22 décembre 2019

Tin đáng lo, biển Việt Nam vắng bóng hải sâm, bào ngư, tôm hùm



20/12/19



bào ngư
Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, song nguồn lợi các loài giá trị cao như hải sâm, tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng, cầu gai sọ dừa đang ngày càng ít dần.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật. Trong đó có khoảng 2.038 loài cá, 6.000 loài động vật đáy, 225 loài tôm biển, 5 loài rùa biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 653 loài rong biển, 14 loài cỏ biển, hơn 400 loài san hô, 657 loài động vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn và 43 loài chim nước.


Giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam phong phú về thành phần loài sinh vật, gen và các kiểu hệ sinh thái.

Đáng chú ý, nước ta có đường bờ biển dài hơn 3.260km, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh ven bờ, trong đó vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37% diện tích, có nhiều đảo, cụm đảo xen kẽ tự nhiên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác hải sản, phát triển ngành kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng.

Mỗi năm nước ta khai thác khoảng 3.707 nghìn tấn thủy hải sản từ biển


Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8.162 nghìn tấn, trong đó khai thác 3.707 nghìn tấn, nuôi trồng 4.391 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dự kiến đạt 8.800 triệu USD, bằng 83,8% kế hoạch và 100% so với năm 2018.

Song, báo cáo của Tổng cục Thủy sản cũng nêu rõ, thủy sản Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch,... ); suy thoái hệ sinh thái thủy sinh như san hô, cỏ biển,... ; hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp: tàu cá hoạt động sai vùng, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, khai thác, tiêu thụ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm,...

Tình hình tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, mành, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, sử dụng chất nổ để khai thác trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, đặc biệt là trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt vẫn diễn ra; dẫn đến nguồn lợi các loài giá trị cao như hải sâm, tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng, cầu gai sọ dừa suy giảm.
Nhiều loại hải quý như bào ngư, tôm hùm, hải sâm ngày càng vắng bóng ở biển Việt Nam
 Tại Hội nghị Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, do Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nếu không có tư duy đúng về bảo tồn biển sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn.

Theo Thứ trưởng Tiến, việc Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội thông qua được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc định hướng, các giải pháp cho bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn biển, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó tập trung vào các đối tượng được giao quản lý nguồn lợi thủy sản, những người khai thác thủy sản tự nhiên, đặc biệt là đánh bắt trái phép như xung điện, chất nổ, chất độc, giã cào;

Tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng,...

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân, cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, điều tra nghề cá thương phẩm; đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của chúng để phục vụ hoạt động quản lý. Ưu tiên công tác thành lập, quản lý khu bảo tồn biển", ông Tiến nhấn mạnh.


Châu Giang