Nguyễn Gia Kiểng
Ngày 30/5/2015 vừa qua, tại phòng khánh tiết nhật báo Người Việt, ở thành phố Westminster, Nam California đã có cuộc họp mặt ra mắt dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai . Ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã có bài phát biểu giới thiệu nội dung dư án này.
Sâu đây là trích đoạn bài phát biểu của ông Nguyễn Gia Kiểng
Lẽ phải đã thuộc hẳn về ta
Ưu thế áp đảo của những người dân chủ ngày hôm nay là lẽ phải và sự thực khách quan thuộc hẳn về chúng ta. Chỉ cần yêu nước, đứng đắn và lương thiện là tự nhiên chúng ta đã là đồng minh, hơn thế nữa còn là đồng minh trong một cuộc chiến đấu nhất định thắng lợi bởi vì lẽ phải bao giờ cũng thắng ngay cả nếu trong nhất thời các thế lực phi nghĩa có thể tỏ ra rất mạnh và gây ấn tượng.
Nhưng có chính nghĩa không có nghĩa là có thể làm bất cứ gì cũng thành công. Tất cả vấn đề là chúng ta sẽ giành được thắng lợi trong bao lâu và trong những điều kiện nào. Chúng ta sẽ có dân chủ nhanh chóng và sẽ lập tức dắt tay nhau cùng khởi hành xây dựng tương lai, hay chế độ cộng sản sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa và sự cáo chung của nó sẽ chỉ nhường chỗ cho một giai đoạn nhốn nháo với những người cầm quyền mà điểm chung nổi bật nhất là lần đầu tiên khám phá ra những khó khăn của đất nước ? Chúng ta vẫn cần phải đấu tranh một cách có chuẩn bị và đúng phương pháp, theo một lộ trình đúng. Chúng ta cũng vẫn cần nắm vững bối cảnh thế giới và hiện tình đất nước, chúng ta cũng cần phải biết chúng ta có thể và sẽ xây dựng nước Việt Nam nào sau chế độ cộng sản và chúng ta sẽ quản lý như thế nào giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ.
Đó chính là lý do và tham vọng của dự án chính trị mà tôi được hân hạnh thay mặt anh em THDCĐN trình bày với các chị, các anh và các bạn hôm nay.
Như các bạn đã biết, từ ngày thành lập thấm thoắt đã hơn 32 năm THDCĐN luôn luôn tin rằng một cuộc đấu tranh chính trị chỉ có ý nghĩa và chỉ xứng đáng để theo đuổi nếu là để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị. Vì thế THDCĐN đã ra đời với một tài liệu mà chúng tôi đặt tên là Cơ Sở Tư Tưởng (1984) và sau đó được liên tục cập nhật dưới những danh xưng Dự Án Chính trị Dân Chủ Đa Nguyên (1990),Thử Thách và Hy Vọng (1996),Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và bây giờ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Đây là tu chỉnh thứ tư và cũng là lần tu chỉnh quan trọng nhất bởi vì anh em chúng tôi nhận định rằng lịch sử đất nước đã bắt đầu sang trang.
Tóm lược dự án chính trị này trong 30 phút là điều không thể làm được. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai tự nó đã là một tóm lược những nghiên cứu và thảo luận của anh em chúng tôi trong nhiều năm. Mỗi trang có thể chứa đựng nhiều ý và mỗi ý đều có thể là chủ đề cho một cuốn sách. Nếu muốn triển khai tất cả một cách đầy đủ thì một cuốn sách 1000 trang cũng chưa đủ nhưng đó là một chiều dài mà một tuyên ngôn chính trị không thể có. Chúng tôi đã chọn không chứng minh lại những kết luận đã được các nghiên cứu nghiêm chỉnh xác nhận là đúng để tập trung triển khai những điểm chưa thực sự sáng tỏ trong tư tưởng chính trị hiện đại hoặc cần được bổ túc. Vì vậy tôi sẽ xin phép chỉ trình bày hôm nay bố cục của dự án và nhấn mạnh một vài điểm không nhất thiết là những điểm quan trọng nhất mà là những điểm mà một cách chủ quan tôi nghĩ rằng đáng lưu ý nhất ngay trong buổi họp mặt này.
