liên minh
quốc tế của các Đảng Công nhân, gọi là Quốc tế 2, chủ trương đấu tranh trên
hai mặt kinh tế và chính trị, đòi thực hiện công bằng xã hội và các quyền tự
do, dân chủ.
Sau Cách mạng Tháng 10, Lenin đổi tên Đảng Công nhân Xã
hội Dân chủ Nga, phái Bonsevich thành Đảng Cộng sản Nga và ly khai Quốc tế 2.
Năm 1919, Lenin thành lập Quốc tế Cộng sản 3, nhận định chủ nghĩa tư bản đã
giãy chết, chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, là
đêm trước của cách mạng vô sản toàn thế giới. Tuy nhiên đến năm 1921, trước
tình hình kinh tế khó khăn sau nội chiến, Lenin chủ trương trở lại hình thức
tư bản có giới hạn: chính sách kinh tế mới (NEP), có những nội dung tương tự
chủ nghĩa xã hội dân chủ. Tiếc thay, Lenin sớm qua đời.
Năm 1951, các Đảng Xã hội – Dân chủ các nước tư bản họp
tại Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức thành lập Liên minh Quốc tế và ra Cương
lĩnh có nội dung: "Từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội không qua
đấu tranh giai cấp, không dùng bạo lực cách mạng, không thiết lập chuyên
chính vô sản, ủng hộ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, ủng hộ cuộc đấu tranh
bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và Đông
Dương, ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của các dân
tộc Á, Phi, Mỹ La tinh”.
Những năm 50 – 60 của thế kỷ 20, mô hình Thụy Điển là
thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Sau khi mô hình Thụy Điển mất
khả năng phát triển, những học giả khuynh tả đưa ra học thuyết “Con đường thứ
3", nhằm tìm con đường mới cho chủ nghĩa xã hội dân chủ, chống lại chủ
nghĩa tân tự do và tìm những mô hình mới thích hợp cho mỗi quốc gia.
Ngày nay nhiều nhà tư tưởng cho rằng tương lai loài người
không phải là chủ nghĩa tư bản, nhưng cũng không phải là chủ nghĩa xã hội mà
nhân loại đã cay đắng trải qua. Con đường tìm đến xã hội lý tưởng không phải
là con đường bạo lực, đấu tranh giai cấp, mà là con đường diễn biến hòa bình,
từng ngày tranh biện, từng ngày nhận thức, đi tới đồng thuận của số đông,
loại dần bất công, từng bước hình thành chủ nghĩa nhân văn mới tự do hơn,
bình đẳng hơn.
Trong lịch sử loài người, sau khi chế độ mới hình thành
thì mới được đặt tên, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là được đặt
tên trước, nhưng cuối cùng đã không thành!
Nhiều học giả cho rằng trong thời đại kinh tế tri thức,
thế giới phẳng, các giá trị của cá nhân (tri thức, ý chí, đạo đức, sức sáng
tạo) được đề cao hơn bao giờ hết, đúng như K. Marx và F. Engels đã sớm tiên
đoán: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển
tự do của mọi người” (Marx, Engels – Tuyên ngôn của Đảng
cộng sản, 1848). Cụm từ xã hội chủ nghĩa đặt cái “xã
hội” lên trên cái "mỗi người” như vậy là không phù hợp với
bản chất con người, tức là không hợp thời đại. Do vậy, việc đặt tên cho xã
hội tương lai nên dành cho thế hệ tương lai.
III – NHIỀU CHỖ TỐI TRONG CƯƠNG LĨNH
1 – Cách nhận định về thời đại
Do không nhìn thẳng vào hiện thực thế giới đã thay đổi,
cũng không dám nói trái quan điểm của Bộ Chính trị đương quyền, nên những
người viết dự thảo các văn kiện lúng túng, lập luận mâu thuẫn, nhiều chỗ
không rõ ràng và có chỗ không đúng.
Tuy không nói như xưa là "thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội", nhưng vẫn nói “các mâu thuẫn cơ bản
trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại
và phát triển".
