Hoàng Dũng
Nhớ có lần
trò chuyện với anh Hạ Đình Nguyên về cuốn Giai cấp mới của Milovan Djilas, tôi
ngạc nhiên thấy anh tỏ ra rất rành rẽ, hỏi mới biết anh đã đọc trước 1975 rất
lâu. Càng ngạc nhiên, tôi hỏi: “Thế tại sao anh còn là một Việt cộng thứ
thiệt?”. Mặt anh nhăn nhúm: “Thì do mình không tin. Đã chống cộng, thì ai chẳng
chửi cộng. Mình nghĩ vậy!”. Không chỉ một mình anh nghĩ vậy. Mà cả những trí
thức lừng lẫy tiếng tăm như Jean-Paul Sartre, tuy không phải cộng sản, cũng
từng nghĩ vậy – xin nhắc một câu của Sartre: “Tous les anti-communistes sont
des chiens” (Bọn chống cộng đều là chó cả).
Anh từng là
Chủ tịch Ủy ban Phối hợp Hành động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, bị tù ở Côn
Đảo, đến 1973 mới được thả và lại tiếp tục hoạt động. Và bây giờ, cũng như xưa,
anh bị chính quyền đối xử như kẻ bất đồng chính kiến. Anh, cũng như các anh Lê
Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, … thủ lĩnh của phong trào sinh viên học
sinh một thời, chắc phải thấy cái đắng chát của lý tưởng mà các anh đã dâng
hiến tuổi thanh xuân. Cái đắng chát ấy là chung cho trí thức “thiên tả”, Đông
cũng như Tây.
Trong bài
Anh hãy ngồi xuống đây, Hạ Đình Nguyên viết: “Từ lúc tuổi nhỏ đến cái tuổi
ngoài 20, lịch sử đã cài đặt trong tôi một phần mềm hơi bị cũ hay ĐÃ RẤT LỖI
THỜI, nhấp chuột lung tung chẳng thấy hiện lên cái điều mình mong muốn, chỉ
thấy sự nhảy múa của dã thú và thiên thần. Mà thiên thần thì nở ra từ trứng, mà
trứng thì do dã thú đẻ ra!”. Và anh xác định: “Tuổi trẻ Việt Nam phải dứt khoát
cài đặt lại phần mềm mới cho mình để phù hợp với trình độ của thời đại, đáp ứng
yêu cầu cấp bách của dân tộc”.
Hạ Đình
Nguyên đã được giải phóng thực sự và triệt để lúc 2g10 ngày 4/7/2018. Nhà anh ở
trong một khu vườn rộng, xanh mát bóng cây, cuối một con hẻm trên quốc lộ 13,
Thủ Đức, hễ tình hình có chút gì “nhạy cảm” là bị an ninh canh chừng, đã yên
tĩnh lại càng yên tĩnh hơn. Bây giờ xác thân nằm đó, anh chắc cười mỉm. Anh đã
ở một nơi an toàn tuyệt đối.