Trên nền tảng của một tư tưởng chính trị
Chương dẫn nhập khẳng định tầm quan trọng của tổ chức xã hội, khẳng định tổ chức xã hội tốt hay xấu, khéo hay vụng có thể thay đổi hẳn số phận của một dân tộc. Do đó chúng ta cần thay đổi chế độ chính trị nếu muốn ra khỏi tình trạng thua kém hiện nay. Nó cũng nêu lên những khó khăn của cuộc vận động dân chủ mà một trong những trở ngại chính là sự thiếu hụt về nhận thức chính trị. Thí dụ như nhiều người Việt Nam, trong đó có cả nhiều trí thức, vẫn chưa hiểu một điều mà kinh nghiệm của mọi quốc gia đều đã xác nhận là người ta chỉ có thể thay thế một chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác chứ không bao giờ có thể hy vọng cải tiến được nó để nó bớt tham nhũng.
Một trở ngại quan trọng khác cũng được nhấn mạnh ngay trong lời mở đầu này là chúng ta chưa ý thức được rằng cuộc vận động dân chủ là cuộc đấu tranh để mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong văn hóa và lịch sử nước ta, do đó đòi hỏi một văn hóa mới và một cách ứng xử, một ethos, hoàn toàn mới.
Trong phần nhận định về bối cảnh thế giới, chương hai, chúng tôi đã đặc biệt nhấn mạnh đến làn sóng dân chủ mới, mà chúng tôi gọi là làn sóng dân chủ thứ tư, bởi vì nó có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng ta, nó chủ yếu nhắm đánh đổ các chế độ độc tài cộng sản còn lại. Nhận diện làn sóng dân chủ Thứ Tư và các làn sóng dân chủ trước đây trong cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ là một đóng góp của THDCĐN. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tới một thay đổi lớn sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 bởi vì nó có ảnh hưởng trực tiếp lên hai chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Các chế độ này từ nay không còn có thể xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính chúng là nguyên nhân. Chúng tôi đánh giá cao vai trò tích cực mới của Nhật trong khu vực Thái Bình Dương sau khi Nhật đã chuyển hóa thành công từ một nước Nhật truyền thống sử dụng những kỹ thuật hiện đại thành một nước Nhật thực sự hiện đại và tự tin. Một nhận định khác của chúng tôi là chế độ cộng sản Trung Quốc sắp chao đảo lớn và sẽ không thể là chỗ dựa cho chế độ cộng sản Việt Nam.
Chương Thứ Ba dành cho hiện trạng của đất nước và cuộc vận động dân chủ. Ở đây chúng tôi đã tuyển chọn để tập trung sự chú ý vào một số sự kiện đặc biệt quan trọng. Đó là nước ta đã lỡ giai đoạn cất cánh, bởi vì chế độ cộng sản đã không tạo ra được một lớp doanh nhân đúng nghĩa, yếu tố thành công hay thất bại của giai đoạn cất cánh. Chúng ta cũng đã mất đi ưu thế dân trẻ và chúng ta cũng mất luôn chủ quyền đồng thời đã phải chịu đựng những tàn phá kinh khủng của môi trường. Lý do chính là vì Đảng Cộng Sản đã không cai trị như một chính đảng Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng. Sự lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc không chỉ ô nhục mà còn có nguy cơ khiến chúng ta bị cô lập cùng với Trung Quốc.
