Truyện ký (ký Văn học)
Thiện Tùng (Đào văn Tùng)
Chúng tôi rời thị
trấn Tháp Mười (Mỹ An cũ) trên chiếc đò máy chạy ngược dòng nước lũ về hướng
Bắc, hết kinh Tư Bích đến kinh Phước Xuyên với chiều dài chung khoảng 60km
xuyên qua trung tâm Đồng Tháp Mười để đến Xã Tân Thành, huyện Tân Hồng, tỉnh
Đồng Tháp (giáp biên giới Campuchia) tìm hài cốt đồng đội.
Đi tìm hài cốt đồng đội |
Lũ về, nước chảy siết,
chiếc đò đôi lúc gầm gừ cố sức ngược nước, hết buổi sáng mới đến được xã Tân
Thành. Sau bước hỏi thăm, chúng tôi tìm đến nhà Má Hai – “Mẹ Chiến sĩ”[1], người mà chúng
tôi gởi nhờ chôn 5 xác đồng đội vào mùa nước lũ năm 1966.
Ba người cùng đi ở
dưới đò, Thiện lên bờ. Khi đến cửa thấy má Hai đang ngoái trầu.Thiện gọi: “má Hai!”. Bà che tay nhìn và hỏi:
- Mầy là thằng nào?
- Con là thằng
Thiện ở nhà in Lý Tự Trọng bà quên rồi sao?!
- Đông con quá nhớ
không xiếc, ngồi đi, mầy đến thăm tao hay có chuyện chi?
- Trước thăm, sau
hỏi về 5 cái xác tụi con gởi má chôn hồi năm 1966.
- Nhớ rồi, về việc
5 cái xác ấy phải hỏi con Tư em tao mới rõ.
- Hay là má chỉ nhà
trưởng Ban Thương binh Xã hội xã để con đến đó hỏi xem sao?
Nhìn lên lịch, Má
Hai nói: thành lệ rồi, hễ chiều thứ Bảy tụi nó gom nhau chỗ Ủy ban nhậu dây dưa
tới khuya. Thôi thì đi với má đến chỗ Ủy ban xem sao.
Vừa đến cửa, giọng
nhè nhụa từ trong vang ra mấy câu lục bát:
Một yêu, uống mãi
không thôi,
Hai yêu, anh có dĩa
mồi thật ngon,
Ba yêu, anh thích
bia lon,
Bốn yêu, rượu đế để
còn trận sau.
Má Hai cũng không
vừa, vội bước vào cửa, vã lại cũng bằng 4 câu lục bát của Tửu Châm là phải:
Mồm ăn, mồm nói,
mồm cười,
Mồm hay nóc rượu
cho người ta “yêu”,
Rượu vào mồm lại
nói điêu,
Để cho cửa nát, nhà
xiêu vì mồm.
Sau đồng thanh gọi
“Má Hai!” vang trời và tiếng vỗ tay lẹt đẹt, Má Hai trách thương thay cho lời
đáp:
- Tụi bây vậy không!…
- Bà thông cảm, ở
xứ khỉ ho cò gáy nầy, rảnh không nhậu biết làm gì?! Ai đứng ngoài đó vậy?
- Thằng Thiện con
tao, nó đi lấy cốt đồng đội. Thằng Bá có đây…, ờ nó kìa.
- Làm như tụi nầy
không biết bà có mấy người con! – thuộc như lòng bàn tay.
- Bộ bây quên tao
là “Mẹ Chiến sĩ” sao?
- Vậy tụi nầy cũng
là con của bà?
- Chớ sao, nhưng
khác dòng – nó là dòng trước, tụi bây là dòng sau, lấy 30/4/1975 làm ranh.
- Trước sau gì cũng
con của bà. Nói xa hơn, chúng ta đều là con cháu vua Hùng, từ bà Âu Cơ sinh ra
đúng không?
- Đúng nhưng con
nói bắt hoàng rồi đó. Nói giỡn cho vui vậy được rồi. Nè Bá, tao và thằng Thiện
về bên nhà cho nó tắm rửa, nghỉ ngơi. Lát nữa con sang nhà má cho thằng Thiện
hỏi về liệt sĩ, ở đây lùm xùm như vầy hỏi han gì được?!
