Hiện trạng đất nước – Những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII (Kỳ 1)
Hiện trạng đất nước – Những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII (Kỳ 1)
Lời tác giả:
Kính thưa bạn đọc,
Hiện trạng đất nước, và những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đấy là nội dung chủ yếu trong phần đối thoại giữa một bên là đại diện lãnh đạo của đất nước, và một bên là đại diện giới doanh nhân và trí thức. Cuộc đối thoại này là phần chót và cũng là phần kết của tiểu thuyết “Lũ”.
Vì tính chất thời sự nóng bỏng của những vấn đề hệ trọng đang diễn ra – cụ thể là: (1) Tình hình mọi mặt của đất nước đặt ra đòi hỏi gay gắt phải cải cách thể chế chính trị; (2) ĐCSVN nắm quyền tuyệt đối và toàn diện, nhưng đang tha hóa và bất cập nghiêm trọng; (3) Trung Quốc đang từng giờ lấn chiếm biển Đông bằng đẩy mạnh xây dựng những căn cứ quân sự nổi trên các đảo và bãi chiếm của ta ở Hoàng Sa và Trường Sa, để quyết thực hiện đường lưỡi bò bằng sức mạnh quân sự, đồng thời can thiệp ngày càng nguy hiểm bằng các phương tiện kinh tế và chính trị vào nội tình nước ta, với hệ quả gây ra cho nước ta là trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên chưa bao giờ nước ta bị uy hiếp hiểm nghèo như hôm nay.
Vì 3 lý do như vậy, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn phần đối thoại này trong tiểu thuyết “Lũ”. Thiết tha mong mỏi cả nước, trước hết là các đảng viên ĐCSVN còn tâm huyết với đất nước, cùng suy nghĩ.
Hà Nội, 07 – 06 – 2015
…Cuối cùng, trước sức ép của tình hình,
lãnh đạo đành chấp nhận đối thoại với doanh nhân và trí thức để xả xú-páp, ấn
định ngày giờ, địa điểm, giao cho bên yêu cầu đối thoại lo mọi việc tổ chức…
Tại hội trường Câu lạc bộ Thống nhất ở Hà
Nội, khoảng một giờ trước khi đối thoại bắt đầu, gần hai trăm doanh nhân và trí
thức đại diện cho các địa phương cả nước đã có mặt đông đủ. Phía lãnh đạo có
tới khoảng một trăm người thuộc các bộ máy có liên quan của Đảng và Nhà nước, trước
hết là các phóng viên, các cán bộ và nhân viên của các cơ quan chức trách có
liên quan. Cũng may, hội trường Câu lạc bộ Thống Nhất khá rộng, có sức chứa đến
bảy, tám trăm chỗ ngồi nên không gian nơi đối thoại vẫn thoáng đạt. Ngân hàng
PH lựa chọn rất kỹ và thuê trọn gói dịch vụ hội nghị cho tổ chức cuộc đối thoại
này. Hợp đồng thuê dịch vụ quy định đến từng chi tiết nhỏ nhất, nhằm đảm bảo
thành công tuyệt đối về mặt tổ chức.
Toàn bộ không gian nơi hội thảo được bài
trí bằng hoa và cây xanh rất đẹp, không có bất kỳ chữ viết, khẩu hiệu, hay
băng-rôn nào. Duy nhất trên phông của sân khấu là lá cờ đỏ sao vàng lớn, che
kín mặt phông sân khấu.
Tham gia đối thoại trực tiếp tất cả có bốn
người.
Phía lãnh đạo có một vị đại diện có thẩm
quyền thay mặt Đảng, Quốc hội và Chính phủ, một vị lão thành cách mạng có tên
tuổi được nhiều người trong cả nước biết đến.
Phía doanh nhân và trí thức có thạc sỹ
dược sỹ, doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến. Người thứ hai là nhà toán học và đồng
thời cũng là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng giáo sư Hoàng Quốc Túy, do các hiệp
hội và các địa phương cử ra.
Ông bà Chính và hai ông bà Nghĩa thay nhau
động viên Yến trấn tĩnh tham gia đối thoại, vì Thạch và Trung Nam đã bị bắt
sang tuần thứ ba rồi mà vẫn chưa được thả ra. Đến giờ cũng không thấy một lời
giải thích nào từ phía chính quyền về việc bắt bớ này. Ông Nghĩa cẩn thận dặn
thêm không để cho mọi người hiểu lầm Yến đối thoại quyết liệt là do chồng con
mình đang bị bắt, cần tập trung vào chuyện lớn của đất nước…
Đúng giờ, một người bước lên bục nói. Anh
ta thông báo đối thọai bắt đầu và mời cả bốn người lên ngồi trên hàng ghế giữa
sân khấu. Sau phần chào hỏi nhau, chào cử tọa, phần tự giới thiệu, cả bốn người
tham gia đối thoại thỏa thuận mời lão thành cách mạng là người cao tuổi nhất
phát biểu mở đầu. Cả bốn người cùng ngồi trên hàng ghế đặt giữa sân khấu, mặt
nhìn về phía cử tọa.
Lão
đồng chí cầm microfone đứng dậy:
•
…Một lần nữa tôi cảm ơn sáng kiến tổ chức
đối thoại giữa giới doanh nhân, giới trí thức và giới cầm quyền đất nước. Tôi
chủ ý dùng khái niệm giới trong đối thoại này, để nhấn mạnh sự bình đẳng, tính
cởi mở, tính xây dựng, để cùng nhau chia sẻ mối quan tâm về những vấn đề lớn
của đất nước, với tất cả ý thức trách nhiệm cao nhất của chúng ta.
Cử
tọa nhiệt liệt vỗ tay hồi lâu hoan nghênh.
