06 juillet 2018

Bắc Kinh Tung Tiền Thao Túng Chính Trị Úc.


Nguyễn Quang Duy


Tập Cận Bình lên nắm quyền với chiến lược dùng tiền ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội từng quốc gia để từng bước khuynh đảo thế giới.



Trong đó có cả việc họ tung tiền tài trợ cho các đảng chính trị tại Úc, mua chuộc các chính trị gia, giới khoa bảng, tài trợ truyền thông ảnh hưởng đến dư luận,… nói chung là lũng đoạn cả hệ thống chính trị ở Úc.



Tuần trước Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp. Đúc kết vấn đề dẫn tới việc thông qua hai đạo luật giúp chúng ta rút ra bài học về hiệu năng của hệ thống chính trị đa đảng đối lập.



Tỷ phú Chau Chak Wing mang bí danh “CC-3”


Với sự cố vấn của Cơ quan Tình báo An ninh Úc ASIO, ngày 7/12/2017 thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đưa dự luật ra trước Hạ Viện. Cả 2 Dự Luật không hề nhắc tới Trung cộng nhưng mọi người đều rõ Dự Luật nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.



Phía đối lập Thủ lãnh Bill Shorten và Thượng Nghị sỹ Kristina Keneally liên tục cho rằng lo sợ ảnh hưởng Trung Quốc là vô căn cứ. Thượng Nghị sĩ Penny Wong phát ngôn nhân Ngoại giao tuyên bố bang giao Úc - Trung sẽ bị đe dọa và kêu gọi chính phủ phải bớt chỉ trích Bắc Kinh.



Bắc Kinh lên tiếng dự luật chủ trương “bài Hoa”, khiêu khích Trung Quốc, ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước,… Họ làm áp lực bằng cách chấm dứt thảo luận song phương với Bộ Ngoại Giao, thách thức các chiến hạm Hải quân Úc trong khu vực Biển Đông, đe dọa trừng phạt kinh tế Úc…



Về phía người Úc gốc Hoa, một số công khai ủng hộ dự luật cho biết gia đình họ ở quê nhà thường xuyên bị nhà cầm quyền đe dọa vì họ cổ vũ dân chủ cho Trung Hoa. Một số quan niệm đã là công dân Úc cần chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi như mọi công dân khác nên ủng hộ quá trình ra luật.



Nhưng đa số lại không rõ chuyện gì đang xảy ra. Nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã mở chiến dịch sử dụng truyền thông và báo chí tiếng Hoa để định hướng cử tri gốc Hoa là bị “kỳ thị chủng tộc”, rồi lèo lái dư luận ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới.



Vì tỷ phú Chau Chak Wing đã kiện công ty Fairfax và đài ABC tội mạ lỵ khi tường thuật ông hoạt động cho cộng sản, nên giới truyền thông rất e ngại khi đưa tin.



Chuyển biến bất ngờ là trong phiên họp Hạ Viện ngày 22/5/2018, dân biểu Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp Lưỡng viện Quốc Hội về An ninh và Tình báo lên tiếng lo ngại quyền tự do ngôn luận tại Úc đang bị ông Chau Chak Wing sử dụng chính pháp luật Úc ngăn cản những người dám lên tiếng chất vấn ông Chau.



Để tránh bị kiện như Fairfax và ABC, Dân biểu Andrew Hastie sử dụng quyền đặc miễn dân biểu, ông cho biết trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua đã được FBI tiết lộ tỷ phú Chau Chak-Wing chính là nhân vật mang bí danh “CC-3” đang bị FBI điều tra vì tội danh mướn bà Sheri Yan hối lộ cựu Chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe.



Ông Hastie tố cáo chính đảng Cộng sản Trung quốc đang tiến hành những hoạt động bí mật nhằm tác động và gây ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận công khai tại Úc.



Sau lời tuyên bố của ông phía đối lập ngay tức thì phản ứng, Thủ lãnh Bill Shorten và phát ngôn viên về Tư pháp dân biểu Mark Dreyfus cho rằng ông đã tiết lộ tin tức cần được bảo mật.



Nhưng đồng thời lại có 3 dân biểu đối lập công khai lên tiếng ủng hộ. Dân biểu Anthony Byrne, phó chủ tịch Ủy ban An ninh Tình báo Quốc hội cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm dân biểu Hastie.



Phát ngôn nhân đối lập về Quốc phòng Dân biểu Richard Marles cho rằng thông tin dân biểu Hastie đưa ra có tầm mức vô cùng quan trọng và cần phải thông qua dự luật càng sớm càng tốt.



