Ôkuma Shigenobu (1838-1922), người sáng lập đại học Waseda |
(Caphethubay.net)
- Ngạn ngữ có câu : Ở đâu không có tầm nhìn, con
người sẽ tàn lụi. Sử gia người Pháp Toqueville từng bày
tỏ : Tôi không sợ nói rằng, trong tất cả các loại triết học, thì
triết học đạo đức là cái thích hợp nhất cho nhu cầu của con người thời đại
chúng ta.
Trách nhiệm là cái gì cao cả: trách
nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, và trong thế kỷ 21, trách nhiệm đối với hòa bình thế
giới, và bảo vệ hành tinh xanh khỏi bị sụp đổ. Trách nhiệm là thể hiện
lòng trắc ẩn (compassion): các thùng nước uống miễn phí đặt
bên vệ đường, các quán cơm 2.000 đồng, thư viện cho những vùng khó khăn, mái
trường cũng như ký túc xá cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa; hay một chỗ
dạy sinh viên miễn phí về công nghệ cao ở Cần Thơ. Hay đề án hai triệu quyển
sách của ông chủ Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ, để thổi luồng gió yêu nước,
khởi nghiệp kinh doanh sáng tạo. Hay hành động xây Ký túc xá 40 tỷ của doanh
nhân Phạm Văn Bên. Hay việc xây dựng Trung tâm hội thảo quốc tế khoa học ICISE
của vợ chồng GS Trần Thanh Vân, và bà Lê Kim Ngọc.
Trách nhiệm cao cả nhất của một công
dân là trách nhiệm đối với quốc gia. J. F. Kennedy trong lễ nhậm chức
ngày 20, tháng giêng, 1961, đã để lại một câu nói đáng nhớ mãi cho đời
sau: Đừng hỏi đất nước làm gì cho bạn, mà nên hỏi bạn có
thể làm gì cho đất nước.
Để thấy trách nhiệm cá nhân, chúng
ta cần biết đất nước đang đứng ở đâu. Đất nước chúng ta đang bị lạc hậu. Lạc
hậu từ tiếng súng của Pháp tại Đà Nẵng giữa thế kỷ 19. Chúng ta vẫn lạc hậu 60
năm sau khi Phan Châu Trinh viết các bài chính luận vào đầu thế kỷ 20. Chúng ta
lạc hậu thế kỷ 20. Và đầu thế kỷ 21 chúng ta vẫn lạc hậu mà chưa thấy lối ra.
Kinh tế chúng ta là kinh tế tạm bợ, chắp vá, gia công, lấp ráp. Sức mạnh dân
tộc 90 triệu chưa bật lên như 35 triệu dân tộc Nhật 150 trước, hay 35 triệu dân
tộc Hàn năm 1975. Chúng ta đông nhưng không mạnh. Người Nhật, người Hàn không
bao giờ hài lòng với kinh tế làm thuê. Chúng ta chưa có cơ sở hạ từng tri thức
để phát triển tài năng ngay tại chỗ. Chúng ta đang chảy máu chất xám.
Thanh niên Nhật thời Minh Trị đi học
không phải để đi làm quan, hay công chức, hay chỉ học cho cá nhân. Mà họ học vì
tham vọng muốn đưa đất nước ngang lên bằng với các cường quốc. Họ học để sáng
tạo, vực dậy đất nước đang cũ kỹ, để tự hào trở thành một công dân toàn cầu
không thua kém ai. Đó là trách nhiệm tự thân của họ.
Người Nhật tự hào mình là dân tộc
đạo đức, đạo đức hơn cả phương Tây! Khẩu hiệu khai sáng của họ thời Minh Trị là
“Công nghệ phương Tây, Đạo đức phương Đông”. Đạo đức là
cái gốc của con người. Có đạo đức
mới xây dựng được đất nước. Cụ Phan Châu Trinh từng nhận xét: Chúng ta mất nước
cũng vì chúng ta mất đạo đức. Đạo đức bao gồm trách nhiệm cao nhất đối với xã
hội.
