03 septembre 2016

Thế tất học sinh phải học chữ Hán?


“Cần đưa, nên đưa và thế tất sẽ đưa Hán Nôm vào dạy trong trường phổ thông”. Đó là lời khẳng định của PGS. TS Hà Văn Minh - Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thư gửi mẹ kính yêu,

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè”…

Đêm mơ màng, con bỗng thấy mình hẵng còn bé thơ trong vòng tay ầu ơ của mẹ. Tiếng hát ru như dòng mật ngọt êm đềm chảy qua từng huyết quản của con. Người chợt bàng hoàng nhìn bước con đi… mờ xa trên đường đời trơn trợt; đôi vai mẹ rung lên, hoen mi lặng lẽ…
 
 


Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm:

Yêu đôi quang gánh làng quê

Chân trần, kẽo kẹt trăm bề khó khăn

Yêu sao những vết chai sần

Hằn trên vai mẹ tảo tần nuôi con…

Những câu thơ con viết bởi cảm xúc tự đáy lòng là sự thẩm thấu tinh hoa từ lời ru của mẹ; là đặc trưng giản dị kì diệu của tiếng Việt. Thơ không màu sắc lung linh, không cách điệu biến hóa, nhưng hòa quyện nhịp đập trái tim và đong đầy tính nhân văn của người Việt.

Tiếng Việt mộc mạc mà trong sáng. Ngữ cảnh bến nước, con đò, bờ tre, mái rạ… luôn thân quen gần gũi với bao thế hệ con người Việt Nam.

Trong bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ đã phát hiện:

“Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.

Rồi ông đúc kết:

“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”…

Ai đã có dịp đi ra nước ngoài mới cảm nhận hết nỗi niềm nhung nhớ,“thèm khát” tiếng Việt đến dường nào; hào sảng lắm và tinh túy như hồn thiêng dân tộc.

Mẹ ạ, tại buổi Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại - diễn ra ngày 27/8 vừa qua, PGS. TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) đề xuất, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán. Do vậy, cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy học sớm cho học sinh.

Con nghĩ, tiếng Việt vốn dĩ trong sáng và sẽ mãi trong sáng chứ có tối tăm gì đâu. Quốc ngữ đương thời vẫn vận hành một cách trơn tru toàn xã hội kia mà. Tất nhiên, không ít trường hợp dùng sai từ, hiểu chưa đúng nghĩa ở một số người do chây lười hoặc thiếu điều kiện trau dồi ngữ pháp, văn chương. Cũng không vì thế mà “quy chụp” chung tệ hại sự trong sáng của tiếng Việt.

Bác Giang còn bảo rằng, do từ bỏ chữ Hán khiến thanh niên Việt Nam đơn giản nhất, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc.

Điều này không biết các nhà khoa học nước ta có ý kiến phản biện gì, các học sinh Việt Nam từng đoạt huy chương đủ hạng tại những kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) nghĩ gì, chứ riêng cá nhân con thì chẳng chút đồng tình. Bởi, tuy không học chữ Hán mà cũng đã “bội thực” rồi, nhưng con chớ hề chểnh mảng “học hành hời hợt nhất”, đúng không mẹ?

PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) còn cho biết, việc dạy Hán Nôm trong nhà trường phổ thông dứt khoát là phải đặt ra. Theo ông thì việc không có tri thức về Hán Nôm khiến hiện nay nhiều từ ngữ tiếng Việt bị nói sai.

PGS. TS Hà Văn Minh (Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng khẳng định, "cần đưa, nên đưa và thế tất sẽ đưa" Hán Nôm vào dạy trong trường phổ thông.
 
PGS. TS Hà Văn Minh tại buổi Hội thảo. Ảnh: Vietnamnet.
 

Nói chung là các bác có chuyên môn ở lĩnh vực này đều tỏ ra nhiệt huyết trong việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” bằng cách: Học sinh phải học chữ Hán.

Tuy nhiên, PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh thẳng thắn cho rằng, người ta nói Hán Nôm giống như chiếc bình hoa trong nhà, bảo nó quý thì nó quý còn cho nó không quý thì nó cũng chả quý gì.

Mặc dù Bác Hồ kính yêu – vị Anh hùng dân tộc, vĩ nhân của thế giới - đã đi xa, nhưng lời Người dạy thuở nào vẫn văng vẳng bên tai: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. “Ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ cái tiếng của chúng ta”. “Cái gì tiếng Việt Nam có thì cứ nói tiếng Việt Nam, chớ có mượn tiếng nước ngoài. Không nên mắc bệnh sính dùng tiếng nước ngoài, tưởng như thế là hay mà không lường hết được!”.

Kính thư.

Con gái cưng của mẹ