10 juin 2017

“Xử lý nội bộ” có phải là tự diễn biến, tự chuyển hóa?


Dự án Đạm Ninh Bình đang gặp khó khăn. (Ảnh: Vietnamnet.vn)


Lấy số tiền đầu tư 12 nhà máy (63.610,96 tỷ) trừ đi tổng tài sản còn lại (tính đến cuối năm 2016 là 57.679,02 tỷ) thì khoảng 6 nghìn tỷ vốn ngân sách (tức là tiền thuế của dân) đã không cánh mà bay. 

Nếu cộng thêm số lỗ lũy kế (chỉ của 10 nhà máy là 16.126,02 tỷ) thì số tiền “bốc hơi” sẽ vào khoảng trên 22 nghìn tỷ, tương đương khoảng 1 tỷ USD. 

Nếu biết lượng gạo do mấy chục triệu nông dân làm ra đem xuất khẩu một năm được khoảng 3 tỷ USD thì chỉ 12 dự án thua lỗ đã chiếm 1/3 công sức của họ.



Làm ăn thua lỗ, nói như ngôn ngữ văn bản là “kém hiệu quả”, không phải do những người công nhân, nông dân, giáo viên hay tiểu thương. 

Vậy nguyên nhân chắc phải do năng lực hoặc tâm đức của những cán bộ liên quan, từ người lập dự án đến người phê duyệt, từ người mua sắm thiết bị đến người chỉ đạo thi công. 

Cùng với đó là cơ chế, chính sách, luật pháp và sự buông lỏng quản lý của các cấp có thẩm quyền. Có hay không sự thao túng của các nhóm lợi ích là câu hỏi nếu đặt ra có lẽ không phải là vô lý.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. 

Báo Qdnd.vn đưa tin [2] về việc bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công thương rằng:

Một trong hai mục tiêu mà Ban chỉ đạo và Bộ Công thương đặt ra là: “Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác các Dự án thua lỗ, kém hiệu quả, trên cơ sở đó hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng”. [1]

Với mục tiêu xử lý là “Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm” nhưng nếu chỉ giới hạn trong phạm vi từ “đầu tư, vận hành, khai thác” thì e là chúng ta vẫn chỉ làm cái việc “đánh rắn giữa khúc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công tác cán bộ như sau: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. [3]

Lời giáo huấn của Hồ Chủ tịch rất rõ ràng “việc thành công là do cán bộ tốt”, “việc thất bại là do cán bộ kém”.  

Như vậy xử lý vụ việc phải lấy “xử lý cán bộ” làm trọng tâm, điều này cũng có nghĩa là không thể giới hạn ở giai đoạn “đầu tư, vận hành, khai thác” mà phải truy nguyên từ việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Hồ Chủ tịch còn nói: “khi xem xét cán bộ không nên chỉ nhìn bề ngoài, xem trong một lúc, một việc mà phải xem xét một cách toàn diện, cả quá trình phát triển của họ, những lúc gặp khó khăn cũng như lúc thuận lợi”.

Xem xét cán bộ phải “toàn diện, cả quá trình phát triển của họ” có nghĩa không chỉ xem xét khi đương chức mà cả khi đã nghỉ hưu, bởi đơn giản khi nghỉ hưu họ vẫn hưởng các tiêu chuẩn cao, thậm chí là rất cao mà nhà nước dành cho cán bộ.

Mặt khác, không xem xét những người, cơ quan cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ thiếu tâm và tầm vào vị trí lãnh đạo thì có nghĩa là chúng ta đang khuyến khích hiện tượng “kết bè kéo cánh”, khuyến khích việc hình thành các “nhóm thân hữu”, làm băng hoại đạo đức xã hội, phá hoại kinh tế, an ninh quốc phòng. 

Đó chính là nguồn gốc khiến đất nước tụt hậu, tăng khả năng bị lệ thuộc kinh tế và chính trị vào các thế lực nước ngoài - những kẻ luôn muốn chúng ta nằm trong “quỹ đạo” của họ.

Vấn đề là xử lý cán bộ sai phạm như thế nào?

Một số ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta thiếu chế tài xử lý người đứng đầu, hoặc các quy định chưa rõ ràng, đôi khi đã lỗi thời khiến việc xử lý người đứng đầu để xảy ra sai phạm gặp nhiều khó khăn.