Ôkuma Shigenobu, người sáng lập Đại
học Waseda năm 1882, để lại một thông điệp có tầm nhìn cho
thanh niên Nhật Bản: Hãy là “công dân mẫu”, để trở thành “công dân thế giới”,
tức “công dân toàn cầu”, như là một trách nhiệm cao cả:
Nhật Bản hôm nay đứng giữa hai nền
văn hoá Đông và Tây. Lý tưởng lớn của chúng ta nằm ở chỗ tạo dựng sự hài hoà
của hai nền văn hoá này, và ở sự nâng cao nền văn minh phương Đông lên tầm cao
của nền văn hoá phương Tây để cho hai nền văn hoá cùng tồn tại trong sự hài
hoà…Để đạt được điều đó, chúng ta trước nhất phải biến độc lập
của sự học [Humboldt] và sự áp
dụng của nó thành mục tiêu chính yếu của chúng ta; chúng ta phải nổ lực theo
đuổi nghiên cứu độc đáo và sau đó áp dụng kết quả của các
nghiên cứu đó một cách thực tiễn. Những ai dấn thân vào một sự nghiệp như thế phải
tôn trọng chính cá nhân của mình, nổ lực mưu tìm phúc lợi của gia đình họ, lao
động cho lợi ích của nhà nước và xã hội họ, và tham gia vào những vấn đề thế
giới. Đấy chính là người công dân mẫu…
Để có thể trở thành công dân mẫu,
tri thức thôi không đủ; sự xây dựng một nhân cách
đạo đức là cần
thiết… Do đó, nguyên lý cơ bản của giáo dục phải là sự rèn luyện tính
cách. Người ta trở thành ích kỷ nếu chỉ nổ lực thu thập tri
thức chuyên môn và quên đi những điều tôi nói ở trên. Hơn nữa, tinh thần tự hy
sinh của con người cho quốc gia họ và cho thế giới sẽ từ từ suy sụp đi…
Ôkuma Shigenobu (1838-1922), người sáng lập đại học Waseda, |
Khoa học ứng dụng chính là điều nhà
khai sáng Yukichi Fukuzawa từng kêu gọi trong tác phẩm nổi tiếng Khuyến Học: Hãy chuyển sang Thực
học, xa rời
loại học từ chương của Trung Hoa vô bổ (Kangaku). Ông kêu gọi thanh niên Nhật
Bản:
“Đã quyết
chí học hành thì phải học cho đến nơi đến chốn.
Còn nếu theo
nghề nông thì quyết trở thành hào phú.
Nếu làm
thương nghiệp thì phải quyết trở thành đại thương gia.
Sinh viên
không được mãn nguyện vì sự ổn định cõn con của mình.”
Lý tưởng của họ rất lớn. Và họ nói
là làm. Thực tế, khi Ōkuma gửi thông điệp trên, 1901, thì Nhật Bản đã xây dựng
xong cơ sở hạ tầng tri thức, các thể chế đại học và nghiên cứu, điều quan trọng
hơn, dâm bồi được văn hóa khoa học của phương Tây lên mãnh đất họ để tự đào tạo và
nuôi dưỡng những hạt giống tại chỗ. Họ chỉ mất 30 năm để làm việc đó. Đó là trách
nhiệm của nhà nước. Giải Nobel
đầu tiên của Hideki Yukawa 1949 là trái ngọt tất yếu của mảnh đất văn hóa
đó. Ông là nhà khoa học đầu tiên được đào tạo 100% trong nước. Tiếp theo,
Shin'ichirō Tomonaga, người bạn đồng môn của ông, nhận giải Nobel thứ nhì năm
1965. Nhật Bản thực tế đã trở thành một trung tâm học thuật của thế giới, đi từ
bắt chước đến sáng tạo, như những người cha lập quốc từng mơ ước. (1)
Nền học thuật của VN là tụt hậu.
Những tài năng như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn chỉ có thể phát huy ở nước
ngoài, và rồi chẳng thể về VN sống và làm việc được. Chúng ta mãi mãi là vùng
trũng của tri thức hay sao?
