Nguyễn Thức Tuấn
(GDVN) - Phiền phức đến từ sự kiểm soát ngày càng tăng
của Trung Quốc đối với Biển Đông, cả bằng quân sự hóa lẫn khía cạnh kinh tế.
Chiều ngày 9/6, tại Hội nghị Hàng hải quốc tế
Szczecin, Ba Lan lần thứ 5, có phiên báo cáo về “Đáy biển của Con Đường Tơ Lụa
- những hậu quả về kinh tế và địa chính trị của nó”.
Báo cáo được trình bày bởi nhóm nghiên cứu gồm:
Ông Radosław Pyffel - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở
hạ tầng châu Á (AIIB) tại Ba Lan; các chuyên gia Patrycja Pendrakowska, Paweł
Behrendt đến từ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Ba Lan.
Ngoài ra còn một chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải
và Công nghệ cao Cộng hòa Azerbaijan cũng tham gia báo cáo này.
Báo cáo đã phân tích các mặt tích cực, mặt hạn chế và
những hệ lụy tiêu cực đối với các nước tham gia vào chiến lược “Một vành đai -
Một con đường” của Trung Quốc.
Sau phần báo cáo, các học giả và các nhà quản lý đã
bình luận sôi nổi về tầm quan trọng của Biển Đông đối với hoạt động hàng hải
toàn cầu.
Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Radosław Pyffel – Giám
đốc của AIIB:
“Những nguy cơ và
thách thức nào sẽ tác động tiêu cực đến tuyến hàng hải này, cũng như có thể gây
khó khăn tới chiến lược "Con đường Tơ lụa mới trên biển" của Trung
Quốc?”.
Ông Radosław Pyffel cho rằng:
“Đây là vấn đề rất
phức tạp. Và chính sự phức tạp ấy đã, đang ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn cho
chiến lược “Con đường Tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.”.
Ông cũng trao đổi thêm góc nhìn về vai trò rất quan
trọng của Mỹ tại Biển Đông hiện nay.
Học giả Paweł Behrendt cũng nhận định rằng:
“Nguy cơ chính ở
khu vực này là các chính sách quyết đoán của Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến
ngư dân các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Biển Đông là điểm
khởi đầu của “Con đường Tơ lụa mới trên biển”. Do đó, vùng biển này có tầm quan
trọng rất lớn đối với Bắc Kinh.
Bảo đảm an toàn cho
vùng biển này là một trong những chương trình nghị sự quan trọng nhất trong
chính sách của Trung Quốc, nhưng ở đây đang xuất hiện những hệ lụy tiêu
cực.
Phiền phức đến từ
sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Biển Đông, cả bằng quân sự
hóa lẫn khía cạnh kinh tế.
Trung Quốc hiện
đang trong tình trạng khá thoải mái, mạnh hơn nhiều so với những nước có yêu
sách khác, do đó, họ có thể tìm cách gây áp lực bằng kinh tế để đạt được những
giải pháp có lợi cho họ.”.
Các học giả, các nhà quản lý Ba Lan và EU tham gia phiên tranh biện tại hội nghị, ảnh do tác giả cung cấp. |
Trả lời một câu hỏi khác của chúng tôi về giải pháp
khả thi và bài học từ biển Baltic, ông Paweł Behrendt – Chuyên gia tại Trung
tâm Nghiên cứu Châu Á - Ba Lan cho biết:
“Vấn đề ở Biển
Baltic đơn giản hơn nhiều so với Biển Đông.
Chúng tôi đã có một
số tranh chấp về ranh giới của các vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh bắt cá,
nhưng chúng tôi đã được Liên minh Châu Âu đứng ra giải quyết.”.
Vì thế ông cho rằng:
“ASEAN có thể đóng
vai trò tương tự ở Biển Đông, nhưng chỉ khi Trung Quốc thực sự quan tâm.