*
Thấy 3 người cùng
đi nằm dưới ghe ngủ ngon lành, Thiện cùng má Hai vào nhà và hỏi chỗ tắm. Tắm
xong, đang chải tóc phía sau, Thiện nghe má Hai hỏi: “Mầy đi đâu từ
hướng dưới đó lên?”. Tiếng đáp lại: “Con vọt xuống Bà Tư Kên Kên,
bả đi chợ chiều tối mới về, trong vụ nầy, không có bả con chịu thôi!”.
Má Hai nhai trầu
nằm trên võng. Tôi gật đầu chào Bá rồi cùng ngồi uống trà với anh ở bàn dài đặt
trước tủ thờ. Nhìn Bá tôi hỏi: Bà Tư Kên Kên là ai vậy anh Bá?
Má Hai xổm dậy thay
Bá nói ngay: Nó là con Tư em tao, bị thương cái chân đi khập khểnh ấy. Hồi đó
tụi bây gọi dì Tư Què đó quên rồi sao?!
Ra là bả! – Thiện
nói: Sao gọi bà ấy là Bà Tư Kên Kên, gọi thế không sợ bả buồn sao?
Số là vầy – Má Hai kể: Suốt thời gian dài trong chiến tranh,
hễ nghe ai chết bỏ xác ở đâu nó cũng mò đến tìm và đem xác về chôn trong vuông
đất của nó, riết rồi ở đó thành cái nghĩa trang luôn. Có lúc ngày đến tối nó
hết đi tìm xác đem về đến lo chăm sóc mả mồ. Bà con ở đây đặt chết danh nó là
“Bà Tư Kên Kên”- ở vùng nầy có 3-4 người thứ tư, gọi vậy cho phân biệt. Gọi như
thế là khen chớ đâu phải chê mà giận? Biết đâu nó còn tự hào về cái tên ấy. Suy
cho cùng, gắn cho nó cái tên đó khác nào gắn huân chương cho nó.
Thấy chúng tôi
cười, má Hai rời võng, đến ngồi cạnh Bá kể tiếp: Tao tong teo thế nầy,
có cố cũng chẳng làm được là bao. Chí tình mà nói, tao nổi tiếng và được Cách
mạng phong “Mẹ Chiến sĩ” một phần là nhờ con Tư – tao lãnh việc, nó làm, tao
báo cáo. Lẽ ra phải truy thưởng công lao cho nó. Tao là chị, hổng lẽ đề nghị
khen thưởng cho em mình coi sao được. Nhớ có lần xã bảo Dì ấy viết bản báo công
để gởi về trên xét khen thưởng gì đó, nó lắc đầu cười rồi bỏ xuội luôn. Thật
ra, chữ nó không đầy lá mít mà viết cái nỗi gì, đọc còn phải đánh vần, những
chữ khó nó lẹo lưỡi, trạo trực như người mắc bịnh “cà hước”. Sổ nó ghi chỉ có nó đọc mà còn khi thăng khi
giáng!
Má hai ngưng kể,
quệt vôi têm rầu, miệng mấp máy như phụ lực cái tay để sớm có trầu đưa vào
miệng.
Để lấp chỗ trống,
anh Bá tiếp lời má Hai nhận xét về bà Tư: Bả ít chữ nhưng nhanh nhạy,
khôn khéo, gan lì,… dễ nễ. Thời ấy, làng lính ở đây cũng hung dữ lắm, nhưng hễ
“họ mềm thì bả cứng, họ cứng thì bả mềm”, cách sống của bà “gặp sãi mặc áo cà
sa, gặp ma mặc áo giấy”, xử lý công việc theo kiểu “lấy bất biến ứng vạn biến”.
Anh “chấp chánh” Xã
hội Thương binh ở đây được bao lâu rồi? – Thiện hỏi Bá.
Mới sau nầy, chủ
yếu làm Xã hội chớ vấn đề Thương binh thì phải trông cậy vào bà Tư và má Hai
đây thôi.
Đẩy cục thuốc xỉa
sang một bên, môi trên gò lên như một khối u, má Hai kể: Tháng 8/1971, nước lũ vừa tràn đồng, trực thăng đổ quân giải vây cho
bót Tân Thành. Hai bên đụng độ suốt cả tiếng đồng hồ. Giữa trưa, bộ đội rút
theo bờ kinh ngang đây, nói: “Có 9 bộ đội tử thương trên đồng nước, cách bót
chừng 500 thước về hướng Nam, nhờ địa phương lấy xác”. Tao rối quá, hỏi con Tư
xem nó tính sao. Nó bậm môi, ghì mặt, bước tới bước lui. Đột nhiên nó vỗ vai
tao, nói dứt khoát, với vẻ tự tin: “Được rồi, quân tiếp viện đã rút,
lính sở tại chắc đã rút vào bót cố thủ không dám bung ra đâu. Chị vận động
chừng 10 người ở nhà chờ, em len lỏi ra đó xem cụ thể về hãy tính”. Nói đến đó nó vụt đi. Tao cũng tạm yên lòng.