Dân biểu đối lập Michael Danby, Phó chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về các Thỏa Ước (Treaties) cũng ủng hộ quan điểm của dân biểu Hastie.



Các cơ quan truyền thông Úc ngay tức thì đưa tin và bình luận về lời phát biểu của dân biểu Andrew Hastie hầu hết đều cho rằng dự luật cần thông qua càng sớm càng tốt.



Điều trần trước Thượng viện ông Duncan Lewis, Tổng giám đốc ASIO cho biết 3 điều:



Thứ nhất, lời phát biểu của dân biểu Andrew Hastie không ảnh hưởng đến quan hệ bảo mật thông tin Mỹ và Úc;



Thứ hai, gián điệp ngoại bang đang gia tăng hoạt động tại Úc đến mức không thể coi thường được nữa; và



Thứ ba, kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật vì ngoại bang đang tìm mọi cách thay đổi kết quả tranh cử sắp diễn ra.



Về Tỷ phú Chau Chak Wing


Ông Chau đến Úc chừng 20 năm đã có quốc tịch Úc và tại Úc ông kinh doanh trong ngành địa ốc. Theo đài ABC trong vòng 10 năm 2006-16, ông đã 36 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 4.123.500 Úc Kim.



Ông Chau là chủ nhân của một tờ báo hiện đang phát hành tại Trung cộng, nơi mà mọi cơ quan truyền thông đều được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được tuyên truyền cho đảng Cộng sản.



Ông còn là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Cộng một tổ chức do đảng Cộng sản lập ra, có nhiều quyền lực và nhằm cố vấn cho Tập Cận Bình.



Ông Chau đã giao cho bà Sheri Yan hằng triệu Mỹ kim để hối lộ các viên chức Liên Hiệp Quốc để gây ảnh hưởng đến các chính sách của tổ chức này.



Vào tháng 11/2013 bà Yan hối lộ chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe 200.000 Mỹ kim. Bà bị truy tố, nhận tội và phải chịu án tù 20 tháng tại Mỹ.



Khoản tiền 200.000 Mỹ kim được ông Chau sử dụng để mời ông John Ashe tham dự một Hội Nghị do ông tổ chức tại Quảng Châu. Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, hai cựu thủ tướng Úc ông John Howard và ông Kevin Rudd là những người cũng đã được ông Chau mời tới phát biểu trong các cuộc Hội Nghị do ông tổ chức.



Bà Sheri Yan là vợ của ông Roger Uren trước đây làm việc cho Cơ Quan Tình báo Kinh tế (ONA) của Úc. Tháng 10/2016, Cơ Quan Tình Báo Úc được tòa cho phép xét nhà ông bà Uren đã thu được một số tài liệu tối mật của Úc và các quốc gia đồng minh đánh giá về hoạt động của Trung cộng ông Uren đã lấy cắp trước khi nghỉ làm. Ông Uren đã bị truy tố về việc này.



Tỷ phú Huang Xiangmo


Ông Huang đến Úc 2011 đã xin nhập quốc tịch Úc nhưng hồ sơ của ông bị Cơ Quan Tình Báo Úc giữ lại.



Ông Huang có 2 lý lịch với 2 tên và visa khác nhau. Ông là lãnh đạo của Hội đồng Thúc đẩy Thống Nhất Hòa bình Trung Quốc, nhằm thúc đẩy việc thống nhất Đài Loan và xác định chủ quyền Trung cộng trên Biển Đông. Ông cũng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Cộng chuyên cố vấn cho Tập Cận Bình.



Theo ABC trong vòng 4 năm 2012-16 ông đã 46 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 2.692.960 Úc Kim.



Năm 2016, ông Huang hứa tặng 400.000 Úc Kim cho đối lập, nhưng khi phát ngôn viên đối lập quốc phòng Thượng nghị sỹ Stephen Conroy lên tiếng chỉ trích chính sách của Trung cộng ở Biển Đông ông đã rút lời hứa.



Ngay hôm sau, Thượng nghị sĩ đối lập Sam Dastyari, xuất hiện trong một buổi họp báo với ông Huang, tuyên bố ngược lại chính sách của đảng đối lập rằng Úc không nên can thiệp vào các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông.



Văn phòng ông Dastyari đã 4 lần liên lạc Bộ Di Trú để hỏi về đơn xin quốc tịch của ông Huang và sau đó chính ông Dastyari lại tiết lộ thông tin “mật” cho ông Huang ông ấy đang bị cơ quan tình báo Úc theo dõi.