Một khi Bắc Kinh
vẫn chưa quan tâm đến bất kỳ "giải pháp toàn cầu" nào thì tôi không
thấy có cơ hội về một giải pháp hợp lý cho tất cả các bên tại vùng biển này.”.
Bên ngoài hành lang Hội nghị, ông Bogdan Ołdakowski –
Tổng thư ký Tổ chức Các cảng vùng Baltic cũng chia sẻ những quan ngại về tình
hình căng thẳng trên Biển Đông.
Ông cho rẳng, Việt Nam nằm ở vị trí rất quan trọng,
quan trọng hơn so với các quốc gia như Ba Lan, trong chiến lược “Con đường Tơ
lụa mới trên biển” của Trung Quốc.
Vì thế, ông hy vọng các bên liên quan sớm có những
nhượng bộ nếu muốn cùng nhau xúc tiến nhanh lộ trình này.
Từ trao đổi của các chuyên gia cho thấy một nhận định
chung rằng, vai trò và vị trí chiến lược của Biển Đông, cũng như của Việt Nam
và các nước ven Biển Đông, là rất quan trọng trong chiến lược “Con đường Tơ lụa
mới trên biển” của Trung Quốc.
Tình hình căng
thẳng tại đây rất không có lợi cho toàn cục.
|
Do đó, sự nhượng bộ của Trung Quốc để đạt đến một thỏa
thuận hợp lý với các bên nhằm duy trì hòa bình và tự do hàng hải tại Biển Đông
là cần thiết, để tạo thuận lợi cho chiến lược do chính Trung Quốc đề ra.
Hội nghị hàng hải quốc tế Szczecin là một hội nghị
thường niên, được Bộ Kinh tế biển và Giao thông nội thủy Ba Lan phối hợp với Uỷ
ban thành phố Szczecin, các trường đại học tại Szczecin và các cơ quan, tổ chức
hàng hải tại EU đứng ra tổ chức.
Hội nghị năm nay có 4 hợp phần, bao gồm:
1) Vận tải, cảng và các nhà máy đóng tàu; 2) Giáo dục
và sự đổi mới trong ngành hàng hải; 3) Luật, tài chính và an toàn hàng hải; 4)
Thủy sản và Sinh thái.
Hội nghị này hiện là một trong những diễn đàn hàng đầu
về ngành hàng hải và các lĩnh vực liên quan như giao thông đường thủy nội địa,
kinh tế biển,… tại châu Âu.
Rất nhiều các hãng thông tấn, báo chí tại EU đã đến
đưa tin.
Ban tổ chức cho biết, đã có trên 800 học giả, các nhà
quản lý và đại diện các công ty, tổ chức có liên quan trong các lĩnh vực này
tại Ba Lan và châu Âu đến tham gia.
Khai mạc Hội nghị năm nay, Thủ tướng Ba Lan Beata
Szydło đã đặt ra rất nhiều kỳ vọng với diễn đàn này.
Tại các phiên tranh biện về chiến lược và những chính
sách hàng hải của Hội nghị năm nay, có đại diện các bộ phụ trách về hàng hải và
giao thông nội thủy của các nước như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ukraine, Slovakia,
Belarus và Đức.
Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện các tổ chức
hàng hải hàng đầu tại châu Âu:
Liên đoàn Các cảng nội địa châu Âu, Hiệp hội Tàu
thuyền và các thiết bị hàng hải châu Âu (SEA Europe), Liên đoàn Các bến cảng và
các nhà khai thác cảng tư nhân tại châu Âu, Phòng cơ động và vận tải (DG MOVE)
của Ủy ban Châu Âu, Tổ chức Các cảng biển Baltic,…
Do đó, nhận thức chung, những thông điệp và ảnh hưởng
từ Hội nghị này đối với EU, cũng như đối với quốc tế là rất có ý nghĩa.
Nguyễn
Thức Tuấn
Nguồn: Theo GDVN