Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 09.06.2015
Có 2 vấn đề đáng chú ý nhất là “quyền im lặng” của một can phạm khi bị cơ quan điều tra tạm giữ. Vấn đề thứ hai là “nên hay không nên bãi bỏ án tử hình cho tội tham nhũng”. Cả hai chuyện này thật ra không mới, nhưng được các ông bà đại biểu dân mang ra thảo luận bởi có thể nó đang làm nhân dân mất lòng tin, cần phải sửa ngay những điều luật bất hợp lý, không thể trì hoãn được nữa. Càng trì hoãn, càng kéo dài chẳng khác nào chứa thêm sức nóng trong cái nồi “súp de”, có ngày nó sẽ nổ tung là… đi đời nhà ma hết.
Trong bài này, chúng ta hãy thử nhìn qua những cuộc tranh luận ấy, trước hết là “quyền im lặng”. Trong đó, có một số quan điểm phản biện chống lại việc thực thi quyền này với những lý lẽ thiếu thuyết phục và gây hiểu nhầm nghiêm trọng.
Diễn đàn nổi sóng vì đâu?
Chiều 27-5-2015, Quốc hội VN họp
nhóm tại các tổ để thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Một trong
những vấn đề được các đại hiểu Quốc hội quan tâm, thảo luận đó là “quyền im
lặng” - người bị bắt, trước khi thẩm phải được cho biết rằng người ấy có
quyền giữ im lặng, và bất cứ điều gì người ấy nói sẽ được dùng để chống lại
người ấy ở tòa án. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng quy định “quyền im lặng”
trong Bộ luật tố tụng hình sự là “dung túng cho tội phạm...” hay “quyền im lặng
là vô lý”, là “diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân...”.
Theo báo Tuổi Trẻ: Đó là ý kiến của một số đại biểu cho thấy họ không muốn đưa quy định về “quyền im lặng” vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TP. Sài Gòn cho rằng lời khai vẫn là một chứng cứ, quy định bị can, bị cáo không khai (được quyền im lặng) “là máy móc, bắt chước nước ngoài”.
Thứ trưởng Bộ Công an, tướng Đặng Văn Hiếu, nói: “Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không chúng ta sẽ bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”.
Giám đốc Công an Thanh Hóa, Thiếu tướng Trịnh Xuyên cho rằng, người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến và hành vi của mình, có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng phải có trách nhiệm nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.
Ông Xuyên nói: “Nêu ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được. Trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta hiện nay thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật”.
Chính vì những lập luận này lập tức các diễn đàn nổi lên làn sóng gay gắt trong khi thảo luận và lan rộng trên khắp các diễn đàn truyền thông và ý kiến phản bác mạnh mẽ của người dân trong nước cũng như ngoài nước. Quá nhiều phản bác nên ở đây tôi chỉ ghi nhận một số ý kiến đáng chú ý nhất.
- Luật sư Nguyễn Kiều Hưng phản bác ngay: “Khi đề cập quyền này, một đại biểu Quốc hội nói: “… quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân...” thì quá khiên cưỡng! Diễn biến hòa bình là một chiến lược chính trị của thế lực thù địch (Theo cách gọi của các cơ quan truyền thông VN). Không lẽ cụ thể hóa vào luật cái quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận, phù hợp với công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự, chính trị của công dân mà Việt Nam đã gia nhập từ năm 1982 là một chính sách trong chiến lược đó? Không lẽ bảo vệ cái quyền cơ bản của công dân là chống lại nhân dân?
- Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Nếu cho rằng sự tham gia của Luật sư sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án thì có lẽ nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế “Quyền im lặng” để chờ Luật sư . Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, các nước không những không hạn chế quyền này mà còn mở rộng hơn nữa quyền của Luật sư. Điều đó cho thấy, sự tham gia của Luật sư góp phần không nhỏ vào việc phát hiện, ngăn chặn những sai phạm trong quá trình tố tụng. Do đó, chúng ta cần luật hóa “Quyền im lặng” ngay tại kỳ họp này”.
- Ở một cương vị cao hơn, ông Đinh Văn Quê (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao) cũng đồng tình và ông nhấn mạnh đến sự tai hại khi nghi phạm không có quyền im lặng dẫn đến những vụ án oan sai thấu trời xanh. Ông nói: Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định “quyền im lặng” trong tố tụng hình sự và theo họ thì việc quy định như vậy mới là tiến bộ, mới bảo đảm cho người bị bắt, bị can, bị cáo được thực hiện quyền bào chữa một cách tuyệt đối.
Ở những nước này, trước khi thẩm vấn, điều tra viên (cảnh sát), kiểm sát viên, thẩm phán phải thông báo: “Anh (chị) có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”. Chúng ta xem phim hình sự nước ngoài cũng thường nghe câu này.
Ở nước ta, Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định “quyền im lặng” của người
bị bắt giữ nếu không có luật sư từ giai đoạn điều tra và trong suốt giai đoạn
tố tụng. Bởi vì nhiều người bị oan sai khi được minh oan đều khai mình bị bức
cung, nhục hình nhưng họ không thể chứng minh được vì không có bằng chứng. Nếu
được “im lặng” khi chưa có luật sư thì chắc chắn sẽ hạn chế được việc “bức
cung, nhục hình”, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra.
Về phía Đại biểu Quốc hội cũng đã nổi lên nhiều phản ứng gay gắt.
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc VN Việt Nam chỉ rõ: “Qui định “lấy lời khai ngay” sau khi bị bắt chính là nguyên nhân dẫn đến bức cung, nhục hình. Hơn nữa, người bị bắt không thể biết lời khai nào là bất lợi cho mình mà không khai báo nên “cần bỏ ngay qui định “lấy lời khai ngay” và qui định rõ ràng về “quyền im lặng”.
