Chủ
trương của Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép to hơn, đủ sức
để vươn ra biển lớn là rất đúng đắn. Ấy thế mà có doanh nghiệp đóng tàu đã lợi
dụng nó để trục lợi thì quả là việc làm thiếu đạo đức, nếu không nói là tội ác.
Trong nhiều năm qua, do điều kiện kinh tế chẳng
dư dả gì của ngư dân sống nhờ biển dù rằng biển của chúng ta mênh mông là thế
nhưng vì tàu thường nhỏ, vỏ gỗ nên ngư dân không thể vươn xa được. Điều đó
khiến cho ngư dân chỉ có khả năng đánh bắt hải sản gần bờ. Với cung cách làm ăn
nhỏ kiểu này cho nên nguồn hải sản cũng dần cạn kiệt. Cũng vì thế, thật đáng
tiếc, chúng ta đã để một vùng biển ngoài khơi không khai thác là bao, một lãng
phí lớn. Hơn thế, chúng ta đã vô tình gián tiếp tự bó hẹp mình về mặt khẳng
định chủ quyền biển trên thực tế.
Chủ trương của Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay
vốn đóng tàu vỏ thép to hơn, đủ sức để vươn ra biển lớn là rất đúng đắn. Ấy thế
mà có doanh nghiệp đóng tàu đã lợi dụng nó để trục lợi thì quả là việc làm
thiếu đạo đức, nếu không nói là tội ác!
Tại hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu
cá theo nghị định 67/CP diễn ra ở Bình Định ngày 9.6, ông Trần Châu, Phó chủ
tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết 18 con tàu vỏ thép mới bị hư hỏng của ngư dân
Bình Định chủ yếu do hai nhà máy của Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên
Dương đóng là “rất có vấn đề”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lại nội dung cuộc họp này, cho thấy có nhiều
tình tiết rất đáng lưu ý. Ông Trần Châu cho biết "mới đây ngư dân lại đề
nghị không thẩm định độc lập tàu hư của họ nữa. Đây là chuyện kỳ lạ, có vấn đề,
không loại trừ khả năng có “đi đêm” (giữa nhà máy và chủ tàu).
Còn đại diện của Mitsubishi (Nhật Bản) thì báo
cáo là "8 trong số 9 máy mang nhãn hiệu công ty này lắp cho tàu vỏ thép ở
Bình Định lại không phải là hàng chính hãng. Như vậy là càng có vấn đề ” - ông
Trần Châu khẳng định.
Theo ông Teddy Trương Thưởng - đại diện của
Mitsubishi tại Singapore, các kỹ sư của hãng đã kiểm tra và phát hiện máy chính
và máy phát điện mang nhãn Mitsubishi của 8 chiếc tàu vỏ thép do Công ty Nam
Triệu đóng cho ngư dân Bình Định có dấu hiệu bị cải hoán. “Các máy này có hoán
cải cho phù hợp với môi trường thủy, như bơm nước biển lắp rời, bộ giải nhiệt
có cải tạo, chưa kể máy phát điện có dấu hiệu không phải của hãng...” - ông Thưởng
nói.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thì
cho rằng câu chuyện 18 tàu vỏ thép ở Bình Định hư hỏng nặng là “một bài học
thấm thía”. “Dấu hỏi đặt ra là tại sao cả nước đóng 297 tàu vỏ thép mà hư hỏng
lại chỉ tập trung ở tỉnh Bình Định mà lại chỉ ở 2 nhà máy của Công ty TNHH một
thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Chúng ta cần biết, hầu
hết đều là vay vốn từ Ngân hàng BIDV?”
Khi sự cố xảy ra, lại có những khuất tất cần đặt
ra, đó là các ông chủ đầu tư tàu cá có lúc chấp nhận rút đơn khiếu nại, không
kiện cáo đơn vị đóng tàu để họ sửa chữa, thay máy, sơn phết lại và cầm 1-2 trăm
triệu đồng bù đắp. Rồi có lúc lại không chịu (dù trước đã chịu sẽ không kiện),
gửi đơn lại. Liệu có chuyện thông đồng" đi đêm" giữa doanh nghiệp đóng
tàu với chủ tàu hay vì tưởng đã có chút lợi bù đắp rồi nên họ rút đơn?
Việc người dân vay vốn nhà nước theo chính sách
ưu đãi để đóng tàu vỏ thép hoàn toàn không phải là vốn được hỗ trợ không hoàn
lại để các doanh nghiệp đóng tàu tính chuyện chấm mút. Lẽ ra, trong thời điểm
hiện nay, những doanh nghiệp nào được đưa vào danh sách tham gia đóng tàu phải
lấy đó là vinh dự và cũng là trách nhiệm để làm thật tốt, hết sức mình cho ngư
dân với giá cả phù hợp. Nó đâu phải là "tiền chùa" để họ toan tính
những chuyện như vậy được.
Nhân việc này, các địa phương chưa có chuyện xảy
ra tương tự như Bình Định cũng không nên chủ quan, xem nhẹ mà cũng cần lưu tâm
để ý chấn chỉnh nếu còn đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67/CP thì cần giám
sát chặt chẽ ...
Việc có thể phải mời công an vào cuộc như tỉnh
Bình Định đề cập, theo tôi là đúng. Cần buộc nơi sản xuất tàu cá kém chất lượng
phải làm lại, đảm bảo chất lượng cho chủ đầu tư .
Không thể nào chấp nhận chuyện tàu mới đóng mà
dùng mới được 9 tháng đã hỏng hóc, rỉ sét tùm lum đến như vậy. Việc tàu nằm bờ
lâu để sửa chữa cũng rất tai hại về kinh tế. Nếu không quyết liệt buộc nhà sản
xuất khắc phục, để rồi ngư dân phải ôm cục nợ to lớn kia, chắc gì trả nổi một
khi không có phương tiện ra khơi .
Nếu có dấu hiệu vi phạm trầm trọng, tôi đề nghị
phải khởi tố và nghiêm trị trước pháp luật để răn đe các doanh nghiệp khác, nếu
họ còn muốn đóng tàu cho ngư dân. Phải nâng hình phạt lên ở tội phá hoại kinh
tế, phá hoại một chủ trương tích cực của Nhà nước ta với ngư dân sống bằng nghề
biển.
Vì thế, hành vi đóng tàu kém chất lượng, gian
dối để thu lời nhiều là tội ác đáng bị phê phán. Nên nhớ, ngoài việc họ ra khơi
đánh bắt hải sản để mưu sinh, họ còn có nghĩa vụ cao cả là tham gia bảo vệ chủ
quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, họ rất xứng đáng được bảo
vệ.
Quốc Phong
Nguồn: Theo MTG