- Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng)
Lê Minh Nguyên dịch
Đã 28 năm qua từ cuộc Thảm
Sát 4 Tháng Sáu. Máu Holocaust vẫn còn sống động với các nhân chứng. Độc tài ở
Đông Âu và Liên Sô đã qua, nhưng tại sao chúng ta người dân Trung Quốc vẫn còn
nằm dưới sự đàn áp của độc tài? Đối với nhiều người, đây là một điều vô lý.
Nhưng nằm phía dưới bề mặt của sự vô lý này, phải có lý do sâu thẳm cho chúng
ta thấu hiểu và suy nghĩ về nó.
Từ những cuộc tập hợp lớn
(vào mùa Xuân năm 1989) để tuởng niệm ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), các cuộc
biểu tình bắt đầu nở rộ ra trên khắp Trung Quốc. Không chỉ sinh viên, mà cả
người lao động và thường dân cũng đã dần dần nhập cuộc đi vào dòng chính phản
đối, thậm chí còn bao gồm tất cả đảng viên các cấp của Đảng CS lãnh đạo trừ Ủy
Ban Trung Ương Đảng CSTQ. Thật ra đó là thời điểm mà tất cả mọi người nghĩ là
cần phải thay đổi và đã cố gắng cùng nhau làm việc đó để nó xảy ra. Dưới một áp
lực vĩ đại từ công chúng như vậy, cho dù chính quyền của "Đội Quân Bắc
Hải" (Đội Quân Triều Đình TQ hùng mạnh theo kiểu Tây Phương, ban đầu do Nhà
Thanh thành lập vào cuối thế kỷ 19), được xây dựng lên bằng nòng súng, cũng
không thể đứng vững và phải thỏa hiệp, lùi bước truớc nhân dân; tựa như sự sụp
đổ của chế độ độc tài Tunisia và các Đảng CS ở Liên Sô và Đông Âu. Tại sao TQ
lại không? Chúng ta cần xem xét lại khung cảnh khi đó.
Năm 1989 đã có chứng cớ về sự
vắng mặt của một số trí thức tầm cao, những người mà sinh viên và quần chúng
coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo. Đã vậy, còn có những trí thức không
ra khỏi nhà và cho rằng: tôi chỉ chịu trách nhiệm huy động quần chúng; hoặc
thậm chí còn nói rằng: trách nhiệm của tôi là cung cấp ý tưởng, chứ không phải
để cho phong trào chính trị. Một số khác đơn giản là bỏ đi ra khỏi thành phố.
Những hành động này có thể là tiền đề cho việc an ninh lâu nay đẩy những người
bất đồng chính kiến đi du lịch và uống trà để hầu đạt được các mục đích của họ.
Cái mà tất cả chúng ta thấy
là những sinh viên ở Thiên An Môn hết sức thiếu kinh nghiệm và xa rời thực tế.
Sao họ lại đi giao nộp 3 người làm hư hại bức chân dung Mao Trạch Đông cho an
ninh? Họ có phân biệt được bạn và thù hay không? Hành động này chứng tỏ rằng
những nhà lãnh đạo phong trào thực ra là những em trẻ không có kinh nghiệm,
cũng không có đầu óc. Nói một cách giản dị, lúc đó không có ai lãnh đạo hoặc không
có một nhà lãnh đạo khả dĩ.
Không có nguời lãnh đạo, hoặc
không có nhà lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu. Sự thiếu
sót này là một trong những lý do chính tại sao phong trào quần chúng rộng lớn
như vậy lại đi đến thất bại. Một phong trào chính trị nghiêm chỉnh giống như
một con tàu đi trên biển cả, và phải có một thuyền trưởng. Nó chỉ tốt nhất khi
có một thuyền truởng kinh nghiệm với ý chí dẫn dắt tất cả mọi người đi đến bến
bờ đã định. Nếu không có thuyền trưởng, hoặc có hai hay nhiều thuyền trưởng,
khả năng lật tàu sẽ được nhân cao lên. Như tục ngữ nhân gian có câu: căn nhà sẽ
không được ngăn nắp xây ra nếu có quá nhiều thợ mộc chỉ huy.
Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ
cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại,
nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự
tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng
cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp
lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the
people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi
những mâu thuẩn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi
khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như
năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến
việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.
Năm 1989, áp lực thứ nhất về
mâu thuẩn xã hội, nó đã không tích lũy được đầy đủ sự mạnh mẽ cần thiết, và các
mục tiêu để nhân dân vùng dậy đã không đủ rõ ràng. Đôi khi chúng ta thấy các
khẩu hiệu đòi dân chủ, tự do, và chấm dứt chế độ độc tài. Tuy nhiên, đại đa số
các khẩu hiệu đều có mục tiêu cải tổ, chẳng hạn như "hỗ trợ Đảng cộng sản
chống các viên chức làm kinh doanh"; "chúng tôi muốn các viên chức
trong sạch, không phải những nguời tham nhũng"; và tương tự. Tôi
không biết ai đã cố ý đánh lừa những sinh viên chiếm Thiên An Môn để cho các
sinh viên này nghĩ rằng nếu họ thành công trong việc chấm dứt vấn nạn "các
viên chức chính quyền lãnh đạo doanh nghiệp" thì họ sẽ làm nên lịch sử và
thậm chí trở thành các nhà lãnh đạo của TQ. Có những khẩu hiệu "xóa bỏ chế
độ độc tài" nhưng đã bị gỡ bỏ nhanh chóng bởi nhóm lo về biểu ngữ, trong
nỗ lực để duy trì cái gọi là "sự trong sáng của sinh viên". Những
hành động này cho thấy rằng quần chúng vẫn còn tương đối yếu, và ý chí chống
đối của họ chưa đủ cao. Vì thế, cho dù khi có một số người đã cố gắng động viên
họ, nhưng cũng đã không đạt được mức độ như ở Liên Sô và Đông Âu. Cho nên sự
thất bại ở TQ năm 1989 không phải tình cờ, mà là không thể tránh khỏi.
