Xuất khẩu và xuất ngoại !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận
số 228 (01-10-2015)
số 228 (01-10-2015)
Trước hết, nổi tiếng năm châu và luôn được nhà nước ta tự hào, đó là xuất khẩu nông sản và khoáng sản. Năm 2014, VN xuất khẩu 6.2 triệu tấn, đứng hàng thứ ba thế giới (sau Thái Lan 10.5 triệu tấn và Ấn Độ 9.5 triệu tấn. Theo www.Vinafood2.com.vn). Thế nhưng, nông dân Việt đang ở tầng đáy của xã hội. Công sức và mồ hôi của họ chỉ để làm giàu cho kẻ khác. “Lương lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VFA) gần 1 tỷ đồng một năm, Tổng công ty Lương thực Miền Nam lời mỗi năm cả ngàn tỷ, trong khi đó thu nhập của 1 nông dân 3.525.000 đồng một năm. Đây là con số phản ảnh rõ nét sự độc quyền của VFA đối với nông dân trong việc mua bán lúa gạo hiện thời”. (Hoàng Kim, Một thực trạng khốn nạn: VFA đang là cường hào mới, 16-11-2013). Ngoài ra, tuy số lượng nhiều, nhưng gạo Việt lép vế trên thị trường, đặc biệt là trước gạo Thái Lan, vì không có thương hiệu. Trong khi Thái Lan hiện có 250 thương hiệu quốc gia. Mặt hàng xuất khẩu thứ hai của ta là dầu thô. “Theo số liệu từ BP được Bloomberg dẫn lại, VN là quốc gia có trữ lượng dầu thô cao thứ hai ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc với 4,4 tỷ thùng (tương đương 630 triệu tấn). Với mỏ "vàng đen" này, mỗi năm xuất khẩu dầu thô đóng góp quan trọng cho thu ngân sách quốc gia”. (x. VietnamNet 19-12-2014). Tuy nhiên, đang khi giá thế giới xuống dưới 55 USD một thùng, thì chi phí khai thác bình quân mỗi thùng dầu ở VN là 50 USD, thậm chí 70 USD. Theo thống kê, mỗi năm VN khai thác khoảng 15 triệu tấn dầu thô, song chỉ chế biến khoảng 6 triệu tấn ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, còn lại là đi bán để nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài. Điều đáng nói là xăng VN cao hơn cả xăng Mỹ, vì phải cõng 8.244 đồng thuế/lít (x. Baodatviet.vn 09-07-2014), và cuộc sống người dân không nhờ xuất dầu hỏa mà khá hơn.
Ngay từ năm 1975, VN có một thứ hàng xuất khẩu làm cả thế giới kinh ngạc, đó là xuất khẩu sự bần cùng. Nói cho rõ là chế độ mới đã tạo ra một sự “giải phóng” kiểu nào đó, gây ra một sự “đổi đời” kiểu nào đó mà đã khiến cho cả triệu người phải bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng. Ban đầu là đi chùng lén, đi liều mạng. Nhưng nhà nước thấy đây là cơ hội kiếm tiền nên đã biến thành dịch vụ xuất khẩu. Theo Wikipedia (Thuyền nhân VN) thì có 3 dạng: “1- Bán bãi-mua bãi, tức là hối lộ nhà chức trách địa phương quản lý vùng sông biển để họ làm ngơ mà có nơi tập hợp trước khi ra khơi, giá khoảng 6 lạng vàng/người. 2- Đi bán chính thức, tức mua vé từ giới chức cấp tỉnh. Người tổ chức thu tiền rồi đứng ra mua tàu, xăng dầu, v.v. với giá khoảng 12 lạng vàng mỗi đầu người. Ngoài ra, người vượt biên phải nộp lại văn tự nhà cửa cho Ủy ban địa phương. 3- Đi đăng ký chính thức, tức ghi danh với chức trách trung ương. Cách này dành riêng cho Hoa kiều, có văn phòng đăng ký ở Sài Gòn. Người xuất cảnh phải nộp sổ gia đình ở và 12 lạng vàng. Phương tiện chuyên chở cho hạng này là tàu lớn, chứa trên ngàn người, rời bến Bạch Đằng ở Sài Gòn và được tàu hải quân hộ tống ra đến hải phận quốc tế. Người Việt đi ngả này phải mua lại giấy tờ tùy thân của người Hoa và học một ít tiếng Hán để lọt vòng kiểm tra”.