Tao và bà con ở nhà chờ hết giờ nầy đến giờ khác, mãi đến sẫm
tối nó mới về, mình mẫy ướt loi ngoi, tóc tai rối bù, vừa đánh cạp vừa
nói: “Nhờ cỏ cao và trên đồng có
nước, sợ bót thấy, tôi bò thấp dưới cỏ tìm, khi gặp vừa trườn vừa kéo gom lại
gần mé kinh, tổng cộng được 6 xác, trong số có một xác mặc quân phục rằn ri”. Nói
đến đó, nó vào trong thay đồ rồi ra ăn cơm. Mọi người lóng nhóng quanh con Tư
như muốn chia sẻ nhọc nhằn với nó. Vừa ăn nó vừa nói như lịnh: “Việc đem những cái xác ấy về để tôi lo. Hãy
tìm ngay cho tôi những sợi dây thật chắc, có chiều dài chung khoảng 20 thước để
tôi cột những cái xác ấy bè về. Tất cả anh chị em có mặt ở đây làm 2 việc: gom
góp nylon đủ gói 5 xác; đến đám mả cạnh nhà tôi đào sẵn 5 cái huyệt rồi ở đó
chờ tôi”.
Tao hỏi sao không
lấy xuồng chở cho tiện, cho mau, nó nói ngay: “Xác nặng rinh để lên
xuồng không phải dễ, không khéo khua lụp cụp chết với lính bót. Cột dây theo
kiểu trói hai tay, cột nối dài, đưa xuống kinh kéo xuôi theo nước là tiện
nhứt”?
Vậy là gần nửa đêm
nó đem về 5 xác, xúm nhau kéo lên gói và chôn xong trong đêm.
Để đi tìm 4 xác còn
lại, sáng hôm sau, theo con Tư kể lại: Tôi dùng xuồng đến chở cái xác mặc quân phục rằn
ri ra cửa bót gọi to “Mấy ông ra nhận xác người của mấy ông còn sót lại
ni… è!”. Lính bót bán tín bán nghi nói vói ra: “Dừng lại đi… ó!,
chờ chúng tôi ra, không được vào gần!”.
Viên trưởng đồn và
2 cận vệ lăm lăm súng trên tay ra xem qua rồi nói:
- Sao bà biết xác nầy là của phía chúng tôi?
- Mấy ổng Giải
phóng đâu có mặc đồ rằn ri?
- Thôi tiện thể bà
đem về chôn đi.
- Không được đâu!
Tôi còn đi chở mấy cái xác của mấy ông Giải phóng nữa, đang nằm trên nước kia
kìa. Để đó nó sình lên, rữa ra trôi theo nước, bịnh dịch cũng không chừa mấy
ông đâu?!
- Thì sẵn bà chôn
luôn để tích đức?
- Nếu vậy, mấy ông
cho người phụ chở xuống gò dưới kia chôn chớ mình tôi làm sao siết?
- Không đư… ược! Bộ
bà tính dụ tụi tôi đến đó cho Việt Cộng giết hả?!
- Hay là mấy ông
đem vô nền bót chôn để cho sống chết bên nhau?
- Lại càng không
được. Nước ngập còn có một lõm bà không thấy sao! Không lẽ đem chôn giữa bót?!
Đó là chưa nói, chôn ở đây lính tôi sợ ma bỏ gác Việt Cộng vô lấy họng hết
sao?!
-Đúng là mấy ông
nhát như Cheo, nghi như Tào Tháo? Thôi được, cho vài chục thước nylon gói xác
chôn.
-Chúng tôi làm gì
có sẵn nylon. Một cái xác mà cần đến vài chục thước nylon lận sao, bộ bà bắt
chúng tôi bao luôn cho mấy cái xác Việt Cộng sao?
-Dốt ơi là dốt:
nylon mỏng mà gói một hai lớp nó xì ra mang họa? Nếu không có nylon đưa 300
đồng tôi mua – 300 đồng lúc bấy giờ tương đương với 300 ngàn hiện nay.