Về hy vọng thoát hiểm, dù vẫn giữ lòng quí mến, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đặt nhiều hy vọng vào các nhân sĩ, các cựu viên chức của chế độ cộng sản, hay các trí thức đã từng một thời ủng hộ Đcộng sản Việt Nam nữa. Trừ một vài ngoại lệ quí hiếm họ đã không thực sự dấn thân. Và trong khi họ chần chừ, lưỡng lự, tính toán –đôi khi để đưa ra những thỉnh cầu và kiến nghị mà Đảng Cộng Sản không hề phúc đáp- thì kim đồng hồ vẫn tiếp tục quay và bây giờ thời gian của họ đã qua. Tuy vậy chúng ta có những lý do mới rất chính đáng và vững chắc để tin tưởng vào thắng lợi của dân chủ. Một hy vọng mới có tầm quan trọng quyết định đã xuất hiện, đó là sự xuất hiện của những trí thức trẻ dứt khoát biểu lộ lập trường dân chủ. Chúng ta đã có một loại người mà trong suốt dòng lịch sử chúng ta chưa từng có đó là một tầng lớp trí thức chính trị. Nguyên nhân sâu xa của thảm kịch Việt Nam chính là vì chúng ta đã thiếu một lớp trí thức chính trị. Lý do khiến chúng ta sắp rũ bỏ được chế độ độc tài là chúng ta đã có một đội ngũ trí thức chính trị ngày càng đông đảo. Đất nước sẽ thay đổi vì đã thay da đổi thịt.
Nhưng chúng ta sẽ xây dựng nước Việt Nam nào sau chế độ cộng sản ? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải có một tư tưởng chính trị và một phương thức để thể hiện tư tưởng chính trị đó trong những điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam. Chúng ta sẽ phải xây dựng một nước Việt Nam mới và chúng ta sẽ không xây dựng được một quốc gia lành mạnh nếu không có một tư tưởng chính trị làm nền tảng.
Tư tưởng chính trị cốt lõi của THDCĐN được trình bày trong chương bốn. Nó tóm lược trong năm điểm chính :
Một là đất nước phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và dự án một tương lai chung;
Hai là thể chế chính trị đúng đắn cho mọi quốc gia kể cả Việt Nam là dân chủ đa nguyên;
Ba là tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc;
Bốn là tổ chức xã hội Việt Nam phải dứt khoát đoạn tuyệt với văn hóa cũ và phải thể hiện một cách thật quả quyết những giá trị tiến bộ;
Năm là cố gắng phát triển kinh tế phải dứt khoát đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân.
Trên cả năm điểm chính này THDCĐN không chỉ tiếp nhận những tư tưởng sẵn có mà còn đóng góp phần mình. Đọc Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai các chị, các anh và các bạn sẽ thấy trên nhiều điểm, thí dụ như về các khái niệm một quốc gia và nhà nước, về chủ nghĩa đa nguyên chính trị, về hòa giải như một triết lý điều hành quốc gia, chúng ta đã có đóng góp cho tư tưởng chính trị của thời đại.
Tư tưởng chính trị đó thể hiện như thế nào trong đất nước Việt Nam ? Nói cách khác từ nền tảng tư tưởng đó chúng ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam nào sau chế độ cộng sản ? Đó là câu hỏi được giải đáp trong chương Thứ Năm.
Chúng tôi đưa ra 12 định hướng lớn cho mô thức Việt Nam trong đó có ba đề nghị có thể sẽ gây nhiều thảo luận. Đó là chuyển hóa nhanh chóng kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ; tìm mọi phương thức để nâng số người Việt Nam hải ngoại lên bằng 10% dân số, nghĩa là khoảng 10 triệu người; xây dựng một hạnh phúc quốc gia phẩm chất ngay trong cố gắng. Xây dựng một hạnh phúc phẩm chất là chọn lựa bắt buộc, là phương thức để sử dụng tối ưu lãnh thổ và bảo vệ môi trường. Sự thực bi đát là hiện nay GDP trên mỗi đầu người của chúng ta chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới và ngay cả với một mức tăng trưởng 2% cao hơn mức tăng trưởng trung bình thế giới chúng ta cũng vẫn còn cần 100 năm –xin nhấn mạnh là 100 năm- để trở thành một quốc gia thực sự bình thường về mặt kinh tế. Sự tụt hậu của chúng ta rất thê thảm. Như vậy để người Việt Nam có thể hài lòng làm người Việt chúng ta không có chọn lựa nào khác là xây dựng một hạnh phúc ngay trong khi vẫn còn nghèo và vẫn còn phải phấn đấu để bắt kịp thế giới. Đó là hạnh phúc được sống trong một môi trường lành sạch, được tự do, được quí trọng và được luật pháp bảo vệ. Chúng tôi gọi hạnh phúc đó là hạnh phúc quốc gia phẩm chất-một hạnh phúc phẩm chất trên qui mô quốc gia-bởi vì đó là hạnh phúc mặc dù chưa giàu có và chưa có dồi dào phương tiện. Hạnh phúc đó không phải là hạnh phúc ru ngủ để chúng ta hài lòng với sự thiếu thốn và định cư trong sự thiếu thốn, ngược lại đó là điều kiện cần để chúng ta có nghị lực làm những cố gắng lớn, nếu chúng ta nhắm tới một mức tăng trưởng kinh tế 15% trong giai đoạn cất cánh. Đó là một mục tiêu lạc quan nhưng khả thi.