Nước Mỹ đã chứng minh một điều: Họ
rất cá nhân chủ nghĩa, rất tư bản chủ nghĩa, nhưng lại rất giàu lòng nhân
ái. Lòng vị kỷ (self-love) được khai sáng sẽ trở thành vị
tha (altruism). Hãy xem
các nhà hoạt động nhân ái của họ như Andrew Carnegie, Leland Stanford, như Ezra
Cornell, Henri Ford, John Rockefeller, rồi đến các nhà tỉ phú hôm nay: Bill
Gates và vợ, Warren Buffett, Mark Zuckerberg và vợ, Chuck Feeney. Cuối thế kỷ
19, đầu 20, họ đã xây dựng các đại học vĩ đại, vì biết rằng họ đang hái những
trái thấp, các thế hệ sau muốn hái được những trái cao thì phải cần đến các bậc
thang cao của tri thức, và đó chính là các đại học mà họ đã đầu tư. Năm mươi
năm sau, các đại học đó thăng hoa, và ngày nay thăng hoa chưa từng có, để phục
vụ đắc lực nền kinh tế Mỹ. Đó là sự thể hiện trách nhiệm từ tầm nhìn cao của
những nhà giàu Mỹ. (2)
Khi đề cập các cuộc Khai sáng trong
lịch sử, người ta thường nhắc đến những tính chất như lý tính, dân quyền, tự
do, bình đẳng, khoan dung, tiến bộ và khoa học, trong đó lý tính luôn luôn đứng
đầu. Điều đó không sai. Nhưng người ta đã bỏ quên tính chất đức hạnh (virtue). Lý trí không chưa
đủ, mà còn phải có lòng thương cảm, con người mới tồn tại được. Một cuộc Khai sáng
đạo đức, Moral
Enlightenment, vì thế là rất cần thiết: của những “đức hạnh xã hội” – như lòng
trắc ẩn (compassion), nhân từ (benevolence), mối thương cảm (sympathy). Nước
Anh thế kỷ 18 đã cung cấp cho nhân loại cuộc khai sáng như thế, được đại biểu
bởi David Hume và Adam Smith. Smith nổi tiếng từ thời ông vừa là nhà kinh tế
chính trị học, vừa là nhà triết học của đạo đức (moral philosopher). Tác
phẩm Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết của Những tình cảm
đạo đức, 1759), ra đời trước tác phẩm The Wealth
of Nations (Sự
phồn vinh của các quốc gia, 1776) 17 năm, và được tái bản nhiều lần. “Lòng
thương hại” (pity), “Lòng trắc ẩn” hay “Từ bi”, “Lòng nhân từ”, “Mối thương cảm”,
là những từ mà Smith đã dùng trong quyển sách để chỉ ra các phẩm chất cơ bản
của bản chất con người tạo thành các tình cảm đạo đức của chúng ta. “Chính sự
cảm nhận nhiều hơn cho người khác, ít hơn đi cho chúng ta, hạn chế sự ích kỷ,
và có nhiều tình cảm nhân từ, là những tính chất làm thành sự hoàn hảo của bản
chất con người.” Theo Smith, khu vực công được ngự trị bởi nguyên lý của công
lý (justice) có tầm quan trọng thứ yếu so với khu vực tư, nơi những tình cảm
của lòng thương cảm và từ tâm là quan trọng hàng đầu.
Tượng Adam Smith trước nhà thờ Gille, Edinburgh |
Thế kỷ 18 của Anh quốc còn là “Thời
đại của lòng nhân từ” (Age of Benevolence), với vô số tổ chức từ thiện, nhân
ái, “Sunday Schools” (dạy học những người nghèo), hay “Friendly Societies” (các
tổ chức của công nhân tự bảo hiểm để tương trợ lẫn nhau). Nhưng rồi, thời đại
này cũng dần dần yếu đi trước những biến cố lịch sử, người đời thích những giá
trị cổ điển như chủ nghĩa anh hùng, lòng dũng cảm, và sự minh triết. Smith đã
để ra năm cuối đời để bổ sung vào quyển sách Những tình
cảm đạo đức của
ông một chương mới có tiêu đề: “Về sự thoái hóa của những tình cảm
đạo đức của chúng ta, điều đã bị gây ra bởi khuynh hướng ngưỡng mộ người giàu
và kẻ lớn, và khinh miệt hay bỏ quên những người sống nghèo khổ và khó khăn.” Ông đã linh tính những diễn biến
sắp tới.
