18 décembre 2019

VNTB - Quyền tự do viết báo


Lynn Huỳnh

(VNTB) - Tránh bị chụp mũ ‘nói xấu Đảng – Nhà nước’, bài viết này sẽ được căn cứ vào quy định của Luật báo chí số 103/2016/QH13, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016.



Nhân dân được quyền nói gì, viết gì?

Điều 4.1, Luật báo chí của Việt Nam, viết: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Diễn giải điều luật 4.1, có thể thấy rằng những người thực hiện quyền tự do viết báo như ông Phạm Chí Dũng,… là đang thực hiện công việc ‘diễn đàn của Nhân dân’.

Phương tiện chuyển tải các bài báo từ ‘diễn đàn của Nhân dân’ đó, có thể là báo chí tại nước ngoài, hay các tờ báo của chính người Việt trong nước tổ chức; và có thể những tờ báo này chưa tuân thủ các quy định của thủ tục hành chánh về tờ giấy phép báo chí được cấp của nhà chức trách.

“Chưa tuân thủ các quy định về thủ tục hành chánh” không có nghĩa là các tờ báo đó vi phạm pháp luật hình sự mà những người viết báo như ông Phạm Chí Dũng đang bị nhà chức trách của Việt Nam cáo buộc.

Không chỉ vậy, như một nhận xét của tác giả Chi Mai trên tài khoản facebook của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/1203722369824443?__tn__=K-R), thì ngay cả ‘quyền được viết báo’ ở Việt Nam như ông Phạm Chí Dũng đang phải đối mặt với quá nhiều rủi ro.

Bài báo của tác giả Chi Mai, có đoạn: “Những người được các đảng phái chính trị hỗ trợ cũng muốn sử dụng ảnh hưởng đảng phái chính trị để lên tiếng vận động cho ông Dũng. Đây là điều mà ông Phạm Chí Dũng chắc chắn sẽ né tránh vì khi còn tự do viết báo, ông Dũng đã chủ trương đấu tranh ôn hoà, không phe phái chính trị.

Đẩy ông Phạm Chí Dũng vô cái thế dính với một đảng phái chính trị nào đó là một điều mà chính quyền Việt Nam sẽ mừng như bắt được vàng vì có thêm cớ để kết tội ông kết cấu với các tổ chức khủng bố nước ngoài. (…) Ông Phạm Chí Dũng đấu tranh vì nhân quyền cho người dân Việt Nam sẽ không bao giờ chịu rời trận tuyến cho dù là có được cơ hội đi tới “bến bờ tự do”. Và có ra khỏi tù, ông Phạm Chí Dũng lại sẽ cầm bút để tiếp tục phản biện”.

Với nhận xét trên, có thể thấy rằng điều luật báo chí số 4.1 về cái gọi là ‘diễn đàn của Nhân dân’ đã không nhận được sự bảo vệ của chính pháp luật nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng cầm bút phản biện bằng quyền của một “Nhân dân” được viết hoa đầy trân trọng ở Hiến pháp lẫn Luật báo chí. Những lời phản biện của ông Dũng đương nhiên là trong nhiều trường hợp là ‘không hề dễ nghe’ với ai đó. Trung ngôn thì luôn nghịch nhỉ. Thành ngữ Trung Hoa chẳng phải đã nhắc nhở là gì.

Quyền tự do viết báo

Trường hợp cô gái ‘ném dép’ Nguyễn Thùy Dương ở Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn cũng là một đơn cử cho quyền tự do viết báo.

Nguyễn Thùy Dương chọn ‘viết báo’ trên tài khoản cá nhân facebook của mình. Là người trong cuộc của vụ việc người dân khiếu kiện về khuất tất trong dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong một tiếp xúc cử tri, Nguyễn Thùy Dương đã không dằn được phẫn nộ và cô ném/ chọi một chiếc giày cao gót mà mình đang mang về phía bà đại biểu hội đồng nhân dân quận 2.

Sau vụ việc ‘ném dép/ giày’ ấy, Nguyễn Thùy Dương được cộng đồng mạng quan tâm, và cô gái này đã liên tục có những bài viết rất sắc về pháp luật đất đai trên tài khoản facebook của mình. Nói như cách của tác giả Chi Mai về trường hợp người viết báo Phạm Chí Dũng, thì nhiều phe nhóm trong nước cho tới đảng phái chính trị của người Việt ở hải ngoại đều muốn lôi kéo cô gái này về cho tổ chức mình.

Cũng như nhà báo Phạm Chí Dũng, cô gái tuổi đôi mươi Nguyễn Thùy Dương chọn sự độc lập và trung thành với tiếng nói vì quyền lợi của chính đồng bào thấp cổ bé họng của mình.

Phía nhà chức trách sẽ cho rằng các lập luận kể trên với trường hợp ông Phạm Chí Dũng, và có thể là cả Nguyễn Thùy Dương là dấu hiệu vi hiến, vì điều 14.2 của Hiến pháp có ràng buộc là “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Tuy nhiên nếu diễn giải điều 14.2 của bản Hiến pháp 2013, thì các cụm từ “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” cần làm rõ là có phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống các văn bản của đảng cộng sản Việt Nam?

Không đồng tình có nghĩa là kình chống?

Cựu luật sư Nguyễn Thanh Lương từng kể rằng hồi ông bào chữa trong phiên tòa cáo buộc nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên về tội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam, trước tòa phúc thẩm, Phương Uyên đã tuyên bố một cách hùng hồn: “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống đảng cộng sản không phải là chống phá đất nước, dân tộc”.

Nhiều bài viết của ông Phạm Chí Dũng đã không đồng tình với đảng cộng sản, nhưng ông không kêu gọi tìm cách lật đổ đảng cộng sản, nghĩa là ông Phạm Chí Dũng hiểu rất rõ rằng ông đang thực thi điều 19, Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR).

Điều 19 này đã khẳng định: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào.

Ông Phạm Chí Dũng cũng hiểu rằng các quyền ấy có thể phải chịu những hạn chế nhất định mà ICCPR đã ghi rõ, đó là “Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Chưa bài báo nào của ông Phạm Chí Dũng trên trang Việt Nam Thời Báo, hay VOA, hoặc báo Người Việt cho thấy ông đã vi phạm các quyền được giới hạn nêu ở điều 14.2, Hiến pháp 2013.

Trong khi đó thì Luật báo chí của Việt Nam đã dành hẳn điều khoản để bảo vệ cho quyền tự do viết báo như ông Phạm Chí Dũng, “Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: 1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới”. Tiếc là điều khoản đó trong một số trường hợp đã bị vô hiệu khi ai đó muốn chính trị hóa một quan hệ dân sự.

Việt Nam ký đủ các công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, trong đó có tự do báo chí, ngôn luận và tư tưởng, nhưng không có một tổ chức tự do được thành lập để bảo vệ các quyền này và tương tự Việt Nam còn thiếu các cơ chế để đảm bảo thực thi các điều luật liên quan, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC hôm 09/5/2019 từ Sài Gòn. (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48220287).

Nhận xét trên của luật sư Trần Quốc Thuận đã góp thêm lý giải về quyền tự do viết báo ở trường hợp của ông Phạm Chí Dũng, cũng như một vài nhà báo tự do khác đang được nhà chức trách Việt Nam ‘để mắt chăm sóc’.
 Lynn Huỳnh