Để xây dựng đất nước Việt Nam đó, trong chương Thứ Sáu chúng tôi đề nghị cho Cộng Hòa Việt Nam một chế độ đại nghị tản quyền. Đây là một chọn lựa mà chúng tôi đã đưa ra từ 20 năm qua, ngay trong dự án chính trị 1996. Trong hai mươi năm qua những kinh nghiệm thực tế cũng như mọi nghiên cứu đều xác nhận chế độ đại nghị tản quyền là chế độ đúng đắn và hiệu lực nhất. Vấn đề chỉ là thực hiện như thế nào để phù hợp với những điều kiện địa lý, văn hóa và lịch sử của Việt Nam.
Trong không khí thân mật và cởi mở của cuộc họp mặt hôm nay tôi xin phép có một lời tâm sự. Đó là sự tụt hậu của người Việt Nam về mặt tư tưởng chính trị nghiêm trọng hơn chúng ta có thể nghĩ. Cách đây 95 năm, tại Tours, một thành nhỏ gần Paris, một thanh niên Việt Nam, ông Hồ Chí Minh đã được đọc luận cương của Đảng Cộng Sản Pháp và đã say mê đến mất trí dù chỉ hiểu lõm bõm vì tiếng Pháp của ông còn kém như chính ông thú nhận. Hậu quả thế nào chúng ta đều đã biết. Một người ngớ ngẩn như thế mà cũng được Đảng Cộng Sản tôn vinh như một thần tượng, một thiên tài và một nhà tư tưởng. Ông Hồ Chí Minh đã rất Việt Nam trong câu chuyện này. Chúng ta có thể tin một cách cuồng nhiệt vào những điều mà chúng ta chỉ hiểu một cách rất lơ mơ. Đó là một thảm kịch trí tuệ màchúng ta phải khắc phục. Ở một mức độ ít nghiêm trọng hơn chúng ta thường không chất vấn những thành kiến sai đã được nhồi nhét vào đầu óc do áp lực hoặc thói quen. Tôi xin dẫn chứng hai thí dụ liên quan tới thể chế chính trị. Một thí dụ là thói quen coi việc tập trung quyền hành vào một chính quyền trung ương là hiển nhiên trong khi nó không hiển nhiên chút nào. Nó là một công thức rất sai. THDCĐN là tổ chức chính trị Việt Nam đầu tiên đề nghị một chế độ tản quyền quả quyết. Cho tới nay chưa có ai phản bác rằng tản quyền là sai nhưng cũng ít ai ủng hộ. Một vài đề nghị hiến pháp được đưa ra cho thấy tập trung vẫn còn là phản xạ tự nhiên của người Việt Nam khi nghĩ về tổ chức chính quyền, nó chứng tỏ rằng những định kiến sai có sức sống rất dai dẳng nơi người Việt, ngay cả các trí thức. Một thí dụ khác là đối với đa số người Việt Nam, kể cả trí thức, thể chế dân chủ hậu cộng sản đương nhiên sẽ là chế độ tổng thống. Lý do chỉ là vì do một sự tình cờ hai chế độ dân chủ mà chúng ta biết đến nhiều nhất, Pháp và Mỹ, là những chế độ tổng thống. Nhưng chế độ tổng thống là một chế độ rất sai và rất dở. Nó đã thất bại tại mọi nước mà nó được đem áp dụng, trừ Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả Hoa Kỳ cũng sẽ thành công hơn nhiều với một chế độ đại nghị. (Tôi cũng xin mở một ngoặc đơn ngắn để nói rằng chính Hoa Kỳ cũng đang tiến một cách chậm chạp nhưng đều đặn về chế độ đại nghị).