…Xin cảm ơn… Cuộc đối thoại hôm nay diễn
ra đúng vào lúc cả nước có nhiều lễ kỷ niệm năm chẵn các sự kiện trọng đại…
Đứng dưới lá cờ Tổ quốc tại đây hôm nay, tôi nhớ lại không khí hào hùng của
ngày 19-8, khi tôi được chứng kiến lá cờ này lần đầu tiên phủ kín phía trước
của Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, mở đầu cuộc mít-tinh lịch sử và sau đó là
cuộc biểu tình vĩ đại mở ra cuộc Cách mạng Tháng Tám. Tôi mong cuộc đối thoại
hôm nay sẽ được dẫn dắt bởi tinh thần cách mạng vĩ đại ấy, vì đất nước chúng ta
đang đứng trước nhiều vấn đề trọng đại phải giải quyết, có nhiều thách thức
quyết liệt phải vượt qua.
Tôi đã đọc kỹ tài liệu chuẩn bị cho đối
thoại của doanh nhân và trí thức về tình hình đất nước. Tôi đánh giá cao tâm
huyết thể hiện trong văn bản này, và mong hôm nay được trao đổi thẳng thắn, xây
dựng. Quan điểm của tôi là không tránh né vấn đề nào, cũng không sợ bị bất kỳ
ai hay lực lượng nào xuyên tạc lợi dụng. Chúng ta làm mọi việc vì nước, có gì
mà sợ? Tạo được thống nhất ý kiến, thống nhất ý chí, đất nước ta càng mạnh, lại
càng không có gì mà sợ!
Tiếng
vỗ tay từ cử tọa ầm ầm vang lên.
Trong quá trình thảo luận từng vấn đề, khi
nào thấy cần tham gia bàn bạc, tôi sẽ nói ý kiến của mình. Tôi xin đề nghị đại
diện lãnh đạo phát biểu trước, sau đó là đại diện giới doanh nhân và trí thức.
Tiếp theo là thảo luận hay tranh luận.
Vì Bản đánh giá tình hình đất nước và nhiệm vụ đặt ra do doanh nhân và trí thức soạn thảo rất đầy đủ, do đó
trong đối thoại này tôi đề nghị bàn thẳng vào những vấn đề gai góc.
Sự tham gia đông đảo của cử tọa hôm nay
thể hiện tính công khai minh bạch của đối thoại. Để không khí đối thoại cởi mở,
tự nhiên, không bị gây nhiễu vì bất kỳ lý do gì, tôi trân trọng đề nghị cử tọa
lắng nghe, chứng kiến, nhưng không tham gia thảo luận.
Tôi xin nhấn mạnh, vì mục đích của đối
thoại và thành phần tham gia đối thoại đã được ấn định, nên việc cử tọa muốn
tham gia thảo luận hay nêu câu hỏi, xin được dành cho một diễn đàn khác. Chắc
chắn đối thoại hôm nay sẽ mở ra nhiều diễn đàn khác.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, để tôn trọng
sự thảo luận giữa đại diện lãnh đạo và đại diện giới doanh nhân và trí thức
trong đối thoại hôm nay, tôi trân trọng đề nghị cử tọa chỉ nghe và theo dõi.
Dứt khoát xin miễn đặt câu hỏi hoặc tham gia thảo luận. Tôi xin hỏi cử tọa có
đồng ý không ạ?
Tiếng
“Đồng ý” và tiếng vỗ tay rầm rầm hưởng ứng. Một không khí trang nghiêm, cởi mở
lan tỏa khắp hội trường.
•
Bây giờ tôi xin mời đồng chí đại diện lãnh
đạo phát biểu.
Lão đồng chí đặt mirofone xuống bàn, yêu
cầu các đại biểu tùy nghi, có thể đứng hoặc ngồi phát biểu để có không khí thân
mật, thoải mái.
Đại
diện lãnh đạo:
•
Thưa cử tọa, thưa các thành viên tham gia
đối thoại, tôi rất tán thành gợi ý và cũng là lời khuyên của lão đồng chí về cách chúng ta tiến hành đối thoại hôm nay. Lão đồng chí nhắc đến những ngày Tháng Tám lịch sử, nên tôi rất
mong đối thoại của chúng ta đươc tiến hành trong tinh thần ấy. Tôi đã đọc kỹ
bản Đánh
giá tình hình đất nước và nhiệm vụ đặt ra do
doanh nhân và trí thức chuẩn bị cho đối thoại này, và bây giờ xin nêu lên ba
câu hỏi:
Câu
hỏi đầu tiên của tôi là những đánh giá tình hình kinh
tế đất nước nêu trong kiến nghị như thế của doanh nhân và trí thức có bi quan
quá không? Bởi vì không thể phủ được nhận thực tế là quá trình khủng hoảng kinh
tế của đất nước hiện nay đang từng bước được khắc phục. Dù sao đi nữa, tổng sản
phẩm quốc nội tính theo đầu người của nước ta hiện nay so với lúc tiến hành đổi
mới năm 1986 tăng gấp hơn một chục lần! Câu hỏi thứ hai là
dựa vào những đánh giá của mình, giới doanh nhân và trí thức cho rằng tình hình
đất nước đang lâm nguy, nhận định như thế có quá cường điệu không? Xin nói
ngay, trong đối thoại công khai và thẳng thắn này, tôi không ngại chuyên vạch áo cho người xem lưng đâu. Câu hỏi thứ ba là
doanh nhân và trí thức đã cân nhắc mọi mặt của đại cục chưa, đã quan tâm thỏa
đáng yêu cầu giữ vững ổn định chưa mà kiến nghị những giải pháp cải cách như
vậy?
Xin mời thạc sỹ dược sỹ Nguyễn Thị Bạch
Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng PH, đi thẳng vào câu hỏi đầu tiên
trong đối thoại này.
Thạc
sỹ dược sỹ, doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến:
Xin cảm ơn sự ưu tiên dành cho tôi. Trước
khi phát biểu, tôi xin nhấn mạnh doanh nhân và trí thức xác định rất rõ tinh
thần trách nhiệm của mình đối với đất nước và chuẩn bị cho đối thoại này với
tất cả ý thức xây dựng.
Tôi xin bàn ngay câu hỏi thứ nhất vị đại diện lãnh đạo đã nêu lên: Đánh giá tình hình đất nước trong kiến nghị của chúng
tôi có bi quan hay không?
