Xuân Dương: "Chính vì “cha chung không ai khóc” nên những điều nhà
bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn (1726 -1784) chỉ ra từ hơn 200 năm trước về nguy cơ
mất nước:
“Trẻ
không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn
lan, sĩ phu ngoảnh mặt”
cho đến hôm nay
vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Làm công bộc của dân, không quan trọng khi dân khen,
quan trọng là việc mình làm.
Làm việc tốt cho quốc gia, dân tộc có thể hàng chục,
hàng trăm năm sau mới được công nhận. Đó mới là tiếng thơm để dành cho hậu thế
chứ không phải những câu xưng tụng chỉ chờ có dịp là vội vã vang lên."
(GDVN) - Nhìn ra đường thấy rất nhiều vụ tai nạn giao
thông; nhìn vào chợ - kể cả siêu thị - thực phẩm bẩn tràn lan; nhìn lên rừng:
gần hết cây...
Các cụ nhà ta ngày xưa dùng câu “cha chung không ai
khóc” để nói đến chuyện những gì là của chung thường không được quan tâm, bị bỏ
mặc không ai ngó ngàng tới.
Hàm ý trong câu nói này là phê phán thái độ vô trách
nhiệm đối với việc chung, tài sản chung bao gồm cả của tập thể và nhà nước.
Sau cải cách ruộng đất, vùng nông thôn xuất hiện hình
thức “Tổ đổi công”, “Hợp tác xã”, đó là mô hình “tập thể” đầu tiên của nền kinh
tế Việt Nam.
Dần dần khái niệm “tập thể” được vận dụng “đại trà”
trong các lĩnh vực phi kinh tế, chẳng hạn như “làm chủ tập thể”, “tập thể lãnh
đạo” hoặc “quyết định tập thể”,…
Chắc chắn khái niệm “tập thể” được nêu trên không phải
“cha chung”, thậm chí cũng chẳng có “họ hàng xa” gì với “cha chung”, thế thì
tại sao có nhiều thứ của “tập thể” lại “không ai khóc”?
Nhìn ra đường thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông;
nhìn vào chợ - kể cả siêu thị - thực phẩm bẩn tràn lan; nhìn lên rừng: gần hết
cây; nhìn xuống sông, xuống biển tôm cá cạn kiệt.
Chỉ một vụ tôm hùm chết ở Phú Yên, sơ sơ cũng khoảng
770.000 con, thiệt hại ước tính khoảng 700 tỷ đồng.
|
|
||
Liên quan đến những vụ việc ấy, ngoài dân ra có ai
“khóc” cùng dân?
Hàng loạt bài viết trên các phương tiện truyền thông
đại chúng nhằm mục đích “động viên” hay là chỉ đích danh người cần phải “khóc”:
Tai nạn giao thông: “xử” lãnh đạo địa phương?
(nld.com.vn 19/3/2017)
Thực phẩm bẩn: lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. (Tuoitre.vn 10/5/2016)
Giáo viên dạy thêm không phép, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. (Giaoduc.net.vn 15//2/2017)
Thực phẩm bẩn: lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. (Tuoitre.vn 10/5/2016)
Giáo viên dạy thêm không phép, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. (Giaoduc.net.vn 15//2/2017)
Về vụ “thực phẩm bẩn” nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam
cần quy định một Bộ (cơ quan) duy nhất chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm thay
vì ba Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp như hiện nay.
Có điều chẳng Bộ nào tự nguyện nhận cái “của nợ” (thực
phẩm bẩn) ấy dù tất cả các bộ được sinh ra để phục vụ nhân dân.
