10 mai 2017

Đại dương không còn cá


Thái Bình

"Nhưng, theo Giáo sư Zhang của Đại học Nanyang, với lãnh đạo TQ, ngư nghiệp không chỉ là kinh tế mà còn là công cụ chính trị. Ở các vùng biển gần TQ, ngư dân - mà thực chất là dân quân - được chính phủ trợ cấp nhiên liệu, nước đá, thiết bị định vị và được tàu hải quân hộ tống để đi giành giật ngư trường với ngư dân các nước láng giềng, gây ra nhiều cuộc xung đột. Ngư dân còn được coi là các “cột mốc chủ quyền di động” để khẳng định tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông. Chính quyền đảo Hải Nam thường xuyên hỗ trợ và khuyến khích ngư dân đi đánh cá ở Hoàng Sa và Trường Sa - nơi TQ tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á."


 
Ảnh minh họa




(TBKTSG) - Ngày xưa biển đầy cá và cuộc sống khá dễ chịu. Nhưng nay khắp địa cầu, ngư dân than rằng, họ thường phải kéo lên những tấm lưới rỗng. “Ngày xưa lưới đầy cá, có khi không kéo lên thuyền nổi”, ông Mamadou So, 52 tuổi, ở Senegal miền Tây châu Phi buồn bã chỉ vào mớ cá tí hon trong khoang thuyền. Ở bên kia địa cầu, ông Zhu Delong, một lão ngư dân Trung Quốc (TQ) 75 tuổi, cũng lắc đầu thất vọng khi mẻ lưới của ông chỉ vớt lên được một ít tôm non và cá vụn. “Khi tôi còn bé, chỉ cần giăng câu sau nhà là đã bắt được cá to. Bây giờ thì biển đã trống rỗng”, ông Zhu nói.


Từ chuyện của các ngư dân ở hai đầu trái đất, báo The New York Times (NYT) đã làm một phóng sự nêu bật một tình trạng đáng lo ngại: các đại dương không còn cá, đe dọa đời sống của hàng triệu người ở các nước đang phát triển sống nhờ vào biển. Trung Quốc - với khối dân số đông nhất, đủ giàu để ăn hải sản, và có đội tàu đánh cá biển sâu lớn nhất thế giới, là nước có tác nhân lớn nhất gây ra tình trạng này.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (UNFAO) đánh bắt quá mức đã làm cạn kiệt nguồn cá của đại dương, khoảng 90% số ngư trường trên thế giới đã bị khai thác hết hoặc có nguy cơ sụp đổ.

Sau khi bắt hết cá ở những vùng biển gần, các đoàn tàu của ngư dân TQ đã đi xa hơn, khai thác vùng biển của các nước khác, đến tận Tây Phi trên bờ Đại Tây Dương. Các chuyên gia cho báo NYT biết, biển Tây Phi cung cấp phần lớn lượng cá mà các đoàn tàu biển xa của TQ bắt được và có tới hai phần ba số đoàn tàu này hoạt động trái với luật pháp quốc tế và luật quốc gia trong khu vực.

Cuối năm 2016, đội tàu đánh cá biển xa của TQ có hơn 2.600 chiếc, gấp mười lần Mỹ, và tăng chóng mặt từ 400 chiếc năm 2014. Nhiều tàu TQ lớn đến mức, lượng cá chúng đánh bắt một tuần nhiều bằng ngư dân Senegal làm cả năm. Báo Frontiers in Marine Science dự tính các nền kinh tế Tây Phi mất khoảng 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm do lượng cá mà TQ đánh bắt trái phép trong vùng biển của họ.

Để đi làm ăn xa như vậy, ngư dân TQ phải dựa chủ yếu vào nguồn trợ cấp của chính phủ ở Bắc Kinh. Lo ngại tình trạng thất nghiệp của người dân trong nước và ảnh hưởng tới an ninh lương thực, bất chấp sức khỏe của đại dương và quyền lợi của các quốc gia ven biển khác, Chính phủ TQ đã trợ cấp rất hào phóng cho ngư dân vươn xa: cho vay ưu đãi để đóng tàu lớn, trợ giá nhiên liệu để các đoàn tàu có thể đi hàng tháng trời tới châu Phi và Nam Mỹ. Nhà nghiên cứu Zhang Hongzhou của Đại học Nanyang (Singapore) tính ra trong các năm từ 2011-2015, Chính phủ TQ đã trợ cấp cho ngành ngư nghiệp 22 tỉ đô la Mỹ, gấp 3 lần khoản trợ cấp của bốn năm trước đó, chưa tính hàng trăm triệu đô la trợ cấp và miễn giảm thuế mà chính quyền các địa phương giành cho ngư dân của mình. Một nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh cho biết, nếu không có trợ cấp của chính phủ, các công ty ngư nghiệp của TQ chắc chắn sẽ thất bại. “Đội tàu TQ đã tỏa ra khắp thế giới; nếu không có trợ cấp, ngành này không tồn tại được. Với Senegal và các nước Tây Phi khác, tác hại thật khủng khiếp”, ông Li Shuo, nhà tư vấn chính sách toàn cầu của Hòa bình xanh Đông Á, nhận định.

Trong khi đó, TQ vượt lên thành vua của đại dương, nước xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới và dân TQ tiêu thụ hơn một phần ba tổng lượng hải sản tiêu thụ trên toàn cầu, với mức tăng 6% mỗi năm.

Nhưng, theo Giáo sư Zhang của Đại học Nanyang, với lãnh đạo TQ, ngư nghiệp không chỉ là kinh tế mà còn là công cụ chính trị. Ở các vùng biển gần TQ, ngư dân - mà thực chất là dân quân - được chính phủ trợ cấp nhiên liệu, nước đá, thiết bị định vị và được tàu hải quân hộ tống để đi giành giật ngư trường với ngư dân các nước láng giềng, gây ra nhiều cuộc xung đột. Ngư dân còn được coi là các “cột mốc chủ quyền di động” để khẳng định tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông. Chính quyền đảo Hải Nam thường xuyên hỗ trợ và khuyến khích ngư dân đi đánh cá ở Hoàng Sa và Trường Sa - nơi TQ tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á.

Thực tế Indonesia đã phá hủy hàng chục tàu TQ đánh cá trộm trong vùng biển của mình và mới tháng 3 vừa qua, Argentina đã đánh chìm một tàu cá TQ cố tình đâm vào tàu tuần duyên của nước này. Va chạm giữa ngư dân TQ và Hàn Quốc đã làm hàng chục người thiệt mạng.

Ở Tây Phi ngư dân TQ sử dụng tàu sắt khổng lồ, kéo những mành lưới dài vài cây số, quét sạch hầu như mọi sinh vật dưới biển; ngư dân địa phương với những con thuyền mỏng manh không cạnh tranh được đành đánh bắt những loại cá nhỏ, gần bờ. “Họ [TQ] không để lại gì cho chúng tôi mà chúng tôi thì không ngăn họ được, nên chúng tôi phải bắt cá nhỏ. Cứ như vào nhà và giết hết trẻ con. Nếu làm vậy, thì cuối cùng gia đình cũng không còn”, Daba Mbaye, 49 tuổi ở Senegal, than thở.

(Theo The New York Times)