Xin thưa:
Có thể nói đánh giá của chúng tôi về tình
hình đất nước thực ra là một tổng kết bước đầu của chúng tôi về tình hình đất
nước từ khi tiến hành đổi mới năm 1986 đến nay. Trong tổng kết này, chúng tôi
nhấn mạnh các thành tựu đạt được là sự nỗ lực rất lớn từ bỏ nền kinh tế quan
liêu bao cấp, thực hiện được những bước đi đầu tiên của nền kinh tế thị trường,
nhờ đó đã hoàn thành thời kỳ phát triển ban đầu nước ta nhất thiết phải trải
qua.
Những thành tựu của đổi mới đã chặn đứng
nguy cơ kinh tế sụp đổ, đồng thời thay đổi quan trọng vị thế quốc tế của đất
nước. Nguyên nhân cơ bản của mọi thành tựu là thực hiện được dân chủ trong kinh
tế ở mức độ nhất định, rõ nét nhất là thừa nhận sự vận động của kinh tế thị
trường. Trong chính trị không thể nói như vậy.
Tổng kết 30 năm của chúng tôi nhấn mạnh:
Trở lực lớn nhất là tình trạng mất dân chủ đang ngày càng kìm hãm quá trình đổi
mới và sự nghiệp phát triển đất nước. Mất dân chủ đang tha hóa ngày càng nghiêm
trọng toàn bộ hệ thống kinh tế và và hệ thống chính trị quốc gia. Sự tha
hóa này tác động sâu sắc đời sống mọi mặt của đất nước. Chưa bao giờ các giá
trị đạo đức, văn hóa xã hội bị băng hoại như ngày nay. Nhiều quyền tự do của
nhân dân bị tước đoạt. Môi trường tự nhiên bị tàn phá nặng nề. Hiện tượng mất
dân chủ quay trở lại rất sớm kể từ khi có Hội nghị Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ
khóa VII tháng giêng 1994, và hiện nay đang tiếp tục biến dạng toàn bộ đời sống
vật chất và tinh thần của đất nước. Sản phẩm nổi bật của mất dân chủ là tệ nạn
quan liêu và tham nhũng nở rộ. Việt Nam đang bị chế độ chính trị của chính mình
giam hãm, chứ không phải là do bối cảnh thế giới bên ngoài.
Vốn dĩ đầy triển vọng trở thành con rồng
hay con hổ mới ở Đông Nam Á, đang được dư luận thế giới rất kỳ vọng, song trong
vòng dăm bảy năm nay Việt nam tiêu tán gần như mọi nguồn lực tích lũy được
trong hai thập kỷ trước đó. Mọi cái dễ làm dễ ăn, kể cả đất đai và những tài
nguyên khác, đã bị bóc hết, đẽo vạc như gần hết, thế mà vẫn là một nước nghèo
và lạc hậu, không tạo ra được những tiền đề cho việc chuyển đất nước lên một
giai đoạn phát triển cao hơn.
[1] Ước đoán theo các số liệu thống kê thu thập được, tổng các nguồn lực đưa vào 30 năm (1986 – 2015) công nghiệp hóa ở nước ta ước khoảng 350 – 400 tỷ USD, hoặc có thể hơn nhiều. Những nguồn lực này bao gồm: đầu tư trong nước, FDI, kiều hối, ODA và các loại hình viện trợ khác nhau.
|
Đúng là tổng sản phẩm quốc nội tính theo
đầu người của nước ta sau ba chục năm công nghiệp hóa tăng khoảng hơn một chục
lần. Xin lưu ý cho, cũng sau 30 năm thực hiện công nghiệp hóa, tổng sản phẩm
quốc nội tính theo đầu người của Hàn Quốc tăng gần 30 lần. Hàn Quốc giành được
thành tựu này trong hoàn cảnh xuất phát điểm tổng sản phẩm quốc nội của họ năm
1960 chỉ xấp xỉ 100 (một trăm) USD tính theo đầu người, trong khi đó chỉ số
xuất phát điểm này của ta năm 1986 bắt đầu đổi mới và công nghiệp hóa là 160
(một trăm sáu mươi) USD, nghĩa là cao hơn Hàn Quốc. Trong giai đoạn 30 năm công
nghiệp hóa này của mỗi nước, toàn bộ nguồn lực ta huy động được trong và ngoài
nước cho mục tiêu công nghiệp hóa này ước lượng nhiều hơn gấp đôi của Hàn Quốc[1]
Nhưng Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp. Trong khi đó nước ta hiện nay sau 30
năm công nghiệp hóa mới chỉ là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình
thấp, thậm chí kinh tế và chính trị nước ta hiện nay đang có nhiều bế tắc lớn
rất nguy hiểm, đất nước lệ thuộc.
Chưa nói đến việc chỉ số tăng trưởng GDP
thường không nói lên được hoặc che khuất những yếu kém nghiêm trọng của phát
triển đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta.
Thưa các quý vị, mới đây thôi, một ủy viên
Trung ương Đảng chua xót nói với báo chí: Hiện nay ở Hàn Quốc có sáu vạn người
Việt sinh sống, ở Việt Nam có sáu vạn người Hàn Quốc sinh sống, nhưng sáu vạn
người Việt là kẻ đi làm thuê, còn sáu vạn người Hàn Quốc là kẻ làm chủ. Đại
thể, hai con đường công nghiệp hóa của hai quốc gia đã dẫn đến môt bên là những
người làm thuê và một bên là những người làm chủ như vậy.
Xem lại mình và so sánh với người như thế,
phải thừa nhận bốn mươi năm độc lập thống nhất đầu tiên của nước ta là một giai
đoạn phát triển thất bại! Hiển nhiên nước ta không thể nào hoàn thành công
nghiệp hóa vào năm 2020. Tôi xin nhấn mạnh, đấy là thất bại của đường lối chính
sách của Đảng, của hệ thống chính trị. Toàn đảng từ Tổng bí thư đến toàn thể
đảng viên phải chịu trách nhiệm trước đất nước về thất bại này! Thực tế này đặt
ra đòi hỏi gay gắt phải thay đổi việc xây dựng Đảng, phải cải cách hệ thống
chính trị.