May thay, di sản Khai sáng
đạo đức của
nước Anh đã được chuyển sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Các nhà giàu Mỹ, hay
người Mỹ nói chung, tiếp tục làm cuộc khai sáng đạo đức của nước Anh – bằng những
hành động phi thường. Anh quốc của thế kỷ 18, và Hoa Kỳ của thế kỷ 20 và 21, là
đất nước của những “Sự đam mê lòng trắc ẩn”, passion of compassion, như từ ngữ
đáng ghi nhớ của bà Hannah Arendt.
Ở đây, chúng ta không thể quên một
nhà hoạt động nhân ái lớn của Mỹ đã tiếp sức cho Việt Nam. Đó là tỉ phú Chuck
Feeney, người giàu lên từ chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shop. Từ 1998 –
2006, ông đã giúp VN tổng cộng $220 triệu cho các đề án giáo dục, y tế, thư
viện, từ Cần Thơ ra miền Trung lên đến Thái Nguyên. Nhưng điều ít ai biết là:
Quỹ Atlantic Philanthropies của ông đã tài trợ phân nửa
chi phí xây dựng cho Đại học RMIT Nam Sài gòn, 33,6 triệu USD, để đại học này
hình thành từ mảnh đất hoang. Mục đích ông là muốn thấy một đại học hiện đại
(state-of-art) để "làm kiểu mẫu" cho các đại học VN, như cựu thủ
tướng Phan Văn Khải mong mỏi. Ông thể hiện tiêu chí của hoạt động nhân ái
(philanthropy): "Cho ai con cá, nuôi người đó một ngày. Dạy ai câu cá,
nuôi người đó cả đời." Một
trái tim vàng được dành cho Việt Nam từ một người xa lạ. Chuck Feeney tâm sự:
ông cảm thấy VN như ngọn đèn, và ông là con mối, mối cứ bay vào đèn. Ông là một
con người hết sức đặc biệt, đã để lại tất cả tài sản của mình, cho người khác
sống.
Thiết nghĩ, Việt Nam cần có một tổ
chức để vinh danh những người tử tế, những tấm lòng vị tha, để phát huy tiếng
gọi của trái tim. Đất nước chúng ta phải là đất nước của lòng vị tha, nhân ái.
Ước gì Chuck Feeney có mặt tại đây với chúng ta! Ước gì cộng đồng VN có dịp
tiếp xúc ông để được truyền cảm hứng, và để nói hai chữ: Cám ơn. (3)
Chúng ta rất cảm ơn anh Dương Thụ đã tổ chức buổi nói chuyện về
trách nhiệm rất bổ ích hôm nay. Sẽ thiếu sót lớn, nếu không nhắc đến những hoạt
động kiên trì của anh để kết nối về văn hóa, truyền cảm hứng, và thông tin,
trong tinh thần cởi mở học hỏi lẫn nhau từ ngót một thập kỷ qua. Chúng ta có
thể uống cà phê tại nhiều quán khác, nhưng chỉ ở đây chúng ta mới uống được
những cốc cà phê nhân văn, và nhân ái. Anh thuộc loại người mà phương Tây
gọi là social entrepreneur, có nghĩa là người góp phần “đổi mới sáng tạo văn hóa”, có lợi cho cộng đồng nhiều hơn
lợi cho anh. Những người đã từng làm thay đổi văn hóa, nếp nghĩ của xã hội
trong lịch sử như Francis Bacon, Galileo Galilei, Isaac Newton hay Albert
Einstein đều là những social entrepreneur tên tuổi.
Cà phê Thứ
Bảy, xét về mặt
mô hình, giống như một hạt giống của sân chơi TED của New York, nơi hội tụ mọi
tài năng có sáng kiến hay, từ những người trẻ chưa nổi tiếng, đến cả những nhà
khoa học giải Nobel, hay cả tổng thống. TED là sân chơi của “ý tưởng đáng tuyền
đạt” trong những lãnh vực Technology, Entertainment và Design. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, hội
tụ của giới tinh hoa liên ngành. Bill Gates cho rằng chỉ số IQ tổng hợp của tập
thể này là lớn khủng khiếp. TED thật ra là sự lập lại mô hình của thành phố
Florence, Ý, nơi gia đình Medici, một gia đình giàu có trị vì, nhưng có tầm
nhìn, mời tất cả tài năng nghệ thuật và khoa học của nước Ý đến để tạo ra hiệu
ứng Phục Hưng. Người ta gọi đó là Hiệu ứng Medici. (4)
Chúng ta mong mỏi Cà phê thứ Bảy sẽ là nơi hội tụ ngày
càng nhiều hơn nữa những tài năng Việt Nam để cho những ý tưởng hay lan tỏa, vì
lợi ích của cộng đồng. Xin nhiệt liệt hoan nghênh và cám ơn anh Dương Thụ.