Viên trưởng đồn xây
qua nói nhỏ với một cận vệ: “Mầy vào trong bảo bà đưa cho 200 đồng để
cho mụ nầy lui đi khuất mắt!”.
Nhận 200 đồng,
chống xuồng đi, Dì ta còn vói lại: “Các ông kẹo quá. Ờ mà nè, lát nữa tôi
kêu thêm người ra chở mấy cái xác của mấy ông Giải phóng đi chôn đừng bắn ra
nghe các cha nội”. Viên trưởng đồn nói: “Làm gì ở ngoài xa thì làm,
vô gần rào bắn bỏ đa… à!?
Thấy tôi và Bá
cười, má Hai vui lây rồi kể tiếp: Tụi bây
biết không, mọi người đang buồn não ruột, nghe dì ấy kể chuyện đối thoại qua
lại với viên trưởng đồn như vừa nói trên, ai cũng cười và bái phục. Thế rồi,
ngay sau đó, con Tư với ba người nữa, mỗi người một xuồng, công khai tủa ra
tìm. Chỉ hơn tiếng đồng hồ sau tìm được 4 xác còn lại. Khi đào huyệt chôn, một
người nào đó nói: “Chôn 4 xác thôi, xác thằng Ngụy nầy quăng cho
quạ tha diều xớt chôn làm gì cho mệt”. Con Tư vọt miệng: “Bậy
à, họ cũng là người, chết rồi cố chấp làm gì. Biết đâu họ bị bắt đi lính thì
sao?! Họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh do những kẻ cầm đầu của cả 2
phía chủ xướng. Có điều, ta chôn xác người ấy riêng ra vì khác phe – chôn chung
chúng quánh lộn với nhau nữa thêm khổ”.
Thấy Bá dựa lưng
vào thành ghế mắt lim dim, má Hai vỗ nhẹ vào vai Bá nói: Mệt con qua võng nằm nghỉ chút đi. Chắc giờ nầy con Tư cũng về sắp tới
rồi.
Như gảy đúng chỗ
ngứa, Bá đứng dậy vừa đi vừa nói: Hơi “ngấm đòn”, anh Thiện nói chuyện với má
Hai, tôi ngay lưng một chút.
Như trực nhớ, má
Hai hỏi: Thiện nè, còn cái thằng nhóc, hồi đó tụi bây chở nó với 5 cái xác đến
đây bây giờ nó sống chết, đang ở đâu?
Nó là thằng Phết –
Thiện nói: Sau Giải phóng nó về Huyện Cai
Lậy (Mỹ Tho). Không biết có sự buồn giận gì đó, nó bỏ về nhà, nghèo sát số. Gần
đây nghe nói nó vào Đồng Tháp Mười khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Hồi đó nó
nhóc vậy chớ chiến địa lắm: Lúc ở nhà in Lý Tự trọng, nó là một trong những tay
tả xông hữu đột. Má biết không, năm ấy sau khi tìm gom 5 cái xác, để nằm xếp
hàng trên sàn nhà, anh em chia ra đi tìm chỗ khô về chở xác đi chôn, phân công một
mình nó ở lại với 5 cái xác mới vớt từ dưới nước lên trắng chợt. Tội nghiệp mới
16 tuổi, đêm hôm mưa gió, giữa đồng nước mênh mông không một bóng người, một
mình ngồi co ro bên 5 cái xác đã dị dạng, và giữ cho cái đèn hiệu không tắt để
anh em theo ánh đèn trở lại đúng điểm.
Mầy nói tao mới nhớ
– má Hai kể: Hồi tụi bây giao, 5 cái xác
đã chướng, có cái vỡ ra. Có lẽ do nằm dưới nước lâu nên tái mét, nở tèn lèn.
Lúc ấy nước ngập lêu bêu, giặc còn ở xung quanh, đồn bót thừa cơ bung ra, bà
con vùng nầy chạy tản cư gần hết. Tao và con Tư vì thương tụi bây, xót xa cho
mấy đứa chết mới bậm môi nhận. Đã nhận nhưng lòng rối như tơ vò vì chưa nghĩ ra
cách giải quyết. Lúc bây ra đi trời gần sáng, tao với con Tư ngồi lại bàn tính
ngay, cuối cùng nhứt trí dùng nylon của con Tư mua cụ bị gói và cột chặt từng
cái xác, để trên chiếc xuồng lớn đẩy giấu trong đám tràm sau nhà, tối hôm sau
đem đi chôn ở nền trường học, nơi nước chưa ngập, đang bỏ hoang.
