Tôi đọc "người đọc"
mỗi ngày
PV. Như
anh vừa diễn tả, trong bào thai, tức là từ khi còn trong giai đoạn hoạt động
của phong trào học sinh sinh viên trước 1975 thì khát vọng tự do, độc lập đã là
xu hướng chủ đạo, khi đã thực sự hình thành và phát triển trong một đất nước
thống nhất, độc lập, khát vọng đó đã được thỏa mãn?
- Nhà báo Huỳnh
Sơn Phước: Độc lập, thống nhất rồi, nhưng kinh tế ngày càng
tiêu điều, nhân tâm ly tán, người dân lại đứng trước những yêu cầu mới trong
thời bình. Cư dân Sài Gòn - những con người từng trải trong kinh tế thị trường-
đã nói "không" với kinh tế chỉ huy, chủ động cởi trói cho sản xuất
bung ra và đặt lên bàn những nhà hoạch định đường lối chính sách những câu hỏi
về quyền tự chủ trong sản suất kinh doanh, tự do trong chọn lựa tiêu dùng… Tất
cả những điều đó dội lên mặt báo trở thành mối quan tâm hàng đầu, thành niềm hy
vọng của người đọc mỗi ngày.
Tôi nhớ vào
những năm 1980, thời TT phát triển với tốc độ nhanh, người đọc chọn TT, trước
hết như bày tỏ thái độ đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu trói chết sức
sản xuất, không tin vào con người và lạnh lùng với những phát kiến đòi hỏi đổi
thay.
Tôi nhớ
nhiều ấn tượng sâu sắc về vai trò của báo chí "đêm trước đổi mới."
Lúc đó, mỗi sáng người đọc trở dậy, mở trang báo xem TT có gì mới trước
hết ở những tin tức liên quan đến kết quả của những cuộc thể nghiệm còn rất dè
dặt từ những doanh nghiệp đầu tiên rút chân khỏi cơ chế bao cấp đặt quan hệ với
thị trường. Họ đọc say sưa những bài phóng sự phản ánh những đổi thay thuyết
phục ở nông thôn khi người nông dân ở Đông bằng sông Cửu long giành lại quyền
tự do canh tác trên đồng ruộng của mình.
* PV : Giải Nhất
báo chí toàn quốc về "Nạn xe cướp cơm tù" năm 2003 và "Góp phần
xoa dịu nỗi đau da cam" năm 2004, một lần nữa khẳng định vị trí của TT
trong làng báo chí và trong lòng người đọc. Làm sao TT có được những "bàn
thắng" như thế?
- Nhà báo Huỳnh
Sơn Phước: Vào một ngày cuối năm 2002, ông Hương bị bọn xe cướp
đả thương phải đưa đến bệnh viện tỉnh Bình Thuận, nhưng ông đã trút hơi thở
cuối cùng trước khi được cấp cứu. Chứng kiến cái chết đau thương của ông Hương,
người bác sĩ trực đêm đó đã gọi cho TT.
Bản tin buồn với
nhiều tình cảm bức xúc tưởng như tuyệt vọng của người thầy thuốc được đặt lên
bàn của cuộc họp tin sáng hôm sau như một mệnh lệnh từ người đọc, đòi hỏi nhà
báo phải vào cuộc. Lập tức các PV và CTV của TT đang có mặt tại các tỉnh dọc
quốc lộ 1A lần lượt ngồi vào ghế hành khách ngược xuôi từ Đồng Nai, Bình Thuận
cho đến Hà Tĩnh, Nghệ An.
Còn cuộc vận động "Xoa dịu nỗi đau da cam", người đọc không chỉ
phát hiện, mà còn tham gia làm báo. Anh Nguyên Hoàng đã truy cập trang WEB vận
động và ký tên vì công lý trước khi gởi đến TT bài viết có tựa "Chẳng lẽ
chúng ta vô cảm". Người đọc thứ hai, chị Anh Đào viết tiếp "Chúng ta
không vô cảm". Chính người đọc đã bước lên diễn đàn và sử dụng TT để phát
động một chiến dịch dài ngày "Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam" với
hai chương trình: Ký tên vì công lý và quyên góp ủng hộ tài trợ cho vụ kiện và
chăm sóc nạn nhân.
Nỗi đau da cam đến được với bà con người
Việt và nhân loại đồng cảm trên toàn thế giới. Thông tin tiếng Việt từ Tuổi Trẻ Online được tiếp ứng bằng hàng loạt Website của sinh viên, hay bà con người
Việt đang sinh sống ở nước ngoài với nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha,
Đức, Nga… truyền khắp các châu lục.
* PV : Một nhật báo ngốn một lượng sự kiện khổng lồ hàng ngày, quả là rất
cần nguồn tiếp ứng thông tin, lực lượng bạn đọc hùng hậu, những người có mặt
khắp nơi đã hỗ trợ rất nhiều cho TT. Ngẫu nhiên họ đến với TT hay TT đã tổ chức
cho bạn đọc làm báo?
- Nhà báo Huỳnh Sơn
Phước: Mạch thông tin phản hồi từ người đọc được cả một bộ máy tiếp nhận. Mỗi
ngày trên bàn BBT có hai bản tin sáng, chiều phản ánh ý kiến của bạn đọc. Trong
môi trường tiện lợi của Internet, thông tin của bạn đọc qua email vừa rất kịp
thời, vừa đầy đủ gần như một tác phẩm báo chí.
Người đọc viết tiếp những bài báo, làm tiếp những trang báo dang dở, góp ý
điều chỉnh chủ trương biên tập. Người đọc tin cậy cộng tác với TT có phần do
ngày càng rõ vai trò quan trọng của họ thể hiện trên trang báo. Mặt khác, tôi
còn nhận ra ở sự hỗ trợ của người đọc cả lòng xót thương đối
với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách.
HUỲNH SƠN PHƯỚC
( Nhà báo )