Bởi thế, dân mới
có lý luận rằng: Cứ để “bẩn” như hiện nay, có xảy ra chuyện gì mỗi bên chịu
một tí, đôi khi lại còn tìm được lý do đổ lỗi cho bên kia, thế mới là nhất cử
nhưng “ba bốn tiện”!
|
Chính vì được “tập thể” quan tâm như vậy nên suốt mấy
chục năm qua, ngành Sư phạm vẫn chưa thoát cảnh “chuột chạy cùng sào”. Đội ngũ
giáo viên phổ thông cũng rơi vào tình trạng “một cổ ba tròng” như thực phẩm,
chuyên môn do ngành Giáo dục quản, nhân sự do bên Tổ chức/Nội vụ quản còn quỹ
lương thì do Tài chính nắm.
Chuyện xử lý một vụ án phụ thuộc vào quyết định của
“liên ngành” báo chí đã đề cập quá nhiều.
Thông thường “Liên ngành” là bộ tam “Điều tra - Kiểm
sát - Tòa án”, đôi khi còn có thêm sự chỉ đạo của cấp ủy hoặc cơ quan chính
quyền.
Với cách làm việc “tập thể” như vậy, nếu xảy ra án oan
sai đương nhiên sẽ chẳng có cơ quan nào phải gánh chịu một mình, và cũng đương nhiên
chẳng ai trong “liên ngành” phải bỏ tiền túi ra đến bù cho người bị oan sai.
Chuyện quản lý nợ công cũng thế, lại cũng ba cơ quan
cùng tham gia vào quá trình “vay tiền, tiêu tiền và trả nợ”.
Có lẽ đây là sự sáng tạo độc đáo của Việt Nam nên Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới cho rằng: “một người đi đàm phán vay, một người phân bổ số tiền
vay, một người đi trả nợ. Đây là điểm bất hợp lý mà chẳng quốc gia nào giống
như chúng ta”!
Không phải năm 2017 này những người có trọng trách mới
phát hiện ra cái việc “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”.
Chín năm trước, nhiều đại biểu của dân đã nói, đã chỉ
rõ sự phi lý trong quản lý tiền vay của Nhà nước nhưng “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giải trình trước
Quốc hội và kết luận tạm thời trước mắt sẽ thực hiện như vậy và tiếp tục nghiên
cứu để sửa đổi.
Đến nay, qua 9 năm
tổ chức thực hiện, tại lần sửa đổi này cũng chưa được thể hiện trong dự thảo
luật”. [1]
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, gần cuối
nhiệm kỳ đã phải thốt lên: “Thủ
tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm”.
Chủ tịch Quốc hội
đương nhiệm thì cho rằng “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta” trong chuyện vay tiền, tiêu tiền và trả nợ!
|
Từ ý kiến của hai vị Chủ tịch Quốc hội về quản lý nợ
công và nền hành chính
công, từ các dẫn chứng về quản lý thực phẩm, quản lý cán
bộ,… có thể thấy rằng những năm qua, quá nhiều thứ của chúng ta “chẳng giống
quốc gia nào”.
Có phải vì thế mà chúng ta - dù có rừng vàng, biển
bạc, có người dân cần cù thông minh, chịu khó - nhưng chỉ mới lọt vào hàng ngũ
quốc gia có thu nhập trung bình?
Sẽ thế nào nếu trong tương lai, chúng ta đảo ngược
tình hình từ chỗ “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta” thành “chúng ta chẳng
giống như quốc gia nào”?
Chúng ta khác người thì rõ rồi, vấn đề là khác như thế
nào?
Đó là nhận thức về vai trò của người đứng đầu trong
điều hành, quản lý nhà nước.
Nếu không có người dám làm, dám chịu, nếu cái gì cũng
“tập thể”, cũng “liên ngành” thì câu hỏi mà Đài Tiếng nói Việt Nam nêu lên: “Vì sao “một bộ phận không nhỏ” cán bộ cứ mãi suy thoái
đạo đức?” vẫn mãi sẽ không tìm được câu trả lời. [2]
Muốn trả lời, cách tốt nhất là trở về quá khứ, khi “Tổ
đổi công”, “Hợp tác xã” không còn phát huy tác dụng, khi đất nước thiếu ăn thì
“Khoán 10” ra đời và đất nước trở nên “thừa” lương thực.
