08 novembre 2019

Chủ tịch Hạ viện mỹ muốn phối hợp cùng EU gây áp lực Trung Quốc


Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói chuyện với các phóng viên hôm 1.11 - Ảnh: Bloomberg

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mới đây nói rằng phe Dân chủ sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn Tổng thống Donald Trump bằng cách hợp lực với Liên minh châu Âu (EU) để gây thêm sức ép với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Phát biểu với các phóng viên của tờ Bloomberg hôm 1.11, bà Pelosi khẳng định Tổng thống Donald Trump đã đúng khi xác định chính sách thương mại cứng rắn của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ.

Tuy nhiên, theo bà Pelosi, cách tiếp cận của ông Trump không hiệu quả vì đã làm xáo trộn vị thế của Mỹ khi đẩy nước này vào một cuộc xung đột thương mại với Liên minh châu Âu (EU), trong khi đang có thương chiến với Trung Quốc.

“Tổng thống đã làm gì? Đẩy EU ra xa bằng cách áp thuế lên họ. Vì vậy, bây giờ họ đối đầu với chúng ta”, bà Pelosi nói và nhấn mạnh Washington cần có nhiều “chiến lược” hơn, ngoài việc xem thuế quan là vũ khí chính trong chính sách thương mại, Mỹ cần hợp lực với các đồng minh như EU, hay những nước chia sẻ chung lợi ích với Mỹ cũng như sự lo ngại về Trung Quốc.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho rằng Washington “cần phải hành động toàn diện hơn để Trung Quốc hiểu rằng họ không thể tiếp tục làm những điều như vậy”.

Bình luận của bà Pelosi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang nỗ lực trong việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc vẫn đang đặt ra nhiều hoài nghi về việc ký kết một thỏa thuận thương mại dài hạn toàn diện với Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump đang thực hiện cách tiếp cận chủ yếu là đơn phương để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc thương chiến. Mỹ đã áp thuế đối với 360 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải thực thi những cải cách về kinh tế để đảm bảo thương mại công bằng.

Tuy nhiên, cho đến nay, chiến lược này của Mỹ mới chỉ đạt được một số thành công nhất định. Trong khi thuế quan đã buộc nhiều công ty phải suy nghĩ về việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chính quyền của ông Trump dường như vẫn chưa chứng kiến được sự thay đổi toàn diện trong các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà họ đã kỳ vọng.

Ngoài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, năm ngoái, ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm từ EU và đe dọa sẽ đánh thuế vào ô tô nhập khẩu của châu Âu với mức thuế lên tới 25%, vì cho rằng chúng là rủi ro an ninh quốc gia. Mỹ sau đó cũng áp đặt thuế quan đối với 7,5 tỉ USD hàng hóa của EU, từ máy bay đến rượu mạnh. Về phần mình, EU cam kết sẽ đáp trả bằng thuế quan của riêng mình, động thái có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa.


Hoàng Vũ (theo Bloomberg)