Nguyễn Đình Cống
Sau vụ CA Hà Nội khởi tố “Vụ Đồng
Tâm”, có 2 luồng dư luận trái ngược về hành động viết bản cam kết của ông Chủ
tịch TP. Một số cho đó là sự khôn ngoan, kịp thời làm dịu tình hình, tháo ngòi
nổ. Bên khác, đông hơn cho rằng đây là trò lừa bịp, là thủ đoạn xảo trá. Thế
còn bản thân ông chủ tịch, ông suy nghĩ thế nào, ông nói gì trước và sau khi ký
cam kết. Điều ta nghĩ và lời ta nói có thể giống nhau khi ta là người
trung thực. Còn nếu ta là kẻ thủ đoạn thì điều nói ra và suy nghĩ có thể
ngược nhau, việc đó chỉ có ta biết, Trời biết, người ngoài chỉ có thể phỏng
đoán.
Tại sao cùng một việc làm mà kẻ cho là
khôn, người cho là đểu. Ấy là do nhận thức và cũng một phần do tàn tích của nền
văn hóa lạc hậu. Dân tộc Việt qua hàng ngàn năm phải đấu tranh chống bọn
ngoại xâm ở thế lấy yếu địch mạnh, ở thế châu chấu đá xe,
nhiều lúc phải đánh du kích, tập kích, phải dùng nhiều mưu kế để đánh lừa kẻ
địch, để đưa chúng vào những “cái bẫy” do ta lập sẵn. Ngay cả những trận đánh
lớn, chiến dịch lớn, một trong những thành công đầu tiên là nghi binh, là trận
địa giả để lừa đối phương. Những mưu kế đánh lừa kẻ địch ấy được ca ngợi là
khôn ngoan, là thông minh, được phổ biến, tuyên truyền, dần dần thấm vào máu,
vào nhận thức của đông người, trở thành một xu hướng trong nền văn hóa.
Người ta đồng nhất mưu mẹo lừa dối trong chiến tranh với trí thông minh,
với sự khôn ngoan và rồi tìm cách vận dụng nó vào cuộc sống.
Trong một số triều đại phong kiến, các
bậc vua sáng biết chuyện này nên sau khi kết thúc chiến tranh vua cấp bổng lộc
cho tướng tá và không dùng họ trong quản lý xã hội. Để làm việc dân sự phải
tuyển chọn loại người khác, có trí thông minh khác, có sự khôn ngoan khác. Đó
là thông minh, khôn ngoan xuất phát từ trung thực, gắn với minh bạch,
tránh xa lừa đảo, dối trá. Các ông vua biết rằng nếu dùng các ông tướng có
nhiều thành tích trong chiến tranh để cai trị dân thì các ông ấy dễ dàng dùng
mưu mẹo với dân và khi có gì không vừa lòng, sẵn sàng xem dân như kẻ địch
trên chiến trường để tìm mưu mô đối phó. Nếu như thế dễ dẫn xã hội đến loạn
lạc.
Dân Việt, kể cả một số trí thức đã nhiều
năm nhầm lẫn giữa mưu mô dối trá, những trò láu cá với trí thông minh nên mới
sáng tác ra nhiều chuyện dân gian kiểu Trạng Quỳnh lừa các bà chúa, chuyện anh
nông dân lừa con quỷ trong việc hợp tác làm ruộng, kể cả chuyện Vua Hùng lừa
Thủy Tinh v.v…Rồi biết bao mưu mô lừa địch trong chiến tranh được phổ biến rộng
rãi. Những chuyện đó được dạy trong các trường, trẻ em Việt đã nhận thức nhầm
giữa mưu mô, dối trá và trí thông minh chân chính. Rồi nữa, nhiều tướng tá, sĩ
quan càng có nhiều mưu mô, càng có thành tích trong việc dùng mưu mẹo lại được
giao quyền quản lý dân sự.
Trong quản lý dân sự rất khác trong
chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh cách mạng. Trong chiến tranh đề cao mưu
lược. Trong quản lý đề cao trung thực, minh bạch, lòng tin. Dùng nhiều cán bộ
trưởng thành trong chiến tranh cho quản lý dân sự là một trong những sai lầm
lớn về tổ chức. Nhầm lẫn giữa mưu mô lừa dối với trí thông minh và khôn ngoan
là một trong những nhầm lẫn về nhận thức.
Quay trở lại chuyện ông Chủ tich TP viết
cam kết. Có 2 khả năng :
1- Ông thật lòng, tưởng rằng Chủ tịch TP
có trách nhiệm, có toàn quyền viết và thực hiện cam kết mà không biết đó là
việc làm lấn sang sân tư pháp, ông không có quyền đó, làm thế là phạm luật. Như
vậy ông là người không am hiểu, nói theo dân gian là người ngu, làm liều.
2- Nếu ông biết việc mình làm không đúng
luật, như có một số người giải thích, đây chỉ là biện pháp tình thế, ông dùng thủ đoạn đánh lừa, như kiểu lừa địch trong chiến tranh. Như thế ông là
người đểu. Đúng là trong trường hợp cấp bách có thể dùng tạm giải pháp tình
thế, nhưng không được đánh lừa dân, và khi tình trạng cấp bách qua rồi thì phải
kịp thời giải thích cho mọi người biết giải pháp tình thế đó.
Người lãnh đạo giỏi hay không, phẩm chất của họ như thế nào rất ít thể hiện trong những công việc hàng ngày. Nó thể hiện khá rõ khi giải quyết sự cố khó khăn, gay cấn. Qua sự việc trên thấy được phần nào trình độ, nhận thức của cán bộ chế độ hiện hành.