Một ngư dân Quảng Nam
đóng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 có tổng vốn hơn 17 tỷ đồng đã nộp đơn
khởi kiện doanh nghiệp ra tòa vì tàu vừa xuống nước đã hỏng máy.
Ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khởi
kiện Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (Cty Bảo Duy, trụ sở ở Đà Nẵng) và Công ty
TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Cty Liên Á, trụ sở tại phòng 606, tháp A1, tòa
nhà Indochina Plaza Hà Nội, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Tàu QNa 94679 TS lúc hạ thủy |
Theo đơn khởi kiện của ông Liên, hệ thống máy trên tàu bị hư hỏng ngay từ
khi xuống nước và đã phải nằm bờ suốt 2 năm qua. Ông Liên yêu cầu các công ty
có liên quan phải nhanh chóng khắc phục hư hỏng máy tàu để ra khơi.
Ông Liên cho biết, con tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 94679 TS có công suất
gần 1.000 CV được đóng mới theo Nghị định 67 với tổng số vốn hơn 17 tỷ đồng.
Con tàu do Cty Bảo Duy đóng phần thân, phần máy tàu do Cty Liên Á cung cấp là
hàng của hãng Mitshubisi.
Để đóng con tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng, ông Liên cho biết phải
bán tàu cũ với giá 800 triệu đồng làm vốn đối ứng. Ngoài ra, ông phải vay thêm
tiền ngân hàng.
Con tàu được ông đặt ky đóng vào tháng 9/2015, đến tháng 3/2016, tàu hạ
thủy và tiến hành chạy thử nhưng mới chạy được một đoạn thì tàu hỏng máy và
được đưa vào nằm cho đến nay. Khi kiểm tra máy thì phát hiện ra màng lọc nhớt
bị hỏng.
Sau khi chạy thử, tàu bị hỏng máy và không khắc phục được nên nằm bờ đến nay |
Ông Liên bức xúc: “Tôi là ngư dân, không rành về máy móc nhưng tôi cho rằng
có gì đó khuất tất. Máy được mua của hãng Mitsubishi từ Nhật có giá trị hơn 2
tỷ đồng. Máy móc mà như vậy chắc chắn là có vấn đề. Tàu mới chạy thử mà máy móc
đã như vậy, nếu đưa vào hoạt động đường dài thì chắc tôi bị lỗ nặng”.
Theo hợp đồng đóng tàu thì Cty Bảo Duy đóng phần thân tàu, máy tàu do ông
Liên ký hợp đồng mua bán với Cty Liên Á và do Cty Bảo Duy lắp ráp. Khi sự việc
xảy ra, cả ngư dân và công ty đóng tàu bị thiệt hại do tàu không thể ra khơi vì
máy hỏng.
Vì quá bức xúc với con tàu đã đóng nhưng không thể ra khơi, ông Liên khởi
kiện hai Cty Bảo Duy và Cty Liên Á ra Tòa án nhân dân TP Tam Kỳ (Quảng Nam)
nhưng đã hai lần tòa mở xét xử nhưng đều bị hoãn vì nhiều lý do. Không biết bao
giờ mới tiếp tục xét xử, vụ việc càng kéo dài lâu thì cả ngư dân lẫn đơn vị
đóng tàu đều thiệt hại lớn.
Ông Liên bức xúc: “Suốt hai năm qua, cả gia đình tôi phải làm đủ nghề để
kiếm sống qua ngày để chờ được giải quyết, chưa kể tôi đã vay hàng trăm triệu
đồng ứng trước cho bạn tàu nhưng nay họ cũng bỏ đi tàu khác do không chờ được”.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện lãnh đạo Cty Bảo Duy cũng bức xúc
khi đơn vị chỉ hợp đồng với ông Liên đóng phần vỏ, còn máy móc thì ông Liên hợp
đồng với Cty Liên Á mua về lắp ráp. Khi máy móc bị hỏng, ông Liên khởi kiện cả
Cty Bảo Duy và Cty Liên Á ra tòa nhưng vụ việc chưa được xử lý dứt điểm khiến
Cty Bảo Duy cũng gặp rất nhiều khó khăn vì mới được ngân hàng giải khoảng 3 tỷ
đồng, còn khoảng 7 tỷ đồng chưa được giải ngân.
Theo lãnh đạo Cty Bảo Duy, đơn vị có hợp đồng đóng vỏ tàu và hoàn thiện
đúng hợp đồng, còn phần hư hỏng máy móc thuộc trách nhiệm của Cty Liên Á. Khi
sự cố xảy ra, Cty Bảo Duy đã quyên góp cán bộ, nhân viên được 600 triệu đồng để
hỗ trợ ông Liên mua phụ tùng về thay thế nhưng cũng không sữa chữa được vì hư
hỏng quá nặng.
Hiện tại, cả ngư dân và Cty Bảo Duy đều muốn tòa án xử lý dứt điểm vụ việc
để ngư dân có tàu đánh bắt trả nợ ngân hàng, còn đơn vị đóng tàu cũng được giải
ngân để giải quyết khó khăn vì trong vài năm qua, tiền lãi vay để đóng tàu cũng
đã tăng lên “chóng mặt”.
Công Bính
Nguồn: Theo Dân Trí