Một điều tôi có thể bảo đảm với các chị, các anh và các bạn là trong khi nghiên cứu và suy nghĩ về một thể chế chính trị và một phương thức tổ chức lãnh thổ cho nước ta chúng tôi đã không để bị trói buộc bởi các thành kiến.
Ba đề nghị khác của chúng tôi là Cộng Hòa Việt Nam sẽ long trọng tuyên bố coi Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập của Liên Hiệp Quốc và các công ước đi kèm như là thành phần khăng khít của hiến pháp, sẽ bãi bỏ án tử hình và sẽ lấy hòa giải và hòa hợp dân tộc làm tinh thần chủ đạo cho mọi chính sách.
Theo quan điểm của chúng tôi những người dân chủ phải phải suy nghĩ về những định chế quốc gia ngay từ bây giờ để nếu phải nhận trách nhiệm trước lịch sử chúng ta sẽ không bỡ ngỡ. Nhưng lý do quan trọng hơn là chúng ta sẽ chỉ thuyết phục được quần chúng hưởng ứng cuộc vận động dân chủ hóa đất nước nếu chúng biết trước sẽ thay đổi chế độ độc tài này bằng một chế độ dân chủ nào.
Bốn điều kiên và năm giai đoạn
Nhưng phải đấu tranh thế nào để kết thúc chế độ độc tài toàn trị này ? Đó là chủ đề của chương Thứ Bảy. Đây là một câu hỏi đã buộc anh em chúng tôi đầu tư rất nhiều thời giờ và cố gắng để nghiên cứu, quan sát, suy tư, thảo luận và đúc kết. Chúng tôi coi cuộc vận động dân chủ là một cuộc cách mạng lớn bởi vì nó nhắm thay đổi cả chế độ chính trị lẫn các định hướng quốc gia, lẫn triết lý chính quyền. Trong khi khảo sát các cuộc cách mạng trên thế giới chúng tôi đã nhận diện bốn điều kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng thành công và năm giai đoạn đấu tranh phải đi qua để giành thắng lợi. Đây cũng là một tổng hợp sáng tạo chứ không phải chỉ là sự lặp lại những kiến thức sẵn có.
Thời giờ không cho phép tôi trình bày lại những gì mà các chị, các anh và các bạn có thể đọc và đánh giá trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Tôi chỉ xin phép nhấn mạnh một nhận định rất quan trọng mà chúng tôi đã đưa ra từ năm 2001 trong dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21. Đó là trong năm giai đoạn đấu tranh, hai giai đoạn đầu -xây dựng một tư tưởng chính trị và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt- chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một tư tưởng chính trị đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nhưng một khi hai yếu tố này đã có, thắng lợi có thể đạt được trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng. Như vậy đấu tranh cách mạng chủ yếu là xây dựng tư tưởng chính trị và đội ngũ nòng cốt. Và chúng ta đang tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng.
Chính vì không hiểu như vậy mà nhiều người đã ngộ nhận cho rằng có thể thành lập nhanh chóng một tổ chức đấu tranh. Trong 40 năm qua đã có hàng trăm hàng ngàn tổ chức được thành lập trong cũng như ngoài nước. Bây giờ còn lại bao nhiêu tổ chức thực sự hoạt động ? Bao nhiêu công sức đã đổ ra để đem lại kết quả nào ngoài việc đóng góp gây phân tán lực lượng và đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh ?