Câu này gợi nhớ đến nhận định của Hội nghị các Đảng Cộng
sản về “bốn mâu thuẫn”: (1) – Mâu thuẩn giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã
hội chủ nghĩa; (2) – Mâu thuẩn giữa các nước tư bản với nhau; (3) – Giữa vô
sản và tư bản; (4) – Giữa đế quốc với các dân tộc thuộc địa.
Các Đảng Cộng sản ngày ấy cho rằng bốn mâu thuẫn này sẽ
đưa tới sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, toàn nhân loại sẽ đi tới chủ nghĩa
xã hội. Chẳng lẽ bốn mâu thuẫn ấy vẫn tồn tại? Tuy dự thảo Cương lĩnh không
nói rõ như vậy, nhưng ngay ở đoạn dưới kế tiếp đã viết “nhưng đấu tranh dân
tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ…”, khiến người đọc phải hiểu theo
khái niệm cũ!
“Đấu tranh giai cấp“ là một thuật ngữ ra đời từ Tuyên ngôn
của Đảng Cộng sản và cho đến nay vẫn còn giữ nguyên nội hàm của nó. Các từ
điển Triết học, Chính trị học hiện nay đều định nghĩa na ná nhau: “Đấu tranh
giai cấp là cuộc đấu tranh giữa những giai cấp mà lợi ích không thể dung hòa
với nhau hay mâu thuẫn với nhau”. Xin trích định nghĩa của Từ điển Bách khoa
Việt Nam, phát hành tháng 12-1995, có lẽ là cuốn sách thuộc hàng mới nhất:
“Hình thức cao nhất là đấu tranh chính trị nhằm lật đổ nền thống trị của giai
cấp tư bản, thiết lập nền thống trị của giai cấp vô sản… Đảng, đội tiên phong
của giai cấp vô sản, đứng trên lập trường của chủ nghĩa Marx – Lenin lãnh đạo
cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản". Chẳng lẽ người viết nhầm lẫn các
hình thức đình công, biểu tình hiện nay (thuộc lĩnh vực nhân quyền) là đấu
tranh giai cấp?
Từ Đại hội 6, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương chủ
doanh nghiệp và người lao động cùng thỏa hiệp. Mới đây ngày 9-9-2010, tại
Công ty Doosan Vina, Dung Quất – Quảng Ngãi, Tiến sĩ Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên
Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tác giả Luận án
cấp nhà nước về giai cấp công nhân Việt Nam đã phát biểu rất đúng rằng: “Phải
tuyên truyền cho người lao động hiểu rằng quyền lợi của họ phải được gắn liền
với quyền lợi của nhà đầu tư".
Ở nước Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của công nghiệp
hóa, số đông là lao động chân tay gần giống như giai cấp vô sản thế giới cuối
thế kỷ 19, nhưng Đảng Cộng sản vẫn phải chủ trương “lao – tư lưỡng lợi".
Vậy trên phạm vi thế giới, nền kinh tế tri thức đang ở thế thượng phong, đội
ngũ công nhân cổ xanh truyền thống còn rất ít, lao động trí óc đóng vai chủ
yếu thì lấy lý do gì để chúng ta hô hào họ phải đấu tranh giai cấp?
"Từ thực tiễn phong phú của cách mạng", Đảng rút
ra 5 bài học lớn, trong đó bài học thứ tư cần phải vận dụng là “kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc
tế". Sức mạnh ấy không được chỉ rõ là nó đang ở đâu và làm cách nào để
có thể vận dụng và kết hợp? Điều đó cần được chỉ rõ, bởi vì khái niệm sức
mạnh thời đại đã đổi khác hoàn toàn với khái niệm của những người cộng sản
trước kia.
Văn kiện khẳng định: “phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế có những bước hồi phục”. Luận điểm này cũng không được chứng minh,
nhưng lại tiếp tục khẳng định theo lý thuyết đã có cách đây hàng thế kỷ rằng:
“Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ
nghĩa xã hội"!
Với tư duy đó, dự thảo Cương lĩnh cho rằng việc Liên Xô và
Đông Âu sụp đổ là một tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới và
cho hòa bình. Câu này đặt ra ba vấn đề cần phải làm rõ:
– Thứ nhất là hiện nay thế giới đang có phong trào cách
mạng gì? Tất nhiên nếu là cách mạng khoa học kỹ thuật thì không cần chỗ dựa
kiểu Liên Xô, Đông Âu, vậy chỉ có thể là cách mạng vô sản?