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh: “Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thường không hiểu pháp luật, lại có tâm lý lo lắng, trong khi cán bộ điều tra lại “nhiều mánh khóe, có thể dùng nhiều câu hỏi “bẫy” khiến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dễ “mắc bẫy” mà trả lời bất lợi cho mình nên “cần qui định rõ không được đặt câu hỏi “bẫy” nếu không qui định cụ thể “quyền im lặng” trong Dự thảo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS)”.
Đúng vậy, chính vì những quyền hành và “mưu chước” của các ông điều tra viên quá cao nên oan sai mới xảy ra.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Oan sai chỉ cần 1 vụ là rúng động xã hội, là có tội lớn với dân rồi, nay tới 71 vụ. Đây có phải con số đầy đủ hay chỉ là mới phát hiện từng này”.
Thôi thì cứ tính sơ sơ như vậy dân cũng đủ thất kinh rồi. Hãy thử điểm qua những vụ oan sai “nổi danh” nhất.
Trong số 71 án oan trong 3 năm, 260 người chết trong khi bị tạm giam
Ủy Ban Thương vụ Quốc Hội (UBTVQH) đã tổ chức Đoàn giám sát trực tiếp
nghiên cứu một số vụ án cụ thể mà dư luận quan tâm; tổ chức 5 Đoàn trực tiếp
làm việc với các cơ quan hữu quan tại TP Sài Gòn, Bình Phước, Tiền Giang, Sóc
Trăng, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Quân khu 4;
nghiên cứu báo cáo tại 63 tỉnh thành (thời gian lấy số liệu báo cáo từ ngày
1-10-2011 đến ngày 30-9-2014). Trong kỳ giám sát dài 3 năm này, đã khởi tố,
điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can; số vụ làm oan người vô tội là 71 trường
hợp, chiếm 0,02%.
Báo cáo cho rằng số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận (như vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan; vụ 5 công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình dẫn đến chết người).
Nhiều ý kiến cho rằng luật hóa
"quyền im lặng" sẽ giảm được oan sai.
Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau 10 năm tù oan.
Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau 10 năm tù oan.
Điển hình là vụ Nguyễn Thanh
Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lê Bá Mai
(Bình Phước), Hồ Duy Hải (Long An), Đỗ Minh Đức (Hải Phòng), Nguyễn Văn Chưởng
(Hải Phòng), Vi Văn Phượng (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hoàng Thị Vấn
(Cao Bằng), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang).
5 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong tại phiên xử hôm 27-3-2014.
Có nơi điều tra viên còn dụ cung khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi
cung bị can. Chẳng hạn, điều tra viên đã dụ cung bị can như vụ Nguyễn Toàn
Thắng (Bình Phước). Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung,
nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát
hiện như các vụ: Nguyễn Viết Lợi và đồng phạm ở Hải Châu (Đà Nẵng); điều tra
viên Nguyễn Thanh Cao (Phòng PC45 Công an tỉnh Long An); Nguyễn Tuấn Thanh (Đức
Huệ, Long An).
40 năm bao nhiêu vụ án oan, như thế có tội gì với dân?
Chỉ cần 1 vụ án oan sai đã có tội với dân, vậy tình sơ sơ chỉ trong 3 năm
đã có tới 71 vụ thì trong 40 năm qua đã có bao nhiêu tội? Nhờ bạn đọc tình giùm
xem là bao nhiêu vụ và như thế là có tội gì với dân, những cái tội ấy đáng bị
trừng phạt như thế nào?
Em Tô Phương Trọng khi bị bắt mới 14
tuổi, bị giam oan hơn 1.300 ngày.
Tuy nhiên, dù có bị trừng phạt
cũng không đáng kể bằng những lời
nguyền rủa của người dân đang oằn lưng cõng nợ của nhà nước và luôn sống trong
“hội chứng sợ đủ thứ”, nhất là sợ bị bắt oan, bị đánh đập tơi bời hoa lá rồi
mới kết luận là vô tội thì anh dân đen chỉ còn thân tàn ma dại thôi.
Ông Trần Văn Chiến chấp hành xong bản án chung thân mới được giải oan.
Còn những người dân cũng đã có
hàng ngàn ý kiến bày tỏ những phẫn nộ trong việc này. Tôi chỉ nêu vài ý kiến
thay cho lời kết bài này:
- Theo bạn Lê Nguyễn Duy Hậu viết trên Vietnamnet.vn: “Nếu cứ chần chừ hoặc
hiểu sai về một quyền có thể coi là căn bản trong bối cảnh thế kỷ 21, thế kỷ
của minh bạch, thì Việt Nam sẽ trở thành một "ốc đảo" kỳ lạ. Mà điều
đó thì hẳn không người Việt Nam nào mong muốn”.
- Bạn Huong Tran viết: “ Đọc mà cứ tưởng tượng ra cảnh bị dùng nhục hình ép cung nó ghê gớm và tàn nhẫn đến làm sao. Cũng là con người với nhau dù có tội hay không có tội thì cũng phải cố mà giữ cái đạo đức đối nhân với nhau chứ. Đằng này học nhiều lên cao thành ra lại mất nhân tính”.
Bạn Thái Bảo Anh viết: “Thiết nghĩ những người đang phản đối Quyền im lặng xin hãy ... im lặng, vì các vị đang cố tìm cách để có lợi cho công việc của mình, chứ không phải cho lợi ích của số đông dân chúng!”.
Vậy quyền của người dân được tôn trọng tới đâu? Còn chuyện “nên hay không
nên bỏ án tử hình cho tội tham nhũng?”, tôi sẽ tường thuật trong kỳ báo khác để
bạn đọc tìm hiểu thêm./-
Văn Quang
Nguồn: Theo Khai Dân Trí