Một ngộ nhận khác là cho rằng đấu tranh chính trị chỉ là hành động và hành động chủ yếu là vận động quần chúng và có thể vận động quần chúng đứng dậy mà không cần một tổ chức mạnh. Ngộ nhận này rất lan tràn, và biết bao nhiêu cố gắng đã đổ ra để chỉ gặt hái được những kết quả rất khiêm tốn như chúng ta đã thấy qua các cuộc biểu tình trong những năm vừa qua. Những cuộc biểu tình này cần thiết nhưng phải được coi là những hành động của các tổ chức xã hội dân sự, với ý thức là các tổ chức xã hội dân sự không thể là giải pháp thay thế cho các tổ chức chính trị trong cuộc vận động dân chủ. Thực ra, như chúng tôi đã nhắc lại trong dự án chính trị này, vận động quần chúng tuy là thời điểm sôi nổi và ngoạn mục nhất trong các cuộc đấu tranh thay đổi chế độ nhưng không phải là giai đoạn quan trọng nhất và cũng không tuyệt đối cần thiết.
Mọi nghiên cứu và kinh nghiệm đều cho thấy ba điều :
Một là quần chúng rất thực tiễn và chỉ tham gia tranh đấu thay đổi chế độ khi không thể luồn lách để giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Như thế trước hết cần một cuộc vận động tư tưởng để quần chúng hiểu rằng tương lai họ sẽ rất đen tối nếu không có thay đổi chế độ đồng thời ý thức rằng họ bị ràng buộc với nhau trong một số phận chung chứ không thể xé lẻ.
Hai là quần chúng không kiên nhẫn và cần được liên tục động viên và lãnh đạo, nếu không thì giả thử có nhất thời động viên được họ đứng dậy thì khí thế đấu tranh cũng sẽ lắng xuống nhanh chóng.
Ba là quần chúng không lãng mạn và chỉ đứng dậy nếu có một tổ chức lãnh đạo đủ mạnh để đem lại niềm tin rằng cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ thắng lợi.
Như thế vận động quần chúng khi chưa có một tổ chức mạnh là điều không thể làm được và nếu có đạt được một vài kết quả khiêm tốn lúc ban đầu thì cũng chỉ gây thất vọng sau đó. Tôi xin đặc biệt nhấn mạnh chữ "một" trong cụm từ "một tổ chức mạnh"bởi vì quần chúng cũng không động viên được nếu có nhiều tổ chức đưa ra những lời kêu gọi mâu thuẫn. Vào giai đoạn vận động quần chúng, giai đoạn chót của tiến trình năm giai đoạn, chúng ta sẽ cần một tổ chức thống nhất. Trong dự án chính trị này chúng tôi đã đề nghị một giải pháp.
Tâm lý chủ bại mới là sai
Nhân nói về phương thức đấu tranh tôi cũng xin phép được lưu ý các chị, các anh và các bạn về một điều đáng lẽ đã phải gây ngạc nhiên lớn. Đó là trong số các tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh cho dân chủ hầu như không có ai ngoài THDCĐN đặt câu hỏi là phải đấu tranh như thế nào để giành thắng lợi ? Tại sao ? Phải chăng là vì trong thâm tâm người ta không tin rằng có thể đánh bại được Đảng Cộng Sản cho nên cũng không cần bận tâm nghiên cứu về một phương thức đấu tranh phải có ? Nhưng đấu tranh mà không tin ở thắng lợi thì có khác gì mang sẵn cái thất bại ở trong lòng ? Có thể chúng tôi đã là một ngoại lệ. THDCĐN đã ra đời với lòng tin vững chắc là có thể đánh bại được chế độ cộng sản và vì thế chúng tôi đã nghiên cứu các kinh nghiệm đấu tranh chính trị trên thế giới, đặc biệt là đấu tranh đánh bại các tập đoàn độc tài và thiết lập dân chủ. Nhiều người đã phê phán chúng tôi là lý thuyết, là viển vông, là chính trị salon. Nhưng có gì là sai, có gì là không thực tế khi suy nghĩ trước khi hành động về một tiến trình thi công, về những kiến thức, những con người và những phương tiện phải có, về những gì có thể làm và phải làm trong mỗi giai đoạn của tiến trình hành động để giành thắng lợi ? Điều ngược lại mới là vô lý.