(Cả hội trường rộn lên trước sự thật phũ phàng. Yến
phải dừng lại chờ một lúc rồi mới nói tiếp được)
…Với kết quả 30 năm công nghiệp hóa như
vậy chỉ tính từ khi đổi mới, Việt Nam đang trở thành niềm thất vọng của chính
nhân dân trong nước và của nhiều bạn bè quốc tế. Việt Nam hiện nay đang tụt
hạng trên tất cả các lĩnh vực của phát triển, xếp hạng càng thấp nữa về tự do,
dân chủ, quyền con người và bảo vệ môi trường tự nhiên, nhiều chỉ số cạnh tranh
đang tụt dốc, ngày càng tụt hậu ngay trong ASEAN…
Trong khi đó người dân đầy tâm trạng bi
quan, bức xúc. Dân tình nơi nào cũng rất nặng lời về chế độ chính trị và những
người lãnh đạo. Xin đề nghị đồng
chí lão thành và vị đại diện lãnh đạo tìm cách thâm nhập vào dân mà nghe cho thủng! Tôi đã
được sống qua nhiều giai đoạn khác nhau của đất nước trong thời chiến và trong
thời bình, nhưng quả thực chưa bao giờ tôi thấy lòng dân bi quan, mất niềm tin
vào Đảng, vào chế độ như hiện nay.
Vị
đại diện lãnh đạo bật lên như một cái lò so bị nén vừa mới mất cái hãm:
•
Sao lại nói thế được!? Tình hình có lúc
nào không có khó khăn thách thức? Đã thế, làm sao tách khủng hoảng kinh tế nước
ta hiện nay khỏi bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới? Hiển nhiên là từ đỉnh cao
lạm phát 2 con số xuống chỉ còn một con số trong năm 2012 và đang ổn định tiếp.
Hiện tượng vàng hóa hay đô-la hóa nền kinh tế coi như cơ bản được khắc phục. Tỷ
lệ tăng trưởng GDP của nước ta vẫn là cao so với nhiều nước trên thế giới và
trong khu vực… Phải nói đấy là những thành quả quan trọng chứ? Giới kinh tế
nước ngoài vẫn đánh giá cao nền kinh tế nước ta và khả năng hấp dẫn đầu tư nước
ngoài (FDI), đánh giá cao sự ổn định chính trị, vân vân… Nếu các vị cứ nhìn vào
mặt tối của vấn đề làm sao có lối ra được? Vì là đối thoại, nên tôi không muốn
chụp mũ. Tổng kết của các vị như thế là bôi đen, là hù dọa!
Thạc
sỹ dược sỹ, doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến,
vẫn giọng nói điềm đạm:
•
Thưa vị đại diện lãnh đạo,
tôi tán thành phải ra sức củng cố những kết quả bước đầu đã giành được trong
khắc phục khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá tình hình
đất nước, theo tôi phải nói thẳng thắn:
Chúng
ta nhiều năm nay đã lỡ tay vụng về, tự gây nên hỏa hoạn lớn tàn phá nhà cửa
vườn tược của chính mình, những năm gần đây đang ra sức cứu chữa… Bây giờ chẳng
lẽ chúng ta hôm nay ngồi đây chỉ để cùng nhau ca ngợi thành tích đã giập tắt
được phần nào đám cháy và sửa chữa được ít nhiều những đổ vỡ khác tự mình gây
ra?
Xin thưa, đấy không thể và không phải là
công việc của đối thoại hôm nay ạ, càng không phải là công việc của Đại hội
Đảng sắp tới!
Tôi xin đặc biệt lưu ý, cuộc khủng hoảng
kinh tế hiện nay đã kéo dài sáu, bảy năm mà vẫn trong thời kỳ tìm đường thoát
khỏi đáy. Không ít chuyên gia kinh tế trong nước và trên thế giới cho rằng phải
mất vài ba năm nữa, với những nỗ lực rất quyết liệt, khủng hoảng hiện nay mới
có thể chuyển sang giai đoạn phục hồi. Thực tế này nói lên lỗi của hệ thống
chính trị nước ta vô cùng trầm trọng.
So sánh tổng quát đầu vào và đầu ra
của toàn bộ nền kinh tế từ khi tiến hành đổi mới, hiển nhiên phải có một khối
lượng của cải rất lớn của đất nước đã bị thất thoát, rất đáng làm những tính
toán thống kê để định lượng hiện tượng này.
Không thể không đặt ra câu hỏi nghiêm
khắc: Vậy thì khối lượng của cải khổng lồ bị thất thoát này rơi vào đâu?
Chúng tôi đã nghĩ mãi, và chỉ có thể tìm
thấy câu trả lời định tính:
* Rơi vào các chính sách và những quyết
định kinh tế sai lầm, với những thiệt hại và lãng phí khủng khiếp, vì quan liêu
ăn bám, vì duy ý chí, và vì sự ngu dốt của bộ máy quản trị quốc gia suốt ba
mươi năm qua;
* Rơi vào tham nhũng tiêu cực tràn
lan khắp cả nước;
* Rơi vào túi nước ngoài do những yếu kém
của chính ta hoặc do bị lừa, hoặc là cùng tiếp tay để đất nước bị lừa.
Tôi cho đấy là ba cái thùng không đáy rất lớn. Nguyên nhân hàng đầu gây ra ba cái thùng
không đáy khổng lồ này là phẩm chất và năng lực yếu kém của toàn bộ hệ thống
chính trị hiện nay của đất nước.
Xin thưa hai vị, đặc biệt đáng lo ngại là:
Sau ba thập kỷ đổi mới, thời kỳ phát triển kinh tế theo chiều rộng đã kết thúc.
