TP - Tin trên các báo, lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 104 tuổi vừa mất…
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Quân tình nguyện và chuyên gia giúp bạn Lào tại Sầm Nưa (Lào) Ảnh: Xuân Ba |
Năm xa ấy, theo hẹn họp hội đồng hương huyện, đến nhà NSND Tiến Thọ hội
trưởng bên kia cầu sông Cái đã thấy cụ Vĩnh chĩnh chiện ngồi ở đó từ lâu. Thì
ra thằng cháu đưa cụ đến bằng xe máy. Ngó cụ chả có vẻ gì đuôi đuối của tuổi
tác tầm cửu thập.
Bện quyện, ấm áp chuyện của những người cùng huyện Vĩnh Lộc xứ Thanh. Ai đó
xướng lên câu ca dao về sản vật quê nhà Ai về nhớ táo Phương Giai/ Nhớ ổi Đa
Bút nhớ khoai chợ Bồng. Phương Giai là Vĩnh Tiến xã của cụ Vĩnh ngay bên cạnh
Thành Nhà Hồ có thứ táo ta thơm giòn. Ổi ở làng Đa Bút - một di chỉ khảo
cổ nổi tiếng. Làng Bồng làng Báo ghi dấu trong chèo Quan Âm Thị Kính mà Tiến Thọ
hay luyến láy ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo, vùng đất khéo rèn cặp người
lại có giống khoai bở nức tiếng… Cụ Vĩnh bắt hai tay lên đầu cái can chất giọng
xa ngái thuật lại cái hồi bé tí đã phải đi khắp các xó xỉnh của làng Phương
Giai. Để làm chi vậy? Là để làm cái việc nhặt những hạt táo người ta vứt đi gom
lại rồi phơi bán cho mấy hiệu thuốc Bắc ở phố huyện.
Hội đồng hương huyện đều biết cụ Vĩnh từng có một tuổi thơ gian khó và hơi
bị dữ dội. Mới một tuổi đã mồ côi mẹ. Gia cảnh tơi tả. Từng phải đi ở, đi ăn
xin. Năm 9 tuổi, cậu bé Vĩnh bị bán cho một gia đình ở tận Hà Nội. Tiếp theo là
những chuỗi ngày nhọc nhằn của cậu bé mồ côi cầu thực ở xứ người. Mãi sáu năm
sau, cậu bé Vĩnh mới được chuộc về… May mắn, cậu sau đó được đi học. Rồi được
giác ngộ cách mạng ở tuổi hoa niên trở thành đảng viên CS năm 1937.
Trích ngang lý lịch của cụ: Sau cách mạng Tháng Tám, cụ là Ủy viên chính
trị Liên Khu 1 gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc
Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Quảng Yên và Hải Ninh. 1950 là Cục trưởng Cục Tổ
chức Tổng cục Chính trị. 1958 là Chính ủy Quân khu 4. 1959 được thăng quân hàm
Thiếu tướng. 1960-1976 Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam khoá III. 1961, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. 1961-1964: Bí thư
Tỉnh ủy Thanh Hóa. 1964-1974: Hoạt động tại Lào, Trưởng đoàn cố vấn chính phủ
ta bên cạnh lãnh đạo bạn. 1974-1987: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại
Trung Quốc, kiêm chức Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan. Năm 1990: Phó Chủ tịch
Hội Cựu Chiến binh (1990 - 1997).
Cụ đã được nhận phần thưởng cao quý, Huân chương Hồ Chí Minh.
Cụ đã được nhận phần thưởng cao quý, Huân chương Hồ Chí Minh.
Lần ấy, năm 2009, chuyến chuyên xa đưa gần hai chục lão tướng, tá trong đó
có lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từ Hà Nội sang căn cứ địa Sầm Nưa. Cụ và các cựu
binh đồng thời là khách mời đặc biệt của Đảng và nhà nước Lào nhân dịp kỷ niệm
60 năm Chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Đám báo chí trong đó có
tôi vinh dự được tháp tùng các cụ.
Chuyến đi khá… mạo hiểm bởi lộ trình xa, các cụ đa phần tuổi cao sức yếu.
Nghe nói, trước đó, Ban tổ chức đành chiều khi mà các cụ chủ động và hăng hái
chọn phương tiện xe bus tạm gọi là chuyên xa. Rằng trên đường đi sẽ có dịp ghé
nhiều địa danh những người lính tình nguyện Việt Nam từng hoạt động và tiện dịp
các cụ ôn lại nhiều kỷ niệm. Vậy nên xe chạy từ tốn, vừa phải.