Gói xác, giấu xong trời đã sáng, hai chị em bơi xuồng đến nền
trường học. Ngỡ đó còn cao ráo, nào ngờ nó cũng ngập lé đé. Không cách nào
khác, chỉ còn xắn đất chở đến trữ sẵn ở đó, tối đem xác về để khơi trên rồi đắp
đất lên.
Tội nghiệp con Tư, trời mưa cầm chỉnh cầm đổ, nó lặn hụp suốt
ngày xắn rồi lặn ôm đất lên chuyền cho tao để lên xuồng, khi đầy, 2 chị em đẩy
đi rồi cho xuống trữ ở nền trường học. Làm suốt cả ngày mà chỉ được có 8 xuồng
đất. Do lặn dưới nước đục, mắt con Tư đỏ như mắt tôm luộc, cả hai đều oải gân
oải cốt! Tối vừa khuất mình, biết chắc lính đã gom vào đồn, hai chị em ra đẩy
xuồng xác đến nơi chôn. Hai người một xác hì hụt khiêng lên để hàng ngang rồi
chuyền đất đắp lên thành 5 cái mộ. Bao nhiêu đất có thấm vào đâu, chia đều mỗi
cái chỉ được lớp mỏng. Tuy có dùng khăn bịt mũi miệng lại, nhưng mùi hôi vẫn
chui vào, thần kinh căng thẳng, đầu nhức như có dế nhũi chui trong đó! Hai ngày
liên tiếp sau đó, hai chị em phải làm thêm mười mấy xuống đất nữa đắp thêm cho
chắc ăn. Sau 3 ngày làm bất kể chết, tao nằm liệt giường còn con Tư đờ đẫn, bỏ
ăn. Tưởng vậy đã xong, chừng 2 tháng sau khi nước rút, nắng khô cái mộ nào cũng
nứt ngang nứt dọc, phải cậy bà con xung quanh xúm nhau đắp tiếp một hiện nữa.
**
Say mê câu chuyện,
một phụ nữ tuổi độ 50 trờ vào cửa mới hay. Tôi đứng phắt dậy. Má Hai hỏi trỗng
(không chủ từ):
- Về hồi nào?
- Vừa về tới, nuốt
ba hột cơm nguội, vọt sang đây xem thằng Bá gọi có chuyện gì. Nó đâu rồi?
Bá giựt mình thức
dậy nói: Đây chớ đậu, chờ bà không nổi ngủ. Tôi rót nước mời bà Tư. Má Hai hỏi
kiểm tra bộ nhớ của bà ấy:
- Dì nhớ xem, có biết thằng nào đây không?
- Chịu thua! – bà
Tư vừa nói vừa lắc đầu.
- Nó là thằng
Thiện. Nẵm gánh tụi nó ra vô đây ấm lẫm. Mùa lũ lớn nhứt năm 1966, nó cùng anh
em chở 5 cái xác mấy đứa nhà in Lý Tự Trọng đến nhờ mình chôn – có con Trần thị
Gấm đó nhớ chưa?
- Vụ ấy thì nhớ,
chớ cháu đây thì quên, mươi mấy năm rồi còn gì?! Cháu đi đâu ghé chơi hay có
việc gì?
- Trước thăm, sau lấy cốt 5 người tụi cháu nhờ
má Hai và Dì chôn trước đây.
- Sao không đợi tụi
tao chết hết rồi hãy thăm, không đợi năm chẵn rồi hãy tìm. Nếu gởi tiền của
chắc tụi bây đến lâu rồi chớ gì?!…
Có lẽ sợ Thiện
buồn, má Hai ngắt lời bà Tư, nói đỡ cho Thiện: “Từ Mỹ Tho tụi nó lặn
lội tới đây, mới gặp không thăm hỏi động viên mà gắt gõng với tụi nó làm gì!”.
Uống cạn ly nước,
bà Tư nhìn Thiện nói với giọng trầm buồn: “Với các cháu dì mới dám bạo
mồm bạo miệng như vậy. Nếu các cháu cho đó là sự xúc phạm thì cho dì xin lỗi.
La rầy tụi bây tao có lợi lộc gì, có khi còn đau lòng thêm?!”.