Đến khi hết xuất khẩu người (vì các trại tỵ nạn khắp vùng Đông Nam Á đóng cửa), nhà nước ta lại nghĩ tới một mặt hàng xuất khẩu mới: công nhân. Theo RFA 26-09-2015, mỗi năm ở VN có hơn 1,1 triệu lao động phổ thông được bổ sung vào lực lượng này. Để được xuất khẩu, những người nghèo đó phải bán đất bán nhà, vay ngân hàng, cầm sổ đỏ hầu trả chi phí ban đầu cho công ty môi giới (đa phần của cán bộ đảng viên) lên tới cả trăm triệu hay hơn nữa. Và đến khi ra nước ngoài thì mới thấy mình bị biến thành nô lệ lao công hay nô lệ tình dục, do sự toa rập cấu kết của các công ty môi giới với chủ nước ngoài và trước sự bỏ mặc của các cơ quan ngoại giao VN. Vô số thảm trạng đau lòng đã xảy ra cho họ tại nhiều nước vùng Đông Nam Á và vùng Trung Đông, khiến cho đồng bào hải ngoại phải lập ra nhiều tổ chức để cứu vớt họ.
Kể từ khi VN bị bắt buộc hòa nhập với cộng đồng quốc tế, phải bang giao với “bọn tư bản giãy chết” để có thể trao đổi về thương mại kinh tế, tiếp cận các thành tựu văn hóa, khoa học, kẻo “xuống hố cả nút” thì đảng ta và nhà nước ta lại có một mặt hàng xuất khẩu mới: tù nhân lương tâm. Cách đây nhiều năm thì có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, gần đây có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, luật gia Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Nguyễn Văn Hải. Mới nhất là cô Tạ Phong Tần… Xuất khẩu hàng loạt thì có quân cán chính VNCH. Đây là mặt hàng truyền thống của các chế độ CS từ đông sang tây. Mục sư Richard Wurbrand (1909-2001), người Rumani, bị cầm tù 14 năm vì giảng đạo. Đến năm 1964, ông được bán sang Mỹ với thời giá 7.000 USD. Ông cho biết nhiều tù nhân lương tâm khác tại Đông Âu còn được bán tới giá 20.000 USD. Theo nhà văn Mai Tú Ân, đây là “một hướng xuất khẩu đầy tiềm năng để đem ngoại tệ về xây dựng đất nước và đem lại hạnh phúc cho nhân dân, một chủ trương đẹp tuyệt vời của Đảng ta”... Bởi lẽ trong tình hình kinh tế tồi tệ như hiện nay, chẳng xuất được cái gì kể cả cái ốc vít thì việc xuất khẩu loại hàng này (rất phong phú, vì bọn “đấu tranh dân chủ bây giờ đông như quân Nguyên”, muốn nhập kho tha hồ), chính là sự vận dụng đường lối cách mạng đầy sáng tạo và linh họat của Đảng ta: dựa vào nhân dân, lấy của nhân dân (vì sức nhân dân là vô tận, lời HồCT) để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bán bọn chúng đi sẽ được lợi tư bề: nào được vào TPP, nào được công nhận có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Ngoài ra, bán bọn chúng đi còn có cái lợi: hết dần người đấu tranh, được ổn định chính trị. Chứ để chúng tự do bên ngoài, chúng léo nhéo chống phá tai hại lắm!
Dĩ nhiên nhân dân, quốc tế và cả Việt cộng cũng biết đây là chuyện nhà cầm quyền VN chà đạp chính pháp luật của mình. Cũng theo nhà văn Mai Tú Ân, rõ ràng các TNLT kể trên không phải là gián điệp của Mỹ, không hoạt động vì quyền lợi nước Mỹ, mà cũng chẳng phải là công dân Mỹ hay có dây mơ rễ má gì với Mỹ. Nhưng con đường của họ đều đi đến nước Mỹ sau khi ra khỏi nhà tù. Và với cung cách của lực lượng CA khi đưa họ ra thẳng sân bay mà không hề báo cho thân nhân, chẳng cho phép ghé qua nhà, dù chỉ để đốt một cây nhang trước mộ mẹ như Tạ Phong Tần, thì hoàn toàn đúng kiểu một cuộc lưu đầy phát vãng như thời xa xưa. Một hình thức man rợ mà ngày nay đã cấm tuyệt đối ở bất cứ quốc gia nào. Những người đấu tranh dân chủ ôn hoà bất bạo động đã bị xét xử bất công thì giờ đây bị lưu đầy bất nhẫn. Họ không còn được nhìn thấy quê hương, không được gặp lại gia đình thân thuộc, không được cả vái lạy mồ mả tổ tiên ông bà. Họ bị đưa thẳng đến một nơi xa lạ chưa bao giờ đến, với một cái án lưu đầy vô định chẳng biết ngày nào mới được hồi hương. Nhưng CS thì bất chấp việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp của mình cũng như vi phạm chuẩn mực đạo đức chính họ thường ra rả. Tiền cái đã!