Chiếc chuyên xa cứ ngược mãi trên cung chặng Bắc Lào. Ngoài những lúc các
cụ gà gật thư giãn, tôi tranh thủ ké bên để hầu chuyện cụ Vĩnh và mấy cụ. Thú
vị khi biết bí quyết để tuổi già giữ được sức khỏi bận đến con cháu của cụ là
bố trí thời gian hợp lý để tập thể dục dưỡng sinh và đánh… tổ tôm!
Cụ lại rất mê xem bóng đá. Thi thoảng cũng làm thơ. Cụ
nói nhỏ đang hoàn thành cuốn hồi ký. Gọi là hồi ký nhưng cũng chỉ khoanh lại ít
chuyện trong phạm vi hẹp để lại cho con cháu. Không rõ trong cuốn gọi là hồi
ký, những chuyện đại loại như cụ kể cho chúng tôi bữa trên xe ấy có đưa vào
không nhưng nghe khá lạ. Khi ấy tôi mới biết quãng thời gian hơn 5 năm trời cụ
bị lưu đày ở nhà ngục Kon Tum khi bị bắt năm 1940. Rồi trước thời điểm sang
giúp bạn Lào, Nguyễn Trọng Vĩnh được Bác Hồ gọi lên mời cơm. Bác thân gắp thức
ăn để vào bát và căn dặn: “Sang bên ấy, chú góp ý kiến để giúp bạn làm. Chú
không được làm thay bạn và tuyệt đối không được làm ông Toàn quyền”. Lời Bác
nhẹ nhàng pha chút hài hước nhưng mang thông điệp thấm thía là tuyệt đối không
được mang và hành xử kiểu sô vanh nước lớn!
Rồi ngay sau bữa cơm ấy, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng,
đến gặp và đặt luôn vấn đề “Anh sang đấy, anh kiêm giúp làm Trưởng đoàn chuyên gia
quân sự luôn!”. Thế là trong hơn 9 năm ở Lào, cụ vừa là Trưởng đoàn Cố vấn vừa
là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự giúp bạn!
Đầu 1974, khi vừa kết thúc 9 năm công tác ở Lào, vừa về nước được 3 tháng
thì cụ lại nhận lệnh làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Trung Quốc.
Những tưởng nhiệm kỳ đại sứ chỉ khoảng 3 - 4 năm thôi, tới tuổi hưu là được về
nghỉ. Nhưng nhiệm kỳ Đại sứ của cụ tại Trung Quốc kéo dài trên 13 năm. Có lẽ cụ
Vĩnh là người giữ kỷ lục là Đại sứ Việt Nam có nhiệm kỳ dài nhất ở một quốc gia!
Rồi thời gian làm Phó Ban Tổ chức T.Ư dưới quyền Trưởng Ban Lê Đức Thọ. Mặc
dù chỉ hơn một năm nhưng giữa hai người có nhiều kỷ niệm khá thú vị!
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (người đội mũ) trên chuyến xe thăm lại Lào |
Thời gian ở Sầm Nưa và nhiều địa điểm khác trên đất bạn Lào, chúng tôi được
trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ của cụ Vĩnh với các yếu nhân cách mạng
Lào một thời. Và cụ vui mừng khi gặp lại những cán bộ cơ sở, những người dân
các bộ tộc Lào chất phác, chân thành nên phần nào biết được chất lượng
những năm tháng hoạt động trong vai trò Trưởng Đoàn chuyên gia và Quân tình
nguyện của cụ Vĩnh!
Thế là chuyến đi qua bao nhiêu là cung chặng đèo dốc, nhờ Ban tổ chức bố
trí chu đáo việc ăn nghỉ hợp lý khoa học nên chuyến chuyên xa cả đi lẫn về các
cụ đều khỏe mạnh an toàn tuyệt đối.
Người con quê hương Vĩnh Lộc Nguyễn Trọng Vĩnh vị tướng còn lại duy nhất trong số trên 30 tướng lĩnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh tấn phong đã về cõi vĩnh hằng. Bài viết này như một nén hương viếng cụ.
Người con quê hương Vĩnh Lộc Nguyễn Trọng Vĩnh vị tướng còn lại duy nhất trong số trên 30 tướng lĩnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh tấn phong đã về cõi vĩnh hằng. Bài viết này như một nén hương viếng cụ.
Xuân Ba