Nói đến đó bà Tư
nghẹn lời. Cầm tay bà Tư, Thiện đơn giản vấn đề: Có gì đâu, cháu đã chán ngấy những lời đường mật, tráo trở theo kiểu
đầu môi chót lưỡi lắm rồi, đang muốn nghe lại những câu nói thẳng thắn, chân
tình như dì Tư vừa nói. Dì trách tụi cháu như thế là phải. Dì cứ trách nữa đi,
nhưng đừng khóc – cháu chịu không nổi đâu! Đêm nay tụi cháu sẽ sang bên Dì
nghỉ, có đủ thời giờ tâm sự. Bây giờ có sẵn anh Bá ở đây, dì cho cháu biết về 5
cái xác tụi cháu gởi trước đây?
Anh Bá đứng lên,
trịnh trọng nói:
- Con mới nhận
nhiệm vụ sau nầy, biết ít quá, mọi việc phải trông cậy vào má Hai và dì Tư”.
- Chị Hai có nói gì
cho thằng Thiện nghe chưa? – bà Tư hỏi.
- Nói chung chung
thì có, cụ thể biết gì mà nói!
Nhìn tôi, bà Tư nói
ngay vào việc: Riêng mấy cái xác đó, lúc tụi cháu giao, cả cái vùng nầy
chỉ còn có nền trường học bỏ hoang chưa ngập, dì với chị Hai đây chôn riêng 5
đứa nó ở đó. Gia đình thằng Trung ở Gò Công, gia đình thằng Dũng ở Mỹ Tho đến
đây lấy cốt hai đứa nó. Ba cái mộ còn lại là của con Gấm, thằng Hiến và thằng
Sơn, đợi hoài không thấy người thân đến nhận mộ. Ngày Thương binh Liệt sĩ
27/7/1987,Tỉnh xuống xã nầy lấy hết hài cốt liệt sĩ về chôn ở Nghĩa trang Cao
Lãnh. Nhờ tóc dài còn lưu lại, con Gấm được xếp vào có danh, còn 2 đứa kia,
không phân biệt cái nào của đứa nào, đành xếp vào vô danh.
Hồi tụi cháu giao có ghi rõ tên họ,
quê quán kèm theo từng cái xác kia mà?! – Thiện nói.
Chiến tranh không
đơn giản chút nào – bà Tư nói tiếp: Trong
số hơn trăm cái mộ cán bộ chiến sĩ chôn ở vuông đất của dì, có khoảng 70 cái mộ
có tên, khoảng 30 mộ không tên. Số không tên phần lớn do dì tự đi gom nhặt nhiều
nơi đem về. Nói chung chôn có sơ đồ, có bia mộ bằng ván cây. Năm 1971, người
phụ trách Thương binh Liệt sĩ xã nầy bị bắt, mất hết hồ sơ. Đáng nói hơn, mỗi
lần càn, khi đi qua nghĩa trang – kể cả những cái mộ chôn ở nền trường học, bọn
trời đánh thánh đâm đập phá bia mộ. Đập đi đập lại nhiều lần riết hết nhớ nổi.
Bí quá mới nghĩ ra, dì nhờ anh em vẽ lại sơ đồ và viết tên họ, quê quán những
cái còn biết bỏ vào chai, nét nút kỹ chôn ở đầu mộ, đóng cọc làm dấu. Sau
30/4/1975, căn cứ vào đó lập lại bia mộ. Số có tên tuột xuống chỉ còn một nửa
trong tổng số (50%).
Những cái mộ có
tên, tập thể hoặc gia đình lần lượt đến bốc cốt đem về. Hơn 50 mộ không tên
không một ai hỏi han gì, suốt mười mấy năm, dì và bà con ở đây chăm sóc. Đối
đế, dì và cháu Bá đây báo cáo về trên. Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm rồi,
Tỉnh cử một đoàn người đến hốt hết về Nghĩa trang Cao Lãnh như đã nói ở trên.
Càng nghĩ càng thương cho gia đình và bản thân những người vô danh – sinh ra,
lớn lên, theo kháng chiến có danh, chết lại vô danh! Đôi khi dì cũng tự trách
mình, chỉ có cái bia mộ mà không sớm nghĩ ra cách bảo vệ, để cho số vô danh
tăng lên vô lý quá!…
Chuyện đã vậy –
Thiện an ủi: Thôi đi Dì, có buồn đau, tự
trách cũng không thể khác. Xét ra, cũng chẳng mấy ai trong điều kiện như vậy
làm được những điều kỳ diệu như Dì?
