05 août 2019

Mạng xã hội và … “khẩu nghiệp”(!)

TRẦN THÚC HOÀNG


1. Dịch vụ mạng xã hội (tiếng Anh: Social Networking Service - SNS) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào dịch vụ mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng.
Dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu của mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo group (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail hoặc screen name), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm: kinh doanh, mua bán...

Hiện nay thế giới có hàng trăm dịch vụ mạng xã hội khác nhau, với MySpace và Facebook nổi tiếng nhất trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu; Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Dịch vụ mạng xã hội khác gặt hái được thành công đáng kể theo vùng miền như Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản và tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều các dịch vụ mạng xã hội như: Zing Me, YuMe, Tamtay...
Có thể nói, mạng xã hội là thành tựu văn hóa và trí tuệ của nhân loại. Mạng xã hội tạo ra một hệ sinh thái trí tuệ và truyền thông tập thể, cộng đồng rất rất ưu việt. Và đó cũng là ước mơ ngàn đời nay của loài người!
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều vấn đề về mặt trái của nó, mà báo chí còn phải tốn rất nhiều giấy mực...
2. Khẩu nghiệp là gì?
Theo kinh điển Phật giáo, Khẩu nghiệp là một loại “nghiệp chướng” được phát sinh từ lời nói thốt ra. Người ta nói khẩu nghiệp là một trong 4 nghiệp nặng nhất đời người là bởi, lời nói thốt ra như bát nước hất đi, không thể vãn hồi được, nếu là lời nói bình thường thì không sao, nhưng nếu là một lời nói ác khẩu có thể ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành động thâm trí tâm hồn người khác. Vì thế, khẩu nghiệp là một trong những tội nặng nhất mà con người hay mắc phải.
Tuy nói khẩu nghiệp là lời từ miệng phát ra, có thể có lời hay ý tốt có thể có lời nói khó nghe, độc ác nhưng khi nói khẩu nghiệp cũng có nghĩa là khẩu ác nghiệp. Khẩu ác nghiệp phân thành 4 loại như sau:
*Ngoa ngôn, điêu trác: tạo tin giả, vu vạ...
*Vọng ngữ: Nói (viết) láo, hỗn...
*Ỷ ngữ: Nói (viết) thêu dệt, dựng chuyện...
*Lưỡng thiết: Nói (viết) châm chọc, nói móc, nói xỉa...
*Ác khẩu: Nói (viết) chửi rủa, xúc xiểm...
3. Quả báo khẩu nghiệp.
Tuy khẩu nghiệp là thứ không nhìn thấy được nhưng lại có thể sát thương, xúc phạm người khác, thậm chí nguy hiểm ảnh hưởng đến uy tín của cả quốc gia dân tộc!
Khi người ta tạo “khẩu nghiệp” tức sẽ có “quả báo khẩu nghiệp” ứng lại với mình. Thực ra kinh phật không nói người bị khẩu nghiệp sẽ bị quả báo gì, nhưng phạm vào nghiệp nặng nhất đời người cũng có thể biết rõ người tạo khẩu nghiệp sau này cũng không tránh khỏi trừng phạt, quả báo do mình gây nên. Chết rồi cũng bị đầy đọa dưới địa ngục, nếu kiếp sau thành người cũng gánh chịu quả báo vì thế cần cẩn thận lời nói từ miệng phát ra, cần suy nghĩ trước khi viết hoặc phát ngôn. Có thể lời nói của bạn là thật lòng, đúng sự thật nhưng không biết cách diễn đạt cũng sẽ khiến người ta hiểu nhầm mà suy nghĩ khác. Trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không nên tự kiêu tự mãn, ngạo mạn mà cho mình nổi bật, phi thường. Tâm phải tĩnh để suy nghĩ trước sau, tuệ phải minh mẫn thì mới phân tích vấn đề đúng đắn chinh xác, phải biết giới hạn cho lời nói (cây bút, bàn phím hoặc micro trên điện thoại thông minh) của mình để không gây nghiệp ác.
Cần cẩn thận lời nói, và viết. Lời nói và chỉ cần một vài dòng chữ đi đến tâm - vì thế sống chết cũng theo lời nói mà đi đến. Có như thế mới không phạm “khẩu nghiệp”.
LỜi KẾT: Bất kỳ những lời nói và bài viết nào có lợi cho nhân dân, có lợi cho đất nước đó là làm việc lành!
Bất kỳ lời nói và bài viết nào có hại cho nhân dân, cho đất nước đó là trái với việc lành!
Khen cái đẹp để dẹp cái xấu, đó là làm việc lành!
Vạch mặt chỉ tên những kẻ tham nhũng, hống hách, coi thường dân đó là làm việc lành!
Đoàn kết ủng hộ, bảo vệ, che chở cho những người làm việc tốt, đó là làm những việc lành!
Những lời nói, bài viết, và việc làm có lợi cho quốc gia dân tộc, cho một đất nước Việt Nam hùng cường và đại đoàn kết - đó là làm những việc lành. Đi ngược lại với những điều thiện lành nói trên, đó là việc xấu. Cần phải bài trừ, tẩy chay trên mạng xã hội./.


http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/mang-xa-hoi-va-khau-nghiep?fbclid=IwAR0smLpVbfT0COPS24t042puL4CL2zZlzzN3hbv0QFz7DFKNp7TyXhpteEI