Theo
hãng phân tích thông tin tình báo Stratfor, cuộc xung đột giữa Saudi Arabia và
Qatar đã nhanh chóng lan ra ngoài Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Cuộc tranh cãi bùng phát ngày 5/6, khi
các thành viên của GCC là Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả rập
thống nhất (UAE) và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar, vốn cũng là một
thành viên của liên minh chính trị - kinh tế này. Chỉ vài ngày sau, các
quốc gia trong và ngoài khu vực đã bắt đầu đánh giá lại quan hệ ngoại giao với
từng bên trong cuộc tranh chấp này để quyết định nên đứng về phe nào.
Qatar giờ đây phải chống lại áp lực cấm vận đến từ 4 quốc gia "anh em" trong GCC. (Nguồn: GlobalSpaceVillage) |
Hai bên chiến tuyến
Đối với UAE, Ai Cập và Bahrain, việc
gây áp lực lên Qatar là điều cần làm. Giống như đồng minh thân cận của họ là
Saudi Arabia, những quốc gia này buộc tội Qatar đang gây bất ổn định khu vực.
Những nước này cũng lo ngại về ảnh hưởng của Iran tại khu vực.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác hầu như
không có sự lựa chọn trong vấn đề này. Đơn cử như chính quyền của Tổng thống
Yemen Mansour Hadi buộc phải tham gia chiến dịch của Saudi Arabia chống Qatar
vì Riyadh ủng hộ họ trong cuộc nội chiến tại Yemen. Chính phủ Libya cũng quyết
định đứng về phe chống Qatar vì họ có liên minh chặt chẽ với Saudi Arabia,
UAE và Ai Cập trong khi Doha lại đang hậu thuẫn những dân quân Hồi giáo
chống chính phủ ở Libya. Các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi ở châu Phi cũng
đặt ưu tiên cho quan hệ với Riyadh bằng cách xa lánh Doha.
Một số quốc gia khác thì không có được
sự lựa chọn rõ ràng như vậy. Sudan, nước đã thắt chặt quan hệ kinh tế với Qatar
trong mấy năm gần đây, không đủ sức cắt quan hệ với Doha bất luận áp lực từ
Saudi Arabia. Trong khi đó, Pakistan có khả năng sẽ tiếp tục phớt lờ những lời
đe dọa của Riyadh và cố gắng duy trì lập trường trung lập giữa Saudi Arabia và
Iran.
Hai thành viên còn lại của GCC thậm chí
còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Kuwait và Oman vốn tự hào là
nhà trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột khu vực, do đó hai quốc gia
này đã nỗ lực hết sức để làm dịu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar. Tuy
nhiên, những hoạt động ngoại giao không mệt mỏi của Quốc Vương Kuwait khi tới
Saudi Arabia, UAE và Qatar chỉ trong ngày 6/6 cũng không thể ngăn xung đột leo
thang. Trước đó ngày 5/6, Oman cũng không thành công trong việc thuyết phục
Doha nhượng bộ.
Về phần mình, Qatar chống cự được trước
áp lực ngày càng tăng cũng vì họ nhận được sự ủng hộ từ những nước khác. Quan
hệ quân sự của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giúp Doha đa dạng hóa các
quan hệ đối tác an ninh, mà còn đem lại cho họ lực lượng tăng viện trong cuộc
xung đột hiện nay. Hôm 7/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng thông qua điều
luật cho phép triển khai thêm binh sĩ tới Qatar, nơi Ankara đang có kế hoạch
xây căn cứ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Quốc hội đã nhanh chóng đứng về phía Qatar. (Nguồn: ABC) |
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ đôi
bên cùng có lợi với Saudi Arabia và UAE, song giữa họ và Qatar có chung những
mục tiêu chính sách đối ngoại và đây là động lực khiến Ankara hậu thuẫn
Doha. Ngoài ra, những nỗ lực của Qatar nhằm phản kháng tham vọng quyền lực
của Saudi Arabia phù hợp với mục tiêu kiềm chế Riyadh để trở thành cường
quốc Sunni tại khu vực của Ankara.
Nga đắc lợi, Mỹ bối rối
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar cũng nhận
được sự ủng hộ từ phía Nga. Những mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đang ngày càng
phát triển trong mấy năm gần đây, đặc biệt là từ khi Quốc Vương Qatar Tamim bin
Hamad al-Thani lên nắm quyền vào năm 2013. Doha đã đầu tư gần 2,5 tỷ USD cho
Moscow và gần đây đã mua lại thị phần đáng kể của công ty dầu lửa lớn nhất
nước Nga Rosneft.
Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga vẫn phải giữ
quan hệ với những nước khác trong vùng Vịnh. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Nga khiến
Qatar có thêm sức mạnh trong cuộc tranh cãi ngoại giao này, đồng thời đem lại
cho Moscow cơ hội gây ảnh hưởng lên một tình huống vốn có thể đe dọa tới quan
hệ của Mỹ với khối vùng Vịnh về lâu dài.
Trong khi đó, cuộc xung đột trong nội bộ
GCC đang đẩy Washington vào thế bí. Mỹ cần có mối quan hệ quốc phòng thực
chất với tất cả các thành viên trong khối và cả hai phe của cuộc xung đột
đều tin rằng họ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của quốc gia này. Tuy nhiên, bằng
cách giúp cho cả Saudi Arabia lẫn Qatar, Washington có thể kéo dài sự bất
đồng này. Mỹ không “đủ sức” liều lĩnh châm ngòi cho sự tan rã của GCC vì xứ cờ
hoa có quan hệ quân sự, an ninh và tình báo chặt chẽ với khối này.
Tuy nhiên, Qatar có khả năng thoát khỏi
cuộc khủng hoảng hiện nay nhờ chính sách đối ngoại và các mối quan hệ đối tác
kinh tế đa dạng. Trong khi đó, UAE và Saudi Arabia sẽ tiếp tục đưa ra
thêm nhiều yêu sách. Ngày 9/6, hai nước này, cùng với Ai Cập và
Bahrain, đã đưa ra một danh sách xác định 59 cá nhân và 12 thực thể có quan hệ
với Qatar mà họ cho là khủng bố. Ngay lập tức Qatar phản bác danh sách này là
"không có căn cứ", phát đi tín hiệu sẵn sàng đương đầu
với cuộc chiến lâu dài trước mắt.
M.Q
(theo Stratfor)
·
Nguồn: Theo Báo Quốc tế