Người viết không nghĩ như vậy, chúng ta có rất nhiều luật liên quan đến cán bộ như Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng chống tham nhũng,… 

Riêng với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ngay từ năm 2007 đã có một văn bản dưới luật là Nghị định 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 6, Nghị định số: 157/2007/NĐ-CP quy định “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nếu vi phạm chế độ trách nhiệm quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm sau đây:

a) Trách nhiệm kỷ luật;

b) Trách nhiệm dân sự;
c) Trách nhiệm vật chất;
d) Trách nhiệm hình sự;
đ) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật
”.
Vậy bao nhiêu “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức…” để xảy ra sai phạm đã bị xử lý “Trách nhiệm vật chất và hình sự” hay đa số trường hợp chỉ là kỷ luật nội bộ?

Nếu hôm nay chúng ta không sòng phẳng công và tội của cán bộ, đừng nghĩ rằng hậu thế không tìm thấy dẫn chứng để phê phán, để trách cứ một thế hệ cha ông đã khiến đất nước “đứng chót” trong không ít bảng xếp hạng thế giới, đã khiến đất nước bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 trong tình trạng “các nước đã thoát nghèo, bỏ Việt Nam ở lại”. [4]

Không thể xử lý tận gốc cán bộ phạm lỗi có phải chỉ là sự nể nang theo kiểu “tình làng nghĩa xóm” hay còn liên quan đến những vấn đề khác trong đó có thể chế kinh tế và thể chế chính trị? 

Có hay không sự “bắt tay” giữa các “nhóm lợi ích”?

Có hay không sự sự chi phối của nhóm lợi ích mạnh mẽ nhất mà Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - trong bài “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ” đăng trên Tapchicongsan.org.vn ngày 2/6/2015 - gọi tên là “nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị”? 

Luật pháp có thể còn kẽ hở, có thể chưa được sửa đổi kịp thời song đó không phải nguyên nhân cơ bản.

Có gì đó chưa ổn ở chính những người/cơ quan chịu trách nhiệm thực thi công lý, có gì đó nằm ngoài phạm trù đạo đức và luật pháp, thậm chí có nơi, có lúc nằm trên luật pháp.

Nói như nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Chi Lan:

Không thể chỉ xử lý dự án mà không xử lý những người có trách nhiệm. Theo tôi, phải truy trách nhiệm từ những người đầu tiên đưa ra chủ trương, quyết định đầu tư.

Việc này không phải do các tập đoàn, tổng công ty tự làm mà phải được cấp trên phê duyệt, cấp phép”. [5] 

Điều bà Phạm Chi Lan đề cập hoàn toàn đúng song người viết muốn bổ sung thêm, không chỉ xử lý cấp “phê duyệt, cấp phép” cho các cơ quan, đơn vị liên quan đến 12 dự án “kém hiệu quả” mà còn phải xem xét quá trình lựa chọn người đứng đầu các đơn vị đó nghĩa là liên quan đến nhiều cấp, nhiều ban, ngành cả ở cơ sở và cấp cao hơn. 

Nếu không làm đồng bộ, theo cả hai hướng thì hoặc là vô tình hoặc là cố ý bỏ qua những người có khuyết điểm, nói theo ngôn ngữ hình sự là “bỏ lọt tội phạm”.

Học tập và làm theo đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh nghĩa là thực hiện đúng những giáo huấn của Người, nghĩa là dựa vào dân, làm theo ý dân, nghĩa là phải “lấy dân làm gốc”. 

Nếu lấy cán bộ làm gốc thì chắc chắn không sớm thì muộn cũng mắc sai lầm.

Cách bảo vệ thể chế tốt nhất là làm trong sạch hàng ngũ cán bộ, đảng viên chứ không phải bảo vệ họ trước sai phạm, càng không phải chỉ “đóng cửa bảo nhau” để chứng tỏ sự nhất trí hình thức.

Nguyên tắc đang được vận dụng là phê bình và tự phê bình, song khi tự phê bình chưa mang lại hiệu quả thiết thực thì phê bình phải được xem là công cụ duy nhất. 

Phê bình không nên hiểu chỉ là những cuộc kiểm điểm trong tổ chức mà phải là những hình thức đủ mạnh khiến người mắc khuyết điểm phải chịu hậu quả về hành vi của mình.

Nói cách khác đó phải là những chế tài do pháp luật quy định chứ không chỉ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ khỏi Đảng.

Dù Ủy ban Kiểm tra có đưa bao nhiêu vụ xem xét kỷ luật mà không có phiên tòa nào được mở thì cũng có nghĩa là sai phạm vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát.

Nếu quả thật như vậy thì thật khó để dân tin, thật khó để mọi người cho rằng cách xử lý nội bộ không phải là biến tướng của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Tài liệu tham khảo:







Xuân Dương


Nguồn: Theo GDVN