Yêu cầu phát triển tự thân của đất nước cũng như sự cạnh tranh quyết liệt trên
thị trường quốc tế đặt ra cho nước ta đòi hỏi bức xúc phải sớm chuyển nền kinh
tế nước ta sang thời kỳ khác: Thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Nhưng xin nhắc
lại, cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế rất sâu sắc của đất nước đang chặn đứng
tất cả, nhất là:
•
Chất lượng nguồn nhân lực thấp;
•
Kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật thiếu và
lạc hậu;
•
Năng lực quản trị quốc gia bị tệ nạn quan
liêu tham nhũng lũng đoạn nghiêm trọng;
•
Của cải tích lũy được bị tham nhũng bốc
hơi đến mức làm rỗng nguồn lực quốc gia…
Xin lưu ý, đặc biệt tệ hại với nhiều hệ
quả lâu dài cho sự nghiệp phát triển của đất nước từ nay về sau là nền giáo dục
của ta đầy bệnh hoạn và phản tiến bộ. Một ví dụ điển hình là hiện nay nước ta
không có lấy một trường đại học nào đứng trong tốp 200 của thế giới, trong khi
đó Thái Lan sát nách ta có 2 trường đứng trong tốp 100 của thế giới!
Thưa hai vị, xem xét cả về mặt chính trị,
văn hóa, xã hội, cuộc khủng hoảng hiện nay của nước ta là toàn diện và trầm
trọng nhất sau ba chục năm đổi mới, báo động nguy cơ đổ vỡ như một tất yếu.
Song đồng thời chính cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay đang thôi thúc quyết
liệt phải cải cách triệt để hệ thống chính trị của đất nước.
Nền kinh tế quốc dân hiện đang chất chứa
trong nó quá nhiều các quả bom nổ chậm. Đó là lạm phát cao đang có nguy cơ quay
trở lại, nợ xấu và nợ công ngày càng khó kiểm soát, những hiện tượng vỡ bong
bóng gần như thường xuyên trong thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán,
những rối loạn và tỷ lệ nợ xấu ngất ngưởng của ngành ngân hàng, những xí nghiệp
hay công trình kinh tế trọng điểm quốc gia kém chất lượng với triển vọng đất
nước phải trả giá đắt – trong đó có bô-xít Tây Nguyên, các xí nghiệp khai thác
titan bới nát ven biển miền Trung, thủy điện Sông Tranh 2 đầy uy hiếp, các nhà
máy nhiệt điện và những công trình kinh tế quan trọng khác đắt và kém chất
lượng do Trung Quốc trúng thầu trọn gói, nạn cho thuê đất thuê rừng, nguy cơ
nước ta trở thành bãi thải của kinh tế Trung Quốc – ví dụ điển hình là khu công
nghiệp Vũng Áng…
Xin thưa, quả bom nổ chậm lớn nhất hiện
nay trong nền kinh tế nước ta là hiệu ứng tổng hợp của:
•
Tích tụ những ách tắc nhiều mặt phát sinh
từ cơ cấu kinh tế hình thành trong 30 năm qua không còn phù hợp;
•
Cộng hưởng với sự lũng đoạn mang tính chất
mafia của các nhóm lợi ích, với những đổ vỡ do bất cập và ngày càng tha hóa của
toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy quản lý nhà nước, với những hệ lụy ngày
càng gia tăng của chế độ đảng trị.
Nói một cách khái quát, nền kinh tế nước
ta hiện nay vừa cạn lực và rối ren, dễ bị chấn thương, vừa khan hiếm khả năng
đi vào các sản phẩm mới, trong khi đã hết không gian hay đã bão hòa trong sản
xuất các sản phẩm hiện có. Cơ cấu hiện tại của toàn bộ nền kinh tế có quá nhiều
ách tắc và bất cập hiểm nghèo, trong khi đó chế độ chính trị hiện nay ngoan cố
kìm hãm khả năng thay đổi nó.
Tình hình sẽ trở nên nhạy cảm và nguy hiểm
hơn bao giờ hết, nếu như lúc này kinh tế nước ta bị chấn động lớn từ bên ngoài,
hoặc đất nước bị thiên tai lớn.
Xin lưu ý, nếu để xảy tay không kiểm soát
được tình hình nêu trên, quả bom nổ chậm mang hiệu ứng tổng hợp này có nguy cơ
tiêu vong mọi thành quả mồ hôi nước mắt của nhân dân và toàn bộ sự nghiệp cách
mạng của Đảng. Càng để chậm cải cách thể chế chính trị để thay đổi đất nước từ
gốc, thời gian phát nổ của nó càng đến gần!
Xin thưa hai vị, đất nước đang đứng trước
một nghịch lý: Tổng sản phẩm nội địa tính theo người dân hiện nay tăng khoảng
12 lần so với khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Song đời sống mọi mặt của đất nước
ngày càng nhiều bất cập và tiêu cực, mất công bằng xã hội và chênh lệch giàu
nghèo đã tới mức độ gây mất ổn định, nhiều quyền của dân bị xâm phạm nghiêm
trọng, văn hóa – xã hội khủng hoảng sâu sắc chưa từng thấy. Hệ thống chính trị
ngày càng mang nặng tính quan liêu ăn bám, đồng thời sự mục ruỗng của nó ngày
càng nguy hiểm khó bề cứu vãn. Nhân dân mất lòng tin vào Đảng và chế độ…
Một nghịch lý khác nữa: Tiềm lực đất nước
tăng nhiều so với khi bắt đầu công cuộc đổi mới, song lại hoàn toàn bất cập đối
với những đòi hỏi mới của phát triển. Kể từ sau khi hoàn thành sự nghiệp giành
lại độc lập và thống nhất, chưa bao giờ đất nước lại thiếu ổn định và có nhiều
mối lo bất an như ngày nay. Càng phát triển, đất nước càng rệu rã và tích tụ
ngày càng nhiều bất công, đồng thời cứ tiếp tục tụt hậu – so với ngay cả trong
ASEAN… Khả năng đối phó với các thách thức từ bên ngoài – kể cả trong nhiệm vụ
bảo vệ tổ quốc – có nhiều điều đáng lo ngại.
Tóm lại, sau 30 năm đổi mới, đất nước kết
thúc một giai đoạn phát triển. Tình hình đất nước đã sang trang. Tôi xin nhấn mạnh như vậy. Bản tổng kết của chúng tôi
lưu ý: Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay và những vấn đề nghiêm
trọng trong toàn bộ đời sống chính trị – văn hóa – xã hội của đất nước đang đặt
ra đòi hỏi nhất
thiết phải tiến hành cải cách hệ thống chính trị làm đòn bẩy chuyển đất nước
sang một thời kỳ phát triển mới.