– Thứ hai, nói như thế, liệu có sợ mất lòng nhân dân Liên
bang Nga và các nước Đông Âu, khi người ta coi sự sụp đổ đó là một cuộc đổi
đời? Ba Lan, Hung… từ đó đã phát triển nhanh gấp 10 lần dưới chế độ xã hội
chủ nghĩa!
– Thứ ba là, văn kiện nhiều lần nhắc đến toàn cầu hóa, coi
đó là nhân tố "tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước".
Vậy xin nhắc rằng, sự sụp đổ Bức tường Berlin, tiếp theo là Đông Âu, Liên Xô
được coi là nhân tố số một của toàn cầu hóa (theo Thế giới phẳng của
Thomas L. Friedman).
Chính tư duy "2 phe 4 mâu thuẫn“ chưa được gột bỏ đã
đẻ ra ý tưởng Cuba và Việt Nam thay nhau thức ngủ để canh
giữ cho hòa bình cho thế giới hôm nay.
Gần đây trên báo chí của chúng ta có nhiều bài viết khơi
dậy hy vọng vào chủ nghĩa xã hội Venezuela, Mỹ La tinh. Nhưng nhiều nhà
nghiên cứu có uy tín như Thomas L. Friedman, Michael L.Ross đã phát hiện quy
luật ở các quốc gia dầu mỏ là "tự do tỉ lệ nghịch với giá dầu". Các
nhà độc tài dùng tiền bán dầu được giá cao để "mua dân chủ“ của nhân
dân! Ông Hugo Chavez quốc hữu hóa các công ty dầu, tuyên bố tiến lên chủ
nghĩa xã hội và đề nghị nhân dân cho mình chấp chính nhiều nhiệm kỳ khi giá
dầu thế giới tăng vọt!
Vậy xin hãy bình tâm đừng để ý thức hệ chi phối, chúng ta
hãy tìm xem cái "sức mạnh thời đại", "sức mạnh quốc tế” đang ở
đâu.
Cứ quan sát hai phần bị chia cắt của dân tộc Triều Tiên,
một bên là nước CHDCND Triều Tiên kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa, càng
ngày càng nghèo đói, và bên kia là nước tư bản chủ nghĩa Nam Hàn được xếp
hàng giàu mạnh thứ 13 thế giới, thì dễ thấy sức mạnh thời đại từ phía nào
đang truyền vào Việt Nam. Các nguyên thủ quốc gia Việt Nam thường xuyên thăm
hỏi thân thiết, đề nghị nâng quan hệ lên tầm chiến lược với bên nào? Còn có
thể kể như thế về Nhật Bản, Úc, Singapore, Đài Loan, Anh, Pháp, cả Mỹ nữa…
Chúng ta giữ quan hệ tốt, sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết
đối với Bắc Triều Tiên, Cuba, Đảng Cộng sản Liên bang Nga… là hợp đạo lý, và
nếu có điều kiện thì giúp họ “đổi mới” để nhân dân họ thoát khỏi đói nghèo,
chứ làm sao lại có thể tìm thấy ở đó "nguồn sức mạnh thời đại"?!
Dư luận quốc tế hiện nay hết sức quan tâm đến tình hình
Trung Quốc trở thành siêu cường, là công xưởng của thế giới, vượt Nhật Bản
trở thành nền kinh tế lớn thứ 2, tuyên bố độc chiếm Biển Đông, tuyên bố chủ
quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và có những hành động đơn
phương chèn ép, gây hấn với riêng Việt Nam.
Chúng ta chủ trương hòa bình, hữu nghị và giải quyết bất
đồng qua thương lượng hòa bình là đúng đắn. Nhưng điều ấy không có nghĩa là
không dám nói rạch ròi phải trái, công khai quan điểm giải quyết vấn đề,
trước hết là để cho nhân dân mình nhận thức đúng và trách nhiệm đối với Tổ
quốc, kế đó là bạn bè thông cảm và ủng hộ.