Những người mỉa mai chúng tôi trong chiều sâu là những người bi quan, và chính tâm lý chủ bại họ mới sai. Chế độ cộng sản không chỉ có thể đánh bại được mà còn chắc chắn sắp bị đào thải. Nó đã sụp đổ hoàn toàn về mặt tư tưởng và trong lịch sử của các dân tộc sự sụp đổ về tư tưởng bao giờ cũng chắc chắn dẫn tới sụp đổ chính trị; ngược lại một thắng lợi về tư tưởng sớm hay muộn cũng dẫn tới thắng lợi chính trị. Trên thực tế Đảng Cộng Sản cũng đã rất phân hóa và chỉ còn là một hư cấu. Bộ chính trị không còn thực quyền. Cán bộ đảng viên đã mất hết mọi tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và nhìn ban lãnh đạo đảng như những đầu sỏ tham nhũng, và ngược lại, ban lãnh đạo đảng cũng đánh giá đa số đảng viên là gian trá, thiếu khả năng và phẩm chất. Chế độ cộng sản đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân, một chặng đường tự nhiên trong tiến trình đảo thải của các chế độ độc tài đảng trị. Nhưng cá nhân đó sẽ là ai ? Đảng Cộng Sản không có một người nào có khả năng đảm nhiệm vai trò này. Người có nhiều triển vọng nhất cũng là người tai tiếng nhất và đã từng bị bộ chính trị đề nghị kỷ luật vì bất tài và tham nhũng. Chế độ cộng sản sẽ cáo chung sớm hơn nhiều người nghĩ. Hơn nữa Trung Quốc, quan thày và chỗ dựa của chế độ cộng sản Việt Nam, đang lung lay và không còn giúp được ai nữa. Lịch sử đang sang trang.
Cũng chính vì tin ở thắng lợi của cuộc vận động dân chủ mà chúng tôi đã đầu tư nhiều cố gắng nghiên cứu và suy tư về giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài đến dân chủ.
Bài toán chuyển tiếp về dân chủ là chủ đề của Chương Tám. Di sản của 60 năm cộng sản trên miền Bắc và 40 năm trên cả nước đã rất bi đát vì Đảng Cộng Sản đã chỉ làm những điều không nên làm và đã không làm những điều phải làm. Di sản này sẽ còn phức tạp hơn trong những ngày sắp tới khi chế độ cộng sản ở thế tuyệt vọng và tự thấy không còn gì để mất. Chính quyền dân chủ đầu tiên sẽ phải thay đổi tất cả trong thời gian ngắn đồng thời phải tuyệt đối tránh gây đổ vỡ. Giai đoạn chuyển tiếp sẽ rất gay go.
Tuy vậy chúng tôi lạc quan về khả năng thành công của giai đoạn chuyển tiếp này như đã trình bày trong dự án. Không chỉ tin tưởng có thể thiết lập dân chủ một cách không thể đảo ngược và thực hiện hòa giải dân tộc một cách quả quyết để toàn dân lập tức bắt tay nhau chinh phục tương lai, chúng tôi còn đánh cuộc trên một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 15%, nghĩa là tăng gấp đôi tổng sản lượng quốc gia trong vòng 5 năm. Đây không phải là một sự lạc quan mộng mị mà là một lạc quan có lý do mà chúng tôi đã giải thích trong dự án này. Một trong những lý do là nếu nhìn một cách thật thấu đáo thì hầu như tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, đều là những vấn đề đáng lẽ không có. Chúng đều do chế độ cộng sản mà có và vì thế cũng sẽ có giải pháp nhanh chóng một khi chế độ cộng sản đã chấm dứt.
Cũng xin minh định rằng chính sách cho giai đoạn chuyển tiếp mà chúng tôi trình bày trong dự án chính trị này trước hết là một phân tích và một đề nghị bởi vì THDCĐN không hề có cao vọng rằng mình sẽ là chính quyền dân chủ đầu tiên. Chúng tôi chỉ mong được là một thành phần của liên minh cầm quyền vào lúc đó và cũng có thể vắng mặt trong chính quyền chuyển tiếp. Điều đó không quan trọng, điều quan trọng là đất nước thực sự bước vào kỷ nguyên dân chủ trong những điều kiện tối ưu. THDCĐN chỉ là một thành phần của phong trào dân chủ, vì thế ủng hộ THDCĐN cũng là ủng hộ phong trào dân chủ.