Không làm được như vậy khó tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. Nếu nhìn tổng hợp cả
những thách thức từ bên ngoài nữa, có thể nói hiện nay đất nước đang lâm nguy.
Tôi nghĩ tổng kết như vậy là nhìn thẳng
vào sự thật với tinh thần đặt sự sống còn của đất nước lên trên hết, lợi ích
quốc gia lên trên hết. Tôi không tán thành ý kiến của vị đại diện lãnh đạo cho rẳng bản tổng kết của chúng tôi là bi quan, là
bôi đen, hay hù dọa.
Chúng tôi không tán thành chỉ nhân danh
chống tham nhũng bắt bớ vài vụ như đang làm, nhưng lại trốn tránh đòi hỏi cấp
thiết số một là phải cải cách triệt để hệ thống chính trị của đất nước.
Đại
diện lãnh đạo phản ứng ngay:
•
Ô hay, tham nhũng hiện nay không phải là
vấn đề nóng bỏng à? Doanh nhân và trí thức không tán thành đấu tranh chống tham
nhũng à? Không bắt như thế làm sao chống được tham nhũng?
Thạc
sỹ dược sỹ, doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến:
•
Xin thưa, chống tham nhũng là việc nhất
thiết phải làm, song không được biến tướng thành đấu đá giữa các nhóm lợi ích
khác nhau. Vì làm như thế, trên thực tế là tiếp tục nuôi tham nhũng và làm kiệt
quệ đất nước, trốn tránh đòi hỏi phải cải cách hệ thống chính trị.
Cả nước rất lo lắng, vì thấy có nhiều điều
uẩn khúc đang bị giấu diếm đằng sau hay chung quanh những vụ “đánh tham nhũng”.
Dư luận trong dân đâu đâu cũng cho rằng sự việc chắc phải nghiêm trọng hơn rất
nhiều so với những gì được giải thích trên báo chí. Các vụ bắt bớ nhân danh
đánh tham nhũng, thường gây ra ngay lập tức những hiện tượng tháo chạy ồ ạt
trên thị trường chứng khoán. Có lúc Ngân hàng Nhà nước đã phải cấp tốc điều
hàng trăm tỷ đồng chỉ để cứu một ngân hàng nào đó trúng đạn, nhằm phòng ngừa
hiệu ứng rút tiền bầy đàn và nguy cơ đổ vỡ domino của cả hệ thống. Cái sảy nảy
cái ung, giữa lúc nhà nước đang cháy vốn. Xin hỏi: lấy tiền ở đâu ra mà cứu như
thế? Hay lại in thêm tiền? Làm như thế là cách chống tham nhũng có hiệu quả hay
sao?
Thực tế đã và đang xảy ra là các vụ bắt bớ
như vậy, khiến cho cơ chế kinh tế thị trường hình thành dần dần trong suốt mấy
chục năm đổi mới bỗng dưng bị các chỉ thị hành chính và các biện pháp hình sự
bóp nghẹt.
Xin thưa, đánh tham nhũng kiểu đánh nhau
như thế giữa các nhóm lợi ích, người thua là nền kinh tế cả nước. Xin thử hỏi,
nếu chính quyền tuột tay để xảy ra đổ vỡ domino trong hệ thống ngân hàng, trong
bất kể một ngành kinh tế nào khác…, sẽ lấy in tiền nào mà cứu cho xuể? Trong
khi đó thâm hụt ngân sách kéo dài kinh niên và ngày càng cao, quá nhiều dự án
thiếu vốn, quá nhiều công trình dở dang, nợ nần ngày càng khó kiểm soát…
[2] Chỉ số chứng khoán lúc cao điểm nhất ở TPHCM là khoảng 1300 điểm, nhiều năm gần đây đến hôm nay chỉ còn >600 điểm, ở Hà Nội các chỉ số này là khoảng 300 điểm, nhiều năm gần đây đến hiện nay là> 60 điểm.
|
Xin thưa
lão đồng chí và
vị đại diện lãnh đạo
, chỉ số của thị trường chứng khoán từ nhiều năm nay ở
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn ¼, và ở Hà Nội chỉ còn 1/5 so với đỉnh cao nó đã
đạt được [2]Đây là chỉ số đo hiện tượng xuống dốc và hiện nay đang mất đà của nền kinh tế.
Cùng một lúc tiền tệ – tài chính nước ta hiện nay thường trực cả hai nguy cơ:
lạm phát tăng cao trở lại, hoặc rơi vào thiểu phát và đình đốn…
Tất cả nói lên nền kinh tế đất nước hiện
nay có rất nhiều vấn đề rất nhạy cảm và nguy hiểm. Đời sống của người lao
động đang rất khó khăn vì giá cả leo thang, và bây giờ là thêm nạn mất việc
đang lan rộng…
Nếu nhìn toàn bộ những điều vừa trình bày
dưới góc độ sự can thiệp thường trực của quyền lực mềm Trung Quốc, tôi nghĩ
tình hình có lẽ còn đáng lo ngại hơn nhiều. Hiện nay, chỉ một tin đồn nhảm cũng
khiến nhiều người lo âu, làm ngân hàng này ngân hàng nọ khốn khổ, dân tình nhốn
nháo… Khắp nơi loạn xạ những lời đồn nhảm, khiến các cơ quan của ta phải làm
việc này việc nọ để thanh minh, để giải thích… Tình trạng thiếu công khai minh
bạch và bưng bít thông tin càng làm cho mọi chuyện phức tạp hơn…
Đại
diện lãnh đạo:
•
Xin hỏi thẳng bà Yến, bà không tán thành
cách chúng tôi đã làm trong chống tham nhũng, vậy theo bà thì phải đánh như thế
nào?
Thạc
sỹ dược sỹ, doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến:
•
Xin thưa, Đảng độc quyền lãnh đạo và nắm
quyền lực tuyệt đối, theo lẽ đương nhiên Đảng cũng phải chịu trách nhiệm toàn
diện và tuyệt đối về tình hình đang diễn ra trên đất nước hiện nay. Tại các
nước có chế độ chính trị đúng đắn thì tất cả những người lãnh đạo này lẽ ra
phải từ chức ba, bốn lần rồi!