***
Nảy giờ ngồi làm
thinh, đột nhiên anh Bá ứng khẩu hơi lạc đề: Có điều tôi chưa tự giải
đáp, phần lớn “Mẹ Chiến sĩ” là những người độc thân, góa bụa?
Như bị thọt lét, má
Hai gượng cười, giải đáp thắc mắc của anh Bá: Mầy không hiểu cũng phải,
vì mầy đâu có độc thân và góa bụa. Mầy quan sát như vậy là kỹ. Nhưng mầy có
biết đâu, phàm là phụ nữ, ai cũng sợ cô đơn lúc tuổi già. Những phụ nữ độc
thân, góa bụa cầm chắc lúc tuổi già sẽ phải sống cô độc, không người nương tựa.
Họ thích tham gia hoạt động xã hội không phải vì danh vọng, bạc tiền mà mưu cầu
tìm cái mình đang thiếu để lấp vào khoảng trống ấy. Họ khao khát thiên chức làm
mẹ dầu phải hao tốn, cực khổ. Tình thương của họ bao la biển trời và chia đồng
cho những ai gọi họ bằng mẹ – gọi bằng Mẹ thích hơn gọi bằng Dì, và gọi bằng Dì
thích hơn các tên gọi khác – Dì như Mẹ? Cũng thấy, cũng biết chớ không đâu:
trong những người gọi tao bằng Mẹ, một số gọi thế cho vơi bớt nỗi nhớ mẹ ruột
mình – mưu cầu lợi ích tinh thần; một số không phải ít khác gọi thế để nhờ cái
nầy, xin cái kia, mượn cái nọ… – mưu cầu lợi ích vật chất. Dựa vào mối quan hệ
mẹ con như ruột thịt ấy, những người lãnh đạo cách mạng sử dụng những người “Mẹ
Chiến sĩ” như lực lượng hậu cần tại chỗ mà không phải tốn phí.
Trông có vẻ ngạc
nhiên về những gì má Hai vừa nói, Bá gợi suy: Má kết luận như thế có
vội vàng và quá đáng không?
Tao cũng chẳng biết
nữa – má Hai nói tiếp: Có điều từ sau Giải phóng (30/4/1975) đến giờ,
danh hiệu “Mẹ Chiến sĩ” hay cụ thể hơn những người Mẹ Chiến sĩ đã đi vào quên
lãng, đến nay chẳng ai còn thèm nhắc đến nó nữa. Và những ai gọi tao bằng mẹ
thuở nào, hiện giờ đang ở đâu, sống chết thế nào tao cũng không được biết! Chỉ
biết số phận cô độc trở về với cô độc?! Nhưng dầu sao tao cũng cám ơn tụi nó,
nhờ chúng mà có một thời tao đỡ trống trải cô đơn. Giờ đây mới nhận ra, dầu
không muốn cũng phải chấp nhận một thực tế: mối quan hệ Mẹ và Con Chiến sĩ
chẳng qua là sự hợp tan trò dâu biển – khi thấy còn cần thì hợp, không cần thì
tan? Đúng ra, những người độc thân và góa bụa như tao chẳng hạn, còn cần hợp
quá đấy chớ, nhưng đã hợp thì không thể đơn phương?
Phận cô độc trở về với cô độc! |
Anh Bá lại thắc
mắc: “Mẹ Chiến sĩ”hành động tự giác
như một cán bộ Hậu cần, dài hạn, dày công nuôi dưỡng, chăm sóc càn bộ, chiến
sĩ, thương binh, mả mồ liệt sĩ; còn “Mẹ Việt nam Anh hùng” chưa hẳn tự giác, chỉ
là người có chồng có con theo cách mạng chẳng may hy sinh, miễn có người chết
đủ số theo quy định là được phong danh hiệu. Trong hiện tại “Mẹ Việt nam Anh
hùng” được hưởng chế độ theo chính sách, còn “Mẹ Chiến sĩ” thì chẳng được hưởng
gì và bị lãng quên – Sao lại bất công như thế?! Điều đáng nói nữa: Liệt sĩ hay
tử sĩ gì đó đều phải có cha có mẹ, cớ sao chỉ có “Mẹ Việt nam Anh hùng” mà
không có “Cha Việt nam Anh hùng”? – Cũng lại là một sự bất công?!