Với bạn bè hay với kẻ thù đều cần phải có thái độ quang
minh chính đại của người có chính nghĩa. Nói về tranh chấp biển đảo
hiện nay, dự thảo văn kiện dùng cách nói bóng gió thật không thích hợp!
2 – Về phát triển kinh tế
Hơn 20 năm qua, chúng ta phát triển kinh tế theo chiều
rộng, thiếu bền vững, nhiều nhà nghiên cứu – như ông Nguyễn Trung – cảnh báo
rằng nếu tiếp tục như thế thì sẽ đưa tới “một đất nước cho thuê và một dân
tộc làm thuê". Vấn đề đó quan trọng hơn là cố tìm cách giữ cho được loại
hình kinh tế nào được xem là thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội để rồi tiếp
tục gây ra những thảm họa Vinashin.
Nghe các nhà lý luận bàn cách thực hiện Nghị quyết của
Trung ương lý giải thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, thật đáng lo lắng!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cho biết có hai cách
tiếp cận với Nghị quyết này:
(1) – Định hướng xã hội chủ nghĩa là phải sở hữu toàn dân
về tư liệu sản xuất, khống chế và kiểm soát sở hữu tư nhân. (Trong khi dự thảo
văn kiện viết “Bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế"?).
(2) – Theo định lượng. Ví dụ người nghèo phải được giúp
đỡ, những đối tượng dễ bị tổn thương phải được đảm bảo an sinh, phúc lợi;
phát triển phải đảm bảo bền vững; phân bố phúc lợi phải đồng đều.
Ông nói nhóm chuyên gia các ông theo hướng thứ hai! Vậy
cũng là may!
Nhưng dự thảo Cương lĩnh vẫn nhiều lần viết những dòng có
nội dung theo hướng thứ nhất: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng
với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế
quốc dân". Nghe không khỏi ám ảnh những Vinashin đâu đó ở phía trước!
Trong bài “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ", tôi có
góp ý việc Nghị quyết 6 Trung ương Đảng xác quyết rằng “nền kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vừa tuân theo các quy luật kinh tế
thị trường vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa” là
quên mất nguyên lý Marx – Lenin đã chỉ ra rằng, quy luật kinh tế xã hội chủ
nghĩa chỉ có thể phát huy tác dụng khi nền kinh tế đã được cải tạo chỉ còn
hai thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.
Có lẽ góp ý đó đã được tiếp thu.
Lần này, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội 11 viết:
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa tuân theo những
quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối
bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội“ (Mục 1 – Giữ vững định
hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường).
Thật quá mù mờ và sai trái! Các nhà lý luận chúng ta lại
quên những lời dạy cơ bản của Marx: “Vật chất có trước và quyết định ý thức”,
và của Lenin: “Trên mảnh đất sản xuất cá thể, hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ
nghĩa tư bản"!
Ngày nay trên đất nước ta không phải chỉ có mảnh đất sản
xuất cá thể mà đang có "những nhà hữu sản mới thoát thai từ tham nhũng,
đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh hơn". Việc tìm cách đưa họ vào
con đường phát triển tư bản văn minh, ngăn chặn họ hình thành những nhóm lợi ích
đã là vô cùng nan giải rồi, huống hồ lại toan đưa họ vào định hướng xã hội
chủ nghĩa chỉ bằng các "nguyên tắc và bản chất” vô hình!
Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là chệch hướng xã
hội chủ nghĩa mà là làm thế nào khắc phục thứ chủ nghĩa tư bản thân hữu và
tránh vết xe của chủ nghĩa tư bản hoang dã.
3 – Về xây dựng Đảng
Theo cách dẫn giải thay đổi dần từ sau Đại hội 6 tới nay,
có thể thấy các nhà lãnh đạo của Đảng cũng rất trăn trở, muốn tìm cách thể
hiện được Đảng là của toàn dân tộc. Nhưng do tư duy cũ trì níu nên không dám
từ bỏ lý thuyết “đội tiên phong của giai cấp công nhân".