Tại sao đối lập dân chủ không thuyết phục ?
Thưa các chị, các anh và các bạn,
Tôi vừa trình bày tinh thần và những nét chính của Dự án chính tri 2015 của THDCĐN.
Tôi xin nói thêm rằng THDCĐN chịu trách nhiệm về những ý kiến trong dự án chính trị này nhưng không giữ bản quyền tác giả. Chúng tôi sẽ rất hân hoan nếu có những tổ chức dân chủ khác lấy một phần hay toàn bộ dự án này làm dự án chính trị của họ. Chúng tôi coi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai như một đóng góp cho phong trào dân chủ.
Một đóng góp rất cần thiết theo quan điểm của chúng tôi. Phải nhìn nhận là cho đến nay những người dân chủ đã không tranh thủ được sự hưởng ứng của nhân dân Việt Nam. Tuyệt đại đa số 90 triệu người Việt Nam phẫn nộ với chế độ độc tài này nhưng những người tham gia phong trào dân chủ rất ít. Đó là vì đối lập dân chủ đã thiếu sức thuyết phục. Và đối lập dân chủ không thuyết phục vì thiếu một dự án chính trị nghiêm túc vạch ra hình ảnh của một nuớc Việt Nam đáng mơ ước mà chúng ta có thể và sẽ xây dựng trong tương lai cùng với những cố gắng trên mỗi chặng đường phải vượt qua để thắng được sự ngoan cố của Đảng Cộng Sản và đạt tới tương lai đó. Đối lập Việt Nam đã mất quá nhiều thì giờ và công sức để tố giác chế độ cộng sản là bất tài, gian trá, vô trách nhiệm. Nhưng đó là những điều mà mọi người Việt Nam đều đã biết. Quá nhiều thời giờ và công sức đã được dùng để chứng minh rằng một con mèo là một con mèo. Điều mà nhân dân Việt Nam chờ đợi để được thuyết phục dấn thân tranh đấu cho dân chủ là một dự án chính trị. Trong suốt ba thập niên qua chúng tôi đã gần như là ngoại lệ duy nhất. Chúng tôi đã rất kiên nhẫn.
Điểm sau cùng mà tôi xin thưa với các chị, các anh và các bạn là lý do khiến chúng tôi đặt tên Dự án chính trị 2015 là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Một trong những lý do chính khiến cuộc vận động dân chủ không tiến nhanh như chúng ta mong muốn là vì chúng ta đã không ý thức được tầm quan trọng của nó và đã chỉ nhìn nó một cách giản dị như một cuộc đấu tranh để thay đổi một chính quyền không xứng đáng. Nếu như vậy thì rất sai. Đây là cuộc đấu tranh hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta. Từ trước đến nay chúng ta đã chỉ có những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực thống trị, hay những cuộc chiến chống ngoại xâm mà mục đích, xét cho cùng, cũng chỉ là để đổi một ách nô lệ ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ. Chúng ta chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Lần này chúng ta chiến đấu để mở ra cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai của lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ.
Đó là cuộc chiến đấu để đưa người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc chiến đấu thực sự xứng đáng để chiến đấu. Như vậy những con người Việt Nam hôm nay cần ý thức rằng họ đang đứng trước cơ hội để tạo ra biến cố lịch sử lớn nhất và vinh quang nhất, cơ hội mà các thế hệ mai sau sẽ không thể có. Mọi người tham gia vào cuộc vận động dân chủ này đều có quyền tự hào.
Anh em chúng tôi đến với nhau trong nhận định đó và với niềm tự hào đó.
Mọi dự án chính trị lớn đều đồng thời cũng phải là một giấc mơ. Chúng tôi cũng chia sẻ với nhau cùng một giấc mơ mà hôm nay, thay mặt THDCĐN, tôi xin được chia sẻ với các chị, các anh và các bạn.
Đó là giấc mơ đổi dòng lịch sử Việt Nam và đổi thân phận Việt Nam.
Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.
Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.
Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.