NGUYỄN XUÂN
XANH
6/2017
[1] Xem thêm: Nguyễn Xuân Xanh, Lời dẫn nhập trong sách Yukawa, Tự
truyện. NXB ĐHQG,
sắp ra mắt 2017.
[2] Xem thêm: Nguyễn Xuân
Xanh, Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam. NXB Thành phố, 2016.
[3] Xem thêm: Nguyễn Xuân Xanh: Chuck
Feeney: “Chuyện bây giờ mới kể”. Trên mạng.
[4] Xem thêm: Nguyễn Xuân Xanh, Giáo dục nào
cho tương lai? Trên
mạng
*Bài phát biểu tại buổi sinh hoạt
của Cà phê Thứ Bảy sáng ngày 17/ 6/ 2017, để kỷ niệm 21 năm ngày thành lập Tập
đoàn Trung Nguyên.
Trong phần thảo luận, tác giả phát
biểu thêm trước khi kết thúc:
Người ta
phải là cái gì, để làm được một cái gì.
(Man muss
etwas sein, um etwas zu machen)
J. W. GOETHE
Nhật Bản Minh Trị thuê nhiều nhà
giáo dục, trí thức, chuyên gia qua tham gia cuộc canh tân vĩ đại đang giục giã.
Họ đã dành ra một quỹ rất lớn, chiếm 1/3 quỹ của giáo dục để trả lương cho
chuyên gia. Nhiều chuyên gia đã được trả lương cao hơn lương của Thủ Tướng. Một
trong những chuyên gia trong đó là giáo sư hóa, thực và động vật học, William
S. Clark ở Amherst, Massachusetts, Hoa Kỳ, sang để xây dựng Đại học nông
nghiệp, sau này là Đại học Hokkaido. Khi từ giả, ông có câu nói nổi tiếng với
sinh viên và cả dân tộc Nhật: “Boys, be ambitious”, “Các bạn trẻ, hãy có tham
vọng” (nhiều hoài bảo). Người Nhật thật sự có tham vọng đưa đất nước họ lên
nhanh chóng nhất ngang bằng với phương Tây, không những về công nghiệp, kinh
tế, khoa học, mà còn về văn hóa. Mỗi người cần “nhiều hoài bảo” hơn, đừng quá
rục rè, tham vọng một cách chính đáng, để là chính mình, phát huy tất cả sức
mạnh của mình, góp phần đóng góp cao nhất cho đất nước.
Nhưng các bạn chỉ có thể thể hiện
trách nhiệm ở mức độ cao nhất, khi bạn “là một cái gì”. Đại văn hào Đức J. W.
Goethe đã có một câu nói đáng ghi vào tâm trí: “Người ta phải là cái gì, để làm
được một cái gì”. Một câu nói hết sức đơn giản như vô cùng sâu sắc. Các bạn
phải có tham vọng, nhiều hoài bảo, phải là “một cái gì”, để làm được một “cái
gì” cho đất nước, và cho chính bản thân bạn. Muốn thế, các bạn phải học hỏi và
trao dồi thật nhiều tri thức và đức hạnh. Tri thức sẽ là con tàu phá băng, đưa
bạn đến những vùng thế giới mới còn dấu mặt. Bạn sẽ thấy nhiều ánh sáng hơn,
cảm nhận được nhiều tự do hơn, sáng tạo và năng động hơn, đóng góp hiệu quả
hơn, và bạn sẽ thấy hạnh phúc, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Đó là con đường tốt
nhất. Không có con đường nào ngắn hơn. Đó cũng là con đường giải phóng của mỗi
cá nhân, để lột xác, để từ một “con vịt xấu xí” trở thành “thiên nga”.
