31 décembre 2019

Ngao ngán với những buổi chào cờ nhưng toàn nhiếc móc


29/12/2019 06:20 Trúc Mai


 (GDVN) - "Bức xúc khi nói về tiết chào cờ đầu tuần ở trường mình: “Thầy hiệu trưởng trường con mỗi lần lên chào cờ là nói gần cả tiếng đồng hồ rát hết cả tai”.
Đầu tiên là lời kể tội của giáo viên trực tuần, kế tiếp là lời kể tội, lời răn dạy, giáo huấn của thầy cô giáo Tổng phụ trách Đội.
Sau đó, là bảng xếp hạng của các lớp do đội cờ đỏ chấm trong tuần.  

Phần cuối cùng là những lời “tổng kết chửi” của chính thầy cô hiệu trưởng. "




Cứ vào mỗi thứ hai đầu tuần, trường học nào chẳng có nghi thức chào cờ. Thời gian quy định là 1 tiết học (35 phút với học sinh tiểu học, 45 phút với 2 bậc học còn lại).
Đổi mới tiết chào cờ bằng các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn (Ảnh Phòng Giáo dục Đức Thọ)


Với thời gian như thế, nếu khéo sẽ tổ chức được tiết chào cờ hấp dẫn bằng những câu chuyện kể bổ ích, bằng những hoạt cảnh vui.

Thông qua đó, sẽ truyền tải được những thông điệp mang đầy tính giáo dục đến học sinh mà tác dụng mang đến vô cùng hiệu quả.

Nhưng không phải trường học nào cũng làm được điều đó, không ít trường học hiện nay đang biến những giờ chào cờ thành nơi mắng nhiếc và kể tội học sinh.

Để kiểm chứng lời chúng tôi vừa nói, bạn cứ thử hỏi: “Các em có thích tiết chào cờ đầu tuần hay không?, đa phần học sinh sẽ trả lời không thích.

Vì sao lại thế? Bởi không ít trường học hiện nay đang biến những giờ chào cờ thành nơi kể tội và hăm dọa các em.

Buổi lễ chào cờ thường được nhiều trường áp dụng là sau phần nghi thức chào cờ và hát Quốc ca là những “tấu sớ kể tội” học sinh đã vi phạm những nội quy trong tuần của khá nhiều thầy cô giáo đảm nhiệm nhiều vai trò.


Đầu tiên là lời kể tội của giáo viên trực tuần, kế tiếp là lời kể tội, lời răn dạy, giáo huấn của thầy cô giáo Tổng phụ trách Đội.

Sau đó, là bảng xếp hạng của các lớp do đội cờ đỏ chấm trong tuần.  

Phần cuối cùng là những lời “tổng kết chửi” của chính thầy cô hiệu trưởng. 

Từng ấy nội dung như một mô típ quen thuộc cứ được lập đi, lập lại từ tuần này đến tuần khác, rồi từ tháng này đến tháng kia, từ năm này qua năm nọ.

Thầy cô trên bục nói cứ nói, chửi cứ chửi…có lẽ những lời chửi hằng tuần quá quen thuộc nên trò ngồi dưới uể oải chẳng muốn nghe.

Không nghe, đương nhiên sẽ không tiếp thu và cũng chẳng đọng lại trong đầu các em được điều gì.

Bởi thế, học sinh vi phạm rồi cứ vi phạm hết lần này đến lần khác, hết tuần này đến tuần kia…

Không ít học sinh bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông bức xúc khi nói về tiết chào cờ đầu tuần ở trường mình: “Thầy hiệu trưởng trường con mỗi lần lên chào cờ là chửi gần cả tiếng đồng hồ rát hết cả tai”.

Nghe thế, ai ai cũng có thể hiểu rằng những lời nhắc nhở, giáo huấn kia cũng chẳng có tác dụng gì đối với các em. Và như thế, mục đích giáo dục của nhà trường đã hoàn toàn thất bại.


Làm gì để có những buổi chào cờ được học sinh hào hứng chào đón?


Để tiết chào cờ đầu tuần trở nên sinh động hấp dẫn học sinh, tạo cho các em một năng lượng mới cho một tuần học mới đầy kết quả, chắc chắn không nên duy trì kiểu chào cờ “chửi” như một số trường học hiện đang làm.

Bên cạnh những tiết chào cờ “chửi” thì vẫn có những trường học vận dụng khá nhiều các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các câu chuyện kể, các hoạt cảnh ngắn, những bài hát với nhiều thể loại trong tiết chào cờ đầu tuần.

Hay việc sinh hoạt theo chủ điểm, bổ trợ kiến thức... đều được chuyển tải bằng nhiều hình thức sáng tạo như trò chơi đấu trường, rung chuông…để 45 phút đầu tuần thành một tiết học sinh động, hấp dẫn.

Đã có những trường trung học phổ thông tổ chức những phiên tòa giả định về giới tính, về hôn nhân, về các tệ nạn xã hội mang tính giáo dục khá cao.

Đã có những trường cho học sinh hóa thân vào một số nhân vật ăn chơi lêu lổng, lười học, phá phách đua đòi và cái kết cùng với những hình ảnh thật dễ thương của những cô cậu bé chăm chỉ học hành.

Thông điệp giáo dục được lan tỏa một cách mạnh mẽ. Học sinh cảm nhận và tự rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích.

Bên cạnh những “diễn viên” không chuyên thể hiện trên sân khấu thì sẽ có hàng loạt câu hỏi vui để giao lưu với học sinh cùng những phần quà nhỏ để tạo thêm không khí hào hứng cho một buổi lễ chào cờ.

Những buổi lễ chào cờ được tổ chức như thế khi hết giờ học sinh vô cùng tiếc nuối và trông chờ đến những tiết chào cờ lần sau.

Và không cần kể tội để chửi thì học sinh cũng đã biết rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích hơn.

Trúc Mai