Từ những nội dung đã nói ở các phần trên, có thể nhận định
rằng nếu tiếp tục giữ quan điểm “giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách
mạng“ và “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân” thì sẽ dẫn đến những
sai lầm gây tác hại sau đây:
(1) – Vấp
phải mâu thuẫn cơ bản: Xã hội phân hóa thành nhiều giai cấp, mỗi giai cấp có
quan điểm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó Đảng lãnh đạo tự cho mình
là đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Nói như vậy
không thể thu phục toàn dân tộc. Đảng giương lá cờ đại đoàn kết dân tộc, lại
đề ra Cương lĩnh đề cao một giai cấp. Trong lịch sử, Đảng đã từng nhân danh
giai cấp ấy tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp cải tạo, tiêu diệt những giai
cấp khác. Không ít người chưa thoát khỏi nổi lo, lần này lời kêu gọi đại đoàn
kết phải chăng chỉ là sách lược trong một giai đoạn?
(2) – Lý
thuyết "giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng", và "Đảng là
đội tiên phong của giai cấp công nhân” xung khắc sâu sắc với việc kết nạp chủ
doanh nghiệp vào Đảng, xung khắc với tiến trình dân chủ hóa, đổi mới hệ thống
chính trị. Trong khi sức ép dân chủ không ngừng tăng lên trong quá trình hội
nhập. Ngay nước láng giềng hùng mạnh cùng thể chế với chúng ta là Trung Quốc
cũng phải tìm đường thoát ra khỏi lý thuyết “Đảng là đội tiên phong của giai
cấp công nhân” bằng thuyết Ba đại diện. Với thuyết Ba đại
diện, họ có lý lẽ quang minh cho việc kết nạp chủ doanh nghiệp với tư
cách là những đại diện của lực lượng sản xuất tiên tiến nhất Trung Quốc.
Thuyết Ba đại diện cũng là một sức ép đối với Đảng Cộng sản
Việt Nam, bởi vì nó sát thực tiển hơn, dân chủ hơn, làm cơ sở tiếp cận thời
đại tốt hơn, tức là nó tiến bộ hơn.
(3) –
Trước kia, khi nói về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân hết sức bé nhỏ
trong dân số Việt Nam, các nhà lý luận mác-xít đã thuyết phục rằng, tuy nó
nhỏ bé đấy, nhưng tiền đồ của nó vô cùng to lớn, là vì nó gắn liền với phong
trào cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, gắn liền với xu thế thời đại.
Ngày nay, xu thế thời đại đã đổi khác, với nền kinh tế tri thức, hậu công
nghiệp, vai trò lịch sử đã chuyển từ công nhân sang trí thức! Dự thảo Văn
kiện về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã viết rất đúng rằng “con
người và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triễn của mỗi quốc gia".
Thế thì tại sao Cương lĩnh lại không bám sát vào “nhân tố quyết định” ấy mà
bẻ quẹo trở về lối cũ? Hãy khách quan nhìn lại hiện trạng giai cấp công nhân,
với 3000 cuộc đình công đòi cơm áo, ông Đặng Ngọc Tùng đã thấy còn phải vất
vả để giúp họ hiểu được quyền lợi của họ gắn liền với quyền lợi của chủ doanh
nghiệp. Đặt cho họ sứ mệnh lịch sử quả là khiên cưỡng và nặng quá sức họ.
Gánh nặng đó cuối cùng đặt lên Đảng!
Chúng ta không nhất thiết phải học nguyên xi cách làm của
Trung Quốc. Di sản Hồ Chí Minh đã để lại một tư tưởng lớn: “Tôi chỉ có một
Đảng là Đảng Việt Nam".
Theo tư tưởng ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần tuyên bố:
"Đảng đại diện trí tuệ, lợi ích của toàn dân Việt Nam” là đủ.
Cương lĩnh của Đảng sẽ thể hiện thật rõ nội dung đó. Như
vậy là đáp ứng nguyện vọng nhân dân, đáp ứng yêu cầu thời đại, đáp ứng phương
pháp luận mới để xây dựng Đảng. Còn việc có đổi lại tên Đảng do Hồ Chí Minh
đặt là Đảng Lao động hay không, không quan trọng lắm, vấn đề là tôn chỉ, mục
tiêu đạt tới có phù hợp với xu thế dân chủ tự do của thời đại hay không.
Ngày 18 tháng 9 năm 2010
T.V.C.