Sách là một phương tiện tốt nhất để
mở rộng tầm nhìn. Và đây chính là điểm son của nhà sáng lập Đặng Lê
Nguyên Vũ của Tập đoàn Trung Nguyên, người đã nhận ra tầm quan trọng của sách,
và đã thành lập đề án đưa hàng triệu quyển sách hay đến thanh niên để lập chí,
khởi nghiệp. Khi Nhật Bản Minh Trị mở cữa, những món hàng nhập khẩu đầu
tiên không phải là hàng tiêu dùng, hay công cụ sản xuất, mà
là sách. Phải, người Nhật trước tiên muốn biết phương Tây đã
làm được những gì, văn minh, văn hóa của họ hình dạng ra sao, những gì đã tạo
nên sức mạnh thần kỳ của họ. (1) Họ muốn học hỏi toàn diện văn minh phương
Tây (bummeikaika). Cty nhập khẩu sách đầu tiên đó là MARUZEN, hiện vẫn
còn hoạt động. Ngoài việc nhập sách, dịch sách của giới tinh hoa, Nhật cũng cử
đoàn Sứ mệnh Iwakura đi sang Hoa Kỳ, và các nước phát triển châu Âu
như Anh, Pháp, Đức… gần hai năm trời để quan sát và tìm khai sáng cho Nhật Bản.
Nói tóm lại: Họ chịu khó học, và học tới nơi tới
chốn, đúng theo
nghĩa của Fukuzawa.
Đầu thế kỷ 20, cũng chính công ty
sách Maruzen, và một số cty tư nhân khác, thường xuyên nhập sách liên quan đến
hai cuộc cách mạng khoa học đang diễn ra sôi nổi ở châu Âu: Thuyết lượng tử, và
thuyết tương đối. Họ là những nhà sách khai sáng, luôn luôn bám sát những diễn tiến
khoa học mới nhất của thế giới để cung cấp kịp thời cho giới khoa học trong
nước. Họ muốn chạy đua với thế giới, chứ không chịu làm quốc gia hạng ba hay
hạng hai.
Những quyển sách này mang luồng gió
mới và gây cảm hứng cho sinh viên vật lý, trong đó có Yukawa, nhà vật lý giải
Nobel đầu tiên nói trên. Nhờ những quyển sách đó mà ông đã định hướng cho mình.
Yukawa, cũng như các sinh viên khác, đọc được cả tiếng Đức lẫn tiếng Anh. Họ
học cả tiếng Pháp. Tiếng Đức bấy giờ là “ngôn ngữ mẹ đẻ” của vật lý. Lớp đầu
tiên những giáo sư giảng dạy ở các đại học Nhật là người Anh, Pháp, Đức. Họ
giảng dạy bằng ngôn ngữ của họ. Nhật phải học từ những ngôn ngữ ấy, và từ từ
làm cuộc chuyển ngữ. Họ rất chịu khó học.
Albert Einstein được mời sang Nhật
Bản diễn thuyết năm 1922 không phải từ các đại học hay cơ quan chính phủ, mà từ
một nhà xuất bản tư nhân có tên Kaizosha. Trước khi Einstein đến, Kaizosha
đã cho ra mắt một tuyển tập Einstein gồm 4 tập bằng tiếng Nhật, những thứ chưa
có ở châu Âu (2)
Muốn cho con người thông minh, thì
xã hội phải đặt nền tảng của văn hóa thông minh. Sự tiến lên của đất nước phải
đồng bộ ở tất cả các bộ phân của cơ thể xã hội. Khi nền tảng văn hóa thông minh
rồi, thì con người sẽ phát huy sự thông minh.
Vài lời chia sẻ thêm, và rất mong các bạn “phải là cái
gì, để làm được một cái gì” cho đất nước.
NXX
(1) Xem thêm Nguyễn Xuân
Xanh, Tại sao người Nhật mê đọc sách? Trên mạng.
(2) Xem Nguyễn Xuân Xanh,
Nguyễn Xuân Xanh, Lời dẫn nhập trong sách Yukawa, Tự
truyện. NXB ĐHQG
HCM, sắp ra mắt 2017
Nguồn: Caphethubay