Đưa 100-200 triệu đồng cho các ngư dân,
đơn vị đóng tàu thuyết phục họ ký đơn bãi nại về các con tàu hỏng.
Chiều 11/6, ông Đinh Công Khánh, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình
Định) chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng cho biết, cách đây 6 ngày ông Bùi Hữu
Hùng, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu và ông
Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) đến gặp
ông, đưa ra văn bản soạn sẵn.
Theo ông Khánh, nếu ông ký văn bản, công ty sẽ đưa 200 triệu đồng, đồng
thời khắc phục tàu hư hỏng. “Hôm đó trời tối, ông Hùng năn nỉ nên tôi đồng ý ký
vào và đưa cho họ cầm đi, một bản tôi giữ lại chưa ký”, ông Khánh kể.
Khi đọc lại ông Khánh cho biết nội dung văn bản yêu cầu sau khi nhận tiền,
ông phải rút những kiến nghị trước đó và không khiếu kiện gì với công ty Nam
Triệu cũng như đơn vị cung cấp máy.
“Sáng hôm sau, đại diện Công ty xuống, tôi đòi lại văn bản thì họ bảo không
mang theo nhưng tôi quả quyết hủy cam kết này”, ông Khánh thuật lại.
Tàu của ngư dân Đinh Công Khánh bị gỉ sét toàn bộ. Ảnh: Đắc Thành |
Ông Khánh giải thích do ban đầu không đọc kỹ nên ông mới ký. “Tàu tôi hư
hỏng nằm bờ 5 tháng, thiệt hại quá lớn dại gì mà rút đơn kiến nghị”, ông Khánh
nói.
Tương tự, ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) chủ tàu vỏ thép
gặp sự cố cho hay, ngày 5/6 lãnh đạo Công ty Nam Triệu mời ông đi uống cà phê.
Sau đó đề nghị ông rút đơn kiến nghị về việc yêu cầu ngành chức năng thẩm định
tàu đã gửi đi trước đó.
Phía công ty thỏa thuận đưa cho ông Sơn 100 triệu đồng và cam kết lắp máy
mới. Sau đó hai bên ký vào văn bản "thỏa thuận và cam kết".
"Khi đọc bản cam kết tôi thấy nhiều chỗ chưa sáng tỏ nên đã đề nghị để lại
hoặc sửa cho phù hợp, nhưng phía Công ty bảo ký vào và tôi nghe theo”, ông Sơn
kể.
“Đơn là do phía công ty viết, tôi ký. Tôi đề nghị họ chờ 3 ngày để tham
khảo ý kiến gia đình nhưng họ không chờ, tự ý gửi đơn đến cơ quan chức năng rút
đơn khiếu nại trước đó”, ông Sơn bày tỏ.
Máy tàu không chính hãng của ngư dân Bình Định, công ty cung cấp may cam kết sẽ lắp lại máy mới. Ảnh: Đắc Thành |
Ông Bùi Hữu Hùng, phó giám đốc Công ty Nam Triệu thừa nhận có làm biên bản thỏa thuận và cam kết với ngư dân. Ông giải thích số tiền này là công ty hỗ trợ khi tàu bị hư hỏng.
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình
Định cho hay có 7 người dân trước đó gửi đơn đến UBND tỉnh khiếu nại tàu vỏ
thép gặp sự cố. Nội dung nói về con tàu của mình xuất xưởng chưa được một năm
mà vỏ đã gỉ sét trầm trọng và máy hư hỏng.
Thời điểm UBND tỉnh Bình Định thành lập tổ kiểm định chất lượng độc lập thì
bất ngờ có 7 đơn xin rút lại khiếu nại đã gửi trước đó. “Dù ngư dân đã rút đơn
khiếu nại thì tổ kiểm định tàu vỏ thép vẫn kiểm định đầy đủ số tàu này”, ông
Phúc cho biết.
Trong diễn biến khác, ngày 9/6, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu
Hoàng Gia Phát ở (quận 2, TP HCM) đơn vị cung cấp máy để lắp vào tàu cho ngư
dân Bình Định gửi cam kết thay lại máy mới. Thời gian tiến hành từ 1 đến 3
tháng.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát
triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ
sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu
đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần.
Tại Bình Định có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 tàu composite đóng theo
Nghị định 67. Tuy nhiên có 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trước sự việc này, Thủ
tướng đã giao Bộ Nông nghiệp làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động
đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định này; kịp thời đề xuất xử
lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6.
Ngày 8/6, đại diện hãng cung cấp máy Mitsubishi của Nhật Bản đến kiểm tra
số tàu hư hỏng và phát hiện số máy không phải chính hãng Mitsubishi.
|
Đắc Thành