Đặt ra vấn đề gỡ rối, có nghĩa là tập thể Bộ Chính trị – với tính cách là
những người đứng đầu các bộ máy của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, có trách nhiệm
phải vượt qua lợi ích nhóm, gạt hết mọi riêng tư với nhau, để cùng nhau một ý
chí bàn bạc cách sửa
lỗi hệ thống, chứ không phải là chỉ tìm cách đánh,
hay đánh
nhau như đang diễn ra. Tự phê bình và phê bình
với tinh thần bỏ qua việc sửa lỗi hệ thống và chỉ đơn thuần nhằm vào “đánh” như
vậy là sai ngay từ đầu rồi! là cách nhìn thiển cận, hoặc ngay từ đầu đã có dụng
ý không tốt rồi!
Bộ Chính trị nắm trọn vẹn mọi quyền lực
trong tay, nếu là một khối thống nhất và một lòng vì nước, thì hoàn toàn có thể
làm được theo cách gỡ
rối. Tại sao không làm?
Với mục đích sửa lỗi hệ thống như vậy, gỡ rối không loại trừ việc sẽ phải sử dụng những biện pháp
nghiêm khắc nhất, song gỡ
rối vẫn hoàn toàn khác với đánh.
Quyền lực trọn vẹn trong tay như thế mà
không cùng nhau gỡ
rối, lại chỉ chọn cách đánh
như đang làm, rõ ràng đấy chỉ là biểu hiện của chia rẽ nội bộ, của bất lực, là
đối phó lẫn nhau, là không vì nước! Có phải thế không ạ?
Cả
hội trường lào rào xì xào. Yến lại phải chờ một lúc:
Xin thưa, khắc phục các nguyên nhân gây ra
tham nhũng mới thực sự là chống tham nhũng có hiệu quả. Hay là bây giờ bộ máy
lãnh đạo và thực thi quyền lực đã quá nát, do đó không còn nữa khả năng gỡ rối? Mà đánh
như thế, đương nhiên sẽ có bên thắng bên thua, song chung cuộc lỗi hệ thống vẫn
còn nguyên vẹn, cuối cùng sẽ chỉ có đất nước thua vì phải chịu trận thảm hại!
Có phải thế không ạ?
Cứ giả thiết là lãnh đạo tiến hành đánh như vậy hoàn toàn với thiện chí – dù điều này trên
thực tế là không thể, nhưng xin hỏi trong tình hình bê bối như thế, đánh
làm sao xuể? Mà không đánh
thì nợ xấu, thất thoát, vỡ bong bóng, thôn
tính lẫn nhau… sẽ đẻ số ra mãi ra và sớm muộn sẽ làm phá sản toàn bộ nền kinh
tế. Mới chỉ có bắt vài người mà đến hôm nay vẫn chưa khắc phục xong những thiệt
hại lớn và tình trạng dao động nhốn nháo trong toàn bộ hệ thống tài chính –
tiền tệ. Đánh tiếp nữa thì sẽ ra sao ạ? Mà chuyện phải đánh
như thế thì còn rất nhiều, nhiều vụ đáng phải đánh còn bự hơn nhiều! Mới chỉ đánh sơ
sơ như vậy, dư luận đã râm ran có lẽ phải vay tiền IMF để giải quyết vấn đề nợ
xấu, nhà nước ta lại phải đứng ra cải chính! Tôi dám khẳng định đánh
như đang làm hiển nhiên không phải là lối thoát, mà là đi nhanh hơn đến đổ vỡ!
Vị
đại diện lãnh đạo:
•
Nói như bà Yến là chẳng hiểu gì về tự phê
bình và phê bình đợt này, mà lại còn có thái độ nghi vấn nữa. Tôi thẳng thắn
hỏi thực: Doanh nhân và trí thức đứng về bên nào trong đấu tranh này? Vì đây là
vấn đề lập trường: Ủng hộ hay chống đấu tranh chống tham nhũng?
Thạc
sỹ dược sỹ, doanh nhân Nguyễn Thị Bạch yến, không
mảy may thay đổi thái độ:
•
Xin thưa, vị đại diện lãnh đạo nhận xét chúng tôi không hiểu gì là rất đúng ạ. Thực
quả là rất cố gắng, song những đảng viên như chúng tôi vẫn không thể nào hiểu
được ý nghĩa đợt học tập Nghị quyết Trung ương 4, đợt tự phê bình và phê bình
kỳ này ạ. Các phương tiện thông tin đại chúng đều nói đợt này rất quan trọng,
đã đạt được những kết quả ban đầu rất có ý nghĩa đối với xây dựng Đảng và công
tác cán bộ. Lãnh đạo Đảng chính thức thông báo đi thông báo lại trên tivi:
Trong đợt này ở cấp cao, có người đã viết đi viết lại bản tự phê bình, có người
đã phát biểu phê bình bốn năm lần xây dựng cho người tự kiểm điểm, không khí
rất chân tình, thiêng liêng…
Xin thưa, chính tôi cũng chăm chú nghe và
đọc những tin này, nhưng thực tình tôi không hiểu lãnh đạo định gửi cho dân
thông điệp gì… Bản thân tôi không thu lượm được bất kể thông tin nào từ những
tin tức chung chung như vậy. Tôi cũng không thông minh thêm được chút nào qua
các con số như “bốn
năm lần góp ý”. Tôi cũng không muốn làm cái việc đoán
mò xem những khái niệm như “chân tình”,
“thiêng
liêng” có nội dung gì, có thể mang lại chuyển
biến gì… Nếu đồng chí đại
diện lãnh đạo cũng ở vào địa vị người dân như tôi và
được nghe những thông tin như thế, tôi chắc đồng chí cũng sẽ không thông minh
hơn chúng tôi.
Nhân đây, tôi xin hỏi trực tiếp vị đại diện lãnh đạo: Kiểm thảo viết đi viết lại bốn năm lần, rất chân
tình, thiêng liêng… là về những vấn đề gì? Chẳng lẽ Đảng phải giữ bí mật? Ở cấp
cao nhất của Đảng có việc nào của Đảng mà không liên quan đến vận mệnh quốc
gia? Chẳng lẽ người dân không nên biết những thông tin liên quan đến vận mệnh
quốc gia?
