Phan Tất Đức
Bác ruột tôi mất tích từ cuối tuần trước.
Phan Tất Đức |
Hầu hết mọi người
trong gia đình đều nghĩ bác đã nghĩ quẩn. Chúng tôi sống trong một trạng thái
bấn loạn. Thậm chí, gia đình đã thuê người mò xác bác ở những sông, hồ gần nhà.
Bác trai là cựu chiến
binh kháng chiến chống Mỹ, từng chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị và đường 9 Nam
Lào. Sau chiến tranh ông xuất ngũ. Không may, do ảnh hưởng của chất độc hóa học
nên người con trai duy nhất của bác đã phải chịu di chứng, ảnh hưởng đến sự
phát triển cả về thể hình lẫn trí não. 37 tuổi, nhưng anh vẫn hoàn toàn phải
sống phụ thuộc vào cha mẹ.
Điều gì khiến một cựu
chiến binh từng vào sinh ra tử ở nơi ác liệt nhất của cuộc chiến; một người
cũng đã gồng mình chống chọi với cuộc sống mưu sinh đầy khắc nghiệt lại tuyệt
vọng, tìm đến sự giải thoát ở tuổi xấp xỉ 70? Câu trả lời là tín dụng đen.
Con rể bác cờ bạc, rồi
vay tiền tín dụng đen. Giờ nhóm này thay vì tróc nã ông rể quý kia, lại đè ông
bà nhạc phụ ra để siết nợ. Thời gian qua, nhà bác liên tục bị khủng bố với cấp
độ ngày càng gia tăng. Ban đầu là ném sơn, mắm tôm, chất thải vào nhà. Rồi đến
vác dao, kiếm đến nhà chỉ thẳng mặt dọa dẫm.
Với hai ông bà già
không có công ăn việc làm ổn định (mưu sinh bằng công việc rửa xe và bán hàng
nước tại nhà), lại phải nuôi một người con bị ảnh hưởng chất độc hóa học thì
đào đâu ra tiền mà trả. Nhất là khi trước đây ông bà cũng từng vài lần vay mượn
để thu xếp cho yên chuyện.
Sự việc này kéo dài
khiến bác tôi suy sụp lớn về cả tinh thần và sức khỏe. Bác đâm đơn cầu cứu ra
công an phường. Nhưng chưa được xử lý. Nhóm côn đồ vẫn liên tục hành hạ. Đỉnh
điểm là vài ngày trước khi bác mất tích, đang đêm nhóm giang hồ ngang nhiên kéo
đến đập phá, rồi khóa trái cửa gia đình. Sự manh động khiến gia đình bác hoảng
loạn.
Rồi ba ngày sau đấy,
không ai còn nhìn thấy bác đâu, sau khi bác ra khỏi nhà trong một tối mưa gió
với lời nhắn: “Đi trả nốt nợ cho con”.
Sau khi bác tôi mất
tích, một số cơ quan thông tấn có vào cuộc, trả lời báo chí về trường hợp của
bác tôi, lãnh đạo phường nói rằng: Việc vay nợ và siết nợ là việc thường xuyên
xảy ra trên địa bàn tỉnh. Công an đã nhận được đơn trình báo về việc gia đình
bị chủ nợ uy hiếp. Tuy nhiên, với những vụ việc liên quan tới đòi nợ họ phải
chuyển lên cấp thành phố “để phối hợp điều tra”.
Tôi thực sự không
hiểu: nếu vay nợ và siết nợ là việc thường xuyên xảy ra trên địa bàn thì cơ
quan chức năng phải phản ứng nhanh với nó mới đúng. Hay vì thường xuyên xảy ra
nên nó bị coi là chuyện bình thường?
Tôi chỉ thấy tiếc và
đau xót. Tôi không biết cái việc đúng quy trình, chuyển lên Công an Thành phố
ấy nó quan trọng thế nào. Nếu không đúng quy trình thì Phường bị kỷ luật ra
sao? Nhưng giá như thay vì “đúng quy trình”, chờ chuyển lên Công an Thành phố,
Phường vào cuộc ngay, thì có lẽ bác đã không cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng, mà
nghĩ quẩn như thế.
Tôi cũng chẳng hiểu
cái quy trình ấy nó phức tạp và kéo dài như thế nào? Chỉ biết rằng cho đến bây
giờ khi nhà bác tôi vẫn đang cuống quýt tìm kiếm thông tin rồi mò xác bác trai,
thì bọn côn đồ đòi nợ thuê vẫn hung hăng đến gây rối, khiến sự đau lòng nhân
lên.
Câu trả lời của lãnh
đạo phường làm tôi nhớ đến câu chuyện cấp giấy chứng tử tại Phường Văn Miếu, Hà
Nội. Đương nhiên, quy trình là một ngày. Nhưng nếu xử lý ngay cho dân trong
15-20 phút thì liệu có bị kỷ luật không?
“Việc gì lợi cho dân,
ta phải hết sức làm” - câu nói ấy hẳn những vị cán bộ đều đã nghe và thuộc.
Thực tế, trong lịch sử cũng từng chứng kiến không ít những cán bộ tự ra quyết
định, thậm chí là xé rào để có lợi cho dân, như sáng kiến khoán hộ của cố Bí
thư tỉnh ủy Kim Ngọc, đi thu mua lúa gạo cứu đói cho TP HCM của cố Thủ tướng Võ
Văn Kiệt. Tất cả họ đều được lịch sử, nhân dân ghi nhận. Trong trường hợp này,
ông Trưởng Công an Phường hay bà Phó Chủ tịch Phường Văn Miếu kia có thể không
được vinh danh như thế. Nhưng ít nhất họ cũng sẽ nhận được sự hàm ơn, tôn trọng
của gia đình bác tôi, gia đình đi khai tử. Nếu như họ có thể tự ra một quyết
định để phản ứng khi người dân cần.
Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ
người lãnh đạo có đủ dũng khí và quan trọng nhất là đủ tâm để làm điều có lợi
cho dân không. Hay là cái được gọi là quy trình ấy sẽ được sử dụng như một tấm
lá chắn vạn năng, là nơi trú ẩn cho sự vô cảm.
Tín dụng đen không làm
việc theo trình tự; chúng làm việc bằng mọi thủ đoạn nhằm đối phó với người
lương thiện. Và trước một vấn đề đã trở thành vấn nạn của cả xã hội, phản ứng
từ phía chính quyền, vẫn là một cuộc phối hợp đa cấp với nhiều văn bản qua lại,
làm cho người trong cuộc như tôi không biết làm gì ngoài day dứt.
Nếu như các cơ quan
hữu trách đã làm việc đúng quy trình, liệu tôi sẽ gọi sự ra đi của bác mình là
gì?
Nguồn: Theo VNE