Tư dinh 10,000 mét vuông của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái, tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. (Hình: Báo Giáo Dục Việt Nam) |
YÊN BÁI, Việt Nam (NV) –
Ông Nguyễn Tiến Bình, tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam, vừa khẳng định việc
công an tỉnh Yên Bái bắt ông Lê Duy Phong, trưởng Ban Công Tác Bạn Đọc của báo
này, là bất thường.
Ngày 23 Tháng Sáu, công an tỉnh Yên Bái chủ động cung
cấp thông tin và hình ảnh liên quan đến việc bắt giữ ông Phong một ngày trước
đó.
Theo đó, trưa 22 Tháng Sáu, ông Phong bị bắt quả tang
đang nhận 250 triệu đồng của một doanh nghiệp, tại một nhà hàng, tọa lạc ở
phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, để im lặng, không đả động gì đến các
sai phạm của doanh nghiệp này.
Công an tỉnh Yên Bái khẳng định, ông Phong đã lợi dụng
hoạt động báo chí để “cưỡng đoạt tài sản” và vì vậy đã tạm giữ ông Phong để
điều tra thêm.
Sau khi tin vừa kể được loan báo rộng rãi, nhiều người
tin rằng, ông Phong bị công an gài bẫy.
Ông Phong chính là tác giả hai loạt bài điều tra trên
báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động.
Loạt bài thứ nhất liên quan tới tư dinh của ông Phạm
Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị
Thanh Trà, bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các
biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước…
Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào
đâu ra tiền để tạo lập tư dinh trị giá cả trăm tỷ đồng như thế, ông Phong còn
chỉ ra nhiều điểm bất thường khác đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành
phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các
phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một
cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy?
Loạt bài thứ hai liên quan đến tư dinh của ông Đặng
Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Xét về quy mô và giá trị tư dinh của
ông Chiêu còn lớn hơn tư dinh của ông Quý. Tầm vóc thuộc loại lớn nhất tỉnh Yên
Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn đã rất xa hoa, bề thế ở tỉnh này.
Ngay sau khi ông Phong bị bắt, tổng biên tập báo Giáo
Dục Việt Nam nói với báo giới rằng, tờ báo này chưa nhận được bất kỳ thông báo
nào từ công an tỉnh Yên Bái về việc bắt giữ ông Phong. Sở dĩ ông Bình biết tin
ông Phong bị bắt là nhờ đọc các tờ báo khác và được thân nhân của ông Phong báo
tin.
Ông Bình nói với báo Người Lao Động rằng, ông đã liên
lạc với bí thư tỉnh Yên Bái, đề nghị hỗ trợ tổ chức một buổi làm việc chính
thức giữa báo Giáo Dục Việt Nam và công an tỉnh để làm rõ tại sao ông Phong bị
bắt.
Ông kể thêm, qua một số người biết chuyện thì ông
Phong được một doanh nghiệp mời đến Yên Bái tư vấn và ông Phong không có bất kỳ
thỏa thuận nào với doanh nghiệp về tiền bạc. Tại nhà hàng, doanh nghiệp chủ
động bày tiền ra bàn và ngay sau đó công an ập vào. Số tiền được bày ra bàn chỉ
có 50 triệu chứ không phải 250 triệu đồng như công an tỉnh cung cấp cho báo
chí. Ông nhấn mạnh, việc nhận tiền như thế là trái với tính cách của ông Phong.
Ông nhận định, ông Phong đang điều tra nhiều chuyện
bất thường liên quan tới một số viên chức lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong đó có cả
bí thư và giám đốc công an tỉnh này. Vừa qua, sau khi đăng các loạt bài điều
tra về những chuyện bất thường ở Yên Bái, báo Giáo Dục Việt Nam liên tục phải
tiếp khách, nhận điện thoại, đề nghị gỡ bỏ các bài đã đăng và dừng các cuộc
điều tra. Tuy nhiên tờ báo này không chấp nhận.
Theo ông Bình, ông rất muốn biết tên doanh nghiệp đã
đưa tiền cho ông Phong và tại sao lại đưa tiền khi báo Giáo Dục Việt Nam không
nhắm vào doanh nghiệp nào tại Yên Bái. Bởi vì giám đốc công an tỉnh từng là đối
tượng trong một loạt bài điều tra mà báo Giáo Dục Việt Nam mới đăng, ông Bình
đề nghị Bộ Công An rút hồ sơ vụ cáo buộc ông Phong “cưỡng đoạt tài sản” về để
điều tra.
Ông nhấn mạnh: “Nếu để công an tỉnh Yên Bái điều tra
thì tôi e rằng sẽ không khách quan.” (G.Đ)
Nguồn: Theo NV