Xin thưa, nếu cố ý không cho dân biết thì
nên thôi hẳn việc thông tin chung chung gây nhiễu lọan như thế đi có hơn không?
Trong khi đó tôi rất khát khao được biết
đợt tự phê bình và phê bình lần này làm rõ được những vấn đề nghiêm trọng gì
của đất nước, đề ra được những giải pháp gì cho tình hình nóng bỏng hiện nay,
và nhân dân cần phải tham gia đối phó thế nào, vân vân…
Xin nói thực lòng, cá nhân tôi không đứng
về bên nào trong đấu tranh chống tham nhũng như cách đang làm trong đợt tự phê
bình và phê bình lần này. Vì đánh như
đánh nhau, nên dù bên nào thắng đất nước vẫn thua. Là chủ tịch
Hội đồng quản trị Ngân hàng PH, mấy ngày nay tôi đứng ngồi không yên vì giao
dịch của Ngân hàng PH bỗng dưng giảm hẳn, mặc dù Ngân hàng PH chẳng liên quan
gì đến mấy vụ bắt bớ vừa rồi. Chính tôi cũng chưa sao ước lượng được cái giá
nền kinh tế cả nước phải trả cho chuyện đánh
như vậy.
Xin thưa lão đồng chí và vị đại diện lãnh đạo, cho dù kết quả đánh
lần này có thể chống được một vài tội tham nhũng cụ thể nào đó.., cứ giả định
một cách lý tưởng là như thế đi. Song chung cuộc những nguyên nhân gây ra tội
lỗi vẫn còn nguyên vẹn, bởi vì hệ thống sản sinh ra những nguyên nhân ấy còn
nguyên vẹn. Để rồi sau đợt đánh
này, sẽ từ hệ thống này, lại thai nghén và ra đời một chu kỳ đánh nhau mới, hiệp này đẻ ra hiệp khác… Chung cuộc là tiếp tục
đẩy nền kinh tế đất nước đi gần hơn nữa tới đổ vỡ.
Xin thưa, đánh
như thế cho thấy trong lãnh đạo Đảng không còn ý chí và khả năng tìm tòi con
đường sửa lỗi hệ thống, mà chỉ tuân theo bản năng ngoan cố, thực hiện những nỗ
lực tuyệt vọng. Đánh chân tình và thiêng liêng như thế chỉ là để níu kéo cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa…
Vị
đại diện lãnh đạo:
•
Kiểm điểm chân tình và thiêng liêng nhận
khuyết điểm như thế mà bà Yến còn nghi ngờ, vậy theo bà thế nào mới là tự phê
bình và phê bình nghiêm túc? Thật là… là… Nói thế mà cũng nói được. – sắc mặt
vị đại diện lãnh đạo bừng bừng. – …Vì là đối thoại, tôi không muốn quy kết
bà là chống Đảng hay lật đổ chế độ… Nhưng tôi muốn hỏi thẳng: Ý kiến của bà
phải chăng chỉ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng?
Hội
trường ồ lên vì tính chất búa bổ của câu hỏi. Nhưng Yến vẫn giữ được bình tĩnh:
•
Xin thưa, hiện tượng đánh là
một chỉ dấu mới nữa, cho thấy tha hóa đã dồn Đảng tới ngã ba đường. Một ngả là
đành ươn hèn tha hóa tiếp, để đi tới phân rã, và sẽ sụp đổ như của một tập hợp
các băng đảng trong một đảng. Một ngả khác là phải lựa chọn lột xác, tự cải
cách để đi với dân tộc, đi với đất nước, để trở lại là một chính đảng trong một
đất nước do nhân dân làm chủ…
Vậy xin hỏi lại: Lãnh đạo Đảng hôm nay sẽ chọn ngả đường nào?
Trong tình hình đất nước như vừa trình
bày, doanh nhân và trí thức chúng tôi kêu gọi cả nước phát huy sức mạnh hòa
giải dân tộc, đứng lên tiến hành cải cách triệt để và toàn diện để cứu nguy và
phát triển đất nước. Đấy là sự lựa chọn con đường hòa bình cải cách của chúng
tôi.
Tiếng
vỗ tay ầm ầm ran lên từng hồi từng hồi, nét mặt vị đại diện lãnh đạo và lão
đồng chí cực kỳ căng thẳng, cả hai đều rướn lên chăm chăm, hết nhìn Yến lại
nhìn về phía trước.
Mãi vị đại diện lãnh đạo
mới nói được:
•
Nói như bà Yến là cực kỳ phản động..., xin lỗi, là cực kỳ nguy hiểm… Mà tôi nói là phản động, là phản lại lại chủ nghĩa Mác – Lênin, là chống lại
tư tưởng Hồ Chính Minh… Coi bà là phản động cũng không sai… Và như thế là có sự
hiểu biết rất khác nhau về Đảng, về chủ nghĩa xã hội, về xây dựng đất nước, về
độc lập dân tộc gắn với chủ nghã xã hội. Tôi xin nhắc lại, để tỏ ý thức dân
chủ, ý thức tôn trọng lẫn nhau trong đối thoại, hôm nay tôi chưa muốn quy kết
gì vội. Lúc nào đó sẽ tính…
Tôi muốn chuyển sang vấn đề khác. Bản tổng
kết có một vấn đề rất thời sự và rất quan trọng khác, hôm nay tôi muốn nghe
trực tiếp và trao đổi ý kiến. Đó là vấn đề Trung Quốc và mối quan hệ Việt –
Trung. Bản tổng kết của các vị cho biết giáo sư Hoàng Quốc Túy sẽ trình bày đề
tài này. Xin được nghe ý kiến của giáo sư.
Hội trường lào xào một lúc nữa vì sự
chuyển đoạn đột ngột, đồng
chí lão thành cách mạng phải giơ hai tay lên
trời ra hiệu sự yên lặng mới trở lại.
(Còn tiếp)
N.T.
N.T.