Thiện xen vào: Theo
tôi, những trăn trở, thắc mắc của anh Bá là có cơ sở, không sai. Anh nhận ra
những điều bất công đó chứng tỏ anh là người có đủ tiêu chuẩn làm Xã hội Thương
binh. Nhưng chỗ anh thắc mắc không phải ở đây mà ở cấp lãnh đạo của anh?
Có lẽ nhân dịp, bà
Tư trút nỗi lòng: Hồi còn chiến tranh khó khăn, nguy hiểm vậy chớ vui,
nhà tao hết đứa nầy lui đứa kia tới như thoi đưa, nhưng sau Giải phóng chẳng
thấy một meo nào lai vãng. Những thằng sống không tới, tao lấy việc chăm sóc mộ
mấy thằng chết làm vui. Nhưng ngày lại ngày, những đứa chết có danh cũng lần
lượt theo tập thể hoặc gia đình ra đi! Cũng không sao, tao cũng còn hơn 50 cái
mộ vô danh để sưởi ấm. Thế rồi năm ngoái, Tỉnh đến hốt tất số vô danh nầy về
Nghĩa trang Cao Lãnh. Vậy là hết, một mình tao trơ trọi với một cảnh tượng não
lòng: Bên nầy là nhà tao, bên kia là mộ thằng “thằng lính Ngụy”, chính giữa là
nền cũ của bãi tha ma với những bia mộ, những mảnh nylon gói xác nhầu nát vô
dụng vứt bừa ra đó. Riết thành thói quen, khi buồn tao cũng sang bên ấy đốt
nhang cấm trên mộ “thằng lính Ngụy” bất hạnh ấy. Suy cho cùng, thằng bị gọi là
Ngụy ấy cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến, bị người ta lừa gạt hay bắt buộc
xua ra trận chết bỏ thây. Đó là chưa nói, chính tao chớ không ai khác, lợi dụng
cái xác nó qua mặt xếp bót để tìm xác mấy thằng khác phe kia. Để lát nữa tụi
bây qua bên đó xem, tao đã trồng xong cả ngàn cây Bạch Đàn trên bãi tha ma ấy,
mỗi cây như một mũi kim vá lại vết rách lòng tao.
Có lẽ muốn xóa
không gian buồn lặng và kết thúc cuộc gặp mặt, bà Tư thay đổi sắc thái, hỏi:
- Các cháu còn yêu cầu gì nữa không? Rồi chừng nào tụi
cháu về?
- Như thế đủ và rõ
rồi – Thiện nói: Đêm nay trụ lại đây – tại nhà Dì. Sáng mai chúng cháu đi Nghĩa
trang Cao Lãnh nhận mộ Trần thị Gấm và tìm hiểu thêm về 2 người vô danh, sau đó
về Mỹ Tho. Thiện đứng dậy nói tiếp: Xin thay mặt anh em cùng đi cám ơn mọi
người. Chúc sức khỏe và tạm biệt má Hai và anh Bá. Mời dì Tư ra ghe đến nhà Dì.
Khi mọi người đã
xuống ghe, má Hai còn nói vói theo: Thiện nè, trước đây
Tỉnh định gôm đất ở khu vực nầy lập nông trường gì đó, gồm cả phần đất của tao,
bà con ở đây đấu tranh quyết liệt, mấy ổng đã nhượng bộ. Tụi bây tìm coi thằng
nhóc Phết nó đang ở đâu, nói với nó có khó khăn lên tao cho đất làm ăn, định cư
luôn cũng được, không chết đói đâu! – nhớ nghe.
Thiện gật đầu. Máy
ghe nổ từ từ quay đầu rời bến.
Chú thích
[1] Trong hai cuộc kháng chiến
chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ (1946 – 1975), ở vùng hậu cứ hay vùng “xôi
đậu”, lãnh đạo kháng chiến từng địa phương chọn những phụ nữ đã tận tụy với
Cách mạng phong danh hiệu “Mẹ Chiến sĩ”. Họ như những chiến sĩ Hậu cần, không
hưởng lương, xứng đáng là những anh thư của cuộc chiến. Khi cuộc chiến đã tàn,
danh hiệu ấy, những con người ấy bị lãng quên. Còn danh hiệu “Mẹ Việt nam Anh
hùng” có sau chiến tranh – tức sau 30/4/1975.