24 décembre 2019

Vô hiệu hóa 50 trang tin mang tên lãnh đạo để ‘bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng’


Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.
Một lãnh đạo Tổng cục Chính trị của quân đội Việt Nam hôm 23/12 nói rằng cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch hiện nay “rất cam go” và “một mất một còn” với thực tế là ngoài lực lượng của chế độ cũ còn có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật.

“Mục đích của chúng là làm tan rã, suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ, lực lượng vũ trang nhân dân”, báo Dân Trí dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, nói tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019.

Theo tướng Nghĩa, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” thì cần phải có sự chuyển biến nhận thức hơn nữa trong bối cảnh cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch ngày càng “cấp bách”, “nóng bỏng” và “không nhân nhượng” khi phải đối diện với âm mưu thủ đoạn ngày càng “tinh vi, phức tạp, trực diện và triệt để khai thác công nghệ” của các thế lực thù địch, trong đó “thậm chí có những cán bộ cao cấp” và “có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang”, vẫn theo Dân Trí.

Tướng Nghĩa cũng lưu ý đến một vấn đề quan trọng khác là chống “lợi ích nhóm” trên mặt trận tư tưởng.

“Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch lợi dụng chống phá”, ông Nghĩa thông tin thêm.

Cũng tại cuộc họp của Ban tuyên giáo, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khi nói về công tác quản lý báo chí đã lưu ý về tình trạng khó khăn khi xử lý thông tin cung cấp từ “bên nọ”, “bên kia”.

“Tình trạng đơn thư của địa phương chuyển lên về báo chí rất nhiều. Khi gửi yêu cầu báo cáo thì bên này nói thế này, bên kia nói thế kia, chúng tôi rất khó xử lý”, Vietnamnet dẫn lời ông Bảo nói.

Hội nghị tổng kết năm của Ban tuyên giáo Trung ương diễn ra giữa bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam, do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, được cho là càng gần cuối năm càng “rực cháy”, khi đại án MobiFone-AVG đang diễn ra thu hút nhiều sự chú ý của công luận với một cựu quan chức của Bộ TTTT bị đề nghị án tử hình.

Hồi đầu tháng này, Tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trong một báo cáo về tình hình an ninh trật tự của thủ đô năm 2019, cho rằng các tổ chức phản động đã sử dụng phương thức cấp đất, cấp nhà miễn phí để lừa bịp, lôi kéo và chiêu dụ người dân. Tuy nhiên, một nạn nhân mất đất của Hà Nội, anh Trịnh Bá Tư, khẳng định với VOA rằng anh chưa từng biết và cũng không tin rằng chiêu thức “cấp đất, cấp nhà” này, mà chính tự bản thân Đảng Cộng sản đã làm cho người dân nhận thức ra vấn đề qua thực tế tham nhũng và tiêu cực tràn lan.

Thông tin tại cuộc họp ngày 23/12, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong năm qua, Bộ này đã xây dựng 20 kế hoạch, “chủ động nắm tình hình”, đấu tranh với 300 mạng xã hội, bao gồm Facebook, blog, YouTube, đăng tải 1.500 tin bài trên báo chính thống, 113.000 tin bài viết và video clip, 304 trang web, blog và hàng ngàn bình luận để “đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch”.

Công an Việt Nam cũng đã “vô hiệu hoá” 50 trang tin điện tử mang tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và yêu cầu dỡ bỏ hàng trăm link trên YouTube có nội dung được cho là “kích động biểu tình, gây rối và vi phạm pháp luật”.

Tình trạng siết chặt kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị tổ chức cho Đại hội Đảng khoá 13 vào năm tới.

Tháng 10 vừa qua, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí gắt goa nhất thế giới.