Mỗi năm xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo là minh chứng cho
thấy khi người nông dân làm chủ mảnh đất của mình thì họ có cách - với sự hỗ
trợ của khoa học, kỹ thuật - đưa đất nước lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất
khẩu gạo.
Không phải ngẫu nhiên gần đây, vai trò của doanh
nghiệp và doanh nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, được Chính phủ xác định
là trọng tâm phục vụ.
Tại Đại hội XII, Trung ương khẳng định: “… kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền
kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh
tranh theo pháp luật”.
Cũng tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định
chủ trương: “khuyến khích hình
thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập
đoàn kinh tế nhà nước”. [3]
Điều này cho thấy trong phát triển kinh tế, quan điểm
của Đảng đã có những thay đổi căn bản, không còn dị nghị với các “ông chủ”,
không nhất thiết phải là “tập thể lãnh đạo” bởi trong các doanh nghiệp tư nhân,
doanh nhân (chứ không phải tập thể) nắm quyền quyết định thành bại của doanh
nghiệp.
Vậy chúng ta có
hy vọng trong tương lai gần, quan điểm tiến bộ trong kinh tế này sẽ được áp
dụng cho công tác cán bộ, cho chỉ đạo điều hành, cho quản lý nhà nước?
|
Nói rõ hơn, liệu trong các lĩnh vực đó, chúng ta có
thể loại bỏ “quyết định tập thể” để công nhận quyền quyết định của người đứng
đầu?
Một khi đất nước được lập trình theo “cơ chế tập thể”,
cái gì cũng do một “tập thể” nào đó quản lý thì hậu quả là nếu có sai sót “tập
thể” sẽ chịu trách nhiệm chứ không phải một cá nhân nào đó.
Vấn đề là “các tập thể” đã chịu trách nhiệm thế nào
trước dân, trước vận mệnh quốc gia và trước lịch sử dân tộc khi để xảy ra sai
phạm?
Bài viết “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy
ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” trên Trang Thông tin điện tử tổng
hợp Ban Nội chính Trung ương có đoạn:
“Thực
tế cho thấy, khi tham nhũng được phát hiện, hầu như không ai dám đứng ra nhận
trách nhiệm; khi thì người đứng đầu, lúc thì là cấp phó của người đứng đầu, ai
cũng cho rằng mình là người ngoài cuộc, đổ lỗi cho nhau.
Nhiều trường hợp,
người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh, trong việc xử lý kỷ luật đối với
người đứng đầu để xảy ra tham nhũng”. [4]
Khi một cá nhân phụ trách dưới sự lãnh đạo của “tập
thể” thì người ta có trăm nghìn lý do để không nhận trách nhiệm, để “đổ lỗi cho
nhau” mà thực chất là đổ trách nhiệm về phía “tập thể” và cũng từng ấy lý do
khiến “người có thẩm quyền nể nang, né tránh” bởi đơn giản vì sợ “rút dây động
rừng”.
Chủ trương “Nhất thể hóa” các chức danh Đảng và chính
quyền đang được thí điểm thực hiện tại Quảng Ninh và một số đơn vị có phải nhằm
khắc phục chuyện “đổ lỗi cho nhau”?
Về điều này, không gì rõ ràng hơn ý kiến của ông
Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Hóa nhiệm kỳ 2011 -
2016 về chuyện tỉnh này bổ nhiệm thừa lãnh đạo cấp sở:
|
“Nói
thực, lúc đó cũng không dám nói bởi vì công tác cán bộ trong vụ việc này là
công tác của Đảng. Bên Đảng họ nắm cả và chỉ gửi thông báo sang cho chúng tôi
thực hiện tham mưu quyết định bổ nhiệm thôi”.