Ngoài ra phải kể đến một mặt hàng xuất khẩu nữa là đất đai. Đây là kiểu xuất khẩu tại chỗ. Từ mấy mươi năm nay, Việt cộng đã giao cho Tàu cộng từ Hoàng Sa tới Trường Sa, từ ải Nam Quan tới thác Bản Giốc, từ 300.000 hecta rừng quốc phòng tới đất Tây Nguyên chiến lược, rồi nhiều vùng đất rộng ở Cao Bằng, Móng Cái, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định, Kontum, Lâm Đồng, Bình Dương, Trà Vinh, Bình Thuận. Những nơi đó, người dân Việt và ngay cả quan chức Việt từ nay đều không thể vào. Trong những nơi đó, bọn Tàu tha hồ chuẩn bị cho việc thôn tính Tổ quốc ta.
* Chính việc cái gì cũng bán, cũng xuất khẩu để làm giàu, từ sản vật tới con người, từ bần dân tới tù nhân, từ tài nguyên đến lãnh thổ… càng lúc càng chứng tỏ hàng lãnh đạo cao cấp CS và các nhóm quyền lợi bu quanh họ chẳng tha thiết gì với đồng bào, với tổ quốc. Xem ra họ sẵn sàng xuất ngoại, lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rún, chốn đất tổ quê cha, mà họ coi là chỗ để khai thác, vơ vét, bóc lột chứ không hẳn để ở lâu dài. Có nhiều dấu hiệu về điều này nơi chính quan chức chóp bu Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì đã gả ái nữ cho một Việt kiều Mỹ giàu có, tạo cơ sở làm ăn lớn lao bên đó từ lâu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì đã cho con cái sang Hoa Kỳ du học và ở lại, sắm sẵn bao cơ ngơi đồ sộ tại nhiều tiểu bang và giao cho chúng quản lý (x. trang mạng Chân Dung Quyền Lực). Nhiều lãnh đạo CS khác và nhiều đại gia giàu lên nhờ chế độ cũng đang chuẩn bị con đường xuất ngoại, bỏ nước ra đi bằng cách gởi con cái đi trước, chuyển ngân ra hải ngoại, tạo tài sản nơi quê người. Một phụ nữ trước đây rất thân cận với một tướng công an, từng phụ trách một tờ báo lớn, hay lên giọng chống đối phong trào dân chủ và cả chửi Mỹ, cũng đã qua Hoa Kỳ sinh sống với con gái và kinh doanh tiệm phở.
Khuynh hướng này nay cũng xuất hiện nơi rất nhiều đồng bào. Người ta nhận thấy có vô số người Việt đang gắng sức làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời khỏi quê hương, hoặc có vô số người du học, thậm chí du lịch rồi tìm cách ở lại. Nhan nhản trên các trang báo là các dịch vụ môi giới đầu tư hay học nghề ở ngoại quốc… ám chỉ việc ra đi, định cư nước ngoài. Chưa có con số thống kê nào về người Việt nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi tất cả nhà cửa, tài sản, gia đình… đã được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Bên Tàu cộng cũng có chuyện tương tự. Trong các bài phóng sự dịch từ báo nước ngoài, ta thấy những người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc di cư sang phương Tây. Chỉ tính trong một thập niên, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỷ USD do những người Tàu giàu (trong đó có rất nhiều quan chức đảng viên cỡ bự) chuyển ra ngoại quốc.
Điều đó dễ hiểu. Một khi quê nhà đã bị khai thác cạn kiệt, đã ô nhiễm trầm trọng, một khi luật pháp ở đó không còn bảo vệ được ai, một khi nền giáo dục ở đó chẳng còn giáo dục được cái gì, một khi cuộc sống thường xuyên bị bạo quyền gây khốn đốn, thì người dân sẵn sàng bỏ nước ra đi. Còn đối với những kẻ từ lâu hưởng quyền và hưởng lợi từ chế độ, thì thêm nhiều lý do khác. Đó là một khi quyền lực của họ bị lung lay và họ phải đối diện với sự chỗi dậy của dân chúng, hay một khi sự hiện diện của kẻ thù xâm lược ngày càng lộng hành và dày đặc, thì xuất ngoại là giải pháp tuyệt vời. Ôi quê hương, vì đâu nên nỗi??