Ông Huang cũng tiết lộ vào năm 2014 đã trả chi phí đi lại và 3.788 Úc Kim cho ông Dastyari cho một dự thảo luật. Vi phạm luật pháp Úc Thượng nghị sỹ Dastyari bị buộc phải từ chức.



Một tuần sau khi ông Dastyari từ chức, đảng đối lập công bố dành chức Thượng nghị sỹ cho một người rất gần gũi với ông Huang, một doanh nhân buôn vàng gốc Hoa ông Simon Zhou. Chỉ trong 1 thời gian ngắn ông Simon đã quyên góp được 140.000 Úc kim cho đảng đối lập.



Báo chí ngay tức thì đưa tin ông Zhou đang bị Sở Thuế Liên Bang điều tra về việc gian lận thuế vụ khiến ông phải từ chức trước khi tuyên thệ nhậm chức.



Ông Huang còn chi tiền để thành lập và tài trợ Viện nghiên cứu Úc - Trung thuộc Đại học Kỹ Thuật Sydney (UTS) rồi mướn cựu Ngoại trưởng Bob Carr làm giám đốc. Ông Bob Carr có vợ gốc Hoa là người nổi tiếng thân Bắc Kinh.



Tỷ phú Chau cũng đóng góp 20 triệu Úc Kim xây tặng Đại học Kỹ thuật Sydney (UTS) tòa nhà mang tên ông tòa nhà Chau Chak Wing và 5 triệu Úc kim cho việc nghiên cứu các đề tài về Úc – Trung.



Cả hai công việc trên bị nghi là nằm trong chiến lược của Tập Cận Bình mua chuộc giới khoa bảng, chuyển giao các công trình nghiên cứu về không gian, trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính của Úc cho Trung cộng, một hình thức của gián điệp công nghệ.



Cả hai tỷ phủ ngay khi đến Úc đã hiểu khá rõ hệ thống chính trị Úc và đã thâm nhập khá sâu vào chính trị Úc cho thấy họ đã được sửa soạn và thu xếp sẵn để đưa vào các vai trò họ được giao cho.



Quỹ Tranh Cử


Nhiều người nghĩ rằng việc Úc cho phép người ngoại quốc đóng góp cho quỹ tranh cử là một kẽ hở để ngoại bang ảnh hưởng đến chính trị Úc. Nhưng trường hợp ông Chau Chak Wing là người đã có quốc tịch Úc nên có quyền đóng góp như mọi công dân Úc khác.



Nhưng ngay từ năm 2015 Cơ quan tình báo Úc (ASIO) đã thông báo cho ba đảng lớn của Úc biết hai ông Huang và Chau có liên quan đến đảng Cộng sản Trung Quốc. Đáng lo ngại là trong năm 2016, đảng Tự do vẫn tiếp tục nhận 897.960 Úc kim và đảng Lao động nhận 200.000 Úc kim từ hai ông.



Dân biểu Lao Động Anthony Byrne đã đề nghị Quốc Hội cho tiến hành một cuộc điều trần về việc gây quỹ tranh cử.



Bài Học rút ra


Úc là một quốc gia dân chủ đa đảng đối lập nên qua sự kiện này chúng ta thấy khá rõ những điểm sau đây:



Thứ nhất, nội bộ mỗi đảng chính trị kềm chế lẫn nhau, như khi dân biểu Andrew Hastie tố cáo tỷ phú Chau, mặc dầu việc làm trái ý với lãnh tụ đảng đối lập vẫn có ngay 3 dân biểu cao cấp của đối lập lên tiếng ủng hộ;



Thứ hai, chính phủ và đối lập luôn kềm chế lẫn nhau để không đi đến việc chia rẽ nước Úc trong vấn đề vô cùng tế nhị “kỳ thị chủng tộc”;



Thứ ba, lập pháp, tư pháp, hành pháp độc lập luôn luôn vừa kềm chế vừa hổ trợ lẫn nhau vì quyền lợi nước Úc;



Thứ tư, truyền thông báo chí luôn kềm chế vạch ra các sai lầm guồng máy chính trị; và



Cuối cùng cử tri Úc theo dõi diễn biến và quá trình biểu quyết dự luật để càng ngày càng tin tưởng hơn vào hệ thống chính trị đa đảng đối lập tại Úc.



Hệ thống chính trị Úc rất minh bạch nhưng vẫn bị Trung cộng lũng đoạn. Trong khi hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam đã quá lỗi thời mất hẳn sức đề kháng trước ảnh hưởng của Trung cộng.



Bởi thế, Việt Nam cần một thể chế đa đảng đối lập với nhiều khuynh hướng khác nhau thì mới có thể tiến hành đồng thuận dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.


Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

5/7/2018