Áp lực thứ hai về mâu thuẫn
trầm trọng trong nội bộ của các giai cấp thượng tầng thì nó đã đến mức tột cùng
cho sự thay đổi. Như ông Bào Đồng (Bao Tong) chỉ ra cho Thủ Tuớng Triệu Tử
Dương (Zhao Ziyang) lúc đó: Đây là cuộc tranh đấu sinh tử, vì thế không nên xử
lý mềm mỏng được. Nhưng những người được gọi là các nhà cải cách dẫn đầu bởi
ông Triệu đã trốn tránh trách nhiệm, không sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho
một cuộc cách mạng để lật đổ sự lãnh đạo của Đảng CS. Họ không sẵn sàng để lật
đổ chế độ độc tài độc đảng như đã xảy ra ở Liên Sô và Đông Âu, thay vào đó họ
đã để cho những sinh viên vô tội và dân chúng bị đổ máu, bị hy sinh tính mạng.
Đây không phả là một lý do tình cờ, mà đây là lý do chính yếu.
Áp lực thứ ba mặc dù không
cần thiết, nhưng cũng rất quan trọng. Trong lịch sử, không phải cuộc cách mạng
nào cũng cần có ngoại lực tham gia, nhưng đôi khi sự can thiệp của ngoại lực là
yếu tố then chốt để giành chiến thắng. Thí dụ như trong cuộc chiến tranh giành
độc lập của Hoa Kỳ, nếu không có sự giúp đỡ của quân đội Pháp thì đã không thể
chiến thắng được, với một đám dân quân thiếu huấn luyện để có thể đè bẹp được
đội quân chính quy được huấn luyện và trang bị chuyên nghiệp của Anh.
Nhưng năm 1989 ở Bắc Kinh,
mặc dù chúng ta cảm nhận được sự hỗ trợ của nhân dân khắp thế giới, nhưng chúng
ta không cảm nhận được cái áp lực và sự gắn kết từ các phía dân chủ. Điều này
rất khác so với tình hình của Liên Sô và Đông Âu. Ngay cả Tổng thống HK George
H. Bush cũng đã vội vàng thay vị đại sứ thân phong trào dân chủ, và tuyên bố
rằng ông sẽ không can thiệp vào "công việc nội bộ" của TQ. Những tín
hiệu sai lầm này đã trở thành yếu tố then chốt và quyết định trong việc phe
nhóm Đặng Tiểu Bình cương quyết thảm sát nhân dân.
Một số các nhà bình luận cực
đoan hơn cho rằng việc sẵn sàng để giúp các cuộc cách mạng ở Liên Sô và Đông Âu
nhưng không giúp cho cách mạng ở TQ là do chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của nguời
da trắng. Tôi nghĩ rằng cáo buộc này không công bằng và không chỉ ra được cái
nguyên nhân chính của vấn đề. Vì cho dù sau đó, từ những năm 1980's (đến nay),
Hoa Kỳ đã không quan tâm đến phong trào dân chủ TQ. Đó là vì quyền lợi quá lớn
của các công ty Mỹ ở TQ.
Chế độ CSTQ đã tuyên truyền
rằng nếu Đảng CS sụp đổ sẽ gây ra chiến tranh hỗn loạn giữa các lãnh chúa ở TQ,
và trật tự sẽ không được vãn hồi trong nhiều năm. Những sự hỗn loạn này là điều
mà giới kinh doanh trong nước lẫn hải ngoại không muốn thấy. Làm cho có
thêm lợi nhuận dưới sự bảo vệ của một chế độ độc tài sẽ làm cho các doanh nhân
vui mừng và quên đi lương tâm của họ. Cái băng đảng gồm những người da đen, da
trắng, da vàng này không quan tâm đến lý tưởng của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc,
mà chỉ muốn kiếm được nhiều đồng tiền bẩn và vì vậy từ bỏ lương tâm của họ. Kết
quả này cũng là một nhu cầu lịch sử chứ không phải là một điều gì kỳ lạ. Thật
không may, năm 1989, không có nhà lãnh đạo để nói với các sinh viên và dân
chúng nên làm thế nào để tránh hoặc đi vòng qua cái điều hiển nhiên này.
Giờ đây, sau 28 năm tích lũy,
có thể nói rằng thời gian đã khác, và với tất cả các điều kiện ngày càng trở
nên đầy đủ hơn so với trước đây. Sự khác biệt lớn nhất là sau vụ thảm sát đẫm
máu do chế độ CS gây ra, nhân dân TQ đã nhanh chóng sáng mắt và thấy được bản
chất của Đảng CS. Dân chúng sẽ cuơng quyết hơn để tiến tới, với mục đích rõ
ràng cho một hệ thống chính trị dân chủ. Có thể nói rằng các điều kiện của một
cuộc cách mạng ở TQ đã trưởng thành hơn so với năm 1989.