[5]
Phải chăng chính vì có tới “mấy bên” liên quan đến bổ
nhiệm cán bộ (Thường vụ tỉnh, Ban Tổ chức, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân
tỉnh, Sở Nội vụ,..), nên đây là quyết định của “tập thể” và cuối cùng không thể
quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào?
Có người đã mạnh dạn nêu ý kiến: “là tư lệnh ngành, tôi phải được toàn quyền quyết định”,
tiếc rằng hình như đó là ý kiến duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Sợ chịu trách nhiệm đã trở thành đặc tính cố hữu của
một bộ phận không nhỏ cán bộ, kể cả một số người giữ chức vụ quan trọng.
Chính vì thế họ mới dựa vào “tập thể”, xem “tập thể”
là lá bùa hộ mệnh, là “cái rọ an
toàn” trên con đường quan lộ.
Khi một người, vừa nắm chủ trương vừa nắm quyền lực
thực hiện chủ trương đó thì không có lý do gì để đổ lỗi cho người khác khi
người đó không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là khi gây thiệt hại trong phạm vi
trách nhiệm được giao.
Có một vấn đề “chung” thậm chí là “rất chung” đang làm
nóng dư luận, ấy là Giáo dục.
Dù được Hiến pháp quy định là “quốc sách hàng đầu”
nhưng Giáo dục bị chi phối bởi ba đạo luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại
học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Bị phân mảnh quản lý cho các bộ, ngành, địa phương kể
cả doanh nghiệp và tổ chức quần chúng.
Hậu quả của quá trình “cha chung” đó là một nền giáo
dục tụt hậu, không đáp ứng được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho
kinh tế, nghiên cứu và quản lý xã hội.
Quốc hội khóa 14 đã phải miễn nhiệm tới ba người
(Trịnh Xuân Thanh, Đặng Thị Nguyệt Hường, Võ Kim Cự), vấn đề là nếu không qua
“Hội nghị hiệp thương”, nếu không có ý kiến của “tập thể” những người này có
thể trúng cử?
Khi đương sự bị
miễn nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội thì người/cơ quan giới thiệu có vô
can?
|
Người viết cho rằng, Trung ương nên đẩy nhanh tiến
trình “nhất thể hóa” bằng việc ban hành các quy định pháp luật, trong đó cần có
luật riêng về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ
chức, đoàn thể.
Cần đồng bộ hóa các mức độ kỷ luật của Đảng với tội
danh trong Luật Hình sự, chẳng hạn hình thức cảnh cáo trong Đảng tương đương
(hoặc thấp hơn hay cao hơn) so với tội danh “ít nghiêm trọng” quy định trong
luật?
Cần luật hóa trách nhiệm của người giới thiệu, tiến
cử, đề bạt các cá nhân đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.
Nếu bố trí, đề bạt, tiến cử nhầm những cán bộ xấu, cán
bộ không đủ phẩm chất, tiêu chuẩn thì người bố trí, đề bạt, tiến cử phải bị xử
lý cả về phía Đảng lẫn phía Chính quyền.
Chính vì “cha chung không ai khóc” nên những điều nhà
bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn (1726 -1784) chỉ ra từ hơn 200 năm trước về nguy cơ
mất nước:
“Trẻ
không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn
lan, sĩ phu ngoảnh mặt” cho đến hôm nay
vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Làm công bộc của dân, không quan trọng khi dân khen,
quan trọng là việc mình làm.
Làm việc tốt cho quốc gia, dân tộc có thể hàng chục,
hàng trăm năm sau mới được công nhận. Đó mới là tiếng thơm để dành cho hậu thế
chứ không phải những câu xưng tụng chỉ chờ có dịp là vội vã vang lên.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://vov.vn/chinh-tri/dang/vi-sao-mot-bo-phan-khong-nho-can-bo-cu-mai-suy-thoai-dao-duc-554437.vov
Xuân
Dương
Nguồn: Theo GDVN